Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, có 30 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch, trong đó có 16 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, du học – xuất khẩu lao động, giáo dục – đào tạo…
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng – đại học trở lên cao nhất với 787 chỉ tiêu; lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật có 632 chỉ tiêu; lao động phổ thông có 451 chỉ tiêu.
Đặc biệt, có 356 chỉ tiêu việc làm thu nhập từ 15 triệu đồng trở lên dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Có 419 chỉ tiêu với mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng dành cho vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng – phó phòng,…
Chiếm tỷ lệ lớn nhất – mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng có 621 chỉ tiêu, với các vị trí việc làm như:Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, lao động phổ thông có tay nghề…
Báo cáo thống kê phiên cho thấy, cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Thạch Thất tập trung chủ yếu vào nhóm 18 – 25 tuổi với 762 chỉ tiêu và nhóm tuổi 26 – 35 tuổi với 651 chỉ tiêu…
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Thạch Thất năm 2024 có sự tham gia của một số doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín: Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế IDP, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Công ty TNHH Manulife, Công ty cổ phần Truyền thông Kim cương…
Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát trình độ chuyên môn, kỹ thuật của 2.241 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Kết quả, lao động có trình độ đại học – cao đẳng trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất với 889 người (39,7%). Lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật là 812 người (chiếm 36,2%), còn lại là lao động có trình độ trung học phổ thông với 540 người…
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện Thạch Thất có 23 xã thị trấn, diện tích đất tự nhiên trên 18.000ha, dân số 226.789 người. Trên địa bàn huyện có nhiều dự án lớn của Trung ương, Thành phố đã và đang triển khai như: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đô thị vệ tinh Hòa Lạc…
Huyện có 50/59 làng có nghề, trong đó có 10 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống; có 7 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động. Có trên 2.000 doanh nghiệp và trên 17.000 hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn.
Bà Ngọc cho biết, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động vẫn còn những khó khăn rất lớn, người lao động khó tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu, các nhà tuyển dụng cần lao động nhưng vẫn còn thiếu thông tin, thiếu lao động kỹ thuật cao, việc tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề cũng gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến công tác giải quyết vấn đề lao động, việc làm…
Vì vậy, phiên giao dịch và tư vấn việc làm hôm nay là một trong những giải pháp đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thất. Đây cũng là cơ hội cho người lao động ở Thạch Thất tìm kiếm được việc làm phù hợp với điều kiện và trình độ của mình; là nơi kết nối trực tiếp giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc.