gia-tang-nguoi-dan-nhap-vien-vi-benh-nhiem-khuan-sau-bao-lu

Gia tăng người dân nhập viện vì bệnh nhiễm khuẩn sau bão lũ

Tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh cho biết, sau bão lũ, khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với các triệu chứng sốt cao kéo dài, nhiễm khuẩn mô, máu, đường tiêu hóa, tiết niệu… 

Gần nhất là bệnh nhân nam P.V.K (45 tuổi, sinh sống tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao kéo dài nhiều ngày không dứt. 

Theo anh K., bão số 3 khiến nơi ở của anh bị ngập nước kèm bùn bẩn, sình lầy nên anh phải dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu vực sống nhiều ngày trước. Sau đó, anh K. bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục, mệt mỏi, uống hạ sốt không thuyên giảm nên nhập viện điều trị. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (Whitmore). Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Bệnh nhiệt đới. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã cắt cơn sốt và đỡ mệt.

img

Bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới thăm khám cho bệnh nhân K. bị nhiễm khuẩn Whitmore sau khi dọn dẹp khu vực sinh sống. Ảnh BVCC

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.Q.T (49 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long, nhập viện với vết thương hở cẳng chân trái, sưng đau, phù nề có dấu hiệu mưng mủ kèm theo sốt cao. 

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mổ bào cẳng chân trái, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Theo bệnh nhân cho biết, bản thân bị ngã vào cành cây đổ gãy làm sây sát, sau đó bị sốt từng cơn, gai rét kèm sưng loét cẳng chân. 

Sau 1 tuần điều trị tích cực với phác đồ phù hợp, đến nay bệnh nhân đã cắt sốt, vết thương đang dần hồi phục và sớm xuất viện trong vài ngày tới.

img

Vùng chân sưng nề, nhiễm khuẩn mô kèm tình trạng sốt cao của bệnh nhân T. Ảnh BVCC

Đánh giá về số lượng người bệnh nhiễm khuẩn nhập viện trong thời gian qua, đặc biệt là sau bão lũ, bác sĩ Lương Xuân Kiên – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau bão lũ, vô số các vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm, làm gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, nhiễm trong cộng đồng. 

Vi khuẩn có thể gây bệnh qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đặc biệt là những loại vi khuẩn tồn tại trong môi trường bùn đất bẩn, nguy cơ lây nhiễm càng cao với những người có vết trầy xước trên da. 

“Khi nhiễm vi khuẩn, người bệnh có diễn biến cấp tính với các biểu hiện: sốt cao, nhiễm trùng mô, tiết niệu, tiêu hóa, nhiễm trùng huyết… Đối với những người có bệnh lý nền, mạn tính nếu không điều trị kịp thời, tích cực sẽ dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Kiên chia sẻ. 

img

Nhiều nhân nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn đang điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh. Ảnh BVCC

Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn sau mưa lũ, bác sĩ Kiên khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn sau bão lũ, như: 

– Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay với xà phòng; 

– Không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, trầy xước chảy máu;

– Thực hiện vệ sinh nhà ở, môi trường với phương tiện bảo hộ ngay sau khi nước rút, vệ sinh bề mặt bằng các dung dịch khử khuẩn. 

– Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời tăng cường bổ sung dinh dưỡng để cải thiện hệ miễn dịch. 

– Khi có biểu hiện bất thường như: sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, sưng đau một số vị trí trên cơ thể hoặc buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng… cần đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Rét run, sốt cao vì mắc vi khuẩn “ăn thịt người” nguy hiểm

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đang điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore.

Trong đó, bệnh nhân Lý V H (52 tuổi, sinh sống tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử khỏe mạnh, nhập viện trong tình trạng sốt rét run, mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn cao do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (whitmore).

Các bác sĩ đã tiến hành điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch theo phác đồ. Hiện tại sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.

img

Bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore đang điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh BVCC

Đáng chú ý, những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền nhiễm bệnh whitmore có tổn thương nghiêm trọng, thời gian điều trị dài ngày. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Phạm T T (39 tuổi, sinh sống tại Xã Thống Nhất, TP Hạ Long) có bệnh nền đái tháo đường tuýp 1, mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc.

Trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở, mệt nhiều ngày và sốt cao. Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán tình trạng toan chuyển hóa nặng, viêm phổi. Quá trình điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân diễn biến nặng sốc nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (Whitmore), tiên lượng nặng. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực với thuốc kháng sinh, vận mạch…Hiện tại sau 6 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân thoát sốc, chỉ số sinh tồn ổn định, giảm sốt.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn – Phó Trưởng Khoa Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore phải nhập viện điều trị đợt này đều từng tiếp xúc với nước, bùn lầy trong quá trình khắc phục phục thiên tai, dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống sau ảnh hưởng của bão số 3″.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *