Lê Niệm là cháu của Lê Lai, con của Lê Lâm. Lê Lai có công đổi áo thay vua Lê Thái Tổ lúc sáng nghiệp, cả nhà cũng đều là hạng hùng kiệt, tận trung báo quốc, Lê Lai có 3 con là: Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm thì đều bất hạnh tử trận sa trường.
Lê Thánh Tông từng có sắc dụ Lê Niệm rằng:
“Trước đây Hoàng Thái Tổ ta khai sáng cơ nghiệp, cha ngươi tên là Lâm, rong ruổi Đông Tây, vì nước bỏ mình, đến khi vua Thái Tông nối ngôi giữ nghiệp, nghĩ tới công lao của cha ngươi, hiềm rằng ngươi còn nhỏ tuổi, chưa làm quan được, vua Nhân Tông giao cho bọn tể thần ra trấn giữ nơi hùng phiên, bèn đến nỗi biến loạn xảy ra nơi kẻ nách (chỉ binh biến của Nghi Dân), ngươi hết lòng mưu việc phục hồi, gươm sắc một lần vung lên mà kẻ gian tà phải nộp đầu, ngôi báu về lại với chính vị, tông miếu xã tắc vững yên. Khanh đã lập công không gì lớn hơn, nên giữ mãi nghiệp không ai sánh kịp. Trên thì nghiệp của tổ tông ta ngày thêm sáng tỏ, dưới thì công lao của cha con khanh càng thêm rõ ràng, há chẳng tốt lắm ư?”
Theo bài sắc dụ của Lê Thánh Tông cũng có thể thấy lúc Lê Thái Tổ lên ngôi thì Lê Niệm vẫn còn rất nhỏ tuổi, gia tộc neo người, mà tình thế lúc này lại hơi nhạỵ cảm, đó là lúc vua lên sáng nghiệp, phân thưởng cho công thần hay nói trắng ra là đang trong giai đoạn chia của.
Người ta thường nói chung hoạn nạn dễ, cùng phú quý khó, gia cảnh nhà Lê Niệm lúc bây giờ đơn bạc chỉ còn cha, ông và chú đều chết cả, mà cả cha ông sau đó cũng tử trận năm 1430 khi đánh Ai Lao, vì vậy e khó lòng đứng ra tranh đoạt với người khác, kể cả vua có tâm thương yêu phong thưởng cũng sợ có kẻ ghen ghét, ức hiếp.
Cho nên ngay năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Thái Tổ gia phong Lê Lai làm công thần hạng nhất, năm sau lại cho Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước và lời thề nhớ ơn Lê Lai để trong hòm vàng, đó là một lời cảnh cáo cũng là lời nhắc khéo kẻ dưới và hậu nhân của mình đối tốt với nhà Lê Lai, thậm chí trước lúc chết cũng canh cánh chuyện này mà dặn lại rằng để giỗ Lê Lai trước ông một ngày.
Quân thần như vậy, kể cũng là hiếm có trong sử sách.