Chọn ở lại dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa tiết kiệm tiền, vừa làm thêm kiếm tiền đóng học cho con
Chị Nguyễn Thị Tuyên (35 tuổi) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay anh chị sẽ ở lại Hà Nội không về quê.
Chị Tuyên chia sẻ với PV báo Dân Việt: “Đợt này kinh tế khó khăn, công ty làm dịch vụ nên yêu cầu anh em làm tăng ca, cả ngày lễ. Vì thế tôi đăng ký ở lại làm việc, kiếm thêm thu nhập”.
Cũng theo chị Tuyết, đi làm vào ngày nghỉ lễ ngoài tiền thưởng, chị còn được nhận mức lương gấp 300% mức lương so với ngày thường. Đây cũng là động lực để lao động như chị làm việc.
Chia sẻ thêm về việc không về quê dịp nghỉ lễ, chị Tuyết nói: Quê vợ chồng chị ở Thanh Hóa, nhà có 3 người, mỗi lần về quê nguyên tiền xe cũng mất khoảng 2 triệu (lượt đi và lượt về). Chưa kể tiền quà cáp, biếu 2 bên nội ngoại, tiền ăn uống, cho con đi chơi… Mỗi lần như vậy, chị nhẩm tính cũng phải mất tầm 5-6 triệu đồng là ít.
“Đó là chưa kể, vào ngày nghỉ lễ, xe cộ đông đúc, chật chội di chuyển rất khó khăn khổ sở. Thế nên tôi chọn ở lại thành phố làm việc. Từ Hà Nội về quê cũng không quá xa đợi lúc nào sắp xếp được hoặc gia đình có công việc thì vợ chồng tôi nghỉ phép về quê sau”, chị Tuyết nói.
Cùng chung suy nghĩ, nhiều công nhân lao động chọn phương án ở lại Hà Nội thay vì về quê dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhất là với những lao động có quê ở xa.
Nam công nhân, Nguyễn Ngọc Trọng (29 tuổi) quê ở Thái Nguyên cũng cho biết đợt này vợ chồng anh sẽ không về quê. Dù dịp nghỉ lễ không phải làm tăng ca nhưng anh vẫn chọn ở lại trong căn phòng trọ 20m2 tại Hà Nội là bởi công ty khó khăn, thu nhập của cả 2 vợ chồng đều giảm, không có tiền.
“Thu nhập tháng của 2 vợ chồng tôi giảm mấy tháng nay. Mỗi tháng chưa được 15 triệu đồng nhưng phải chi trả đủ khoản, từ tiền nhà, tiền học của 2 con, tiền ăn uống, trả nợ…”, anh Trọng nói.
Cũng theo anh Trọng sắp vào năm học mới, con nhập học là phải tốn thêm vài triệu đồng mua sách vở, quần áo… Tiền làm không ra, cái gì cũng tăng giá nên vợ chồng chị rất áp lực. Cũng bởi lý do không có tiền mà chị quyết định ở lại Hà Nội dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
“Tiền không có, về quê ít nhất cũng mất 2 triệu tiền xe 2 chiều (4 người) chưa kể tiền thăm hỏi, ăn uống. Hoàn cảnh khó khăn nên đành phải vậy, đợi lúc nào bớt khó khăn về sau”, anh Trọng chia sẻ.
Anh Trọng cũng cho biết, thường thì một năm gia đình chị chỉ về quê 1-2 lần. Một là vào dịp Tết, hai là vào dịp ngày 30/4 và 1/5. Vì khó khăn nên ông bà nội ngoại đôi bên cũng khá thông cảm và thấu hiểu cho các con, cháu.
Tìm giải pháp hỗ trợ lao động gặp khó khăn
Hôm qua, Tổng liên đoàn lao động đã thông qua quyết định chi 145 tỷ đồng từ Quỹ Tài chính Công đoàn để hỗ trợ cho đoàn viên, công đoàn gặp khó khăn, mất việc, giảm thu nhập.
Theo đó, những đoàn viên, lao động bị mất việc, giảm sâu thu nhập sẽ được hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng/người. Đây là lần thứ 2 trong năm tổ chức Công đoàn công bố quyết định hỗ trợ lao động. Trước đó, đầu năm 2023, tổ chức này cũng đã công bố và thực hiện gói hỗ trợ 141 tỷ đồng cho các đối tượng đoàn viên, lao động gặp khó khăn.
Tuy đã có những giải pháp hỗ trợ đoàn viên, lao động nhưng số tiền khá ít ỏi, khiêm tốn chỉ như “muối bỏ biển”. Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên viện trưởng Viện khoa học lao động cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vật giá leo thang (điện, nước, xăng, thực phẩm … đều tăng giá) như hiện nay Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
“Giải pháp chính theo tôi vẫn là giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo giữ việc làm, cũng như cân bằng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó kiểm soát tốt về giá cả, giảm tình trạng lạm phát. Chỉ có như vậy thì đời sống người dân mới được giữ vững”, bà Hương nói.
Phỏng vấn của phóng viên báo Dân Việt với nhiều lao động cho thấy, nhiều công nhân lao động đang rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Lương giảm, thậm chí mất việc, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống khiến nhiều lao động phải xoay sở, vay mượn để lo cho cuộc sống. Bởi vậy, công nhân lao động đang rất trông mong vào cách chính sách hỗ trợ của Chính phủ, và các tổ chức.