GIA TỘC HANOVER XỨ GERMAN — 2 THẾ KỶ CAI TRỊ VƯƠNG QUỐC ANH

Gia tộc Hanover (chánh thức được biết tới như là Gia tộc Brunswick-Lüneburg, thuộc dòng dõi Hanover) là một gia tộc hoàng gia xứ German tiến hành cai trị Vương quốc Anh. Người thuộc Gia tộc Hanover ngồi lên ngai vàng nước Anh vào thế kỷ 18, và cai trị cho tới tận đầu thế kỷ 20. Suốt khoảng thời gian này, có tổng cộng 6 vị quân chủ phong kiến cai trị nước Anh là người của Gia tộc Hanover, trong đó nổi tiếng nhất chính là Nữ hoàng Victoria.

Gia tộc Hanover là nhánh mới nổi của Gia tộc Welf xứ German (còn được gọi là Guelph), mà bản thân gia tộc này là nhánh của Gia tộc Este nước Ý. Vương triều này được thành lập vào năm 1683 như là kết quả của quá trình phân chia lại lãnh thổ của Gia tộc Brunswick-Lüneburg. Kể từ khi thành lập, tân lãnh thổ này được gọi là Công quốc Brunswick-Calenberg-Göttingen. Tuy nhiên, sau đó, lãnh thổ này được đổi tên dựa theo thủ phủ của nó, Hanover, ngày nay là thủ phủ của bang Lower Saxony phía Tây Bắc nước Đức. Vì thế nên vương triều này còn được gọi là Gia tộc Hanover. Uy danh của Gia tộc Hanover ngày càng lớn dần theo từng thế kỷ. Năm 1692, để đáp lại lời hứa hỗ trợ dành cho Vương triều Habsburg, lãnh thổ Hanover được Hoàng đế La Mã Thần Thánh, Leopold I, chỉ định làm đơn vị bầu cử thứ 9 của Đế chế.

Nhà lãnh đạo Hanover lúc này là Ernest Augustus, đang là Công tước từ năm 1679. Ngoài việc biến lãnh thổ Hanover thành nơi tổ chức bầu cử cho Đế chế La Mã Thần Thánh, Ernest Augustus còn góp phần đưa Gia tộc Hanover tiến đến cai trị nước Anh. Vào năm 1658, vị Công tước này lấy Sophia, con gái của Frederick V xứ Palatinate (vùng lãnh thổ giáp sông Rhine thuộc Đức), và quan trọng hơn nữa, bà là cháu gái của Vua Scotland James VI (Vua James I của Anh và Ireland từ năm 1603). Điều này gây ảnh hưởng đáng kể tới Gia tộc Hanover trong tương lai. 

?ÔN GIÁO ĐÓNG VAI TRÒ NHƯ THẾ NÀO TRONG MẠNG LƯỚI BẦU CỬ

Anne trở thành Nữ hoàng Anh, Scotland, Irland vào năm 1702. Theo Đạo Luật Liên Minh 1707, danh hiệu của Anne được đổi thành Nữ hoàng Vương Quốc Anh và Ireland. Anne là vị quân chủ cuối cùng của Gia tộc Stuart, cai trị nước Anh, Scotland, và Ireland từ năm 1603. Khi bà qua đời vào năm 1714, bà không để lại quyền thừa kế cho ai. Một trong những người thừa kế tiềm năng của bà là James, biệt danh là “Trưởng Lão Giả Mạo”, một người Công Giáo La Mã sống lưu vong. 

Tuy nhiên, một năm trước khi Anne bước lên quyền lực, Đạo Luật Kế Vị 1701 được thông qua, xác nhận một điều khoản trong Luật về các Quyền 1689 rằng ngai vàng sẽ không được trao cho một người Công Giáo La Mã, hoặc một người cai trị mà có vợ/chồng là người Công Giáo La Mã. Mặc dù một số bên nỗ lực để đảm bảo ngai vàng cho James, nhưng họ đã không thành công và khi Anne qua đời, ngai vàng của Vương quốc Anh sẽ được truyền cho người thân nhất của bà đồng thời là người theo đạo Tin Lành. Thật tình cờ đó lại là Sophia, vợ của Ernest Augustus. Thật không may, Sophia qua đời 2 tháng trước Anne. Kết quả là, ngai vàng được trao cho con trai của Sophia, người trở thành George I của Vương quốc Anh. Thật tình cờ là George I là người thứ 52 ngồi lên ngai vàng nước Anh. 

?EORGE I

George I là vị quân chủ đầu tiên của Gia tộc Hanover cai trị Vương quốc Anh cho đến năm 1727. Xuất thân từ một vương triều ngoại quốc, George I không hẳn là một người nổi tiếng ở tân vương quốc này. Điều này một phần là do vị vua mới không biết nói tiếng Anh, những tin đồn về việc George I đối xử tồi tệ với vợ (cũng có tên là Sophia), lòng tham của các cô nhân tình người Đức, và cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự sụp đổ của Công ty South Sea (ai học kinh tế chắc biết, đây là 1 trong 5 trái bong bóng kinh tế lớn nhất lịch sử) năm 1720. Tuy nhiên, George I đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là một vị vua. Ví dụ, ông giao tiếp với các bộ trưởng của mình bằng tiếng Pháp. Ngoài ra, ông tỏ ra rất khôn ngoan trong các vấn đề chính sách đối ngoại và thành lập liên minh với Pháp chống lại Tây Ban Nha từ năm 1717 đến năm 1718. Tuy nhiên, quyền lực của chế độ quân chủ chuyên chế đang giảm dần trong thời kỳ trị vì của ông, giống như thời trị vì của Anne. Hệ thống chính phủ nội các hiện đại đang phát triển và vào cuối triều đại của George I, quyền lực thực sự nằm trong tay của Ngài Robert Walpole, thủ tướng đầu tiên của Anh.

?EORGE II VÀ WALPOLE GIỮ DÂY CƯƠNG

George I trao quyền thừa kế cho con trai ông, George II, mà dưới quyền ông, Walpole tiếp tục đứng đầu chính phủ Anh. Trong quá khứ, Walpole gần như bị cách chức thủ tướng. Mối quan hệ giữa hai vị George trở nên căng thẳng từ những năm 1717, nhưng hai cha con đã được hòa giải bởi Walpole vào năm 1720. Điều này đã giúp Walpole trở thành thủ tướng dưới thời George I, và nhận được sự ưu ái từ George II. Và cũng phải cám ơn sự can thiệp của Nữ hoàng Caroline xứ Ansbach, Walpole mới giữ được chức vụ của mình.

3 năm trước khi xảy ra Cuộc nổi loạn Jacobite, Walpole bị ép buộc phải từ chức thủ tướng. Tuy nhiên, vai trò cố vấn của nhà vua đã sớm được John Carteret đảm nhận. Mặc dù Carteret không phải là thủ tướng, nhưng trên thực tế, ông là một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong chính phủ Anh. Carteret ủng hộ sự tham gia của Anh vào Chiến Tranh Kế Vị Nước Áo, nổ ra vào năm 1740. Điều này được George II ủng hộ, nhưng việc Vương quốc Anh tham gia cuộc chiến đã bị các đối thủ của nhà vua sử dụng để buộc tội ông phụ thuộc vào lợi ích của người Anh để ủng hộ tài sản của người Đức. Tình cờ, vào năm 1743, George II đích thân dẫn quân chống lại quân Pháp trong Trận Dettingen, khiến ông trở thành vị quân chủ Anh cuối cùng lập được chiến công như vậy.

?EORGE III

George II trị vì cho đến năm 1760 nhưng ít quan tâm đến chính trị trong cuối đời mình. Ông được kế vị bởi cháu trai, George III, vì con trai của ông, Frederick, đã qua đời vào năm 1751. Không giống như hai người tiền nhiệm, George III sinh ra ở Anh và nói tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ. Trong thời kỳ đầu trị vì của George III, vương quốc gặp bất ổn về chánh trị và khó khăn về tài chánh. Tuy nhiên, trên mặt trận đối ngoại, Anh đang gặt hái được nhiều thành công. Khi Chiến Tranh 7 Năm kết thúc vào năm 1763, Pháp mất quyền lực tối cao ở Châu Âu vào tay Anh. Hơn nữa, người Anh trở thành cường quốc Châu Âu thống trị ở Bắc Mỹ và Ấn Độ.

Tình hình ở quê nhà cũng dần được cải thiện vào năm 1770, khi Frederick North được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Tuy nhiên, một vấn đề khác sớm nảy sinh. Mặc dù North là một nhà quản lý có năng lực, chính phủ của ông gây mâu thuẫn với người dân thuộc địa Mỹ về vấn đề thuế suất người Anh áp lên họ. Kết quả là, chiến tranh nổ ra vào năm 1775. Năm 1779, George III nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở các thuộc địa tại Mỹ phải được kéo dài, để tránh những cuộc nổi dậy tương tự nổ ra ở những nơi khác trong đế quốc. Khi người Anh bị đánh bại vào năm 1781, North buộc phải từ chức.

Hai sự kiện đáng chú ý khác xảy ra dưới triều đại của George III là Cách Mạng Pháp và sự trỗi dậy của nước Pháp dưới thời Napoleon. Trong cả hai sự kiện này, nước Anh bị kéo vào nhiều cuộc chiến hơn nữa. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, nhà vua rơi vào tình trạng rối loạn lưỡng cực khá nghiêm trọng. Vào thời điểm Napoleon bị đánh bại trong Trận Waterloo năm 1815, George III hoàn toàn điên loạn. Người ta suy đoán rằng cơn điên của nhà vua là do một căn bệnh về máu gọi là rối loạn chuyển hóa nội tiết. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng tóc của George III có chứa hàm lượng lớn thạch tín, có thể khiến nhà vua bị điên là do chất độc này gây ra.

?EORGE IV, TỪ NHIẾP CHÍNH ĐẾN NGAI VÀNG

Từ năm 1811 đến năm 1820, người thừa kế của George III, George IV trong tương lai phục vụ trong triều đình như một hoàng tử nhiếp chính. Khoảng thời gian này còn được gọi là Thời đại Nhiếp Chính. George IV khét tiếng với lối sống xa hoa khiến cha ông coi thường ông. Chẳng hạn, trong một lần, ông đồng ý kết hôn với người em họ của mình, Caroline, để Quốc hội Anh phải trả nợ cho ông. Về mặt tích cực, George IV là một người bảo trợ rộng rãi cho nghệ thuật. Kiến trúc sư John Nash đã nhận được sự bảo trợ của nhà vua và nhiều tác phẩm của ông vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Bao gồm Cổng vòm bằng đá cẩm thạch, Phố Regent, và Nhà trưng bày Hoàng gia. Riêng Nhà trưng bày Hoàng gia nằm ở Brighton và được coi là kỳ quan kiến trúc do sử dụng nhiều yếu tố thuộc vương triều Mughal Ấn Độ.

George IV trị vì từ năm 1820 cho đến năm 1830. Vì đứa con duy nhất của ông, Charlotte, đã qua đời vào năm 1817 trong lúc sanh, nên George IV không có người thừa kế nào. Anh trai của ông, William IV, lúc đó đã 65 tuổi, lên ngôi. Vì William IV đã phục vụ trong Hải Quân Hoàng Gia thời trẻ, nên ông còn được gọi là “Vua Thủy Thủ”.

?Ừ WILLIAM IV TỚI NỮ HOÀNG VICTORIA

William IV cai trị được khoảng 7 năm, và trong lúc xảy ra một sự kiện trọng, đó chính là thông qua Luật Cải Cách 1832. Nhà vua phản đối cải cách nghị viện nhưng buộc phải chấp nhận Đạo luật. Trong đó, Đạo luật làm giảm quyền lực của quân chủ đối với chính phủ và chuyển giao quyền đại diện từ các “quận ổ chuột”, vốn thường bị bỏ qua mà tập trung vào các quận công nghiệp. Ngẫu nhiên là thời kỳ trị vì ngắn ngủi của William IV cũng được coi như là một phần của Thời đại George, được đặt theo tên của bốn vị vua George xứ Hanover tiền nhiệm. 

William IV qua đời vào năm 1837. Vào thời điểm đó, tất cả những đứa con chính thức của ông đã chết, trong khi những đứa con ngoài giá thú của ông thì không được quyền kế vị. Do đó, ngai vàng sẽ được truyền cho cháu gái của ông, Victoria. Mặc dù Victoria là Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland, bà vẫn không được thừa kế ngai vàng của Hanover, nơi đã được nâng cấp thành “vương quốc” vào năm 1814. Vì việc kế vị vương quốc được quy định trong Luật Salic, phụ nữ không được phép ngồi trên ngai vàng của xứ Hanover. Do đó, Ernest Augustus, anh cả của William IV, trở thành Vua mới của Hanover.

?Ở RỘNG KỶ NGUYÊN VICTORIA — NỮ HOÀNG VÀ NỮ VƯƠNG

Victoria trị vì gần 64 năm (chính xác là 63 năm, 216 ngày), là đời quân chủ tại vị dài thứ hai của Anh. Vị quân chủ trị vì lâu nhất của Anh là nữ hoàng hiện tại, Elizabeth II, người đã trị vì 68 năm, 96 ngày, và vẫn còn sống. 

Thời kỳ trị vì của bà được gọi là Thời đại Victoria và là thời kỳ có nhiều thay đổi không chỉ ở Vương quốc Anh, mà còn ở khắp Đế chế thuộc Anh. Ví dụ, cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần 2 bắt đầu dưới thời trị vì của bà. Triều đại của Victoria cũng chứng kiến sự mở rộng vĩ đại của Đế chế Anh. Ấn Độ, từng nằm dưới quyền của Công ty Đông Ấn, được chuyển giao cho Hoàng gia Anh vào năm 1858, và Victoria nhận tước hiệu “Nữ Hoàng Ấn Độ” vào năm 1876. Giống như những người tiền nhiệm của mình, Victoria cố gắng nắm giữ quyền lực chánh trị, nhưng không thể làm gì được. Trong thời gian trị vì của bà, chế độ quân chủ của Anh đã mất đi vai trò chánh trị của mình, và chỉ còn hình thức lễ nghi. Tuy nhiên, vai trò mới này đã đảm bảo sự tồn tại của chế độ quân chủ Anh.

Victoria là quân chủ của Vương quốc Anh cuối cùng của Gia tộc Hanover. Khi bà qua đời vào năm 1901, người kế vị là con trai của bà, Edward VII, người thuộc Gia tộc Saxe-Coburg và Gotha, do cha của Edward VII (chồng của Victoria), Hoàng tử Albert, là một thành viên của Gia tộc đó. Người kế vị của Edward VII, George V, đã đổi tên vương triều này thành Vương triều Windsor vào năm 1917. Sự thay đổi là do tâm lý “chống Đức” của người dân nước Anh do Thế Chiến I gây ra. Vương triều Windsor là vương triều hoàng gia hiện tại của Vương quốc Anh.

Gia tộc Hanover đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nước Anh. Vương triều này trị vì gần 200 năm, chứng kiến Vương quốc Anh từ một cường quốc ở Châu Âu trở thành siêu cường thế giới. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *