FANTASTIC BOSSES AND WHERE TO FIND THEM, A.K.A CÁCH CHỌN SẾP

Sếp tốt /danh từ/: sinh vật khiến bạn thăng tiến trong sự nghiệp và hạnh phúc hơn, nhưng khá quý hiếm. Cần kỹ năng đặc biệt để tìm họ trong thiên nhiên.

Khi bài viết “Hãy chọn công ty lớn khi ra trường” () được đăng tải, tôi được nghe rất nhiều phản hồi, ủng hộ có, phản đối có. Nhưng quan điểm mọi người dường như đồng thuận đó là “Hơn cả công ty, sếp mới là yếu tố quan trọng nhất”. Tôi không thể đồng ý hơn.

Thực ra hồi sinh viên, tôi rất tâm đắc với câu nói của ông tỉ phú Jack Ma “25-30 tuổi: hãy đi theo một người sếp tốt, công ty nào không quan trọng”. Năm 4 ra trường, tôi hào hứng hào hứng theo một người sếp rất giỏi, nhưng nhanh chóng nhận một trái đắng nhớ đời. Chuyện dông dài, nhưng ngắn gọn là sếp của tôi QUÁ GIỎI, QUÁ CAO, trong khi tôi lại còn QUÁ NON. Tôi mới ra trường, dù được nhận xét là có chút sáng dạ, nhưng còn rất thiếu kiên nhẫn, kỷ luật, tỉ mỉ. Sếp tôi bận rộn và không có nhiều thời gian cho tôi. Còn tôi, dù cố gắng cách mấy cũng không đạt được kỳ vọng rất cao của anh. Tôi dừng chân sau ít tháng thử việc, thất vọng và tự ti.

Bài học rút ra là: Lúc ra trường đa số bạn trẻ nội lực còn yếu, khả năng chọn sếp còn chưa tốt. Thôi cứ chọn công ty lớn mà tiến. Công ty nhỏ vẫn có thể vào, KHI VÀ CHỈ KHI bạn BIẾT CHẮC CHẮN sếp của bạn là một người sếp tốt, đó là điều duy nhất quan trọng.

VẬY NHƯ THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI SẾP TỐT?

6 năm đi làm tiếp theo, tôi không dám một lần “chọn sếp” nữa mà cứ bon bon vào công ty lớn. Trải qua không ít những lúc vui/buồn, khí thế/ chán nản, hạnh phúc/ khổ đau, cuối cùng tôi đúc rút ra những BÍ KÍP sau về chân dung của một người sếp tốt. Đó thực ra không gì khác chính là những người sếp tuyệt vời đã chỉ dạy tôi phát triển và khiến tháng ngày đi làm của tôi vô cùng vui vẻ.

Sếp là người bạn kính nể và muốn học hỏi

Sếp của bạn có phải là một người mà bạn chân thành nể trọng? Họ có những kỹ năng, tư duy, cách làm việc, mà bạn muốn học hỏi hàng ngày? Họ có thể giúp bạn phát triển những kỹ năng và kinh nghiệm mà theo bạn là cần thiết nhất để đẩy sự nghiệp của bạn lên tầm cao mới? Nói không ngoa trong nhiều trường hợp, họ chính là hình mẫu bạn muốn trở thành trong tương lai 5 năm nữa.

Sếp sẽ chỉ thành công khi bạn thành công

Câu chuyện chọn sếp quá cao của tôi ở năm 4 là ví dụ đau thương điển hình cho điểm này. Tôi chỉ là một dấu chấm siêu nhỏ trong hàng chục con người anh quản lí, trong nhiều business mà anh làm chủ. Anh không có đủ thời gian, và không có ‘động lực’ để kiên nhẫn với một người quá non như tôi.

Ngược lại, những ngày đi làm vui vẻ và hiệu quả nhất, tôi thấy sếp thường chỉ lead một team khoảng 4-5 người trong đó có tôi. Do team nhỏ, và tất cả đều quan trọng, sếp dành nhiều thời gian hơn cho tôi. Họ chỉ bảo tôi từ những thứ chi li, đến những tầm nhìn lớn, chưa kể chia sẻ cả về quan điểm cuộc sống. Có thể bạn chưa biết: ở những công ty lớn, những người sếp được đánh giá không phải trên năng lực cá nhân mà chủ yếu từ kết quả chung của cả team. Những yếu tố như nhân viên có hài lòng với công việc không, gắn kết hay liên tục nghỉ việc, thăng tiến hay dậm chân tại chỗ đều có trọng số đáng kể trong việc thăng tiến của cấp quản lí.

Vậy hãy đặt ra câu hỏi, sếp của bạn có quản lí một team quá lớn (theo tôi là quá 8 người)? Nếu quá nhiều, họ sẽ không có thời gian cho bạn. Sếp của bạn có cách quá xa bạn về mặt năng lực và tiêu chuẩn? Nếu quá xa, họ sẽ không đủ kiên nhẫn hướng dẫn bạn. Bạn có phải là một mắt xích quan trọng cho thành công của họ? Nếu không, họ sẽ không có nhiều động lực chỉ dạy và phát triển bạn.

Sếp là người có tiếng nói trong công ty.

Người sếp không có tiếng nói trong công ty khổ lắm ai ơi. Khi đó, bạn ít được hỗ trợ từ các phòng ban khác để hoàn tất KPI của chính bạn. Suốt ngày bạn phải đi năn nỉ van xin người khác không hề vui vẻ gì. Chưa kể khi có chuyện không hay, họ cũng sẽ không thể ‘bảo vệ’ bạn khỏi những chỉ trích của cấp trên. Dù bạn làm tốt đến mấy và lỗi không đến từ bạn, đánh giá công việc và triển vọng phát triển của bạn trong công ty cũng khá mờ mịt.

Người sếp có tiếng nói trong công ty, là người giỏi chuyên môn đã đành, nhưng họ còn là người được lòng cấp trên và đồng nghiệp. Chỉ cần bạn học hỏi và mang lại kết quả tốt, họ sẽ không để bạn chịu thiệt, và dùng mọi cách để giúp bạn thăng tiến.

Tôi nhớ mãi hồi đi làm ở Nielsen tôi có một người sếp như thế. Khi hết thời gian thử việc, dù team tôi không có vị trí nhân viên chính thức, anh đã hết lòng dùng ảnh hưởng của mình với nhân sự và bộ phận khác để tôi có thể được promote lên nhân viên chính thức của công ty. Ảnh nói những ngày đầu tôi vào công ty “Mày chỉ việc perform, còn lại để tao!”. Đó không chỉ là một lời hứa từ tâm, mà còn từ khả năng thật, tự tin thật.

Sếp THỰC SỰ quan tâm đến con người

Trong thế giới đi làm, người ta hay khái quát hoá có 2 dạng sếp: hướng đến con người, và hướng đến kết quả. Một người sếp tệ là người bị ám ảnh với kết quả, mà quên mất nhân viên cũng là những… con người, chứ không phải là những cỗ máy được trả tiền chỉ để làm ra kết quả. Đã đi làm, ai cũng muốn được quan tâm, được trân trọng, được phát triển.

Nhưng đừng nhầm lẫn người sếp tốt là người CHỈ quan tâm đến con người. Nếu không đạt được kết quả chung, chẳng ai có thưởng, được tăng lương, và thăng tiến. Vậy nên sếp giỏi có cả 2 yếu tố trong một tổng hoà. Nhưng từ trong cách họ giao tiếp, nhân viên biết và cảm được họ là người thực sự chân thành quan tâm đến con người, đến nhân viên của mình.

VẬY LÀM SAO TÌM ĐƯỢC SẾP TỐT?

Hiểu về một người sếp trong một công việc mới chúng ta chưa hề biết là rất khó, nhưng có một vài cách giúp bạn có thể suy đoán và cảm nhận được những điều này.

Đầu tiên, hãy vào LinkedIn để xem profile của sếp. Họ có lịch sử đi làm và vị trí trong công ty ra sao? Từ đây mình có thể đánh giá được họ có phải là người mình thực sự nể trọng và muốn học hỏi hay không. Ngoài ra nếu họ đã làm việc lâu năm hoặc có thành tích nổi bật trong công ty (ngược với người chỈ mới vào công ty ít tháng và chưa có thành tích gì), khả năng cao họ là người có tiếng nói trong tổ chức.

Cách thứ hai, đó là hỏi người quen của bạn làm trong team của sếp, cùng công ty hiện tại hoặc công ty trước. Họ sẽ có thể có những ấn tượng chân thực và đáng tin cậy về người sếp tương lai của bạn.

Cách cuối cùng là hãy sử dụng chính vòng phỏng vấn. Việc bạn tìm hiểu về công ty và sếp cũng quan trọng tương đương với việc công ty tìm hiểu về bạn. Cuối cùng để nhận offer, hai bên phải cùng hợp nhau. Bạn có thể hỏi những câu hỏi sau đây:

“Để em làm công việc của mình tốt nhất, em có thể nhận được hỗ trợ nào từ anh chị?”

“Điều gì anh chị muốn phát triển team của mình nhất?”

Đừng chỉ lắng nghe nội dung, hãy cảm nhận cả sự chân thành trong câu trả lời của họ. Nhưng hãy thể hiện sự chân thành yêu thích công ty và công việc của bạn trước nhé. Và mong rằng, người sếp cũng sẽ thể hiện những phản hồi tích cực nếu họ thực sự muốn bạn là một phần trong team.

SẾP TỐT Ở ĐÂU TRONG THIÊN NHIÊN?

Họ có thể ở công ty lớn hoặc nhỏ, người Việt hoặc người nước ngoài, nam hoặc nữ, ở đây hoặc ở kia, ở bất kì đâu. Nhưng nên nhớ, họ không hề dễ tìm. Hãy rèn luyện kỹ năng chọn sếp của mình qua từng công việc, nhưng cũng đủ… buông thư theo sự vận hành của cái duyên, của sự may mắn.

Lúc khó khăn chưa hợp với sếp, đó là khi bạn rèn luyện tính nhẫn nại. “Pro” đúng nghĩa là sếp nào cũng làm được, việc khó cách mấy cũng không ngại. Rồi khi may mắn mỉm cười giúp bạn gặp được một người sếp tốt, tài giỏi và có tâm, bạn sẽ bay thật cao và cảm nhận được hạnh phúc trong công việc.

Một ngày không xa, khi bạn được thăng tiến lên vị trí làm “sếp người ta”, bạn sẽ học lại bài học này từ đầu. Không phải là lựa chọn sếp nữa, mà là làm sao chính bản thân mình trở thành một người sếp mà nhân viên hằng mong muốn được làm việc cùng.

Một người SẾP TỐT.

Một sinh vật quý hiếm trong thiên nhiên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *