Giữa lòng tăm tối và câu chuyện về Joseph Conrad

Giữa lòng tăm tối và câu chuyện về Joseph Conrad – một trong những nhà văn vĩ đại của văn chương Anh quốc dù cho ông viết văn bằng ngôn ngữ thứ 3
Joseph Conrad là một trường hợp đặc biệt, ông sinh ra tại Ukraine, mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 11 tuổi. Năm 1874, ông đến Marsellies và làm công việc thủy thủ trên những con tàu buôn Pháp-Anh trước khi nhập tịch Anh quốc vào năm 1886. Mãi đến năm 21 tuổi, ông mới bắt đầu học nói Anh ngữ, thứ tiếng được ông sử dụng hết sức tài tình trong văn chương của ông. Heart of Darkness (ở Việt Nam được xuất bản dưới cái tên Giữa lòng tăm tối), là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, luôn nằm trong top những cuốn sách tiếng Anh xuất sắc nhất mọi thời đại. Tác phẩm dày chưa đến 200 trang nhưng ẩn sâu bên trong là trùng trùng lớp nghĩa khiến cho người đọc than thở rằng dù có đọc hết cả cuốn đến cuối vẫn chẳng hiểu mình vừa đọc cái gì.
Đã có nhiều tác phẩm khai thác chủ đề số phận của chủ nghĩa thực dân, những kẻ khoác danh “khai sáng thuộc địa” nhưng thực chất chỉ là những kẻ bòn rút, tàn phá, thậm chí giết hại người bản địa. Cuốn sách kể về hành trình phiêu lưu hải hồ của Marlow (mà nguyên mẫu là Conrad), hắn chạy vạy khắp nơi để xin một chân nhiệm vụ đi ngược sông Congo để giải cứu Kurtz, một gã buôn ngà voi bí hiểm đang ốm liệt giường trở về lục địa. Marlow đã chứng kiến hiện thực tăm tối tại nơi người ta khai thác ngà voi, những người nô lệ bị cầm tù. Tất cả đã tác động mạnh mẽ đối với nhân sinh quan, thế giới quan của Marlow, khiến anh nhận ra tội ác của đế quốc Bỉ ở lục địa đen Congo. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Hình ảnh “tăm tối” (darkness), được trở đi trở lại trong từng trang sách, ám thị người đọc một nơi chốn rừng thiêng nước độc, đầy rẫy hoang sơ và man di mọi rợ. Nhưng thiên nhiên có “tăm tối” đến đâu cũng không thể bằng lòng người hiểm ác. Cái vùng đất hoang sơ ấy là nơi người da trắng tàn sát, thỏa mãn lòng tham vô đáy dựa trên xương máu của người dân bản địa mà đại diện của đám da trắng đó là Kurtz – thủ lĩnh của những bộ tộc da đen. Đâu mới là giữa lòng tăm tối? Là đế quốc dẫu có nhân danh văn minh đến đâu nhưng hành xử thì tàn ác, hay là vùng lục địa đen xa xôi hiểm trở không được khai sáng?
Người ta sẽ không quên tội ác của vua Leopold II với những lời nói tô vẽ cho việc khai sáng thuộc địa, cứu rỗi man di, khoác lên mình vẻ ngoài nhân văn, nhưng thực chất lại đày đọa, giết chóc. Nước Bỉ, cái thương hội mà Marlow cố gắng xin vào, so với vùng tăm tối châu Phi, nào có khác gì?
Conrad viết: “Đi ngược con sông ấy giống như đi ngược về thuở hồng hoang của thế giới, khi thực vật tung hoành khắp địa cầu và đại thụ là chúa tể. Một dòng chảy trống rỗng, một sự im lặng vĩ đại và một cánh rừng không thể xuyên qua”. Hành trình đi ngược dòng sông cũng là chuyến đi ngược dòng vào nội tâm tăm tối của loài người cũng là hành trình khám phá cái thiện và cái ác trong con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *