“GIÀU KHÔNG ĐỔI BẠN, SANG KHÔNG ĐỔI VỢ”, ĐẾN NAY CÓ MẤY AI LÀM ĐƯỢC?

Xưa này, tục ngữ được biết đến là kiệt tác của văn hóa đại chúng, chứa đựng trí huệ của cổ nhân với những bài học kinh nghiệm và giáo huấn sâu sắc. Trong đó, câu tục ngữ mà hôm nay chúng ta sẽ đề cập đến, chính là câu: “Giàu không đổi bạn, sang không đổi vợ”. 

Muốn hiểu sâu sắc câu nói này, phải kể đến xuất xứ của câu tục ngữ, cũng chính từ 2 câu chuyện được lưu truyền sau đây:

– Câu chuyện thứ 1

Trong cuốn “Hậu Hán Thư”, được viết bởi Phạm Diệp Sở thời Nam Triều, có ghi chép rằng, chị của Hán Quang Vũ Đế sau khi chồng qua đời, nàng ngày ngày sống trong cô độc.

Một thời gian sau, Hán Quang Vũ Đế thấy chị cứ thui thủi một mình, nên ngỏ ý muốn chị hãy tìm một người chồng khác để an hưởng tuổi già. 

Sau khi thăm dò, thấy chị có hảo cảm với Tống Hoằng trong triều. Nàng cho rằng, Tống Hoằng tài mạo song toàn, có thể nói là không ai sánh bằng.

Quang Vũ Đế vì để hoàn thành tâm nguyện cho chị, ông đã cho gọi Tống Hoằng đến, sau đó ngầm nói ý với Tống Hoằng rằng: “Xưa nay vốn có câu, địa vị cao rồi thì dễ dàng thay đổi bằng hữu, có tiền rồi thì dễ dàng đổi vợ, âu cũng là chuyện thường tình đúng chứ?”.

Tống Hoằng thông minh vừa nghe đã hiểu, nhưng ông không trực tiếp trả lời câu hỏi này của hoàng thượng, chỉ khéo léo thưa rằng: “Thần nghe nói rằng mối giao tình khi nghèo hèn không thể quên, người vợ tào khang không thể bỏ”.

Câu nói này ngầm nói với đức vua rằng, bản thân không nên vì sự giàu có, hay công danh lợi lộc mà ly hôn với người vợ hiện tại. Ông cũng không có ý định thay lòng đổi dạ đối với vợ của mình.

Khi ấy, chị của Quang Vũ Đế đứng sau tấm bình phong, nghe được lời của Tống Hoằng, thì cũng từ bỏ ý định.

– Câu chuyện thứ 2

Trong cuốn “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang thời Bắc Tống, có ghi chép rằng, năm ấy Đường Thái Tông muốn gả con gái cho một đại thần đáng tin cậy, do đó, ông đã chọn trúng Uất Trì Kính Đức. 

Tuy nhiên, Uất Trì Kính Đức đã có vợ từ lâu, nên ông đã thẳng thắn nói với Đường Thái Tông rằng, bản thân ông không thể kết hôn với công chúa. 

Có lẽ trong mắt người khác, vợ ông không xinh đẹp bằng công chúa, nhưng tình nghĩa vợ chồng vẫn tồn tại, vì thế ông không thể vứt bỏ vợ mình được. 

Sau khi Đường Thái Tông nghe xong không những không tức giận, mà càng thấy cảm kích nhân phẩm của Uất Trì Kính Đức, đồng thời cũng bỏ luôn ý định đó, sau này cũng chẳng nhắc về chuyện này với Uất Trì Kính Đức thêm nữa.

=>> Suy ngẫm

Nhìn vào chuẩn mực đạo đức cao cả của người xưa, đối chiếu với nếp sống xã hội đầy ắp xa hoa ngày nay, mà thấy cảm khái trong tâm ngàn vạn lần. Có những người sau khi cuộc sống sung túc, liền cắt đứt liên lạc với những người bạn khốn khó trước đây của mình. 

Sau khi có quyền thế, lại càng dễ ly hôn với người vợ từng đồng cam cộng khổ, để đi lấy người khác. Nhưng không ai từng nghĩ rằng, vào lúc bản thân đang khốn khó, những người bạn và cả người vợ ấy đã bầu bạn, chịu khổ cùng mình, giúp đỡ mình rất nhiều.

Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, phú quý nói đến là đến, nói đi cũng chớp mắt là rời đi, chỉ có tình nghĩa chân thật giữa vợ chồng và bạn bè mới là điều quý giá nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *