Đăng ký kinh doanh dạy thêm: Mong có hướng dẫn chi tiết
Bắt đầu từ ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ GDĐT quy định dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Theo đó, Điều 6 tại Thông tư này quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung cơ sở dạy thêm) phải thực hiện yêu cầu đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong mấy ngày qua, nhiều giáo viên đã có mặt tại bộ phận một cửa ở các quận, huyện để làm thủ tục đăng ký.
Trao đổi với PV Dân Việt, thầy Lương Văn Huy, giáo viên dạy Toán ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “Tôi đăng ký dạy thêm dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể. Do có đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định, đảm bảo phòng chống cháy nổ nên khi đi làm thủ tục đăng ký kinh doanh rất thuận lợi”.
Một giáo viên ở quận Hoàng Mai cũng cho hay: “Chúng tôi dạy thêm nhiều năm rồi nên đã đăng ký kinh doanh trước khi có Thông tư 29 và nộp thuế đầy đủ. Tôi thấy quy định này là hợp lý và trong quá trình thực hiện không có gì vướng mắc”.
Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có quá trình đăng ký kinh doanh dạy thêm thuận lợi.
Nhiều giáo viên đến làm thủ tục đăng ký dạy thêm ngày 19/2. Ảnh: Tào Nga
PV Dân Việt có mặt tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 19/2, một số giáo viên tại đây cho biết vẫn không thể tiếp tục việc dạy thêm vì còn một số vướng mắc.
Cô Nguyễn Mai Anh, giáo viên tự do dạy tiếng Trung ở quận Thanh Xuân chia sẻ, hiện tại vẫn đang trục trặc về điều kiện để đăng ký kinh doanh cá thể nên phải tạm dừng dạy thêm tại nhà.
Theo cô Mai Anh, căn hộ chung cư của gia đình cô có 3 phòng ngủ nên cô để dành 1 phòng rộng rãi làm nơi dạy thêm nhiều năm qua. Khi nghe thông tin về Thông tư 29, cô Nhung đã lo lắng đi hỏi bạn bè cần những giấy tờ gì và nộp ở đâu.
Ngày 19/2, cô Mai Anh ra bộ phận một cửa ở quận Thanh Xuân để làm đăng ký kinh doanh thì được biết phải có điều kiện là nhà mặt đất làm địa điểm kinh doanh, nhà chung cư có mục đích để ở không nằm trong danh sách.
“Tôi không biết phải làm gì với điều kiện này bởi đi thuê nhà khá đắt lại phải đảm bảo phòng chống cháy nổ. Hiện tại tôi đang xin vào một trung tâm ở gần nhà nhưng sẽ phải trích lại 20% học phí cho họ”, cô Mai Anh bày tỏ.
Ngồi chờ đợi trong tâm trạng mệt mỏi, trên tay cầm nhiều giấy tờ để đăng ký kinh doanh cá thể, một giáo viên ở quận này cho hay: “Đây là lần thứ 3 tôi đến để làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Lần này đã sửa theo đúng hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận hồ sơ nhưng không biết giấy tờ đã chuẩn chưa hay lại phải về như lần trước”.
Theo cô giáo này: “Những lần trước đến làm hồ sơ, tôi đã in giấy và điền thông tin nhưng bị trả lại vì nội dung chưa đúng. Lần thứ 2 cũng với lý do tương tự. Tôi muốn nhờ hỗ trợ chi tiết hơn nhưng được trả lời là xem hướng dẫn mẫu trên website”.
Khi được hỏi vì sao không nộp trực tuyến, cô giáo thở dài: “Tôi điền thông tin và nộp rất nhiều lần nhưng hệ thống chỉ quay tít không nộp được. Tôi cũng không hiểu vì sao. Tôi chỉ mong thủ tục đơn giản hơn, nhanh gọn hơn để giáo viên chúng tôi không mất nhiều thời gian đi đăng ký”.
Tương tự, một giáo viên khác cũng đi lần thứ 2 tới đây vì điền thông tin chưa đúng và mong có hướng dẫn chi tiết hơn để việc đăng ký thuận lợi.
Giáo viên cho biết gặp khó khi khai thông tin online. Ảnh: Tào Nga
Nhiều nơi tăng đột biến hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm
Được biết, trong mấy ngày qua, tại bộ phận một cửa ở các địa phương đã tiếp nhận số hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm tăng đột biến.
Đại diện bộ phận một cửa ở một quận tại Hà Nội cho biết, những ngày gần đây số lượng người dân đến đăng ký làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho việc dạy thêm tăng lên. Mỗi ngày bộ phận tiếp nhận và xử lý khoảng 20 bộ hồ sơ liên quan. Nguyên tắc đăng ký hộ kinh doanh sẽ không được lập địa điểm tại căn hộ chung cư, nhà tập thể… do đó việc tìm địa điểm dạy thêm sẽ gặp khó khăn hơn trước.
Tại Hải Phòng, ông Phạm Đình Phúc, Trưởng phòng Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong những ngày gần đây, số hộ xin đăng ký kinh doanh trên lĩnh vực giáo dục tăng đột biến.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, Phòng Đăng ký kinh doanh đã tiếp nhận và xử lý hơn 200 bộ hồ sơ liên quan đến đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục. Trong đó, 73 hồ sơ thành lập mới và 129 thay đổi nội dung đăng ký và đăng ký bổ sung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bằng cả năm 2024.
Được biết, tại Nghệ An, sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29, số lượng người đến nộp hồ sơ thành lập hộ kinh doanh tăng đột biến với 300 hồ sơ tính đến ngày 16/2.
Hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm
Để đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có nêu rõ hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm:
1. Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
Trong đó, Mã ngành là: 8559 tên ngành: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu
2. Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (bản sao CCCD/Căn cước/Hộ chiếu/Giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác vẫn còn hiệu lực).
3. Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
4. Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
5. Bản sao hợp đồng thuê địa điểm dạy học trong trường hợp thuê địa điểm kinh doanh.
Sau khi có đầy đủ hồ sơ hợp lệ sẽ tiến hành nộp hồ sơ để đăng ký kinh doanh. Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có thể nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể theo hai cách:
– Nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh)
– Nộp trực tuyến tại http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn.
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Nếu sau 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.