Thứ tư, ngày 25/06/2025 15:48 GMT+7
Nơi có số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 đông nhất cả nước: Giám đốc Sở GDĐT dặn dò thí sinh điều gì?
Tào Nga Thứ tư, ngày 25/06/2025 15:48 GMT+7
Chiều 25/6, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã đến kiểm tra công tác tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Trường THCS Hà Đông và dặn dò tới các thí sinh.
Đúng 14h chiều 25/6, hơn 1,17 triệu thí sinh cả nước đã đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã đến kiểm tra, động viên thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THCS Hà Đông, quận Hà Đông. Đây là điểm thi có 693 lượt thí sinh tự do dự thi bằng bài thi chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã dặn dò thí sinh 2 điều quan trọng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đó là các em hãy giữ gìn sức khoẻ, tâm lý tốt để ngày mai thực hiện bài thi tốt nhất.
Đặc biệt, toàn bộ thiết bị điện thoại, thiết bị công nghệ và các đồ dùng không cần thiết, các em cần để ở nhà hoặc gửi ở khu vực gửi đồ mà điểm thi đã bố trí.
Ông Nguyễn Danh Chiến, trưởng điểm thi này cũng thông tin: “Trước khi đến trường làm việc, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với nhau. Khi đến đây, nhận thấy cơ sở vật chất tốt, bàn ghế, ánh sáng, không gian xanh sạch đẹp, thiết bị an ninh đảm bảo an toàn cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, hiệu quả.
Đặc biệt, chúng tôi dành thời gian dài để quán triệt tới các thành viên trong điểm thi về quy chế thi. Đây là điểm thi dành cho thí sinh tự do với đa dạng độ tuổi và mục tiêu dự thi nên sẽ thách thức với giám thị coi thi. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho thí sinh dự thi”.

Hà Nội là nơi có thí sinh đông nhất cả nước, đã chuẩn bị toàn diện cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2025, toàn thành phố Hà Nội có 124.072 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 16.000 so với năm 2024. Trong đó, có 2.565 thí sinh theo chương trình GDPT 2006. Thành phố đã bố trí 233 điểm thi với 5.587 phòng thi. Số lượng cán bộ, giáo viên và nhân viên được điều động lên tới hơn 16.000 người.
Số lượng bài thi trắc nghiệm rất nhiều khoảng 450.000 bài, thực hiện chấm và xử lý trên hai phần mềm khác nhau. Tuy vậy, thành phố đã tăng cường máy chấm và cán bộ chấm thi nhằm nỗ lực hoàn thành theo đúng lịch quy định.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra từ ngày 25-28/6. Thí sinh theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dự thi tốt nghiệp THPT sẽ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Các thí sinh này thi 3 buổi: 1 buổi Ngữ văn, 1 buổi Toán, 1 buổi thi tổ hợp tự chọn gồm 2 môn.
Còn các thí sinh dự thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 sẽ thi 4 buổi: 1 buổi Ngữ văn, 1 buổi Toán, 1 buổi thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, 1 buổi Ngoại ngữ.
Bộ trưởng Bộ GDĐT đã chỉ đạo các tỉnh thành chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trong thời gian diễn ra Kỳ thi năm 2025, khu vực Bắc Bộ dự báo nắng gián đoạn, chiều tối có mưa rào và dông rải rác; khu vực Trung Bộ trời nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối có mưa rào và dông vài nơi; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trời nắng, chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Những diễn biến này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi năm 2025.
Vì vậy, các tỉnh thành cần chủ động theo dõi và cập nhật thông tin thời tiết. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, dông lốc, bão và các hình thái thời tiết cực đoan khác từ các bản tin dự báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các cơ quan chức năng địa phương.
Giữ liên hệ thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Rà soát, xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho Kỳ thi với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ). Trong đó lưu ý cụ thể đối với cơ sở vật chất; phương án di dời, dự phòng; bảo quản đề thi, bài thi.
Đảm an toàn cho cán bộ và thí sinh. Thiết lập kênh thông tin với phụ huynh, học sinh để quản lý, hướng dẫn và hỗ trợ thí sinh di chuyển đến Điểm thi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do thiên tai.
Có kế hoạch, phương án tổ chức hỗ trợ ăn, ở gần Điểm thi cho cán bộ và thí sinh ở xa, có nhu cầu, nhất là cán bộ và thí sinh phải đi qua sông, suối, phà, đường có nguy cơ ngập, sạt lở… để tất cả đều đến được Điểm thi và dự thi an toàn.
Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn, phòng chống dịch. Khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh trường lớp học ngay sau mưa bão/mưa lũ kết thúc để bảo đảm an toàn, sạch sẽ, phòng tránh dịch bệnh, sẵn sàng cho công tác tổ chức Kỳ thi.