GIÁNG SINH CỦA LÃO PANOV

Tác giả: Leo Tolstoy (1870)

Hạ Ngôn dịch

Chiều xuống. Ánh nắng thoi thóp của ngày Vọng Giáng sinh trên một ngôi làng nhỏ bé nước Nga đang nhạt dần. Trời vừa nhá nhem tối nhưng các cửa hàng đã bắt đầu nhấp nháy ánh đèn và nhà cửa lấp lánh ngọn đèn dầu leo lét. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, ngắn ngủi cũng gần tàn. Qua ô cửa kiếng, người ta thấy bầy con trẻ vui đùa chạy nhốn nháo trong nhà, loáng thoáng tiếng người lớn chuyện trò, thỉnh thoảng bật lên giọng cười sảng khoái tạo thành âm thanh nghèn nghẹn như đang cố thoát ra từ những cánh cửa đóng kín.

Lão Panov, người thợ đóng giày trong làng, bước ra ngoài cửa hàng nhìn dáo dác xung quanh. Giờ này chẳng còn ai đến đóng giày, lão nghĩ thầm. Trong thinh lặng của buổi chiều đông buốt giá, lão chợt thèm dư âm hạnh phúc thuở nào, ánh đèn rực rỡ và mùi thơm thoang thoảng của các món ăn ngon miệng bày biện trên bàn trong đêm Vọng Giáng sinh như lúc vợ lão còn sống và con cái còn bé. Bây giờ chỉ còn là dĩ vãng. Vợ lão chết bệnh. Con cái bỏ làng tản mác lên thành phố kiếm ăn. Nơi này chỉ còn mình lão, sống vò võ, khổ nhọc đóng từng đôi giày kiếm sống. Khuôn mặt rạng rỡ của lão lúc tiếp khách hàng, chú ý lắm mới thấy những nếp nhăn nho nhỏ đằng sau cặp kính tròn bằng thép, giờ đây trông mệt mỏi và buồn bã làm sao. Quay vào nhà, lão mím môi cố nuốt trôi nỗi buồn da diết xuống đáy lòng. Panov chậm rãi cài then cửa và đặt ấm cà phê đun trên bếp than hồng. Chìm lắng trong căn phòng chật chội, nỗi cô đơn đè nặng lên tâm tư, lão không thể nào nén được tiếng thở dài, và thả người ngồi phịch xuống chiếc ghế nằm chơ vơ ở góc phòng.

Hiếm khi Panov đọc sách, nhưng không hiểu sao tối nay lão lại tẩn mẩn lấy cuốn Kinh thánh cũ mèm trên kệ xuống và dùng ngón trỏ dò từ từ từng dòng một. Lão đọc lại câu chuyện Giáng sinh. Miệng lẩm nhẩm, lão đọc lại trang sách nói về Maria và Giuse, bụng mang dạ chửa trên đoạn đường dài đến Bêlem, không tìm được chỗ trọ, vì vậy hai ông bà phải tạm trú qua đêm trong chuồng bò, và hài nhi Giêsu được sinh ra trong cảnh lạnh lẽo, nghèo hèn như thế.

“Ối giời!” lão Panov kêu lên, “giá như họ đi ngang đây! chắc chắn tôi sẽ mời vào nhà, nhường chỗ nằm cho Maria, và lấy tấm chăn mới đắp cho đứa bé.” Lão đọc tiếp chuyện ba nhà thông thái mang vàng, nhũ hương, và mộc dược để tặng cho Hài nhi Giêsu. Nhìn quanh, Panov buồn rầu nghĩ, “Mình lại không có gì làm quà cho bé Giêsu.”

Đột nhiên, khuôn mặt lão rạng rỡ. Panov đặt cuốn Kinh thánh xuống, đứng dậy và vói tay lên hàng kệ cao, lấy xuống chiếc hộp nhỏ bám đầy bụi. Bên trong là một đôi giày da nhỏ xíu xinh xắn. Panov mỉm cười hài lòng. Trí nhớ lão vẫn còn tốt. Lão nhớ lúc rảnh rỗi lão có đóng một đôi giày da nhỏ nhắn. Đóng cho ai lão lại không nhớ. Lão chỉ biết cả đời lập nghiệp ở làng này, đóng hàng trăm đôi giày, nhưng đây là đôi giày đẹp nhất, lão ưng ý nhất từ trước đến nay. Lão quyết định đây là món quà lão sẽ tặng cho bé Giêsu.

Vừa nghĩ đến đó lão cảm thấy trong người mệt mỏi lạ thường. Panov lẩm nhẩm đọc tiếp đoạn Giuse đưa gia đình trốn sang Ai cập nhưng cặp mắt ríu dần. Lão nửa tỉnh nửa mơ trong cơn buồn ngủ. Và rồi, lão thiếp đi như người thiếu ngủ từ lâu.

Và trong giấc ngủ, lão mơ. Panov mơ thấy có người đang ở trong phòng mình và lập tức lão nhận ra ai. Chúa Giêsu? Lão ngờ ngợ. Đúng là Chúa Giêsu. Lão ú ớ kêu tên cực trọng. “Có phải lão ước muốn gặp Ta, đúng không?” Chúa Giêsu ân cần hỏi. Và không đợi lão trả lời, Ngài tiếp, “Vậy thì hãy cố tìm Ta vào ngày mai. Đó là ngày Giáng sinh và Ta sẽ đến thăm lão. Nhưng lão phải cố nhìn ra Ta, vì Ta sẽ không nói cho lão biết Ta là ai.”

Lão Panov choàng tỉnh, ngoài kia chuông nhà thờ nửa đêm vang lên rộn rã báo hiệu bắt đầu ngày Giáng sinh. Mảng sáng mỏng manh chiếu qua khung cửa. “Xin Chúa ban phước cho con!” lão nguyện thầm, ” vì hôm nay là ngày Chúa sinh ra đời!”

Lão đứng dậy, vươn vai, vặn vẹo thân hình. Tâm hồn lão bỗng tràn ngập hạnh phúc khi nhớ lại giấc mơ. Dù sao đây cũng là một lễ Giáng sinh rất đặc biệt, vì Chúa Giêsu sẽ đến thăm lão. Ngài sẽ trông ra sao, dưới hình dáng nào? Lão tưởng tượng Chúa với hình dạng một hài nhi bé bỏng yếu đuối, như lần Giáng sinh đầu tiên Ngài mặc lấy xác phàm? Hoặc Ngài là một người đàn ông trưởng thành dáng phong trần, hoặc một người thợ mộc dáng lam lũ – hoặc vị Vua vĩ đại dáng uy nghi lẫm liệt, vì Ngài đúng là Con Đức Chúa Trời? Làm sao để nhận ra Ngài đây, Panov than thầm. Lão phải mở mắt thật to, quan sát thật kỹ để nhận ra Ngài.

Panov pha một bình cà phê đặc biệt cho bữa sáng Giáng sinh, kéo màn cửa và nhìn ra ngoài. Đường sá vắng tanh, không gian tĩnh lặng, không một bóng người. Lão xoa tay chờ đợi. Xa xa, lão thấy thấp thoáng bóng người. Cả một phố nhộn nhịp mới hôm qua, thế mà hôm nay chi thấy mỗi người phu lặng lẽ quét đường. Lão nhìn kỹ, anh ta trông vẫn khốn khổ và bẩn thỉu như ngày nào. Có ai muốn làm việc vào ngày Giáng sinh – khi màn sương ẩm ướt chưa tan, dầm mình trong cái lạnh cắt da của một buổi sáng mùa đông?

Lão Panov mở cửa tiệm, luồng không khí buốt giá thổi vào căn phòng mờ tối. “Này anh!” lão bước hẳn ra đường kêu lớn tiếng, giọng reo vui vang vang suốt con đường. “Vào đây đã, vào làm một ly cà phê cho ấm bụng đã!”

Người quét rác ngừng tay, lưỡng lự, không tin vào tai mình. Cuối cùng, anh mỉm cười, gật gật đầu, dựa chổi vào gốc cây và hớn hở bước vào căn phòng ấm áp. Khuôn mặt anh trông lung linh kỳ lạ qua làn sương mỏng, vì bộ quần áo cũ của anh bốc hơi bên bếp lửa hồng. Hai bàn tay đỏ au vì lạnh cóng siết chặt ly cà phê nóng, anh từ tốn hớp từng ngụm trông thật hả hê.

Lòng lão Panov cũng hả hê không kém, mỉm cười thỏa mãn, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt nhìn ra cửa sổ. Lão không muốn bỏ lỡ vị khách đặc biệt trong giấc mơ đêm qua.

“Lão đang mong ai vậy?” người quét rác hỏi. Panov kể cho anh giấc mơ của lão.

“Chà, tôi hy vọng ông ấy sẽ đến,” người phu nói, “cám ơn lão đã cho tôi hiểu được ý nghĩa Giáng sinh mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến. Tôi mong giấc mơ của lão sớm thành sự thật.” Nói xong, khuôn mặt người phu rạng rỡ một nụ cười.

Người phu đứng dậy cám ơn ông và chào từ giã. Lão Panov đun củi nấu súp bắp cải cho bữa tối. Xong xuôi, lão bước ra cửa, quan sát đường phố. Đường sá vẫn vắng tanh. Nhưng lão lầm. Đàng xa, thấp thoáng bóng người lủi thủi bước.

Cô gái lặng lẽ bước. Cô đi chậm chạp men theo bức tường của cửa hàng và nhà ở. Người cô tiệp hẳn với màu tường đến nỗi phải chú ý lắm lão mới nhận ra. Dáng cô ủ rũ, khuôn mặt mệt mỏi, lê bước chân nặng nhọc vì cô đang ôm trong tay một thứ gì đó. Khi cô bước đến gần, lão chợt nhận ra cô đang ôm đứa bé, quấn chặt trong chiếc khăn choàng mỏng. Lão thấy rõ nét buồn bã trên khuôn mặt của người mẹ, và đứa bé đỏ hỏn đang bồng trên tay. Màu đỏ, không biết vì mới sinh hay vì lạnh. Vừa nhìn thấy hai mẹ con run rẩy trong cơn đông giá, lão thở hắt ra như đang lên cơn trụy tim.

Lão đưa hai tay, vồn vã: “Vào đây… hai mẹ con vào đây.” Lão bước ra tận nơi, đỡ lấy người phụ nữ, “Nhanh lên… không khéo cháu chết cóng. Cô ngồi gần bếp lửa cho ấm.”

Người mẹ trẻ lặng thinh theo chân ông vào nhà. Cô rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành. Tay ôm chặt đứa con vào lòng, cô thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng ngàn cân.

“Để tôi hâm một ít sữa cho cháu,” lão Panov nhanh nhẩu, “tôi đã từng nuôi con nên biết cách. Cứ để tôi mớm sữa cho cháu, còn cô cứ ngồi nghỉ cho khỏe.” Lão mau mắn lấy sữa trên bếp xuống, đổ ra một bát nhỏ. Panov đỡ lấy đứa bé, quay đôi bàn chân đỏ hỏn về phía bếp, và và cẩn thận đút cho bé từng thìa sữa. Đang đút sữa, nhìn xuống đôi chân trần không tất của bé, lão buột miệng, “Bé cần một đôi giày.” Người mẹ buồn rầu nhìn lão, “Nhưng cháu không có tiền mua. Trong người không có một xu dính túi. Cháu bồng con đi bộ qua làng bên để kiếm việc làm.”

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu lão Panov. Lão nhớ lại đôi giày nhỏ đêm qua. Nhưng lão ngần ngừ vì đó là món quà lão hứa để tặng riêng cho bé Giêsu. Lão nhìn chăm chú đôi bàn chân nhỏ bé đang ấm dần ngay trước mắt lão và cuối cùng lão quyết định phải làm gì cho đúng. Trao bé cho người mẹ, lão vói tay lấy đôi giày xuống. “Cô thử cho cháu đi” lão nói. Cô gái đỡ lấy đôi giày, ướm thử cho con. Thật kỳ lạ, đôi giày nhỏ xinh xắn vừa khít đôi chân bé. Người mẹ cảm động rung rưng đôi mắt, còn đứa bé quẫy đôi chân thích thú, miệng ê a những gì không rõ.

“Bác tốt với mẹ con cháu quá,” cô gái nhìn lão trìu mến. Ôm con đứng dậy, người mẹ chào từ giã. Cô nói thêm, “Cầu mong tất cả những ước nguyện Giáng sinh đến với bác!”

Hai mẹ con đi rồi, lão Panov vẫn đứng trầm ngâm suy nghĩ, liệu ước nguyện đặc biệt của lão có thành sự thật không. Lão lẩn thẩn nghĩ có thể lão bỏ lỡ vị khách vì bận rộn đón tiếp mẹ con cô gái, cả khi mời người phu quét lá vào nhà. Lão lo lắng ngóng cổ nhìn lên đầu phố, quay đầu xuống cuối phố. Bây giờ, người người đi lại tấp nập trên đường. Con đường trước mặt nhà lão nhộn nhịp người qua lại nhưng toàn những khuôn mặt thân quen lão gặp hằng ngày, chẳng phải Chúa Giêsu. Hàng xóm đi ngang nhà lão, thấy lão nhìn quanh quất, cất tiếng chào kèm theo nụ cười và lời chúc Giáng sinh vui vẻ. Thấy những kẻ ăn xin – và lão Panov vội vã vào trong lấy cho họ món súp nóng và hào phóng kèm một ổ bánh mì thật lớn. Lão bận rộn vào ra suốt ngày để giúp đỡ những kẻ lỡ đường, thiếu thốn, nhưng lão luôn căng mắt để tìm bóng dáng Chúa Giêsu trên đường.

Chiều xuống. Đường sá thưa người dần. Ai về nhà nấy chuẩn bị mừng ngày lễ trọng đại vì Chúa đã xuống thế làm người. Thất vọng và chán chường, lão thất thểu bước vào nhà. Đến cửa, lão Panov còn ngoái lại nhìn suốt con đường lần cuối. Cơn buốt giá đuổi hết mọi người về nhà, tìm hơi ấm bên lò bếp hồng. Chiều đông buồn xám như tâm hồn lão. Nhà cửa bắt đầu lên đèn, gia đình sum vầy quanh bàn ăn Giáng sinh. Thế là xong một ngày, lão lẩm bẩm, kéo lê chân bước vào nhà. Thả người ngồi xuống ghế, lão nghĩ hóa ra đêm qua chỉ là một giấc mơ. Căng mắt cả ngày chẳng thấy Chúa Giêsu đâu cả. Cuối cùng Ngài không đến.

Rồi bỗng nhiên căn nhà rộn rã tiếng cười nói. Lão dụi mắt. Ô kìa, nhà lão tràn ngập người. Không phải lão nằm mơ. Panov hình như nhìn thấy cả dòng người lão gặp từ sáng. Kìa, người phu quét đường rách nát, hai mẹ con tiều tụy, những kẻ ăn xin bẩn thỉu được lão biếu thức ăn. Từng người bước ngang lão đều thì thầm, “Con không nhìn ra Ta sao?”

“Các người là ai?” lão ngơ ngác hỏi lại. Chợt một giọng nói vang lên. Lão định thần, đúng là giọng nói trong giấc mơ đêm qua – giọng nói của Chúa Giêsu. “Ta đói và con đã cho ăn,” vẫn giọng nói đó. “Ta trần truồng, con đã cho mặc. Ta lạnh và con đã sưởi ấm. Ta đến với con ngày hôm nay trong tất cả hình dạng của những người con đã đón tiếp và giúp đỡ.”

Rồi tất cả bỗng nhiên tĩnh lặng. Căn phòng yên ắng hơn bao giờ, chỉ còn tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Một niềm bình an và hạnh phúc tuyệt vời dường như tràn ngập khắp căn phòng, đầy ắp tâm hồn lão Panov. Hồn lão choáng ngợp niềm vui, người lão như bay bổng, cảm giác lâng lâng khó tả đến nỗi lão chỉ muốn đứng bật dậy, ca hát, cười vang, nhảy múa như một đứa con nít được quà.

“Rốt cuộc Ngài đã đến!” lão chỉ lẩm bẩm được mấy chữ rồi nằm chết lịm trên ghế trong niềm vui cả đời lão chưa bao giờ cảm nhận được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *