[Góc chia sẻ thời trang dành cho dân outdoor] – Jottnar: Từ cây chuyện cổ tích của tuổi thơ đến đời thực

Nếu bạn là người đã từng đi du lịch ở các thành phố lớn của Châu Âu như Milan, Paris, London, Florence, Venice,…sẽ chứng kiến dân du lịch Trung Quốc xếp hàng dài ở các store của LV, Channel, Prada, P&G để tranh nhau vào mua đồ ở đây, trong đó cũng có nhiều du khách Việt. Các store chỉ mở cửa cho một số lượng khách nhất định vào mua, sau đó mới tiếp tục cho những người khác vào khi đã có khách mua xong rời khỏi store. Cảnh tưởng đó cho thấy mức độ phủ sóng của các thương hiệu này như thế nào.

Vậy đối với dân phượt (là những người ưa thích loại hình du lịch trải nghiệm, hiking, trekking,…) có mê hàng hiệu hay không? Chắc chắn là có, đó là hàng hiệu của giới outdoor như Arcteryx (Canada), Norrona (Na Uy), Fjallraven (Thụy Điển), Rab (Anh) hay Mammut (Thụy Sỹ). Dân phượt đề cao tiêu chí bền, nhẹ, co giãn tốt, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hút ẩm, chống thấm nước thì còn phải có kiểu dáng trẻ trung, thẩm mỹ. Hàng hiệu của dân phượt phải đảm bảo an toàn nhất, hỗ trợ tốt cho các hoạt động ngoài trời, không chạy theo model, ganh đua,…như các tín đồ mê hàng hiệu LV, Prada,…Từ góc nhìn của mình thì các hãng outdoor của Châu Âu, đặc biệt là từ Bắc Âu mới là đỉnh nhất, các hãng của Mỹ chỉ xếp ở thứ hạng sau mà thôi.

Trong phạm vi của status này, mình xin bật mí với các bạn một câu chuyện phía sau của những món đồ outdoor hàng hiệu có ý nghĩa như thế nào.

Hãng thời trang outdoor non trẻ của Na Uy, Jottnar được thành lập vào năm 2013 bởi 2 cựu thủy quân Hoàng gia, đồng thời cũng là những nhà leo núi chuyên nghiệp người Na Uy hầu như được nhiều người biết đến, đã tạo ra bộ nhận diện thương hiệu với chiếc logo được cách điệu từ chiếc búa của thần sấm Thor và câu slogan “Conquer Giants” – Chinh phục những kẻ khổng lồ. Chỉ nhìn thấy logo và nghe câu slogan này thôi cũng đã thấy rất ấn tượng rồi.

Tên các sản phẩm của Jottnar được đặt tên theo những nhân vật trong thần thoại Bắc Âu, như thần Odin, thần sấm Thor, rắn thần Ragnarok, sói khổng lồ Fenrir,…Những cái tên không lạ với chúng ta qua bộ truyện thần thoại Bắc Âu thời trẻ thơ hay qua các bộ phim về siêu anh hùng do Marvel sản xuất. Ý nghĩa của những sản phẩm được ẩn dụ rằng khi khoác lên người những món đồ này thì các nhà leo núi, trekker, hiker, backpacker sẽ có những bộ giáp của các nhân vật thần thoại, chống lại được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những ngọn núi cao hiểm trở, vượt qua được những hành trình gian khổ, những cung đường đầy khó khăn mà chúng ta đang muốn chinh phục.

Lấy dẫn chứng về chiếc áo Hard Shell Waterproof (loại áo bảo vệ lớp ngoài cùng khi leo núi, hiking, trekking) có tên là Odin, lấy theo tên của vị thần đứng đầu trong thế giới thần thoại Bắc Âu và cũng là vua của “thị tộc” thần thánh Aesir. Ông là vị Thần chiến tranh, có khả năng quyết định chiến thắng trong những trận chiến và cũng là thần của sự khôn ngoan. Odin là cha của thần sấm Thor cũng như đứa con bất hiếu Loki. Hoặc một chiếc áo khác có tên là Jormun, chiếc áo chống gió, tuyết, mưa, đặt tên theo rắn khổng lồ Jörmungandr, con của thần Loki, gọi thần Odin là ông nội. Với chiếc áo mang tên Jormun, hãng Jottnar muốn sản phẩm của mình như là những chiếc vảy của rắn khổng lồ huyền thoại trong thần thoại Bắc Âu, có thể chịu đựng được các trận chiến long trời lở đất.

Đối với chiếc áo thuộc dòng Down Jacket (áo lông ngỗng, lớp mặc thứ 2 sau lớp áo hard shell) có tên là Fenrir, đây là con chó sói khổng lồ, nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với thần thoại Bắc Âu. Từ lúc mới sinh, trong khi phát triển hay đã trưởng thành, hắn đều được mô tả đặc biệt với nhiều chi tiết tàn ác, bá đạo. Fenrir không xuất hiện trong rất nhiều câu chuyện của thần thoại Bắc Âu nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong số phận của các vị thần. Đặc biệt là cuộc chiến kinh thiên với ông nội và cũng là vị thần tối cao Odin. Sói quỷ Fenrir cũng là con của thần Loki, được biết đến qua vai diễn của nam tài tử người Anh Tom Hiddleston. Fenrir được thiết kế tinh xảo, có trọng lượng siêu nhẹ (390 gram) và rất ấm (chỉ số giữ nhiệt 850 fill power); được may bằng lớp vải chống thấm chất lượng cao nhất, nó có thể giữ nhiệt cho cơ thể ngay cả khi bị ẩm, được xếp hạng trong Top 10 chiếc áo lông vũ nhẹ và ấm nhất năm 2020. Tương tự như vật là một chiếc áo Down Jacket khác có tên là Thorsen (một cái tên khác của thần sấm Thor) có trọng lượng khoảng 375gram. Nếu xếp những chiếc áo này bên cạnh những chiếc áo lông ngỗng hàng hiệu như Burberry chẳng hạn thì ta sẽ thấy chiếc áo nào mới đúng là “hàng hiệu” dành cho đi du lịch khám phá, trải nghiệm.

Được biết, một chiếc áo lông ngỗng có chỉ số giữ nhiệt (fill power) cao thì giá trị càng lớn, càng ấm. Chỉ số giữ nhiệt có thể dao động trong khoảng từ 450 đến 900. Với trang phục dành cho các hoạt động ngoài trời thì chỉ số giữ nhiệt thông thường rơi vào khoảng từ 600 đến 800. Xưa kia Mị Châu đã “rải lông ngỗng” làm lộ thông tin quân sự cho chồng là Trọng Thủy, dẫn đến thất bại của Âu Lạc trước đội quân của Triệu Đà, làm xấu đi hình ảnh của những chiếc lông nghỗng, nhưng bây giờ những chiếc áo lông nghỗng là cực kỳ quý giá đối với dân phượt. 

Một chiếc áo khác thuộc dòng Flecee có tên là Alfar HF, có nghĩa là chiếc áo của các vị thần người Elf trong thần thoại Bắc Âu, dùng làm lớp áo thứ 3 (sau lớp này là lớp thứ 4 base layer), chiếc áp này sử dụng công nghệ Polartec® Wind Pro® Hardface® (HF). Tay áo Polartec® Wind Pro®, mũ trùm đầu và mặt bên được cường lực với ứng dụng Hardface® mang lại khả năng co giãn, chống thấm nước, đồng thời giữ ấm khi cần thiết. Các sợi của Wind Pro® có khả năng thẩm thấu không khí nhưng được kết hợp chặt chẽ với nhau giúp giảm độ lạnh của gió và chịu được độ ẩm. Ứng dụng bề mặt Hardface® giúp tăng khả năng chống mài mòn và kéo dài tuổi thọ của áo.

Sử dụng những chiếc áo hàng hiệu này có thể yên tâm sẽ không bị các Chủ tịch tập đoàn đa cấp, tài chính ảo, những Ông hoàng đọc lệnh, bà Chúa thổi nến copy ảnh để sống ảo.

Những thông tin trên là từ sự tìm hiểu, trải nghiệm sử dụng sản phẩm cho những chuyến đi, đặc biệt là tìm hiểu kỹ càng về ý nghĩa của từng món đồ. Khi sở hữu những chiếc áo này, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, bảo quản còn hơn chăm bẳm Sugar baby ahihi. Thế nên, nói về hàng hiệu, dân outdoor cũng cuồng không kém. Khi đi du lịch ở châu Âu, những lần lạc bước vào các store của Norrona, Mammut hoặc các store bán đồ chung của nhiều hãng, thấy những cô gái mặc đồ của hãng này vào mua đồ để chuẩn bị leo núi, ta nói nó mê gì đâu, đẹp theo cách khỏe khoắn, năng động, chỉ biết nhìn thèm nhỏ dãi.

Đam mê xê dịch, thám hiểm, chinh phục những vùng đất mới không có nghĩa là ham chơi, vô công rồi nghề, không biết tiết kiệm,…vv và mây mây mà nó là thử thách bản thân, là động lực để làm việc, sống lành mạnh, có ý nghĩa và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng hữu ích để có được những chuyến đi an toàn, trở về khỏe mạnh để tiếp tục cống hiến, chinh phục những mục tiêu tiếp theo – “Life is a journey” mà câu chuyện như trên là một ví dụ.

PS. Do đam mê Thần thoại Bắc Âu, câu truyện đầu tiên khi bắt đầu say mê đọc sách, là niềm cảm hứng, chắp cánh cho những ước mơ sau này nên sưu tầm đủ những sản phẩm mang tên các vị thần, nhân vật trong bộ truyện này do Jottnar sản xuất.

Nguồn: DU LỊCH KHÁM PHÁ CHÂU ÂU

Chiếc áo Alfar HF mặc khi đi leo núi rất tiện ích.
Sói quỷ Fenrir.

Chiếc búa của thần sấm Thor.
Logo Jottnar

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *