Nhà nhỏ bán gạo. Từ hổm dịch tới giờ mọi thứ cứ lên lên xuống xuống chóng mặt quay cuồng. Mấy hôm đầu rục rịch nghe nhà nước đóng cửa nhà nhỏ bu kính những người là người. Người ta đứng lớp trong rồi lớp ngoài, chen chúc dành nhau mua gạo. Nhỏ sợ bệnh gần chết mà thấy người ta sợ đói nhiều hơn. Người tranh nhau dành dựt từng ký gạo, nóng nực, mồ hôi nhễ nhại, lại chỉ sợ mình mất phần, vậy rồi người ta cứ hò hét cãi nhau um xùm.
Từ sáng bảnh tới tối khuya, nhỏ làm quần quật, chia gạo rồi lại vào bao. Hạt tròn, hạt dẹt trắng nỏn nà, ăm ắp đầy nhóc từng bồ rồi lại vơi. Lúc ngừng tay ăn được mấy miếng cơm trắng cá khô cho qua bữa mà nhỏ thấy mệt hết cả lòng. Dịch chi mà khổ dữ, không có được thời gian để mà nấu nồi canh rau. Thằng út nó làm trên trạm y tế còn bận dữ nữa, hỏng biết rồi có ai nấu cơm cho mà ăn.
Nửa đêm, cả nhà con nhỏ, lớn bé ngồi đong từng bịch gạo mười kí để sẵn, đặng người ta tới mua cho dễ, hỏng phải dành dựt. Má nói dịch này lái nó lên giá nhưng đừng bán lên, tội bà con trong xóm. Người bán vé số, người bưng bê bán dạo bữa đói bữa no, giờ nghỉ hết rồi lấy gì mần, rồi tiền đâu mà mua đồ ăn. Sài Gòn mình nhìn cứ tưởng giàu có, ở rồi mới biết cũng nắng gió như miền Trung, nhìn mà thấy thương. Zậy rồi má chép miệng, mắt vô hồn nhìn xa xăm.
Ừ ha, thương phận con người bé nhỏ, sống cứ phải nương tựa trời đất, giờ lại trông chờ vào mấy cái văn bản của nhà nước. Dịch bệnh ai hỏng sợ, nhưng cái xóm nhỏ, ngó vô mấy nhà thấy mấy nhỏ đói quắt quẹo, thùng thì hết gạo mà quặng lòng. Nhỏ cứ cầu ông trời cho đợt dịch này chóng tan. Mọi người về lại với nghề cũ. Khổ cũng được ít nhất, tối về nhà còn có gia đình, lại có cơm ăn.
Một tháng có hơn,chính phủ bỏ lệnh giãn cách. Nhà nhà về lại trạng thái cũ nhưng có mấy nhà chẳng còn thể nào trở lại như xưa. Cơm trắng, cá kho, canh rau… mâm cơm giờ đủ vị, chỉ có người là đi mãi không quay về.
Nhỏ nhớ má Hai làm nghề lượm ve chai, nhà cuối xóm. Má đi nhiều, da cứ đen sạm, đôi bàn tay chai sần gom từng cái chai nhựa, keo kiệt chắt bóp từng đồng nuôi anh con trai đi học kiến trúc. Má hơn năm mươi nhưng khoẻ mạnh lắm, tay chân miệng nói chuyện vẫn đon đỏn không thua gái đôi mươi, mỗi lần mua gạo cứ ghẹo nhỏ gọi con dâu. Nhỏ xấu hổ muốn chớt vậy rồi riết cũng thành quen.
Nhỏ nhớ chú Hùng xe lăng ngày qua ngày cưỡi “con trâu già” đi bán vé số dạo, nuôi bà mẹ già. Ngày nào chú cũng ghé nhà để má nhỏ mua hai tờ vé số. “Mua đi, đặng chiều có cái dò chớ, mai này trúng nhớ cho tui con trâu mới nha.” – Nói rồi chú nhoẻn cái miệng cười lộ cái hàm răng mất đôi ba chỗ, vậy chứ sao mà duyên.
Nhớ nhất thằng út, nó tình nguyện xung phong tuyến đầu dập dịch. Ở nhà ai cũng cản vì thương con cháu mình. Nhưng nó quyết tâm đi vì manh áo trắng, vì lời thệ nguyện sẽ giúp bệnh nhân. Nhỏ thương nó nhất nhà cũng vì từ nhỏ đến lớn, nó luôn sống để dành tình thương cho người khác. Tối nào nhỏ cũng gọi hỏi đủ thứ, ăn cơm chưa, nghỉ chưa, mệt không…vừa nhớ vừa lo muốn chết. Vậy rồi… Nó cứ vậy mà đi luôn.
Thương lắm cái xóm nhỏ có mấy nhà mà người đi kẻ ở. Tiếc một cuộc đời sống vất vả dành dụm chắt chiu lo hết cho người này người nọ, không dám ăn, không dám mặc như con chim sẻ tha từng cọng cỏ về làm tổ cho bầy con. Thương cho những con người khổ sở vất vả cả cuộc đời, sống để dành phần cho người khác. Đời ngắn lắm, nhắm mắt, ngủ một giấc là ngủ nghìn năm.
Sài Gòn người đi kẻ ở, nhỏ nghĩ mà lòng buồn quặng thắt. Bất giác chép miệng, đời sao ngắn ngủi quá, vất vả sống trọn một đời chẳng phút giây nào là sống cho mình. Để rồi tay trắng lúc ra đi, chỉ để lại ký ức cho người. Kí ức theo năm tháng rồi cũng hoá thành cát bụi. Cát bụi rồi cũng hoá hư không.