TL, DR: Với mình, đam mê không phải một thứ chúng ta đi tìm mà là một điều chính ta tự tạo ra.
QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH: TRẢI NGHIỆM QUYẾT ĐỊNH ĐAM MÊ
Có lẽ là mở đầu bằng một câu chuyện chọn ngành đại học của mình và một giảng viên mà mình yêu quý. Thầy của mình năm cuối cấp ba đã dự định thi Y và xác định tập trung cho nó. Tuy nhiên, trước lúc ấy, thầy có một cuộc nói chuyện với một người bác là kiến trúc sư. Sau đó, thầy đã quay đầu ôn thi vẽ vào ĐH Kiến trúc và trở thành một kiến trúc sư suốt gần 30 năm nay. Mình và thầy đã có 2 quan điểm khác nhau:
⁃ Với thầy: Đây hẳn là một mối nhân duyên, nếu không có cuộc trò chuyện ngày hôm ấy thì thầy đã không trở thành kiến trúc sư. Thầy mình từ bé đã được cho đi học vẽ, việc gặp người bác kia đóng vai trò quan trọng khiến thầy đưa ra quyết định.
⁃ Với mình: Bởi vì bây giờ thầy đã gắn bó với nghề kiến trúc nên thầy mới nhớ tới câu chuyện đó như một cột mốc. Giả sử có một thế giới khác đi, nơi thầy mình trở thành bác sĩ và đam mê với nghề Y, thầy sẽ chẳng còn nhớ tới cuộc trò chuyện đó.
=> Các góc nhìn khác nhau sẽ dẫn đến quan điểm khác nhau, chúng ta k tranh luận đúng sai ở đây nhé. Nhưng quan trọng, mình muốn thể hiện điều gì ở đây? Chúng ta chẳng thể nào an tâm rằng: ồ mình sinh ra trên đời, chắc chắn có một cái đam mê cuộc đời đã ấn định sẵn, tìm được nó và mình sẽ hạnh phúc. Những điều gì chúng ta trải qua sẽ mở ra những con đường khác nhau và những đam mê khác nhau.
CÓ THỂ NHÌN THẤY QUAN ĐIỂM NÀY Ở TRONG CUỘC SỐNG NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta hay trêu nhau: người bạn thân nhất của chúng ta được quyết định bởi người chúng ta ngồi cạnh trong buổi học đầu tiên. Một câu chuyện tương tự, các bạn có chú ý những người trẻ mà tự tin nói rằng “mình quyết tâm theo đuổi đam mê ….” rất nhiều đều là đam mê nghệ thuật không? Và những bạn ý hầu hết đều được bố mẹ cho tiếp xúc từ bé. Đây là một dẫn chứng chứng minh cho việc trải nghiệm mình trải qua là thứ tạo nên đam mê. Không được bố mẹ mang đi theo nghệ thuật vậy thì làm sao tự nhiên thích hát, thích nhảy,…Ngay cả thầy mình trên kia cũng có một tuổi thơ đã học vẽ nên khi người bác kia tới, thầy mới để tâm tới con đường kiến trúc.
Lưu ý ở đây một chút, người ta thường nói cháu nó từ bé hay vẽ hay hát này nọ, rồi bố mẹ nhìn thấy tiềm năng. Căn bản đó là bản năng của con người từ khi sinh ra mà thôi (Mình học đô thị, cái này trong kiến thức ngành học của mình mà kì 2 mới học, k biết nhiều nên k dám nói sâu). Trình tự sẽ là: Chúng ta làm một hành động bản năng nhiều hơn một hành động khác => Bố mẹ quan sát và bắt chúng ta đi học từ bé => Ở đây có 2 hướng:
- Hướng 1: Hứng thú => Oh yes, đây chính là đam mê cuộc đời mình
- Hướng 2: Chán chường => Oh no, tại sao mình phải học thứ này => Trải nghiệm nhiều thứ khác => Biến nó thành đam mê
Quan điểm của mình là: trải nghiệm quyết định đam mê. Hướng này có vẻ hơi ngược lại: cứ trải nghiệm rồi dừng lại khi tự nhiên não bảo đây là đam mê? Mình sẽ dẫn ngay chính câu chuyện của mình dưới đây để bày tỏ quan điểm về cái này nhá.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐAM MÊ CỦA MỘT SINH VIÊN
Thời cấp 3 mình đã hoạt động ngoại khoá năng nổ, làm được những điều mình không hề nghĩ rằng sẽ làm được, phát triển những tư duy và kĩ năng khiến mình tự tin khi đứng cùng bạn bè đồng trang lứa. Mình chủ yếu làm các hoạt động liên quan lĩnh vực sáng tạo, tranh biện và làm việc với con người. Lúc ấy thì mình chỉ thấy: ồ mình hoạt động được nhiều thứ đó, cơ mà vẫn chẳng biết đam mê là cái gì. Rồi lên Đại học, mình đã rất hạnh phúc vì thấy rất hiểu bản thân, mình xác định được những tính từ tạo nên cái tôi của mình là gì. Điều này xuất phát chính từ trải nghiệm mình tham gia:
- Nơi đào tạo đại học: Mình học tại 1 khoa khá mới. Điểm nhấn của khoa này về văn hóa, sáng tạo, nghệ thuật, nghe đã rất bùng nổ đúng không? Nhưng lúc mình chọn khoa này thì không nghĩ gì đến vụ sáng tạo các thứ đâu. Cơ mà bản thân chương trình đào tạo của mình lại có nhiều môn ứng dụng thực tế, đào tạo kĩ năng mềm và yêu cầu sự sáng tạo và tư duy rất cao. Đặc biệt là các thầy cô thì luôn luôn tạo điều kiện cho tất cả ý tưởng của bọn mình. Và thế là trong quá trình học, mình đã nhận ra được: ầu mình thích sáng tạo và mong muốn được sáng tạo.
- Hoạt động ngoại khoá: Mình là thành viên của một doanh nghiệp xã hội về bảo vệ và phát triển kĩ năng số của trẻ em, thanh thiếu niên trên không gian mạng. Chỗ này tuy là tổ chức sinh viên thôi nhưng quy trình mọi thứ phải gọi là xịn xò chuyên nghiệp. Không phải kiểu chuyên nghiệp làm màu đâu mà là kiểu mọi thứ rất rõ ràng, minh bạch ý. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề với mình :))) vì chuyên nghiệp quá nên nếu chỉ là member thì mình chưa dám thoả sức sáng tạo các ý tưởng cá nhân. Điều này khiến mình nhận ra: thì ra khi chưa được sáng tạo, mình cảm thấy trống vắng như vậy (Bây h mình đã apply lên vị trí cao hơn và được trao quyền để tuỳ sức sáng tạo r nha)
=> Các bạn có thấy 1 từ khoá lặp đi lặp lại là “sáng tạo” không? Rõ ràng mình đã làm các công việc liên quan với sáng tạo từ ngày tháng cấp 3, nhưng phải trải nghiệm tiếp tới đại học với 2 tổ chức, mình mới ngộ ra được đam mê bản thân là các công việc sáng tạo. Như vậy, các trải nghiệm củng cố lẫn nhau và nhờ nó, mình mới xác định được đam mê là gì chứ k phải tự nhiên cảm tính trời đất bảo dừng lại đi, đây là đam mê đâu.
Nói dông nói dài, thế hệ chúng ta nói nhiều về đam mê. Học sinh cuối cấp xác định đam mê để chọn ngành học. Tuổi trẻ sinh viên theo đuổi đam mê để không hối tiếc. Sự nghiệp đi theo đam mê để không hối hận. Mình rất thích đặc điểm này của gen Z, vì chúng ta mong muốn sống có ý nghĩa với chính bản thân mình. Hi vọng post này sẽ khiến những ai đọc được sẽ tự tin dấn thân vào các trải nghiệm để tìm ra ngọn lửa đam mê của chính mình nhé
![](https://trainghiemsongbucket.s3.ap-southeast-1.amazonaws.com/wp-content/uploads/2023/02/12165130/image-241-1024x683.png)