GIA TỘC HOHENZOLLERN — SỰ TRỖI DẬY VÀ SUY TÀN CỦA CÁC HOÀNG ĐẾ GERMAN

Trong lịch sử Châu Âu thời Trung Cổ, các gia đình quý tộc và các lãnh chúa hùng mạnh luôn đóng một vai trò quan trọng. Các gia đình quý tộc giàu có và có tầm ảnh hưởng nổi lên và trực tiếp tham dự vào các sự kiện mang tính quyết định trong lịch sử Châu Âu. Hôm nay, chúng ta đi vào trung tâm của Châu Âu cận đại, tìm hiểu về một gia tộc quyền quý bậc nhất xứ German, Gia tộc Hohenzollern. 

Gia tộc này vươn lên tới mọi đỉnh cao trong thời gian đó, đưa người trong gia tộc vào các vị trí quan trọng — cử tri, vương công, vua và thậm chí là cả hoàng đế. Họ gây ảnh hưởng lên Phổ, Romania, Đức và Brandenburg, nơi họ là nhà cai trị hoặc cận thần — quyết định vận mệnh của Châu Âu và cả thế giới. 

?ÌM HIỂU GIA TỘC QUYỀN QUÝ HOHENZOLLERN 

Chúng ta bắt đầu câu chuyện của Gia tộc Hohenzollern từ dấu ấn sớm nhất của họ — khởi nguồn từ cái tên. Gia tộc Hohenzollern bắt nguồn từ thành Swabia, vùng Baden-Wurttemberg. Địa hạt ban đầu nơi gia tộc này định cư được gọi là Zollern, từ năm 1218 được gọi là Hohenzollern. 

Thủ phủ của địa hạt thuộc Đế chế La Mã Thần Thánh này là ngôi làng Hechingen — một ngôi làng nhỏ tọa lạc cách Stuttgart khoảng 60 km (37 dặm). Bản thân gia tộc quyền quý này có trụ sở tại Lâu đài Hohenzollern — một tòa lâu đài thời Trung Cổ hoành tráng nằm trên Núi Hohenzollern cao 855 m (2805 ft) ở vùng Baden-Wurttemberg. 

Lâu đài Hohenzollern là nơi tổ tiên của gia tộc quyền quý này cư ngụ, và vẫn thuộc quyền sở hữu của họ cho đến ngày nay. 1/4 tòa lâu đài thuộc quyền sở hữu của Karl Friedrich, Hoàng tử xứ Hohenzollern và 3/4 còn lại thuộc về Georg Friedrich, Hoàng tử nước Phổ. 

Lâu đài là một pháo đài thời Trung Cổ trên đỉnh đồi điển hình giống với những công trình khác ở Đức, nằm ôm sát trên đỉnh Berg Hohenzollern, bản thân nó là một mỏm đất biệt lập của Swabian Jura, nhô lên không trung với chiều cao lên tới 855 m (2805 ft) . Ngày nay nó là một trong những lâu đài được ghé thăm nhiều nhất ở Đức, với 350.000 du khách mỗi năm. Đó là nhờ khung cảnh bình dị, kiến trúc quyến rũ và thiết kế thực sự lộng lẫy và phong phú của tòa lâu đài.

Ngày nay, nhiều tài liệu đề cập tới thời gian sớm nhất gia tộc này xuất hiện là vào năm 1061. Một quý tộc, được đề cập trong biên niên sử của Berthold xứ Reichenau, một linh mục dòng Benedict và được đặt tên là Burkhard I, Bá tước xứ Zollern. Ông ra đời vào khoảng năm 1025, và bị kẻ thù sát hại vào năm 1061. Hiện nay, nhiều học giả đề cập đến một vị là Friedrich, Bá tước vùng Süllichen và là cha của ông, do đó có thể là tổ tiên của Gia tộc Hohenzollern. 

Người tiếp theo, và chắc chắn là được ghi chép nhiều hơn, là con trai của Burkhard I — Friedrich I, Bá tước xứ Zollern. Có nhiều thông tin về người đàn ông này. Ông là lãnh chúa của Tu viện Alpirsbach ở Swabia, và vợ ông, Udihild, xuất thân từ một trong những gia tộc quan trọng nhất vùng Swabia — Gia tộc Urach — sau này trở thành Gia tộc Fürstenberg nổi tiếng khắp nơi. 

Friedrich I là một người ủng hộ thân cận với Henry V, Hoàng đế của Đế chế La Mã Thần Thánh, và tham gia cùng với ông trong công cuộc mở rộng nước Ý vào năm 1110 và 1111. Có thể nói, ông là tổ phụ thực sự được ghi chép rõ ràng đầu tiên của Gia tộc Hohenzollern, sau Burkhard I.

?Ự HỢP NHẤT TỪ HAI NHÁNH

Phương châm cao quý của gia tộc là “Nihil Sine Deo”, là tiếng Latin của cụm từ “Nothing Without God” (Không có Chúa thì không tồn tại). Điều này rất quan trọng cho chúng ta lưu ý vì trên thực tế Gia tộc Hohenzollern đã chia thành hai nhánh riêng biệt tại một thời điểm. 

Điều này xảy ra khi con thứ của Friedrich II xứ Zollern, Bá tước Friedrich III, được phong cho là Thống đốc vùng Nuremberg thông qua cuộc hôn nhân của ông, bởi Henry VI vào năm 1192, sau này được gọi là Thống đốc Frederick I. Sau đó, nhánh này sát nhập Quận cử tri Brandenburg vào lãnh thổ từ năm 1415, hay còn được gọi là nhánh Franconian Hohenzollern, hoặc đôi khi là Dòng dõi Kirschner. Sau đó nhánh này chuyển đức tin sang đạo Tin Lành, trong khi nhánh Swabian Hohenzollern ban đầu vẫn theo Công Giáo.

Nhiều người cho rằng, nhánh Franconian (sau này còn được biết tới là người Phổ gốc Brandenburg) tách ra riêng hoàn toàn. Họ ủng hộ Vương triều Habsburg và những nhà cai trị thuộc Gia tộc Hohenstaufen của Đế chế La Mã Thần Thánh và được cấp cho các vùng lãnh thổ rộng lớn, góp phần mở rộng quyền lực và gia tài của họ. Trong khi vào thời điểm đó, Đế chế La Mã Thần Thánh có rất nhiều vương quốc và thành bang gia nhập với mong muốn truy cầu quyền lực và tầm ảnh hưởng, vì thế nên người của nhánh Franconian quyết định mở rộng hơn nữa quyền lực của họ thông qua các cuộc hôn nhân và chinh phục lãnh thổ. 

Từng bước một, nhánh này sát nhập nhiều vùng lãnh thổ, và đỉnh điểm là mua lại chức vụ Quan tổng trấn vùng Brandenburg vào năm 1417, và sau đó là Công Quốc Phổ vào năm 1618. Nhánh Franconian đã chuyển đổi thành công từ một gia tộc quyền quý thành một vương triều có sức ảnh hưởng lớn ở Châu Âu. 

Nhánh Franconian sau này lại chia ra, một vài thành viên làm Tổng trấn của Brandenburg, còn một vài thành viên khác thì làm Công tước Phổ. Khi hai nhánh Franconian này hợp nhất lại vào năm 1618 dẫn tới việc thành lập Vương quốc Phổ vào năm 1710. Và sự kiện này sẽ dẫn tới việc Thống Nhất Đức và thành lập Đế chế Đức vào năm 1871. Và thành viên của Gia tộc Hohenzollern trở thành Hoàng đế và Vua nước Phổ. 

Có thể cho rằng thời kỳ nổi bật nhất đối với các thành viên của Vương triều Hohenzollern là khi Đức trở thành một đế chế.

?ẬN MỆNH CỦA NHÁNH SWABIAN

Vậy còn vận mệnh của nhánh Swabian của gia tộc này thì sao? Nhánh này được thành lập vào năm 1218 bởi Công tước xứ Zollern là Frederick IV. Họ giữ tước hiệu “Công tước” suốt khoảng thời gian cho tới năm 1623, khi họ được nâng lên hàng “vương công”. Họ cai trị 3 vùng lãnh thổ là Sigmaringen, Hechigen và Haigerloch. Họ không thành công như nhánh Franconian, vì họ bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề kinh tế và rắc rối nội bộ, cũng như áp lực gia tăng liên tục từ các quý tộc lân cận vùng Wurttemberg và những thành thị thuộc Liên Minh Swabia. 

Các cuộc xung đột lên tới đỉnh điểm vào năm 1423, khi vị trí của họ tại Lâu đài Hohenzollern bị bao vây và phá hủy bởi Liên Minh Swabia. Tuy nhiên, các vùng lãnh thổ của họ vẫn được giữ và trao lại bởi các anh em của nhánh Franconian và từ Vương triều Habsburg. Năm 1576, tình hình thay đổi bởi cái chết của Karl I, Công tước xứ Hohenzollern. 

Đây là lúc 3 chi mới của nhánh Swabia tách ra — Gia tộc Hohenzollern-Hechlingen, thành lập bởi Eitel Friedrich IV; Gia tộc Hohenzollern-Sigmaringen, thành lập bởi Karl II; và Gia tộc Hohenzollern-Haigerloch, thành lập bởi Christoph. Điều đáng buồn là chi cuối sớm suy tàn vào năm 1634. 

Sau khi thành lập, hai chi còn lại — Hohenzollern-Hechlingen, và Hohenzollern-Sigmaringen — ký một thỏa thuận đặc biệt với Tổng trấn Brandenburg. Thỏa thuận này nói rằng trong trường hợp hai chi này suy tàn, lãnh thổ của họ sẽ sát nhập vào Brandenburg. Xa hơn nữa, các vương công của cả hai chi quyết định từ bỏ vị trí của họ, do cuộc Cách mạng Mùa Xuân Năm 1848.

Khi đó, lãnh thổ của họ được các Vua nước Phổ cai trị (nhánh Franconian), và các vương công được coi là thiếu sinh quân của dòng dõi hoàng gia Phổ. Chi Hohenzollern-Hechingen cũng suy tàn vào năm 1869. Một trong những hậu duệ của chi này là Nữ Bá tước Sophie Chotek, Nữ Công tước xứ Hohenberg, vợ của Vương công Franz Ferdinand, cả hai đều bị ám sát vào năm 1914 bởi chí sĩ vì tự do người Serbia Gavrilo Princip (Гаврило Принцип).

Gia tộc Hohenzollern còn làm Vua của Romania. Khi hai chư hầu của Đế chế Ottoman là Wallachia và Moldavia được thống nhất vào năm 1859, Alexandru Ioan Cuza trở thành vương công. Nhưng sau khi bị phế truất vào năm 1866, chính Vương công Karl của chi Hohenzollern-Sigmaringen đã được mời lên cai trị với tư cách là Vương công của Romania. Năm 1881, ông đổi sang một cái tên Romania là Carol I, Vua của Romania.

Vì Karl không có con trai nối dõi, và con gái duy nhất của ông qua đời khi còn nhỏ, nên ông trao quyền thừa kế cho cháu trai là Vương công Ferdinand của chi Hohenzollern-Sigmaringen. Hậu duệ của họ tiếp tục làm Vua Romania và cải đạo sang Cơ Đốc Chính Thống cho tới tận năm 1947, khi vị vua cuối cùng, Michael I, thoái vị còn Romania trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa vào năm tiếp theo. 

?ÁC HOÀNG ĐẾ ĐỨC QUỐC

Trở thành Hoàng đế Đức quốc là đỉnh cao tột cùng của Gia tộc Hohenzollern. Khi William I lên ngai vàng “Kaiser” (tiếng Đức nghĩa là “Hoàng đế”) Đức quốc vào năm 1871, bên cạnh đó, ông còn là Vua nước Phổ, Công tước của Quận cử tri Brandenburg. Ông muốn được biết đến với tư cách là Hoàng đế của toàn người German, nhưng đã bị Otto Von Bismarck khuyên không nên, người đã nói rằng các vương công phía Nam nước Đức và Hoàng đế Áo có thể sẽ phản đối điều này. Vì vậy, ông chỉ được gọi là Hoàng đế Đức quốc. 

Dòng dõi hoàng đế này cũng tới lúc thoái trào khi Wilhelm II, vị Hoàng đế Đức quốc cuối cùng tuyên bố thoái vị một thời gian ngắn trước khi kết thúc Thế Chiến I. Đó là két quả của Cách Mạng Đức năm 1918, sau khi hoàng tộc bị bãi bỏ, và hoàng đế bị ép phải thoái vị. Đế chế cũ biến mất và theo sau đó là sự thành lập Cộng Hòa Weimar (hay còn gọi là Nhà nước nhân dân Đức) vào năm 1918, cùng với đó là nước Đức chìm trong vòng xoáy bất ổn, thất nghiệp và đại suy thoái — tất cả đều được khắc phục một cách quyết liệt với sự nổi lên của vị quốc-trưởng-không-tiện-nhắc-tên với tư cách là thủ tướng vào năm 1933. 

?HUYỆN GÌ XẢY RA VỚI GIA TỘC HOHENZOLLERN?

Vậy thì Gia tộc Hohenzollern ra sao ở thời Hiện Đại? Sau thủ tục trưng thu thất bại vào năm 1926, Gia tộc Hohenzollern đã cố gắng duy trì tình hình tài chánh, đồng thời giữ quyền sở hữu một số bất động sản quan trọng, bao gồm Cung điện cổ xưa nhưng ấn tượng Monbijou ở Berlin, Lâu đài Olesnica ở Silesia, Cung điện Rheinsberg, Cung điện Schwedt và nhiều thứ khác. 

Tuy nhiên, họ chỉ giữ lại những thứ này cho tới năm 1945 thì mất quyền sở hữu. Trong Vùng Chiếm Đóng thuộc Soviet sau Thế Chiến II, cộng sản đã lấy đi (chiếm đoạt) tất cả đất đai từ các chủ đất và các nhà công nghiệp, và do đó, Gia tộc Hohenzollern mất gần như tất cả gia sản của họ.

Sau công cuộc Tái Thống Nhất Đức Quốc năm 1990, Gia tộc Hohenzollern cuối cùng được trả lại một số tài sản của họ thông qua các biện pháp hợp pháp. Bao gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật và một số phần nội thất của các cung điện trước đây. Các cuộc đàm phán này vẫn đang trong được thực hiện.

Người đứng đầu nhánh Phổ của Gia tộc Hohenzollern là Georg Friedrich Ferdinand, Vương công nước Phổ (sanh năm 1976), có 2 người con trai kế thừa. Người đứng đầu nhánh Swabia theo Công Giáo của gia tộc là Karl Friedrich, Vương công xứ Hohenzollern, có con trai, Alexander là người thừa kế. Đáng ngạc nhiên là, Vương công Karl Friedrich là một ca sĩ đồng thời là một nhạc công kèn saxophone trong ban nhạc Royal Groovin’ của ông. Ông còn là người thừa kế cho ngai vàng của Romania, nhưng ông đã tuyên bố rằng không có hứng thú với ngai vàng đó. 

Vào giữa năm 2019, Hoàng thân Georg Friedrich nộp đơn yêu cầu được cấp quyền cư trú vĩnh viễn cho bản thân và gia đình, trong Cung điện Cecilienhof hoặc bất kỳ cung điện nào trong số hai cung điện khác của Gia tộc Hohenzollern ở Potsdam. Ông cũng yêu cầu trả lại thư viện của gia đình mình, khoảng 266 bức tranh, những bức thư có giá trị của Hoàng hậu Auguste Victoria, cùng một vương miện và vương trượng vô giá của hoàng gia, mà tất cả đều thuộc về Gia tộc Hohenzollern. Nơi ở của gia tộc, Lâu đài Hohenzollern, vẫn thuộc quyền sở hữu tư nhân của họ, và tồn tại như vậy cho tới ngày nay, với lá cờ Phổ vẫn bay phấp phới khi hoàng thân cư trú ở đó.

?ẬN MỆNH CỦA QUÝ TỘC CHÂU ÂU

Câu chuyện về Gia tộc Hohenzollern là một trong những bài học quan trọng nhất về sự thăng trầm đầy vinh quang và sự sụp đổ đầy bi thảm của giới quý tộc và hoàng gia Châu Âu. Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản, cùng với sự sụp đổ của các chế độ quân chủ ở Châu Âu, tương lai của sau này đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng liệu tương lai có mang sự trở lại của giới quý tộc? Điều đó vẫn còn bỏ ngỏ…

(Nguồn tham khảo:

 The Story of the Hohenzollern. Creative Media Partners, LLC.

 Wilhelm Hohenzollern, the Last of the Kaisers. G. P. Putnam’s Sons.

 The Soldier Kings: The House of Hohenzollern. Putnam.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *