Émile hay là về giáo dục

Vượt qua khoảng cách 250 năm, tưởng như Rousseau là người sống cùng thời với chúng ta, đang chia sẻ những nỗi lo âu và bất bình của những người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một nền giáo dục đang phạm nhiều sai lầm từ cơ sở triết lý, cách thiết kế cho đến phương pháp sư phạm với mọi hậu quả đáng sợ cho phụ huynh lẫn con cái.
Ta hãy thử nghe ông nói: “Chúng ta xót thương cho số phận của tuổi thơ, thế mà chính số phận chúng ta mới cần xót thương. Những nỗi đau lớn nhất của chúng ta là do chúng ta mà ra”. Vì đâu nên nỗi? Vì “người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ thì càng đi càng lạc lối (….) Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn”. Nói cách khác, đó là nền giáo dục không hề “nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình”. Và cũng vì không hiểu rõ “chủ thể” của giáo dục là người học nên người lớn tha hồ sử dụng phương pháp áp đặt: “thay vì giúp ta tìm ra các chứng minh, người ta đọc cho ta viết các chứng minh ấy, thay vì dạy ta lập luận, ông thầy lập luận hộ ta và chỉ rèn luyện trí nhớ của ta thôi”. Trong khi đó, đúng ra “vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại cho người học hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để học những môn đó, khi hứng thú này phát triển hơn lên.
Chắc chắn đó là một nguyên lý cơ bản của bất kỳ nền giáo dục tốt nào” (Bùi Văn Nam Sơn) Mọi thứ từ bàn tay Tạo hoá mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người. Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác, con người hoà trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa, con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nô lệ của mình, họ đảo lộn mọi thứ, họ làm biến đổi xấu xí mọi thứ, họ ưa sự dị dạng, các quái vật, họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế, họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy, họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ. Không có điều này, thì mọi sự có lẽ còn tệ hơn nữa, và giống loài chúng ta không muốn được đào luyện nữa vời. Trong tình trạng ngày nay trở đi của sự vật, một con người bị phó mặc cho bản thân giữa những người khác ngay từ khi ra đời, sẽ là kẻ bị biến dạng nhiều nhất. Các thành kiến, uy quyền, sự cần thiết, tấm gương, mọi thể chế xã hội, trong đó chúng ta bị chìm ngợp, sẽ bóp nghẹt bản tính tự nhiên ở anh ta, và chẳng để gì thay thế vào đó. Ở đấy bản tính tự nhiên sẽ như một cây non mà sự tình cờ làm mọc ra giữa đường, và người qua kẻ lại chẳng bao lâu sẽ làm chết, khi va vào nó từ mọi phía và uốn nó theo mọi hướng.
Người ta uốn nắn cây nhờ vun trồng, và đào luyện con người nhờ giáo dục. Nếu con người sinh ra vốn cao lớn và mạnh mẽ, thì tầm vóc và sức mạnh của anh ta sẽ vô dụng đối với anh cho đến khi nào anh học được cách sử dụng chúng, chúng sẽ bất lợi cho anh, bởi ngăn trở những người khác nghĩ đến việc giúp đỡ anh, và bị phó mặc cho bản thân, anh ta sẽ chết vì khốn khổ trước khi biết được nhu cầu của mình. Người ta phàn nàn về trạng thái của tuổi thơ, người ta không biết rằng loài người sẽ tiêu vong, nếu như con người không khởi đầu bằng việc là trẻ thơ. Chúng ta sinh ra yếu đuối, chúng ta cần sức mạnh, chúng ta sinh ra chẳng có gì, chúng ta cần sự giúp đỡ, chúng ta sinh ra ngu ngốc, chúng ta cần sự phán đoán. Tất cả những gì chúng ta không có khi ra đời và chúng ta cần đến khi lớn lên, đều được sự giáo dục đem lại cho ta.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *