[GIÁO DỤC CỦA ĐẾ QUỐC OTTOMAN]

GIÁO DỤC CỦA ĐẾ QUỐC OTTOMAN

——

Nguồn:
Cuốn “The Ottoman Empire: The Classical Age 1300-1600” của Halil İnalcık.
Cuốn “The Genesis of Darulfunun: An Overview of Attempts to Establish the First Ottoman University” của Ekmeleddin İhsanoğlu.
Cuốn “Encyclopedia of the Ottoman Empire” của Gabor với Bruce.

——

Trong hàng trăm năm, hệ thống giáo dục ở Ottoman được tiến hành ở cả trường công lẫn trường tư. Một trong những trường công quan trọng nhất là Enderûn Mektebi, chuyên đào tạo các kul từ devşirme trở thành những lãnh đạo quân sự và dân sự phục vụ đế quốc. Enderûn Mektebi được xây dựng ngay trong Hoàng cung của Sultan, là lò luyện những cá nhân sau này sẽ nắm các chức quan lớn, với đủ mọi loại môn học như: Giáo lý Quran, hadith, hùng biện, tiếng Ả Rập, thơ ca, triết học, lịch sử, toán học và địa lý. Điểm khác biệt giữa Enderûn Mektebi với các trường học khác ở Ottoman là Enderûn Mektebi chỉ tập trung dạy các môn cần thiết để phục vụ cho Sultan.

Trường học thông dụng nhất tại Ottoman là các trường tôn giáo gọi là “medreses.” Trường tiểu học hay “sıbyan mektebi,” được xây dựng bởi Sultan, quan chức Ottoman hoặc các nhà hảo tâm, thường nằm ngay trong külliye, hoặc một khoảng đất trống giữa làng hay thành phố. Những trường học hoạt động nhờ vào tiền từ các vakıf và có thể dạy chung hoặc chia khu nam nữ tuỳ vào ý muốn người xây dựng. Những trường tiểu học này không có một chương trình học thống nhất mà tuỳ vào truyền thống của từng địa phương. Thường thì trẻ em từ 5 tuổi trở lên có thể theo học ở đây. Các giáo viên được lựa chọn giảng dạy là những người đã được giáo dục qua medreses, ở những địa phương còn khó khăn thì đơn giản là những người biết chữ hoặc được người dân tin tưởng bầu chọn. Thông thường những người này là các imam, hoặc các muezzin, hoặc người trông coi Thánh đường Hồi giáo. Phụ nữ nhớ được Kinh Quran cũng được phép dạy ở bậc tiểu học dành riêng cho nữ sinh. Mục đích chung của những trường này là dạy học sinh cách đọc, cách viết, cộng trừ nhân chia cơ bản, và nhớ một số đoạn quan trọng trong Kinh Quran, những năm cuối cấp trẻ sẽ được dạy văn học trong tiếng Ả Rập và Ba Tư.

Quay trở lại với medreses, những học sinh tốt nghiệp sıbyan mektebi nếu muốn tiếp tục chương trình giáo dục sẽ được học tại đây. Mặc dù những người tốt nghiệp được medreses sẽ được coi là giới tinh hoa của đế quốc, những trường học này luôn rộng mở với tất cả những người Hồi giáo từ khắp miền đất nước, tạo cơ hội giáo dục công bằng cho mọi tầng lớp xã hội. Các giáo viên medreses đâu tiên có thể là những người sinh ra và lớn lên ở vùng Anatolia trước khi bị chinh phục bởi Ottoman và được giáo dục ở các trung tâm văn hoá Hồi giáo.

Khái niệm về tri thức và việc phân chia các loại khoa học của Taşköprüzade là bước đầu để đi sâu vào nghiên cứu giáo dục medreses thời Đế quốc Ottoman. Taşköprüzade cho rằng có 4 loại tri thức – tâm linh, lý trí, nói và viết. Khoa học tâm linh theo ông có hai nhánh, lý thuyết và thực hành. Từ đây, ông lại chia thành nhóm tri thức dựa hoàn toàn vào logic và tri thức dựa vào giáo lý Hồi giáo. Vì vậy, mọi ngành khoa học đều có thể chia làm 8 loại sau:

A/ Khoa học thư pháp: nghiên cứu các dụng cụ dùng để viết, các kiểu viết chữ đẹp,…

B/ Khoa học lời nói: nghiên cứu về tiếng Ả Rập, ngữ âm học, từ điển học, từ nguyên học, ngữ pháp và cú pháp, hùng biện, thơ ca, lịch sử và các ngành khoa học ngữ văn khác.

C/ Khoa học lý trí: logic, biện chứng,…

D/ Khoa học tâm linh: Loại này ông phân chia như sau:

– 1/ Khoa học lý thuyết lý tính: thần học cơ bản, khoa học tự nhiên, toán học,…

– 2/ Khoa học thực hành lý tính: đạo đức học, khoa học chính trị,…

– 3/ Khoa học lý thuyết tôn giáo: nghiên cứu Kinh Quran và truyền thống của Hồi giáo cũng như những ngành khoa học ảnh hưởng đến truyền thống đó, thần học Hồi giáo, những quy tắc và luật lệ của Hồi giáo.

– 4/ Khoa học thực hành tôn giáo: đạo đức học thực tế, nghiên cứu các lễ nghi, ihatisâb, và các ngành khác liên quan tới đời sống và tín ngưỡng của đạo Hồi.

Mục đích của tất cả các tri thức nói chung, và các tri thức tâm linh nói riêng, là để có tìm đến tri thức của Allah.

Việc phân chia khoa học còn có một khía cạnh khác, được chia theo độ hữu dụng của nó, các ngành khoa học quan trọng như chính trị được gọi là “fen.” Ngoài ra khoa học cũng được phân ra làm tốt hoặc xấu, khoa học hỗ trợ tôn giáo là tốt, khoa học như chiêm tinh là xấu. Quan điểm về tôn giáo của Taşköprüzade còn có kết hợp một số khía cạnh của chủ nghĩa thần bí. Giống với al-Ghazâlî, ông cho rằng chiêm nghiệm là thứ quan trọng để bổ sung với khoa học tâm linh, sự chiêm nghiệm này là một phần của khoa học thần bí, mục đích là để con người tìm hiểu sâu hơn về thuyết ngộ đạo, từ đó có thể biết nhiều hơn về “thế giới xung quanh.” Theo đó, những học giả mà chỉ nghiên cứu về khoa học tôn giáo thông thường thì thật đáng thương, họ đã rời xa khỏi “thế giới xung quanh.” Một học sinh, theo Taşköprüzade, phải học hết tất cả các môn khoa học, bởi nó sẽ bổ sung cho nhau để tạo thành một khối thống nhất. Người học giả dành cả đời của mình chỉ để học một lĩnh vực sẽ không thể tiếp cận với tri thức của Đấng tối cao.

Yếu tố quan trọng nhất trong việc giáo dục của Hồi giáo là các “müderris,” một người được công nhận là có quyền, hiểu biết về tôn giáo và khoa học tâm linh, họ có thể là những chuyên gia tập trung về một lĩnh vực nào đó, nhưng tất cả các học sinh trước đó đều phải được giáo dục qua khoa học tôn giáo, ngoài ra người đó phải biết được tiếng Ả Rập – ngôn ngữ của khoa học. Nếu một học sinh cần luyện chuyên một lĩnh vực nào đó, người học sinh đó sẽ đến tìm chỗ ở của người thầy đó và theo học tại đây, nên thứ quan trọng là müderris, không phải medreses.

Medreses đầu tiên của Ottoman được xây dựng ở Iznik năm 1331, dành cho một học giả nổi tiếng là Dâvûd xứ Kayseri. Vào những năm sau đó, khi một Sultan muốn xây dựng medreses, ông sẽ mời các học giả từ trung tâm văn hoá cũ của Anatolia, như Konya, Kayseri, hoặc Aksaray, hoặc từ những nơi khác trong thế giới Hồi giáo như Ba Tư, Turkestan, Ai Cập hoặc Syria. Vào thời Mûrad II, Alâ al-Dîn xứ Tus và Fakhr al-Dîn, đến từ Ba Tư, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của medreses. Trong giai đoạn hình thành văn hoá Ottoman vào thế kỷ 14 và 15, các ulema của Ottoman đi khắp Ai Cập, Ba Tư, và Turkestan để học hỏi những học giả nổi tiếng ở đây. Để học về luật lệ và giải thích Kinh Quran, họ thường đến Ai Cập hoặc Ba Tư; Mehmed al-Fanarî, Alî al-Fanarî, Şeyh Bedreddîn và nhiều học giả nổi tiếng khác đều từng học tại những vùng này. Vào thế kỷ 15, các học giả như Sa’d al-Dîn al-Taftazânî và Sayyid Sharîf al-Jurjânî, chuyên về nghiên cứu khoa học tôn giáo, nổi tiếng dưới thời Thiếp Mộc Chân, và ngày càng thu hút nhiều học sinh. Để học toán thì các ulema sẽ đến Samarkand.

Mehmed II từng than phiền rằng mặc dù ông đã xây dựng nên một đế chế rộng lớn và vĩ đại, triều đình của ông không có các ulema giỏi để đem so sánh với nơi khác. Các ulema bản địa mà ông tự hào chỉ có Molla Hüsrev và Hocazâde. Sau khi chinh phục Kostantîniyye, ông cho chuyển 8 nhà thờ Kitô giáo thành medreses cho 8 học giả nổi tiếng; và từ năm 1463 đến 1470, khi xây dựng Fatih Camii, ông xây dựng xung quanh đó 8 medreses nổi tiếng nữa gọi là “Sahn-i semân” hay “Semâniye,” mỗi medreses cho một học giả. Các medreses này được làm bằng đá, xây dựng hai bên Thánh đường Hồi giáo; có tất cả 8 medreses cấp cao, nơi luyện chuyên về một lĩnh vực nào đó, và 8 medreses cấp thấp, nơi luyện học sinh để chuẩn bị cho cấp cao. Tiền lương của mỗi müderris quản lý một medreses là 50 akçe mỗi ngày, bằng khoảng 1 đồng vàng ducat. Mỗi medreses có 19 phòng và 1 phòng học, 15 trong số này dành cho các học sinh đặc biệt, hay “dânişmend,” những người tài giỏi được müderris lựa chọn trong số các học sinh đã hoàn thành khoá học ở medreses cấp thấp. Các học sinh này được nhận 2 akçe mỗi ngày từ vakıf và nhận thức ăn từ các nhà nghỉ gần đó. Mỗi medreses đều có những thư viện riêng. Müderris sẽ lựa chọn một trong các dânişmend làm trợ lý của mình, người này có nhiệm vụ dạy lại các bài giảng và quản lý kỷ luật học sinh, nhận 5 akçe mỗi ngày. Tất cả các học sinh đều được yêu cầu dành toàn thời gian vào việc học.

Trong giai đoạn này, Semâniye medreses là trường giáo dục tôn giáo ở cấp cao trong đế quốc. Thấp hơn là Dâlülhadîs medreses mà Mûrad II thành lập ở Edirne, và dưới nữa là các medreses xây ở Bursa. Ngoài những trường học hoàng gia này còn có nhiều medreses khác xây dựng bởi các quan chức Ottoman, nổi tiếng là medreses của Alî Pasha ở Edirne, Şihâbeddîn Pasha ở Filibe (Plovdiv), Mahmûd Pasha ở Kostantîniyye, Eski Alî Pasha ở Bursa và Ishâk Bey ở Üsküp (Skopje),… Cùng với đó là các medreses cũ ở Anatolia thời tiền Ottoman.

Medreses của Ottoman chia làm 2 loại chính. Loại thứ nhất là “hâriç” – ngoại – medreses dạy những tri thức cơ bản. Loại thứ 2 là dâhil – nội – medreses, dạy những tri thức cấp cao hơn nữa. Từ đây cũng được chia ra làm nhiều loại:

1/ HÂRIÇ MEDRESES

(a) Medreses cấp thấp nhất, được gọi là “ibtidâ-yi hâriç,” dạy những điều cơ bản về ngữ pháp và cú pháp Ả Rập, logic học, thần học cao cấp, thiên văn học, hình học và hùng biện. Các medreses còn này được gọi là “Tajrid medreses,” đặt tên theo bài luận của Sayyid Sharîf về “Tajrid’” của Nasîr al-Dîn xứ Tus, sách giáo khoa chính cho khoá học ở đây. Ngoài ra còn có một cái tên khác là “medreses hai mươi” vì müderris ở đây nhận mức lương 20 akçe mỗi ngày.

(b) Bậc cao hơn là các “medreses ba mươi” hay “Miftâh medreses,” đặt tên theo sách giáo khoa chính là cuốn “Miftâh” của al-Sakkakî viết về hùng biện. Trường này dạy sâu hơn về hùng biện và khoa học ngữ văn.

Các “medreses hai mươi” và “medreses ba mươi” thường nằm ở các vùng nông thôn.

(c) Cao hơn nữa là các “medreses bốn mươi” và “năm mươi,” được các Hoàng tử, Công chúa trong Hoàng tộc và các Vizier xây dựng ở Kostantîniyye, Edirne và Bursa. Ở mức sơ cấp họ học diễn giải Miftâh, ở mức trung cấp học thần học cao cấp theo “Mawakîf” của ‘Adûd al-Dîn, ở mức cao cấp học luật theo “Hidâya” của al-Marghînânî

2/ DÂHIL MEDRESES

(a) Dâhil “medreses năm mươi,” hay “ibtidâ-yi dâhil” cũng được xây dựng bởi các Công chúa, Hoàng tử, hoặc các Vizier. Ở mức sơ cấp dạy về “Hidâya,” ở mức trung cấp dạy về các nguyên tắc của luật theo “Talwîh” của al-Taftazânî; ở mức cao cấp họ dạy về diễn giải Kinh Quran theo “Kashshâf” của al-Zamakhsharî.

(b) Cao hơn là 8 medreses được Mehmed II xây đầu tiên, được gọi là “tetimme” hay “mûsile-yi sahn.”

(c) Ở cấp cao nhất là các Semâniye medreses, nơi học sinh tập trung luyện chuyên 3 lĩnh vực – luật học Hồi giáo, diễn giải Kinh Quran hoặc thần học cao cấp, hùng biện và các môn học liên quan – và nhận được các khoá học đặc biệt.

Süleymân I sau này đưa ra một số cải cách giáo dục quan trọng. Xung quanh Thánh đường Hồi giáo ông xây dựng ở Kostantîniyye năm 1550 đến 1556, ông xây dựng 4 medreses chung, thêm 2 medreses đặc biệt dùng riêng để luyện chuyên, trong đó 1 dùng để học các ngành khoa học liên quan đến Hadîth, 1 dùng để học ngành y. Loại này được ông xếp thứ hạng cao nhất, và thứ hạng này tồn tại cho tới khi đế quốc sụp đổ. Hàng trăm medreses trải rộng khắp đế quốc đều được phân chia theo 11 cấp bậc này.

Medreses tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Năm 1529, có 14 medreses ở Edirne. Đến thế kỷ 17, chỉ tính riêng Kostantîniyye có đến 95 medreses; đến thế kỷ 19, con số này tăng lên 170. 49 medreses này được xây dựng bởi Pasha, 35 bởi các thành viên trong giới quý tộc, 35 bởi các ulema, 26 bởi Sultan và còn lại bởi những người khác. Trong số 350 medreses xây từ thế kỷ 14 đến thể kỷ 16, 40 medreses xây ở thế kỷ 14, 97 thế kỷ 15 và 189 thế kỷ 16. Nếu tính trong suốt quá trình tồn tại của Đế quốc Ottoman, có đến khoảng 665 medreses được xây dựng chỉ riêng ở Rumelia.

Medreses dù thời tiền Ottoman cũng như thời Ottoman là một tổ chức được hỗ trợ bởi vakıf và là một phần của külliyesi. Các mütevellî ở đây sẽ đưa tiền tài trợ medreses cho müderris giữ; các müderris chịu tránh nhiệm lựa chọn học sinh và chia số tiền tài trợ này lại cho các học sinh và lao công ở medreses, và cũng là người quản lý medreses. Như vậy mỗi một medreses là một đơn vị tự quản lý riêng bên trong vakıf. Các müderris muốn giảng dạy thì phải có giấy phép từ Hoàng gia.

Các ulema cũng được tuyển từ các medreses này. Theo nguyên tắc thì Hồi giáo không chấp nhận giai cấp tăng lữ làm trung gian giữa Allah và người phàm đại diện cho quyền lực tôn giáo. Tuy nhiên, các ulema, một nhóm tôn giáo giống với giai cấp tăng lữ ở phương Tây, cũng phát triển trong thế giới Hồi giáo và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và chính trị tại các nền văn minh Cận Đông cũ. Tất cả các ulema đều có cả quyền và nghĩa vụ diễn giải và thi hành luật Hồi giáo, các müftî chỉ có quyền thứ nhất và các kâdî chỉ có quyền thứ hai. Họ chịu trách nhiệm về việc thi hành Şerîat trong nhà nước. Quyền lực chính trị, có được thông qua sức mạnh quân sự, là yếu tố quan trọng nhất của chính phủ Ottoman, nhưng theo giáo lý đạo Hồi, quyền lực chính trị chỉ là công cụ để thi hành Şerîat: “Nhà nước nằm dưới quyền tôn giáo.” Vì vậy giai cấp ulema coi quyền lực thế tục là cấp thấp hơn và luôn tìm cách đưa thi hành giáo lý.

Các ulema sử dụng các kiến thức về Şerîat của mình để áp dụng vào khoa học. Để vào hàng ngũ ulema thì thí sinh đầu tiên phải học khoa học, để có thể dùng những tri thức đó hiểu được Kinh Quran. Một trong các ulema sau đó sẽ đến kiểm tra năng lực của thí sinh. Ulema được coi là những người thừa kế tri thức từ Thiên xứ Muhammad. Ở đế quốc Ottoman có một hệ thống phân cấp ulema – müderris, müftî và kâdî – rất khắc khe, được phát thảo qua sơ đồ bên dưới.

Các müderris của hâriç medreses hoặc những người tốt nghiệp Semâniye medreses có thể trở thành kâdî ở các thị trấn nhỏ, tiền lương từ 50 đến 150 akçe mỗi ngày. Các kâdî cấp cao hơn, với mức lương từ 300 akçe trở lên, được coi là những người chuyên nghiệp trong ngành luật và tôn giáo, được gọi “molla.” Ví dụ, kâdî có mức lương 300 akçe mỗi ngày có khả năng trở thành defterdâr hoặc dîvân Hoàng gia. Các müderris của Semâniye hoặc các medreses cấp cao hơn có thể trở thành molla với mức lương 500 akçe, sau này còn có cơ hội thăng tiến làm kâdî ở Kostantîniyye hoặc kâdîasker. Kâdî với mức lương 500 akçe có khả năng làm nişancı hoặc dîvân Hoàng gia. Do đó không chỉ có quyền lực tôn giáo mà các chức quan lớn trong chính phủ cũng mở rộng cửa với họ, rất nhiều ulema cũng được làm các Vizier.

Kâdîasker của Rumelia và Anatolia, kâdî của Kostantîniyye và 8 thành phố quan trọng nhất là các ulema cấp cao. Chính những người này, cùng với şeyhüislâm đứng đầu, là nhóm công nhận quyền cai trị mỗi khi Sultan mới lên ngôi, mỗi khi Sultan bị cướp ngôi hay đảo chính, cũng chính nhóm ulema là người sẽ hợp pháp hoá việc đó. Tuy nhiên, cần nhớ rằng người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo về mặt tôn giáo luôn là Sultan-Caliph, và các ulema luôn phải thi hành quyền lực của mình dưới danh nghĩa của Sultan. Ở Đế quốc Ottoman, quyền lực chỉ định và cách chức ulema nằm trong luôn nằm trong tay Sultan và Grand Vizier.

Tuy nhiên, şeyhüislâm lại là một vị trí rất đặc biệt, đây là chức vụ đứng đầu ulema, cho đến thế kỷ 16 được lựa chọn bởi các müdderis có danh tiếng với sự thống nhất của Sultan. Nhiệm vụ của họ là đưa ra fetvâ về những việc Şerîat giải quyết được. Một số người khác với quyền lực tôn giáo nhất định cũng có thể viết fetvâ và trong taat cả các thị trấn và thành phố của Ottoman đều có müftî để làm việc này. Những người này tạo thành một giai cấp khác dưới quyền şeyhüislâm.

Tầm quan trọng của şeyhüislâm lớn đến mức các họ giả phương tây thường so sánh ông với giáo hoàng ở châu Âu. Kânnûnâme của Mehmed II nâng quyền lực của şeyhüislâm ngang với Grand Vizier và bắt mọi người phải tôn trọng chức vụ này. Cho tới cuối thế kỷ 16, các şeyhüislâm gần như không thể bị cách chức, với tư cách là đại diện Şerîat thường được hoạt động độc lập với quyền lực chính trị thế tục. Vào thế kỷ 16 khi Şerîat ngày càng ảnh hưởng nhiều đến nền chính trị nhà nước, quyền lực của şeyhüislâm cũng từ đó tăng cao, nhưng cũng vì vậy mà họ ngày càng phụ thuộc vào quyền lực chính trị.

Tuy nhiên trên đây chỉ là về giai đoạn đầu, bắt đầu từ thế kỷ 18 đến khi đế quốc sụp đổ, Đế quốc Ottoman trải qua nhiều thay đổi, thường bao gồm cả những cải cách cực đoan. Một trong những thay đổi quan trọng này là sự ra đời của hệ các trường học dựa trên mô hình của châu Âu và từ đó phát triển theo sự cần thiết của nhà nước. Phong trào cải cách giáo dục bắt đầu từ trong quân đội, nổ ra để ngăn chặn những thất bại liên tiếp của Ottoman và lấy lại sức mạnh quân sự cho đế quốc. Sau đó phong trào nhanh chóng lan rộng đến các ngành dân sự.

Để biết những phong trào cải cách này diễn ra như thế nào thì phải xem bài này có nhiều react không đã ?.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *