Giá xăng dầu tăng mạnh lần thứ 5 liên tiếp, lập đỉnh mới. 

Từ 15h ngày 1/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310-940 đồng một lít.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15h ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng một lít, ở mức 31.570 đồng (vùng 1). Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít (vùng 1).

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng.

Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON 95 đắt thêm 4.260 đồng một lít, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.760 đồng một lít.

Ở kỳ này, cơ quan điều hành cũng chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu ở mức 500 đồng mỗi lít với xăng RON 95, 100 đồng với E5 RON 92. Riêng các mặt hàng dầu sẽ ngừng chi từ Quỹ bình ổn.

Liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục ngừng trích Quỹ bình ổn xăng dầu, tăng mức trích quỹ trở lại với mặt hàng dầu diesel lên 100 đồng, dầu mazut lên 300 đồng một kg; và giảm mức trích với dầu hoả từ 300 đồng về còn 100 đồng một lít.

Như vậy, xăng đã có 5 phiên liên tiếp tăng giá, xô đổ kỷ lục cũ, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới. Việc giá xăng dầu tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.

Tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng tăng cao tác động lên lạm phát, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để bình ổn, hạ thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát cần có chính sách bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là xăng dầu.

Đại biểu Quốc hội Siu Hương cũng đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh giá một số mặt hàng có tác động đến sản xuất, kinh doanh.

“Cử tri phản ánh nhiều giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục, giá xăng tăng cao. Giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao. Các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực. Do vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá các mặt này, ổn định đời sống”, đại biểu Hương nhấn mạnh.

Trước đó, trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Công Thương cũng đề cập đến vấn đề giá xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu được Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính. Trong các kỳ điều hành, Liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá để bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo diễn biến giá thế giới nhưng mức tăng thấp hơn.

Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở cho kỳ điều hành ngày 11/5 so với đầu năm nay biến động tăng từ 50,23% đến 67,09% nhưng giá xăng dầu trong nước cùng giai đoạn này chỉ tăng 25,04 – 46,85%.

Cũng theo Bộ Công Thương, mỗi lít xăng RON 95 (trước kỳ điều chỉnh ngày 23/5 – PV) là 29.988 đồng/lít (tương đương 1,30 USD/lít), bằng mức bình quân của thế giới (đứng thứ 86/170 quốc gia). Và với mức giá này, Bộ Công Thương cho biết xăng Việt Nam được bán thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít); Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít); Campuchia (1,39 USD/lít). Tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu chiếm từ 15,23% đến 34,07% tùy từng loại.

Theo VNexpress, Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *