GIỚI THIỆU SỬ GIA: HOÀNG XUÂN HÃN (1908-1996)

GIỚI THIỆU SỬ GIA: HOÀNG XUÂN HÃN (1908-1996) 歷史學家之介紹:黃春瀚 (1908-1996)
Nhà sử học, toán học và giáo dục học Hoàng Xuân Hãn (黃春瀚) sinh ngày 8 thang 3 năm 1908 (1) tại làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (cùng quê với Hà Văn Tấn tiên sinh). Cha ông là Hoàng Xuân Úc, tú tài Hán học. Mẹ ông là cụ bà Lê Thị Ấu. Khi nhỏ ông được dạy chữ Quốc Ngữ và chữ Hán tại nhà. Từ năm 1917 đến năm 1921, ông theo học trường tiểu học Vinh. Thưở đó người ta dạy ông bằng tiếng Pháp. Từ năm 1922 đến năm 1926, ông học trường Quốc Học Vinh (trung học đệ nhất cấp). Năm 1926, ông đỗ bằng Thành Chung. Ông lên Hà Nội học trường Bảo Hộ, tức trường Bưởi (nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An). Cùng năm, ông tự học ôn thi rồi thi lấy bằng Tú Tài Pháp. Năm 1927-1928, ông được nhận vào trường Albert Sarraut (Lycée Albert Sarraut, trường này giải thể năm 1965, còn được biết đến dưới tên Trường Bưởi). Ông theo học ban Toán. Trong lúc này, phụ thân và mẫu thân ông hứa gả ông cho một gia đình ở Hương Sơn. Cô con gái gia đình ấy là con một nhà khoa bảng. Từ năm 1928 đến 1930, ông được chính phủ Bảo Hộ Đông Dương cấp học bổng sang Pháp du học, học dự bị để thi vào các trường lớn (Grandes Écoles) lúc bấy giờ. Đương thời với ông có luật sư Nguyễn Mạnh Tường cũng học trường Albert Sarrault và đậu học bổng sang Pháp. Ông học khóa Mathématiques Supérieures (Toán học cao cấp) và Mathématiques Spéciales (Toán học đặc biệt) trường trung học Saint Louis, Paris, năm 1930. Bấy giờ, ông viết thư về cho gia đình, nói: “Con gái thì có lứa, con còn lâu mới về được, nếu có nơi xứng đôi vừa lứa thì gia đình cứ để cho V. gây dựng gia thất, con không có gì dám oán trách”. Cùng năm ấy, cô gái ấy lấy chồng, ông viết thơ Đường luật tặng bà như sau:
Sắt cầm duyên mới mừng tươi thắm
Gang tấc lòng xưa luống lữ hoài
Chớ trách vàng thau hay kẹn kẻ
Vì thương son phấn dễ tàn phai (2)
Ông thi đỗ vào cả hai trường École Normale Supérieures và École Polytechnique. Cả hai trường đều tuyển sinh rất gắt gao nên vào học được chứng tỏ ông rất giỏi. Ông biên soạn trước tác đầy tay “Danh từ khoa học” (Vocabulaires Scientifiques – 科學叢書 (Khoa học tùng thư)). Năm 1932 đến năm 1934, ông theo học trường École Nationale des ponts et chaussées (nay là trường École des ponts ParisTech), một trong những trường danh giá nhất nước Pháp. Năm 1934, ông có về Việt Nam một lần, sau đó lại sang Pháp ngay. Trên chuyến tàu ông gặp bà Nguyễn Thị Bính. Năm 1935 ông thi đậu cử nhân Toán và lấy bằng thạc sĩ Toán học năm 1936. Cũng trong năm đó, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Bính và cho xuất bản sách giáo khoa Toán về Lượng Giác mang tên “Eléments de trigonométrie” (Cơ sở lượng giác). Trong những năm 1936 đến 1939, ông quay về Việt Nam dạy ở trường Bưởi. Cũng trong thời gian này, ông hoàn thành cuốn Danh từ khoa học đã nói ở trên.
Năm 1942, ông cho xuất bản cuốn sách đó. Năm 1943, ông tham gia giảng dạy tại Đại Học Khoa Học mới mở ở Hà Nội.Trong thời gian này, ông có tham gia Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, tham gia chiến dịch Chống Nạn Thất Học. Ông cùng một số đồng nghiệp nghiên cứu đưa ra phương pháp mới để dạy học sinh chữ Quốc Ngữ, Do tình hình chiến tranh Đông Dương giữa Pháp với Nhật mà trường Bưởi của ông phải dời vào Thanh Hóa. Tại đây, ông đã tìm hiểu và phát hiện về La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), danh nho cuối đời Hậu Lê và triều Tây Sơn. Ông cũng tìm ra nhiều tấm bia dựng ở chùa đền có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt. Ông bắt đầu xuống bút viết cuốn “La Sơn Phu Tử” (từ năm 1939). Ông về làng Nguyệt Ao, gặp các hậu duệ của Nguyễn Thiếp. Họ hàng tiếp ông nồng hậu, nói rằng họ còn giữ các chiếu chỉ xưa do cụ Thiếp soạn. Trong đó có cả chiếu, thư, tờ truyền, đạo sắc. Quý nhất là bức thư bằng chữ Nôm do chính Quang Trung Hoàng Đế viết mời cụ Thiếp đến thưởng lãm Phượng Hoàng Trung Đô.Ông phát hiện ra tập thơ của cụ Thiếp là cuốn Hạnh Am Thi Cảo (幸庵詩稿). Song song với việc nghiên cứu sử liệu về La Sơn Phu Tử, ông còn tìm lại gia phả, tiến hành so sánh nó với quốc sử. Công trình nghiên cứu công phu, đến năm 1945 thì ông cho xuất bản tập sách tiểu sử này, mang tựa La Sơn Phu Tử. Gần đây sách này đã được tái bản bởi Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội và Nhà Sách Khai Tâm, năm 2019.
Khi chính quyền Trần Trọng Kim được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Mỹ Thuật. Ông cùng đồng nghiệp gấp rút biên soạn sách giáo khoa cấp tốc chỉ trong 10 ngày (3) dựa vào sách của chương trình Pháp trước đây.
Sau năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ, ông từ chức. Thời gian này, chiến tranh Pháp-Việt nổ ra, ông bị kẹt lại ở Hà Nội không xuất ngoại được. Bấy giờ ông tìm cách thu thập cứu vãn các sánh cũ sách xưa bị bán làm giấy vụn trên khắp đường phố Hà Nội. Ông cũng bắt đầu nghiên cứu về truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông cũng tham dự Hội Nghị Đà Lạt năm 1946, là hội nghị dọn bước cho Hội Nghị Fontainebleau với tư cách Trưởng Ban Chính Trị, Giáo Sư, nguyên Bổ Trưởng Bộ Giáo Dục-Mỹ Thuật của chính phủ Trần Trọng Kim.
Năm 1949, ông cho xuất bản kiệt tác “Lý Thường Kiệt: Lịch Sử Ngoại Giao và Tông Giáo triều Lý. Trong cuốn sách này, ông đã vận dụng các phương pháp sử học hiện đại để tiến hành đối chiếu, so sánh, trần thuật lại các sự kiện theo thứ tự thời gian về tranh chấp biên giới giữa Tống và Lý, âm mưu Nam phạt của vua tôi Tống Thần Tông và Vương An Thạch, cuộc Bắc phạt bất ngờ của Lý Thường Kiệt, cuộc thảo phạt phục thù của triều Tống, lịch trình ngoại giao đòi đất của triều Lý, và lịch sử Phật giáo trong khuôn khổ cuộc đời Lý Thường Kiệt. Tiêu chí cuốn sách là “Không bịa đặt, không tây vị, hết sức rõ ràng, đó là những chuẩn thằng tôi đã theo” (trang 11, bản 2019). Cho đến nay cuốn sách vẫn là một tác phẩm sử học mẫu mực mà giới sử học cũng như bạn đọc trân trọng hết mực.
Năm 1951, ông quay lại Pháp và cư trú dài hạn luôn bên ấy. Trong thời gian từ năm 1951 đến 1954, ông giúp Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) và Thư Viện Dòng Tên ở Ý và Tòa Thánh Vatican làm thư mục về thư tịch Việt Nam. Ông cũng tham gia viết nhiều bài nghiên cứu trên báo Sử Địa (in ở Sài Gòn những năm 1966-1974), Khoa Học Xã Hội (1976-1987), Đoàn Kết (1978-1981), Diễn Đàn (1991-1994). Năm 1953, ông cho xuất bản cuốn “Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo”, trong đó, ông nói là đã sưu tầm được 4 bản và 1 bản phỏng tác. Áp dụng phương pháp văn bản học, ông đã xác định bản Chinh Phụ Ngâm hiện hành là bản của cụ Phan Huy Ích. (4)
Về thân thế của bà Hồ Xuân Hương, ông nói thế này:
“Sau này tôi có một phần gia phả của họ Hồ, tra ra thì thấy rằng Hồ Xuân Hương với Nguyễn Huệ cùng một thế hệ đối với gốc họ Hồ này, mà họ Hồ này bắt đầu ở Việt Nam từ đời hậu Đường lúc mình còn đương thuộc nhà hậu Đường vào khoảng thế kỷ thứ X. Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ cùng ngang hàng, vào khoảng hàng thứ 12, nhưng có lẽ đến đời thứ 5, thứ 6 thì mới chung một gốc. Có một gốc đi từ Quỳnh Lưu vào Hưng Nguyên, rồi từ Hưng Nguyên vào Bình Định, đổi thành họ Nguyễn của Nguyễn Huệ.” (5)
Đối với nguồn sử liệu hiếm hoi thời Lý-Trần, ông nói:
“Cái còn lại chủ yếu là những bài thơ, phần nhiều là những bài thơ ngắn. Văn xuôi hầu như không còn lại gì của thời cổ. Bởi lẽ thuở ấy không có ngành in ấn, người ta phải chép tay. Chính vì vậy chỉ có những nhân vật lớn mới có thể cho khắc bản tác phẩm của họ. Mặt khác, khi mà tác phẩm đồ sộ, thì ít người chép nổi, trong lúc các bài thơ bát cú thì có nhiều may mắn lưu lại hơn bởi vì có nhiều người chép lại được. Vậy nên, khi tôi nói về những cái tồn tại, thì điều ấy không phải muốn nói rằng chúng đại biểu cho một thời đại; đấy chỉ là những gì người ta biết được về thời đại ấy mà thôi. Và, nếu văn chương đã gây một số ảnh hưởng đối với giới học thức thì tôi không nghĩ rằng nó lại gây được một ảnh hưởng sâu xa trên chính quần chúng. Ít tác phẩm bằng văn viết mà còn tồn tại đầy đủ, với sự ẩm thấp với những nạn lụt với sự thiếu thốn kỹ thuật bảo quản và nhất là chiến tranh và hỏa hoạn. Những tác phẩm còn tồn tại thường được viết bằng chữ Trung Quốc.
Thời nhà Lý (thế kỷ 12) ngoại trừ 8 văn bản quan trọng viết bằng văn xuôi được khắc trên đá và một số chiếu biểu hãy còn lại trong các biên niên, chỉ còn những bài thơ (kệ) của các tăng lữ Phật giáo. Đó là những tư tưởng ngắn gọn, sâu xa và đẹp đẽ. Chúng vẫn còn tồn tại nhờ được bảo tồn trong những ngôi chùa vùng núi Hải Dương. Những bài thơ (kệ) ấy được viết bằng chữ Trung Quốc.
Thời nhà Trần, ít ra có 9 tác phẩm trọn vẹn viết bằng chữ Trung Quốc được thu tập lại: 2 cuốn biên niên, 2 ký sự, hai tác phẩm Phật giáo, (Cao Tăng Truyện), 1 cuốn lịch sử các vị cao tăng Phật giáo, một cuốn Truyền Kỳ mạn lục và 1 cuốn Việt Điện U linh.
Ngoài những tác phẩm ấy, người ta còn tìm thấy chừng 400 bài hoặc thơ hoặc văn xuôi với những cảm hứng khác nhau.” (6)
Ông mất lúc 7 giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 1996, tại bệnh viện Orsay, ngoại ô thành phố Paris. Ông được hỏa táng chiều ngày 14/3/1996 tại nghĩa trang L’Orme des Moineaux, Les Ulis, Pháp.
Chú Thích
(1) Cổng thông tin-Giao Tiếp Điện Tử Huyện Phú Thọ
(2) Chuyện tình người nổi tiếng: Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và vần thơ se duyên
(3) Chương trình giáo dục và sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa
(4) Viện Hán Nôm
(5) Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp
(6) Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn
https://dammenghiencuulichsu.blogspot.com/2020/05/gioi-thieu-su-gia-hoang-xuan-han-1908.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *