GIỚI THIỆU SỬ GIA: TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG (1938-2016)

GIỚI THIỆU SỬ GIA: TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG (1938-2016) 歷史學家之介紹:謝志大長 (1938-2016)
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường (謝志大長) sinh ngày 21 thang 6 năm 1938 tại thành phố Nha Trang. Cha ông là Cử Nhân Hán Học Tạ Chương Phùng, Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Định, một thành viên nhóm Caravelle, một nhóm các chính trị gia có khuynh hướng chống Cộng. Anh họ ông là Tạ Chí Diệp bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết hại (1).
Ở cấp trung học, ông theo học ở một trường tại Bình Định và Nha Trang.
Năm 1962, ông tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, bằng Cử Nhân Văn Khoa. (2)
Năm 1964, ông tốt nghiệp Viện Đại Học Sài Gòn với bằng Cử Nhân ngành lịch sử.
Sau đó, ông nhập ngũ và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khoảng 10 năm (từ 1964-1974). Cũng trong năm 1964, ông hoàn thành trước tác nổi tiếng “Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”. Tập sách sử dụng không chỉ tài liệu Hán Văn mà còn các ghi chép của các giáo sĩ và sĩ quan người Pháp. Khác với các nhà sử học phương Bắc hay cả phương Nam, vốn thường hay tôn hoàng đế Quang Trung lên thành anh hùng dân tộc, ông xem vị hoàng đế này với con mắt bình thường. Đồng thời, ông cũng không chì chiết Nguyễn Ánh là người “cõng rắn cắn gà nhà”. Trong nhiều nhận định, ông đã công tâm đánh giá vai trò và khả năng của Nguyễn Ánh trong công cuộc thống nhất Đại Nam. Ông viết:
“Vì sự có mặt của giáo sĩ ở khắp nơi, của những nhà buôn, lính tráng Tây phương trên đất nước này mà chúng ta có thêm một lô những tài liệu gồm những bức thư kể cho nhau nghe về tình hình trong, ngoài nước, nhận xét của họ về những nhà cầm quyền bản xứ, về tương quan giao tiếp giữa chính quyền, dân chúng bản xứ và người ngoại quốc.”
Khi viết về Nguyễn Huệ, ông đã viết thế này:
“Người con gái Bắc Hà 16 tuổi đó cũng biết nhược điểm của bậc anh hùng nên đã dùng thế lực riêng của mình mà ảnh hưởng tới quyết định của Nguyễn Huệ khi đòi phế tự hoàng Lê Duy Kỳ, lập Sùng Nhượng công Duy Cẩn, khi thì đòi ngược lại, “mếu khóc” vuốt ve tự ái đấng trượng phu. Tình cảm mềm yếu cũng tỏ rõ mấy năm sau, khi Quang Trung “điên cuồng lên” vì một người vợ mất ở Phú Xuân”
Tuy vậy, ông vẫn công nhận tính cách mạnh mẽ lẫm liệt và oai phong của Nguyễn Huệ:
“Tấm lòng say mê đó đem đổ vào cuộc đời ông, nơi triều chính, nơi chiến trường biến thành một sức quyến rũ lôi cuốn mọi người. Dù Nguyễn Nhạc có ghét em đến dùng chữ “giảo quyệt”, “hợm hĩnh”, “kiêu ngạo”, người ta vẫn nhìn hành động của Huệ để mà thấy các hình dung từ trên không có ý nghĩa xấu khi gán cho một con “hùm (muốn) ra khỏi cũi”. Trái lại, khi bàn về Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh đang ở thế đối địch, Nguyễn Đình Giản cứng cỏi đều nhận “Bắc Bình vương là một tay anh hùng”. Khi triều thần Bắc Hà họp lại để bàn việc cử người vào đòi Nghệ An, Phan Lê Phiên loại Nguyễn Đình Giản, Phạm Đình Dư, viện lẽ “Bắc Bình vương là người rất quyệt, hay dùng trí thuật lao lung người khác, trong lúc bàn luận, khi xuống lại nâng lên người ta không biết đâu mà dò”. Trần Công Xán, viên sứ giả được đề cử sau lúc “luôn trong mấy hôm vẫn không cử được người nào”, cũng phải e dè nhận rằng kẻ mình phải thuyết là “người huyền bí khó lường”
Ở một đoạn khác, ông viết:
“Kẻ thù của Tây Sơn ở phương Nam, tuy phải chui nhủi chạy trốn, tức giận vì vua chúa họ suýt diệt tộc trong tay Nguyễn Huệ cũng không thể nào nói khác hơn những lời khen lao được, tuy họ đã từng chê trách thậm tệ Nguyễn Nhạc. Sử quan viết: “Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo, kiệt, thiện chiến? ai cũng phải sợ… Bốn lần đánh Gia Định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh”
Và cuối cùng, ông cho rằng Nguyễn Huệ đã giang tay che chở cho triều đình không bền vững Tây Sơn:
“Có thể nói Nguyễn Huệ đã dùng hào quang của mình mà che chở cho chế độ khi phong trào Tây Sơn đưa ông lên đài danh vọng.”
Qua những dòng này, ta thấy Tạ tiên sinh không hề hạ thấp Nguyễn Huệ. Bản chất của triều đại đã được ông tiên phong chỉ ra. Ta thấy những đánh giá sau Giải Phóng về quyển sách của ông là vô căn cứ (họ nói “hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long”). Càng sai lầm hơn, các sử gia miền Bắc còn nói phong trào Tây Sơn là một phong trào khởi nghĩa nông dân, rằng Nguyễn Huệ là người anh hùng “áo vải” của nhân dân. Quả là một sai lầm, mà ở đây ai cũng biết ai sai ai đúng. (3)
Tác phẩm của ông đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1970. Sách được xuất bản Văn Sử Địa ấn hành năm 1973. Về mặt văn chương (stylistic element), câu văn của ông dài và có cấu trúc ngữ pháp phức tạp.
Sau Giải Phóng nă 1975, do mang quân hàm Đại Úy và bị liệt vào hàng sĩ quan “Ngụy” quyền nên ông phải đi tù cải tạo (theo sách “Inside An Loc: The Battle to Save Saigon, April-May 1972” trang 195) đến năm 1981.
Quãng đời giữa năm 1981 đến năm 1994, khi ông được đi định cư ở Hoa Kỳ, không thấy nhắc tới. Nhưng cũng như nhiều sĩ quan thuộc chế độ cũ, cuộc sống của ông chắc cũng phải rất khó khăn và gian truân.
Ông sang Mỹ năm 1994 dưới diện HO (Humanitarian Operation). Quảng thời gian này, có lẽ ông cũng đi làm cực nhọc như nhiều di dân thời kỳ ấy. Ban đầu ông cư trú ở thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma. Về sau, ông cùng gia đình chuyển sang Westminster, California. Ông cho xuất bản tiếp các tập sách có giá trị khác như “Thần và người đất Việt”, “Sử Việt đọc vài quyển”, “Những bài văn sử”. Ông cũng không có liên hệ gì nhiều với các học giả trong nước.
Trong tập sách “Sử Việt đọc vài quyển”, ông đã nghiên cứu kỹ về mặt văn bản học (textual analysis) của cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Về đại thể, nó vạch ra các dòng sử Tăng đạo và Nho thần trong thời kỳ Lý-Trần. Nó cũng thể hiện những mâu thuẫn trong tư tưởng giữa 2 phái này.
Quyển “Thần và người đất Việt” là một nghiên cứu hiếm hoi về lịch sử tôn giáo Việt Nam.
Khi sang Mỹ, ông dày công tìm kiếm và thâu thập tư liệu từ những buổi chợ trời, tích góp lại các sách cũ. Ông cũng sưu tầm tiền cổ và viết nhiều nghiên cứu đến lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Cuối thập niên 2000, vì không khí chính trị ở Việt Nam đã trở nên tự do, thoải mái và cởi mở hơn nên sách của ông được lần lượt tái bản.
Ông qua đời ngày 24 tháng 3 năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ý nguyện cuối đời của ông là được thanh thản qua đời nơi chôn nhau cắt rốn.
Nói về phong cách sử của ông, báo Tia Sáng viết như thế này:
“Phong cách sử tư gia
Về chữ “dã sử” trong Những bài dã sử Việt, Tạ Chí Đại Trường đã giải thích: “Tôi dùng chữ dã sử theo nguyên gốc của nó, loại non-official history, đối kháng với chính sử là của triều đình làm ra”4. Không theo lối mòn của sử quan phương, Tạ Chí Đại Trường trước sau là một sử tư gia, tự mình tìm kiếm, kiến giải các sự thật và cũng chính mình đứng ra bảo lãnh, chịu trách nhiệm về sai sót, khuyết thiếu. Đây là chủ đích, tư thế và phẩm cách khó lẫn của ông.
Sự lựa chọn phương pháp nghiên cứu và cách thức diễn đạt những kết quả thu lượm, như điều ông xác thực, đã làm tính cách các cuốn sách của ông trở nên nổi bật. Trước hết, là cái nhìn khác về một số vấn đề lịch sử, tránh tái lặp những mặc định có sẵn. Việc ông kiên quyết đi đến tận cùng chính kiến, với mục tiêu dựng lại hồ sơ quá khứ như nó là chứ không phải như muốn là, đã tạo nên những kết luận hoặc giả thiết khác hết sức hấp dẫn. Ông có một loạt những giải thích, kết luận khác về đình làng (Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng), về loạn thập nhị sứ quân (Dòng sử kí tăng đạo), về chế độ nội hôn thời Trần (Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần), lễ tịch điền (Những Hoàng đế – Điền chủ Đại Việt thế kỉ X-XIV)… Những kết luận ấy, trước khi có thể bàn đúng-sai, thì luôn khiến người đọc bị “nhập tâm” bởi lập luận sắc sảo, chứng cớ đa nguồn và đặc biệt, bởi tinh thần khảo cổ học tri thức nghiêm túc, tỉ mỉ vốn là yêu cầu cốt tử của người viết sử.” (4)
Chú thích:
(1) Trang sách hiếm
(2) Tạp chí da màu
(3) Wiki tiếng Việt tiểu sử của Tạ Chí Đại Trường
(4) Báo tia sáng
http://dammenghiencuulichsu.blogspot.com/2020/05/gioi-thieu-su-gia-ta-chi-ai-truong-1908.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *