EO BIỂN HORMUZ – TUYẾN ĐƯỜNG BIỂN “NHỎ MÀ CÓ VÕ”

Là một trong số ít những điểm giao thương “nút thắt chai” trên toàn thế giới, eo biển Hormuz quyết định hơn ⅕ toàn bộ sản lượng dầu khí trên toàn cầu, cũng như là con đường biển duy nhất của các quốc gia Ả Rập đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầy tiềm năng. Tuy nhiên, cũng chính vì những đặc điểm địa lý vô cùng đặc biệt của eo biển Hormuz mà căng thẳng giữa các nước trong khu vực luôn hiện hữu, đặc biệt là Iran.

Eo biển Hormuz là một eo biển hẹp và nông, nối liền vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương qua vịnh Oman. Từ lâu, Hormuz đã là tuyến đường biển quan trọng về giao thương, không chỉ về vật chất mà còn là văn hóa giữa hai đại lục Âu – Á. Ví dụ, đồ sứ Trung Hoa hay gia vị quần đảo Indonesia đã được vận chuyển tới Ba Tư và Âu châu thông qua eo biển này từ trước khi Thời đại Khám phá bắt đầu vào thế kỉ thứ 15. Ở chỗ hẹp nhất, nó chỉ rộng có 39km và độ sâu trung bình chỉ là 80m. Nghe thì có vẻ rộng rãi, nhưng với những con tàu nặng hàng ngàn tấn thì đây là một khoảng cách rất nhỏ và hơn nữa, các tàu chỉ được di chuyển một chiều trong phạm vi chiều rộng 2 dặm, do eo biển này khá nông và chiều sâu phân bố không đều. Ngày nay, eo biển này gần như quyết định hoàn toàn đến nền kinh tế của các nước thuộc bán đảo Ả Rập – những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên, do vậy việc đảm bảo hòa bình cho eo biển là điều cần thiết.

Nhưng ngặt nỗi có anh chàng Iran rất thích gây sự vì anh chàng là một trong hai quốc gia có chủ quyền xung quanh eo biển Hormuz – cùng với Oman. Trong quá khứ, đã có nhiều lần Iran đe dọa sẽ đóng eo biển Hormuz, khóa chặt lối vào cũng như là lối ra của một trong những mỏ dầu quan trọng của Iran – tỉnh Khuzestan, nơi chiếm 57% tổng sản lượng dầu khí của nước này và gần đây, do căng thẳng với Hoa Kỳ gia tăng, Iran tiếp tục có những lời đe dọa tương tự, lần cuối cùng là năm 2019. 

 Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Iran đóng cửa eo biển này?

Sự thực thì Iran chưa bao giờ làm thế và theo luật thì cũng không được phép (các tuyến đường vận chuyển trên thực tế là vùng biển quốc tế), do đó cũng chỉ là những lời nói suông. Mặt khác, cho dù Iran có quyền đó đi chăng nữa, 80% nền kinh tế nước này phụ thuộc vào dầu khí, việc khóa chặt Hormuz cũng đồng nghĩa với việc Iran hy sinh nền kinh tế của họ. Những hậu quả khôn lường nhằm trừng phạt nước này từ các cường quốc sẽ ngay lập tức có hiệu lực, và các quốc gia xung quanh khu vực đương nhiên sẽ can thiệp – do Iran là điểm giao giữa thế giới Ả Rập, Trung Á và Nam Á. Vậy nên, trừ khi có một con tàu siêu to khổng lồ nào đó dài 39km mắc kẹt ở eo biển Hormuz, sẽ không có chuyện vị trí chiến lược này bị hoàn toàn cô lập đâu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *