Thủa ấu thơ, tôi sinh ra là một đứa trẻ hiền lành và thường bị anh em trong gia tộc lấn lướt.
Ông ngoại, mẹ và các dì thường bảo kiếm truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” cho tôi đọc.
Nhà tôi nghèo lắm các bạn à! Thập niên 80’, bạn có tiền cũng không mua được sách đó bởi ai có cũng để cho con họ đọc hoặc cũng thất lạc nhiều.
Tôi nhớ lời ông bà, mẹ và các dì lắm và nằm lòng lời nói này cho đến khi bạn cùng lớp và cùng xóm: cả hai đều tên Tiên cho tôi mượn từng tập một để đọc. Thời đó lần xuất bản đầu tiên, nhà xuất bản phát hành 8 tập.
Nhiều khi mang lên lớp đọc (lớp 7 và 8 😎), thầy cô thấy nhưng thương thằng học trò ngoan hiền mà tha cho việc dám đọc sách trong giờ học và có thu sách thì cũng trả lại cho trò khi hết tiết.
Và cũng từ đó đến nay, tôi đọc đi, đọc lại đến hàng chục lần. Cuộc đời ngoài ông bà, mẹ và các dì, tôi vẫn luôn thầm cảm ơn hai người bạn: cô bạn cùng lớp và cô hàng xóm tên Tiên đó bởi những lý do sau:
1. Tôi sống trong gia đình mà xung quanh toàn là phụ nữ, bộ chuyện này cho tôi hiểu thế nào là đàn ông, nam nhi đại trượng phụ (Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi, Lữ Bố, Hoàng Trung, Trương Liêu, Mã Siêu… đã dạy tôi thế nào là đàn ông…)
2. Tôi khâm phục trí tuệ của Gia Cát Tiên Sinh và với nhân vật này, tôi hiểu cả đời mình phải phấn đấu cho đến hơi thở cuối cùng vì sự cấp cung tận tuỵ của bản thân. (Làm khác đi, tôi không phải là mình. Khổ? Nhưng điều đó làm nên con người tôi)
3. Với tôi, tôi học được ở Bị sự nhân từ nhưng cũng không ưa nhân vật này ở điểm: ông ta diễn tuồng quá sâu nên đôi khi không thực, nên giống “nguỵ quân tử”. Tuy nhiên trong vị thế của Bị, nhiều người buộc phải diễn như thế mà thôi.
4. Càng đọc, đọc sâu, đọc rộng và tìm hiểu cả chính sử, tôi rất khâm phục Tào Tháo bởi ông ta mới chính là anh hùng thời Tam Quốc: ông cất công xây nước Nguỵ từ nhà Hán đã “mạt vận” thành nước Nguỵ đông dân, tướng tài nhiều, kinh tế đi lên và dân chúng được yên ổn làm ăn và sinh nhai.
5. Học được chữ “Nhẫn” ở Tư Mã Ý để bình tĩnh trước những khiêu khích của Khổng Minh để 7 lần đưa quân ra Kỳ Sơn mà chỉ hao công tốn của. Đợi khi Thục suy yếu do thường xuyên dấy động can qua (Khương Duy cũng tiếp nối thầy 7 lần đưa quân ra Kỳ Sơn), Tư Mã Chiêu chỉ phái hai đạo quân Chung Hội và Đặng Ngãi tiến một lần mà Thục suy vong.
6. Học được Trương Phi: từ một anh võ phu để cuối mình chịu học để biết dùng mưu trên chiến trường để thủ thắng. Bỏ bớt tính nóng để được việc và cũng vì không bỏ được mà chết.
7. Học được Quan Vũ: bớt đi tính kiêu ngạo. Vũ đã không tròn nhiệm vụ trấn thủ Kinh Châu, bỏ Kinh Châu (là trọng địa) để tiến công Nguỵ mà mưu cầu danh lợi để rồi Lã Mông tiến công một lần mà bắt sống Vũ và hỏng đi cả đời binh nghiệp uy vũ của bản thân. (Thực tế Vũ giữ được Kinh Châu là công quá lớn rồi). Vũ đã phụ Bị chăng?
8. Học được Triệu Vân: uy và vũ, sự thận trọng, thực lực của bản thân để giử gìn cả đời là đại tướng bách chiến, bách thắng không sứt mẻ lấy một tý uy danh nào cả và cuối cùng Vân cho hai cậu con trai làm quan văn và đó là cái hậu của nhà họ Triệu trong cuộc chiến tàn khốc này.
9. Học được Lữ Bố: dù có uy dũng đến đâu cũng có lúc bạn ngủ và khi bạn ngủ, kẻ thù mới ra tay. (Trương Phi cũng cùng một số phận chỉ có điều là người cùng thời với nhau mà chẳng học nhau được điều gì?). Bớt gây thù, chuốc oán?
Thôi thì viết ngan đây đã, ai muốn đọc tiếp thì theo dỏi trong những lần đăng tiếp theo…
còn tiếp…
#TraiNghiemSong