Góc chia sẻ: tại sao mình hứng thú với lịch sử châu Phi?

Cách đây khá lâu, mình có định khởi đầu một seri bài viết ''Tìm hiểu về các cuộc chiến tranh ở miền Nam châu Phi giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh''. Tạm thời thì nó đang chết yểu, sau khi viết được 2 bài về Zimbabwe và Mozambique, cùng 1 bài ngoài lề về Cách mạng Bồ Đào Nha. Lý do chưa thể viết tiếp thì nó rất là trái ngược và oái ăm: về Angola thì nó quá rối, chưa biết viết thế nào cho ngắn gọn, còn về Namibia thì…quá khó kiếm, kể cả bằng tiếng Anh.
Nhưng đó là việc lúc khác, còn trong bài này mình chia sẻ cá nhân, tại sao mình định làm seri về miền Nam châu Phi như vậy, và tại sao mình lại hứng thú với châu lục này, trong khi trong mắt nhiều người, lục địa Đen không đáng để tâm tới.
Hứng thú về châu Phi của mình bắt đầu ở một bài Lịch sử 9. Theo trí nhớ của mình, thì hôm có bài học về châu Phi, dạy bằng máy chiếu có một đoạn nói đại khái là “chế độ phân biệt chủng tộc tồn tại ở 3 nước Rô-đê-di-a, Tây Nam Phi và Cộng hòa Nam Phi''. Mình hoàn toàn có đủ tự tin để nói rằng, có thể chỉ được tất cả các nước trên bản đồ thế giới mà không cần nhìn tên. Nhưng trong đầu, mình chắc chắn chưa gặp quốc gia nào tên ''Rô-đê-di-a'' cả. Nhưng đoạn sách bên dưới sách cho biết Rô-đê-di-a chính là nước Zimbabwe ngày nay.
Nhưng câu hỏi đó mình vẫn ôm đi: tại sao đất nước này đổi tên? Nếu là bây giờ, thì rõ ràng chỉ cần ngồi Google vài phút là giải đáp được rồi ??. Nhưng trước đấy thì khác. Chưa dùng nhiều Google Chrome như bây giờ, đôi lúc vẫn còn dùng Internet Explorer. Lúc đầu dùng Internet nhà vẫn dùng gói gì đó, mà trả tiền sau theo lưu lượng sử dụng, không có chuyện ngồi mấy chục giờ liền lướt web như giờ được. Và tất nhiên là lập facebook bằng điện thoại bấm nhé.
Sau này mình vẫn giữ sở thích với lịch sử, và đặc điểm là càng ít giới thiệu mình càng mê. Đó là lý do tại sao mình thích tìm hiểu lịch sử thế giới hơn Việt Nam. Trên thế giới thì như sách giáo khoa tập trung vào châu Âu, châu Á (rõ ràng điều đó hợp lý với học sinh). Vậy nên ngoài sách giáo khoa, thì mình thích tìm hiểu về các khu vực còn lại, châu Phi, Mỹ Latinh, thế giới Arab (các bạn biết đấy, châu Á trong sách giáo khoa chẳng mấy đả động đến các nước Arab).
Còn một sở thích khác nữa: đọc sách báo cũ. Quan điểm của mình khi tìm hiểu lịch sử là: phải ở vị trí của người thời điểm diễn ra sự kiện đó. Cách mà mình chọn là đọc sách báo cũ vào những thời điểm xưa, mới biết người lúc đó nghĩ gì. Từ đó mình tìm ra sự thú vị trong sự chuyển biến của từ ngữ báo chí qua thời gian. Đừng nghĩ gì sâu xa, trước hết mình cảm thấy dần dần sự biến mất của mấy dấu gạch nối kia (Dim-ba-bu-ê => Zimbabwe) ??. Rồi thì những cách phiên âm Hán-Việt xưa cũ của các thành phố Bá-linh, Nữu-ước,…
Sau đó mình mới bắt đầu phát hiện ra vài sự ''không hợp lý'' nhè nhẹ (phần này thì có đụng chạm đến chính trị). Ví dụ, trên báo Nhân dân những năm 1959, hay xuất hiện một nhân vật ''Thủ tướng Cát-xem của Cộng hòa Iraq''. Theo những gì viết trên đó, thì có vẻ ông là một lãnh tụ Cộng sản Iraq vừa làm cách mạng lật đổ nền quân chủ Iraq, thành lập nước Cộng hòa độc lập và cải cách xã hội Iraq. Một cuộc nổi dậy chống lại ông được viết là ''phản cách mạng'', và tin tức về thắng lợi của Thủ tướng Cát-xem chống lại cuộc nổi dậy đó được báo nhân dân ca ngợi, mít tinh ủng hộ Iraq được tổ chức,…
Nhưng bây giờ, chắc nhiều người thấy. Cát-xem của Iraq là ai? Tôi chỉ biết lãnh đạo Iraq Saddam Hussein thôi. Bây giờ search Google cũng chưa chắc tìm được tư liệu tiếng Việt về thủ tướng Cát-xem nữa (giờ mình quen viết tiếng Anh là Qasim). Có thể nói Thủ tướng Cát-xem đã ''bay màu'' khỏi tâm trí người Việt Nam về Iraq, dù thực tế là chính quyền Cộng hòa Iraq của ông tồn tại đến năm 1963. Điều đó đã khiến mình tìm hiểu về lịch sử Cộng hòa Iraq hiện đại, và đã biết nhiều điều chưa kể tới.
Đấy là chuyện về Iraq. Còn lý do trực tiếp mình muốn viết loạt bài về miền Nam châu Phi, là sau khi tìm được mẩu báo dưới đây trong lưu trữ của Thư viện Quốc gia: Miền Nam châu Phi rực lửa đấu tranh. Đọc xong là thấy ''rực'' luôn. Ngay sau chiến tranh Việt Nam thì miền Nam châu Phi bùng lên là lục địa chiến tranh mới chống chủ nghĩa thực dân. Trong bài viết của báo nhân dân thì lúc có 3 nước Rô-đê-di-a, Na-mi-bi-a và Nam Phi. Nghĩ là sẽ có thêm 3 nước XHCN ở khu vực này.
Sự thật còn choáng hơn! Gần như tất cả các nước Nam châu Phi đều trở thành các nước XHCN. Mozambique, Angola, Zambia đều đã là các nước Xã hội chủ nghĩa từ trước khi bài báo này được viết. Vậy thì chẳng phải cả một khu vực đã biến thành một thành trì Xã hội chủ nghĩa sao?
Mình thì không bất ngờ, nhưng nhiều người mình gặp đã bất ngờ khi biết Zimbabwe cầm quyền bởi một đảng Xã hội chủ nghĩa (ZANU). Bất ngờ khi biết Angola có tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất ngờ khi biết một ông người Zambia đòi ''đi lên vũ trụ trong thùng phuy'' lại nhận chung Huân chương Vệ quốc của Liên Xô với Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (ông là Edward Makuka Nkoloso). Mình không bất ngờ bởi đã biết các nước này đều là các nước Xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh Lạnh qua tìm hiểu trước.
Điều mình bất ngờ chính là việc ít người biết đến các nước này, hoặc là ít biết về các lãnh tụ ở các nước đó, mặc dù hoàn toàn không phải là họ chưa được đề cập. Thậm chí là được đề cập nhiều là đằng khác, trên báo chí như thế này cách đây chưa lâu. Ngay dưới bài viết của báo nhân dân trong ảnh dưới đây, đã nêu ra tên 2 lãnh tụ du kích của Zimbabwe là R.Mu-ga-bê và G.Nơ-kô-mô. Mugabe thì hẳn nhiều người cũng nghe qua rồi, còn Nkomo thì chắc là không. Vậy nên một câu hỏi mọc ra cho mình là phe của Nkomo đã đi đâu? (câu trả lời là bị Mugabe đàn áp sắc tộc giết chết nha).
Thực ra, cũng vì các nước Nam châu Phi không hẳn còn là các nước XHCN theo định nghĩa của nhiều người nữa, nên họ không để ý. Các nước này hiện nay đa đảng, có đảng đối lập, nhiều người không coi là nước Xã hội chủ nghĩa, nên họ không quan tâm bằng Cuba, Triều Tiên, Venezuela,…Cho nên mình muốn tìm hiểu, tại sao các nước Nam châu Phi lại khác với Việt Nam như hiện nay? Câu trả lời là những sự kiện diễn ra trong những năm sau đó, đã làm tình hình thay đổi. Và như vậy, mình định tổng hợp loạt bài về những sự kiện ở các nước Nam châu Phi giai đoạn cuối chiến tranh Lạnh cho mọi người tham khảo, biết thêm về những người đồng chí xưa.
Nói riêng về Nam châu Phi là vậy, còn toàn cục châu Phi còn nhiều hơn những điều hay ho nhiều người chưa biết, làm mình đặc biệt hứng thú với châu lục này. Ví dụ như chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nước Bê-nanh (tự hỏi nước quái nào thế?) cho biết thêm nhiều nước đồng chí. Việc Che Guevara từng đến Congo trong bí mật năm 1965 rồi rời đi tưởng chừng cuộc đấu tranh ở Congo đã thất bại, thì một người Cộng sản Congo lại kiên cường ở lại chờ thời cơ tận 35 năm để rồi cuối cùng quay trở về giành chiến thắng. Rồi Thomas Sankara, ''Che Guevara'' của châu Phi với những cải cách truyền cảm hứng tận ngày nay. Rồi một ''Lưỡng quốc phu nhân'' làm vợ 2 tổng thống của Nam Phi và Mozambique,….
Tất nhiên tìm hiểu lịch sử châu Phi không chỉ là về Chiến tranh Lạnh, những chuyện tư bản – cộng sản, bla bla,…
Nó gồm những sự kiện mà mình gọi là những ''phát hiện'' để biết những gì đã biết trước đây chưa hẳn đã đúng hoàn toàn. Người Tanzania từng ''cosplay xuất sắc'' Việt Nam những trong một cuộc chiến tranh diễn ra song song Chiến tranh biên giới 1979. Người Chad cũng phải mất 30 năm chiến đấu và chống ngoại xâm mới thống nhất được tòa vẹn lãnh thổ qua vĩ tuyến 16. Những cuộc tham chiến có hùng có bi của quân đội Cuba trên khắp lục địa Đen. ''Phát hiện'' ra châu Phi hàng ngàn năm qua vốn đã không đồng nhất mà bị chia đôi rất mạnh giữa người da đen và người Arab, giữa Hồi giáo và Thiên chúa giáo (các bạn đừng coi thường phát hiện này, có người vẫn hỏi tại sao thấy người Libya không đen đấy). Rất nhiều người bỏ qua sự phân chia Arab-da đen ở châu Phi nên hiểu sai về các cuộc chiến ở đây. Phát hiện ra, việc buôn bán nô lệ ở châu Phi không chỉ bên bờ Đại Tây Dương bởi thực dân châu Âu như được mô tả, mà còn diễn ra bên bờ Ấn Độ Dương bởi người Arab, với quy mô lớn hơn nhiều. Phát hiện ra Đế quốc Oman ở bán đảo Arab lại có phần lớn lãnh thổ và thủ đô tại Đông Phi,…
Trên đây là vài chia sẻ cá nhân của mình, hơi ngoại lệ so với quy định của nhóm, hy vọng tạo được ít nhiều cảm hứng của những người muốn tìm hiểu lịch sử các khu vực xa xôi ví dụ như châu Phi. Trước đây Group đã có một số bài viết về khu vực này (và Iraq), mình liệt kệ ở dưới nếu ai muốn tìm hiểu chủ đề nào mình sẽ đưa lại.
-Lịch sử Cộng hòa Iraq
-Lịch sử Đế quốc Oman
-Thomas Sankara – biểu tượng cách mạng châu Phi
-Nikolai Leontiev – người Nga giúp Ethiopia kháng chiến chống quân Ý
-Các sự kiện liên quan đến diệt chủng Rwanda 1994.
-Lịch sử đảo quốc Zanzibar – một Singapore đã mất!
-Chế độ độc tài Idi Amin và chiến tranh Uganda – Tanzania
-Chuyện hài: chương trình vũ trụ của Zambia.
-Khủng hoảng Congo 1960-1965
-Nội chiến Rhodesia (Zimbabwe)
-Nội chiến Mozambique.
-Cách mạng Hoa cẩm chướng Bồ Đào Nha
-Chiến tranh Liberia
-Chiến tranh Chad-Libya.
-Chiến tranh Ogaden giữa Somali và Ethiopia.
-Chiến tranh Cát giữa Morocco và Algeria-Ai Cập-Cuba



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *