Forbidden Colors (Cấm Sắc) – Yukio Mishima
Tao Đàn sắp ra tuyển tập truyện ngắn Chết giữa mùa hè của Mishima, làm mình lại nhớ đến cuốn Forbidden Colors đã đọc cách đây lâu lâu. Mishima được đánh giá là một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Nhật Bản đầu thế kỉ 20, đã từng được ba lần đề cử giải Nobel Văn chương. Nếu như Tanizaki Junichiro có những ám ảnh về sắc dục thâm trầm hay Kawabata Yasunari với những nét đẹp truyền thống đã dần mai một, thì Mishima lại là một lòng trung trinh ái quốc. Ông từng viết truyện ngắn Ưu quốc (Patriotism) nằm trong tập Chết giữa mùa hè và những truyện ngắn khác, mô tả tỉ mỉ về cái chết mổ bụng tự sát, một điều mà từ trước đến nay chưa có tác phẩm Nhật Bản nào đề cập. Ưu quốc nói về một viên trung úy Shinji, không được tham gia đảo chính vì những người bạn của chàng không muốn cô vợ mới cưới của chàng buồn phiền vì dính dáng vào một hoạt động phiêu lưu mạo hiểm. Thế nhưng Shinji bất mãn và để chứng tỏ rằng chàng cũng sẵn sàng vì Thiên hoàng nên chàng đã rút kiếm tự tử. Cô vợ trẻ không khuyên nổi chồng nên cũng tiếp bước lang quân. Mishima không mô tả cuộc tự tử của đôi vợ chồng trẻ là một việc làm thương tâm hoặc kinh hoàng. Trái lại ông cảm thấy rằng trung úy Shinji Takeyama và người vợ đã thực hiện được niềm vui lớn nhất trong đời sống, giống như cặp vợ chồng Kakiuchi trong Chữ vạn của Tanizaki Junichiro cảm thấy mãn nguyện khi được chết bên “Quan âm” Mitsuko mà họ vẫn tôn thờ. Mishima đã thành công làm đẹp cái chết của Shinji Takeyama, một cái chết rất gọn gàng và anh hùng của chàng dũng sĩ trước đôi mắt đẹp của người vợ trẻ, cũng như sự can đảm đến lạnh lùng của Reiko trong quyết tâm chết theo chồng.
Cấm sắc được viết năm 1951 với những mô tả thể hiện ham muốn thầm kín và nỗi niềm về tình yêu bị cấm kị. Shunsuke là một nhà văn đã có tuổi, chán ghét phụ nữ nhưng lại bị thu hút bởi Yuichi, một chàng trai trẻ đang chuẩn bị đính hôn với Yasuko. Shunsuke nhận thấy đây là một cuộc hôn nhân có lợi cho Yuichi, bất chấp việc Yuichi ko hề yêu thương Yasuko chút nào. Ngay lập tức Shunsuke thao túng Yuichi, biến cậu như con rối trong tay còn mình là một nghệ nhân lão luyện, mục đích chỉ là hành hạ Yasuko cho thỏa lòng khinh ghét phụ nữ. Nhưng càng về lâu về dài, ông không còn có thể kiểm soát Yuichi được nữa.
Năm 1970, sau khi không thể bảo vệ được Thiên hoàng cũng như vấp phải sự phản ứng dữ dội của quân đội, Mishima đã tự sát bằng cách tự mổ bụng như một võ sĩ chân chính. Trước khi chết nhà văn còn hô to: “Hoàng đế muôn năm”. Cái chết của ông gây nên chấn động dữ dội không chỉ ở Nhật mà lan ra cả thế giới. Nhiều học giả phương tây cho rằng, đây không chỉ là thông điệp chính trị, mà đây còn là tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của Mishima theo tinh thần võ sĩ đạo.