gia-tri-dac-sac-cua-ngai-hoang-de-duy-tan-vua-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia

Giá trị đặc sắc của ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia

Ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1712/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 13). Đợt này có 4 bảo vật dưới triều Nguyễn lưu giữ ở Huế được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó, có ngai hoàng đế Duy Tân.

Đây là chiếc ngai thứ 2 ở Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là bảo vật quốc gia. Trước đó, vào năm 2015, ngai vàng triều Nguyễn (hiện đặt ở di tích điện Thái Hòa) được công nhận là bảo vât quốc gia.

Giá trị đặc sắc của ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia- Ảnh 1.

Ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trước năm 1994, ngai hoàng đế Duy Tân được lưu giữ tại kho di tích Triệu Miếu (Hoàng thành Huế) – thuộc quản lý của Phòng Bảo vệ, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Trong đợt kiểm kê năm 1994-1995 do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện dưới sự chủ trì của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL), hiện vật này được đưa về nhập kho quản lý cổ vật của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Ông Ngô Văn Minh – Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế cho biết, do có xuất xứ từ Triệu Miếu và căn cứ trên hồ sơ hiện vật hiển thị là ngai thờ, nên trong giai đoạn từ năm 1995 – 2022, ngai hoàng đế Duy Tân được xác định là ngai thờ.

Trong năm 2023, Bảo tàng đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu chiếc ngai trên, so sánh đối chiếu từ các hiện vật và nguồn tư liệu. Kết quả đã khẳng định, chiếc ngai này là ngai của hoàng đế Duy Tân. Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã bổ sung nội dung hồ sơ hiện vật ngai gỗ sơn thếp này về tên gọi và niên đại: Ngai hoàng đế Duy Tân có niên đại khoảng năm 1907.

Hoàng đế Duy Tân là vị vua thứ 11 của triều Nguyễn, lên ngôi ngày 28/7 năm Đinh Tỵ (tức ngày 5/9/1907), khi ông mới 7 tuổi. Để phù hợp với vóc dáng của hoàng đế, triều đình đã cho đặc chế chiếc ngai với kích thước nhỏ dùng trong lễ đăng quang của nhà vua. Hình ảnh hoàng đế Duy Tân ngự trên chiếc ngai này đã được lưu lại bằng ảnh tư liệu.

Giá trị đặc sắc của ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia- Ảnh 2.

Ngai hoàng đế Duy Tân được trang trí chủ đạo với đồ án rồng 5 móng và nghệ thuật sơn thếp, vẽ vàng, chạm khắc độc đáo.

Ngai hoàng đế Duy Tân là hiện vật gốc độc bản, là hiện vật biểu trưng đầy đủ tính vương quyền của chế độ quân chủ và đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình – điêu khắc có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đặc sắc.

Mang ý nghĩa là biểu tượng quyền lực của vương triều, gắn liền với vua nên ngai được Tất Tượng Cục (quan xưởng chuyên sản xuất đồ gỗ sơn thếp của hoàng cung triều Nguyễn) chế tác dựa trên những nguyên tắc cơ bản của điển chế triều đình về chế tạo đồ ngự dụng.

Tạo hình rồng trên ngai được thể hiện ở nhiều vị trí với nhiều tư thế, biểu đạt những trạng thái khác nhau: Ở điểm tì tay thì đầu rồng ngẩng cao, nét điêu khắc đơn giản nhưng chắc khoẻ; rồng ở phần bệ ngai chạm nổi gồ ghề, mang vẻ uy nghi, kết hợp với hình tượng chim phụng thể hiện dáng điệu thăng hoa, viên mãn.

Ngai được trang trí chủ đạo với đồ án rồng 5 móng và nghệ thuật sơn thếp, vẽ vàng, chạm khắc độc đáo. Rồng được thể hiện ở nhiều dạng thức và góc độ khác nhau: Độc lập hoặc kết hợp với các yếu tố khác (phượng hoàng, dơi, hoa lá, mây, viên ngọc, chữ Thọ, chữ Vạn…), thể hiện ước vọng trường tồn, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ và những điều tốt đẹp.

Cũng tuỳ theo vị trí các kiểu thức, hoa văn trang trí trên ngai mà áp dụng kỹ thuật sơn, thếp, vẽ vàng, chạm nổi hay chạm lộng… thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng như bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đương thời.

Giá trị đặc sắc của ngai hoàng đế Duy Tân vừa được công nhận bảo vật quốc gia- Ảnh 3.

Vua Duy Tân ngự trên chiếc ngai.

Ngai hoàng đế Duy Tân là hiện vật đặc biệt gắn liền với nhân vật lịch sử – hoàng đế Duy Tân và liên quan đến một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Mặc dù lên ngôi khi còn nhỏ tuổi nhưng ông đã sớm trưởng thành, chững chạc trong tính cách, mang khí phách của một bậc đế vương, khác với mong muốn của chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Hoàng đế Duy Tân đã nêu cao tinh thần dân tộc và tư tưởng chống Pháp, tích cực tham gia cuộc nổi dậy chống lại Pháp. Ông cũng từ bỏ ngai vàng để không phải chịu sự điều khiển của chính quyền thực dân và đã sống lưu vong gần 30 năm.

Tính đến nay, Huế có 14 hiện vật/nhóm hiện vật (tổng cộng 41 hiện vật) được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó phần lớn các hiện vật được lưu giữ, bảo quản và trưng bày ở các điểm di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *