Chủ nhật, ngày 06/07/2025 15:32 GMT+7
Hoàng Tính Chủ nhật, ngày 06/07/2025 15:32 GMT+7
Quá trình chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là thách thức mà còn mở ra cơ hội phát triển cho ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn
Việc tái cơ cấu mạng lưới trường, lớp sẽ cho phép ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ, đồng thời tinh giản bộ máy quản lý
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có một mạng lưới giáo dục rộng khắp với 648 đơn vị, trường học, đang đào tạo cho 211.064 học sinh, sinh viên và đội ngũ 20.806 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Đây là một hệ thống lớn, có vai trò then chốt trong việc nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Lạng Sơn. Chính vì vậy, việc chuyển đổi mô hình quản lý theo mô hình chính quyền hai cấp là một bài toán phức tạp, đòi hỏi sự chủ động, quyết tâm và những giải pháp chiến lược, đồng bộ.
Tái cấu trúc bộ máy và phân định lại vai trò quản lý
Ông Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho hay: Tác động lớn nhất và trực tiếp nhất của mô hình chính quyền hai cấp chính là sự thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức. Việc không còn cấp huyện đồng nghĩa với việc giải thể toàn bộ các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, đây là một sự thay đổi mang tính lịch sử, đòi hỏi phải sắp xếp, phân bổ lại đội ngũ cán bộ, công chức đang làm công tác giáo dục tại cấp này.

Theo đó, thẩm quyền quản lý giáo dục, đặc biệt với bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS), sẽ được chuyển về cho chính quyền cấp xã. Cụ thể, Ủy ban nhân dân (UBND) và Chủ tịch UBND cấp xã sẽ được giao nhiều nhiệm vụ trực tiếp, từ quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động của trường học đến việc xét duyệt các chính sách cho giáo viên và học sinh. Phòng Văn hóa – Xã hội thuộc UBND cấp xã sẽ trở thành đầu mối tham mưu về giáo dục ở cơ sở.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn sẽ giữ vai trò nhạc trưởng, thực hiện chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn toàn diện về chuyên môn trên toàn tỉnh.
Sự phân định lại nhiệm vụ này đòi hỏi một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Sở và chính quyền cấp xã, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quản lý giáo dục cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Giải pháp đồng bộ để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục
Trước bối cảnh một cấp quản lý trung gian được tinh giản, ngành Giáo dục Lạng Sơn đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng, thậm chí còn được nâng cao hơn.

Ưu tiên hàng đầu là việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp một cách khoa học, tinh gọn. Đặc biệt với một tỉnh có địa hình rộng, dân cư phân tán, nhiều vùng sâu, vùng xa như Lạng Sơn, việc quy hoạch lại các điểm trường sao cho thuận tiện cho việc đi lại của học sinh là nhiệm vụ tối quan trọng.
Song song đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tập trung nguồn lực để củng cố cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp các điểm trường trung tâm, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Về nhân sự, để tránh tình trạng thiếu hoặc thừa giáo viên cục bộ, ngành cũng đã chú trọng tới công tác bồi dưỡng, tập huấn để giáo viên có thể dạy liên môn, đa môn, từ đó linh hoạt trong điều tiết và phân công.
Chuyển đổi số “Chìa khóa” cho quản lý và dạy học hiện đại
Ông Tuấn khẳng định thêm: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn xác định rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là giải pháp then chốt để đảm bảo sự kết nối thông suốt, ổn định và hiệu quả trong toàn ngành sau khi tái cơ cấu bộ máy.

Cùng với đó ngành Giáo dục và đạo tạo tỉnh Lạng Sơn cũng đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và đang được triển khai quyết liệt:
Tăng cường hạ tầng số: 100% cơ sở giáo dục đã được kết nối mạng internet tốc độ cao. Các nền tảng dùng chung như cơ sở dữ liệu ngành, hệ thống quản lý văn bản, học bạ số, và tuyển sinh trực tuyến được triển khai đồng bộ, đảm bảo dữ liệu được liên thông giữa các cấp quản lý.
Thúc đẩy quản lý số: Các cuộc họp, tập huấn, giao ban trực tuyến được tăng cường, cùng với việc sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử, xây dựng quy trình công việc trên môi trường số.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học: Các trường học tiếp tục khai thác hiệu quả nền tảng học trực tuyến, kho bài giảng e-learning, thư viện số và các hệ thống kiểm tra, đánh giá trên môi trường mạng. Sở cũng liên tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Đảm bảo đồng bộ dữ liệu: Để tránh gián đoạn thông tin do sáp nhập hành chính, Sở chỉ đạo các đơn vị phải cập nhật kịp thời, chính xác dữ liệu về học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất trên toàn hệ thống.
Mục tiêu cuối cùng mà ngành giáo dục Lạng Sơn hướng tới là xây dựng một nền quản trị giáo dục gần dân, minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao. Chất lượng giáo dục phải được nâng lên một cách thực chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.
Với sự quyết tâm chính trị, những giải pháp đồng bộ và tầm nhìn chiến lược, có thể tin tưởng rằng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn sẽ vượt qua thách thức, nắm bắt thành công cơ hội từ mô hình chính quyền hai cấp, tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà và sự nghiệp giáo dục của cả nước.