giao-vien-nghi-cach-“lach-luat”-day-them,-luat-su-canh-bao-muc-phat-len-toi-100-trieu-dong

Giáo viên nghĩ cách “lách luật” dạy thêm, luật sư cảnh báo mức phạt lên tới 100 triệu đồng

Nhiều kiểu lách luật của giáo viên dạy thêm

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Lan Phương, một giáo viên ở Hà Nội cho biết: “Do tôi là giáo viên trường công lập nên không được phép quản lý hoặc điều hành hoạt động dạy thêm bên ngoài. Vì vậy, muốn tiếp tục dạy thêm, tôi phải đăng ký hộ kinh doanh và nhờ chồng đứng tên thay cho hợp lệ”.

Không chỉ cô Phương mà nhiều giáo viên khác cũng áp dụng phương án này để hợp thức hóa dạy thêm của mình. 

Một số giáo viên khác thì “lách luật” bằng cách đổi chéo học sinh chính khóa cho nhau. Ví dụ giáo viên dạy lớp A sẽ dạy thêm lớp B và ngược lại. Hai lớp sẽ học song song cùng với nhau hoặc đổi tạm một thời gian. Các cô sẽ dạy đúng lớp mình khi nào có thanh tra thì lớp học lại đổi lại như đăng ký.

Một phụ huynh có con học lớp 7 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, từ ngày áp dụng Thông tư 29, trường thông báo học sinh nghỉ học buổi chiều. 

Giáo viên dạy thêm

Nếu giáo viên “lách luật” dạy thêm sẽ bị xử phạt nặng. Ảnh minh họa: Tào Nga

“Trong buổi họp mới đây, giáo viên cùng phụ huynh ở lớp thông báo về việc học thêm, dạy thêm tại trung tâm. Ở trường chỉ phụ đạo học sinh không thu tiền trong trường cho học sinh giỏi và yếu kém. Nếu học sinh có nguyện vọng học thêm tại trung tâm thì phụ huynh làm đơn đăng ký học. Có ghi tên và địa chỉ trung tâm cụ thể cho phụ huynh với học phí là 70.000 đồng/buổi. Do giáo viên không được dạy học sinh lớp mình nên các cô đổi chéo học sinh cho nhau. 

Tôi không rõ giáo viên có “ép” các con đi học thêm không nhưng con tôi rất lo sợ nếu không đi học ở đây sẽ thua kém bạn bè và sợ trượt thi vào lớp 10. Ngày nào đi học về con cũng đòi bằng được đi học thêm ở trung tâm này”, phụ huynh kể. 

Bên cạnh đó, nhiều lớp học sẽ được tổ chức dưới dạng dạy thêm miễn phí cho đúng luật. Tuy nhiên, cuối tháng phụ huynh sẽ tự gom nhau “cảm ơn” và hỗ trợ cho cô giáo tiền thuê mặt bằng, tiền điện, nước… bằng với số tiền học thêm. Hoặc có nơi tên người đứng dạy là một người khác nhưng thực tế lại là giáo viên chính khóa.

Với học sinh tiểu học, phụ huynh bàn với giáo viên hướng dẫn học sinh các môn năng khiếu như vẽ, múa hát, luyện chữ chứ không phải học thêm. 

Mức phạt về “lách luật” dạy thêm

TS Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy Lợi cho hay, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 138/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm. Cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định;

Phạt từ 2 – 4 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;

Phạt từ 4 – 6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép; 

Phạt từ 6 – 12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.

Đây là mức phạt cao nhất theo nghị định của chính phủ áp dụng đến thời điểm này. Tới đây có thể sửa đổi để tăng mức xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, là đảng viên thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật công chức, viên chức theo quy định của pháp luật. Mức cao nhất có thể là cách chức, buộc thôi việc. Số tiền thu lợi bất chính có thể bị tịch thu, cơ sở dạy thêm có thể bị đình chỉ hoạt động.

Ngoài ra, tại Nghị định 122/2021 của Chính phủ, trường hợp dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Trường hợp tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm theo mô hình doanh nghiệp (Công ty cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh hoặc Doanh nghiệp tư nhân) không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt từ 50 – 100 triệu đồng và buộc đăng ký kinh doanh theo quy định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *