“EM ƠI!”

Truyện ngắn 

Tác giả: Nguyễn Đức Thảo 

   Ông ngồi dạng háng, giữa hai chân là chiếc bu gà đang hình thành từ những cái nan bằng nứa. Những ngón tay, sần sùi chai sạn đầy vết cắt của các mảnh nứa sắc lẹm, khéo léo tết những thanh nứa thành chiếc sập nhốt gà. Ở góc sân đã có một chồng bu gà gọn ghẽ chờ mang ra chợ để bán. Tiếng bà từ dưới cái bếp nhỏ làm bằng tre, mái lá cọ, vọng lên:

 ⁃ Ông nghỉ tay nhá. Cơm chín rồi đấy.

   Ông trả lời:

 ⁃ Tôi đan nốt cái này nữa thôi. 

   Đan xong khoanh nứa cuối cùng, ông chùi tay vào vạt áo rồi đi xuống bếp. Mâm cơm được đặt ở giữa căn bếp, đĩa thịt gà kho bốc mùi thơm lựng. Chỉ có hai cái bát và hai đôi đũa. Ông ngồi xuống chiếc ghế thấp tè, chờ bà xới cơm. Cuộc sống của họ giản dị nhưng không thiếu hạnh phúc. Hạnh phúc của những người bằng lòng với những gì mình có. 

*****

    Ông là người ngụ cư. Từ nhiều năm trước ông cùng người vợ đầu di cư từ Thái Bình lên đây tìm cách sinh sống. Với đứa con trai vừa lọt lòng, họ phải đi xe khách ba ngày mới đến đây. Khi đó vùng núi này còn hoang vu lắm. Vợ ông đi phát nương trồng sắn, nghe tiếng bìm bịp kêu, sợ quá vứt dao lại, bỏ chạy về làng. Tuy vất vả nhưng cuộc sống khá hơn ở quê rất nhiều. Dần dà rồi họ cũng quen với quê hương mới. Họ dựng ngôi nhà bằng gỗ xoan, mái lợp lá cọ và vách trát đất trên mảnh đất nhỏ đầy đá ong, mua lại của một ông cụ trong xóm.  Khi chiến tranh ở biên giới phía Nam nổ ra, con trai ông xin đi bộ đội mặc dù là con độc, chưa buộc phải nhập ngũ. Một ngày ông bà nhận được tin báo tử đứa con trai duy nhất. Bà suy sụp tinh thần, sinh ra ốm nặng và mất trong một ngày tháng Giêng lạnh lẽo. Sau những biến cố ấy, ông già đi nhiều so với tuổi. 

    Sống một mình trong căn nhà tranh vách đất, ông luôn cố che đậy nỗi cô đơn. Những bữa cơm chỉ một mình, những ngày Tết với ba chiếc bánh chưng (vì có gói quá nhiều thì ai ăn?)…Người thân ở quê khuyên ông quay về sống với anh em họ hàng những năm cuối đời, nhưng ông không thể vì không muốn để vợ nằm cô đơn ở một miền thượng du xa xôi. Ở tuổi ngoài sáu mươi ông khó có thể “làm lại cuộc đời” như người trẻ tuổi, đơn giản là trong con mắt các bà, các cô, ông là một ông lão rồi. Chẳng ai quan tâm đến chuyện ông vẫn cảm thấy mình trẻ trung, đầy sức sống, vẫn muốn chăm sóc cho ai đó và được chăm sóc lại, vẫn muốn yêu thương và được đáp lại bằng yêu thương. Những người trẻ hơn ông, số phận đẩy đưa đến cảnh goá bụa, dân làng thường tìm cách mai mối cho ai đó, chứ trong mắt họ, ông bị “gạch sổ” rồi. 

   Không những thế, nhiều người còn cho rằng ông là người lập dị, một ông già “hâm “. Một mặt cuộc sống đơn độc làm ông trở nên ít nói. Đi làm đồng, lúc giải lao ông chỉ im lặng hút thuốc lào, ai hỏi gì trả lời nấy. Không mấy người đến nhà chuyện trò với ông, ít ai biết cái gì diễn ra sau bức vách bằng đất. Mà đã không biết, không hiểu thì dễ tưởng tượng ra nhiều điều quái dị. Bản thân ông dường như không quan tâm lắm với điều đó. Ông uống rượu. Người làng thường gặp ông tối tối lủi thủi với chai rượu nút lá chuối cặp nách đi về từ nhà ông đội phó đội sản xuất chuyên cất rượu lậu. 

   Bà là phụ nữ người dân tộc thiểu số, mang họ Ma, sinh ra và lớn lên ở đây. Ngày xửa ngày xưa ở đất này chỉ có người bản xứ, không có ai là người Kinh đến sinh sống ngoại trừ vài người được nhận về làm con nuôi trong một số gia đình khá giả. Lớn lên cô gái người Cao lan nhan sắc “thường thường bậc trung” lấy chồng cùng dân tộc ở làng bên, sát chân núi. Hai người có một đứa con gái, rồi anh nhập ngũ. 

   Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, rất nhiều người vào chiến trường và không trở về, chồng cô là một trong số đó. Cô ở vậy nuôi con. Bà con làng xóm nhiều lần muốn môi mái cô với người đàn ông đơn thân nào đó, cô từ chối. Có người là bộ đội phục viên, vào sinh ra tử như chồng cô, rất muốn được chung chăn gối, nhưng chẳng hiểu sao không ai có sức thuyết phục được người mẹ đơn thân đang ở tuổi vẫn thèm được sống như một người tình. 

    Sau khi con gái học xong trường sư phạm mười cộng ba của tỉnh và trở thành giáo viên trường cấp hai rồi lấy chồng cùng ngành, bà ở một mình. Lại một số phận cô đơn. Chẳng bao giờ bà để cho người khác biết về những suy nghĩ riêng tư của mình. Có thể trong màn đêm của vùng núi bà khóc cho số phận, có thể bà khấn người chồng sống khôn chết thiêng hãy cho bà một bàn tay của người đàn ông nào đó giữ lấy tay bà trong đêm đông… Tất cả những điều đó không ai biết, chẳng ai bị xáo trộn bữa cơm, giấc ngủ vì bà hàng xóm độc thân. 

   Ấy vậy mà một hôm làng xóm xôn xao khi nghe tin ông bà về sống với nhau. Đi làm đồng người ta bàn tán, nhỏ to về chuyện đó, cứ như một scandal ghê gớm. Nào là bà tầm tuổi con ông, nào là sao bà không tìm một đám trẻ hơn, khỏe hơn lại chọn ông già lập dị… Đến như con gái nghe tin cũng tức tốc về “đôn đốc” mẹ. Nhưng bà đã quyết, bỏ ngoài tai tất cả, không có gì thay đổi được. Thực sự thì họ về sống với nhau chứ cả hai người không có ý định cưới xin gì cả, thậm chí đăng ký trên ủy ban xã cũng không. Một hôm ông bà mời gia đình con gái bà về, làm mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Và từ đó, họ coi nhau là vợ chồng. Cô con gái là người có học nên cũng thấy thực sự đó là một biến cố có lợi cho cả hai người. Họ có nhau lúc tắt lửa tối đèn, hỗ trợ cho nhau cả về vật chất lẫn tinh thần thì có gì là sai trái ở đây?

   Ngay từ ngày đầu ông bà lúng túng không biết gọi nhau thế nào cho hợp. Bà gọi ông là “ông” bởi tuổi tác của ông cũng nhiều rồi, nhưng trong thâm tâm bà thèm được nghe ông gọi mình là “em”, tiếng gọi mà bà đã không được nghe từ nhiều năm. Nhưng bà xấu hổ, muốn đấy mà không dám thổ lộ. Chừng như ông đoán được ý muốn của bà, nhưng ông chỉ là một người nông dân được giáo dục theo phong cách cổ xưa, câu “em ơi” không sao lọt ra khỏi cổ họng. Ông gọi bà là “bầm em” tuy hai người không có con chung, giống cách gọi “bu nó” ở miền xuôi vậy. Thôi thì cũng có từ “em” trong đó- bà tự an ủi. 

*****

   Từ ngày về sống với nhau, cả hai người có sự thay đổi rõ rệt. Ông bà dường như trẻ lại, cả thể xác lẫn tinh thần. Ông nói năng nhiều hơn, hóm hỉnh và cởi mở hơn trước. Ông ít lui lại nhà đội phó, mà nếu có thì đàng hoàng vào ban ngày. Dần dần không ai trong làng nghĩ ông là ông già lập dị nữa. Nếu ai không tin người phụ nữ có thể làm thay đổi người đàn ông thì đây là chính là minh chứng điển hình rằng điều đó hoàn toàn có thể. 

   Ở bà sự thay đổi bề ngoài khó nhìn thấy hơn. Bà không diện quần áo mới, chẳng khuyên tai vàng, nhưng ai tinh mắt sẽ nhìn thấy ánh mắt của bà. Nó long lanh, nhiều sức sống hơn, như có nụ cười nhảy nhót trong đó. 

   Sự thay đổi rõ rệt nhất trong cuộc sống của hai người đó là họ tiết kiệm được một số tiền mua cái xe đạp Thống Nhất cũ để chở bu gà ra thị xã bán. Đan bu gà, một số nơi gọi là sập gà, là nghề tay trái của ông mang từ quê Thái Bình lên. Khi vợ trước còn sống, ông thường lên núi lấy nứa về đan rồi ông gánh bà quẩy ra chợ thị xã. Bán xong, bà đi tìm mua bánh “sẹo bò”, một loại bich-quy được xâu thành chuỗi bằng lạt nứa về cho cậu con trai. Ông thì đi tìm hàng thuốc Lào ngon nhất mua một gói to đủ dùng cho đến phiên chợ sau. 

   Bây giờ ông quay về với nghề cũ. Trong tâm trí ông, quãng thời gian từ lúc vợ mất cho đến khi ông “làm lại cuộc đời”, như một cơn mê, nửa thực nửa hư. Nếu ai đó nói rằng ông đã sống như thế, như thế… chưa chắc ông đã tin là thật. 

   Từ ngày về sống chung ông bà chưa cãi nhau lần nào. Ngược lại nhiều lúc hai người như hai đứa trẻ. Bà trêu ông nói ngọng khi ông nói “đi nàm”, một cái tật ông không thể bỏ nổi tuy xa quê đã nhiều năm. Còn ông trêu bà nói tiếng Kinh không sõi vì quả thật, bà nói lơ lớ giọng địa phương của người Cao lan. Thi thoảng người thân của bà đến chơi, họ nói tiếng của mình, ông hay đùa rằng mình không có tiền cũng được đi ra nước ngoài. 

   Con gái của bà đã chấp thuận hoàn toàn mối tơ duyên muộn màng của hai người. Có lẽ cô cũng biết rằng tình yêu là thứ xa xỉ phẩm, ở tuổi thanh xuân còn khó tìm huống chi lúc xế chiều. 

*****

   Từ mấy tháng nay bà cảm thấy đau bụng dưới, ở vùng kín của phụ nữ. Có cái gì đó phình to và nén lên bàng quang làm cho bà lo lắng, nhưng giữ kín không nói cho ai biết. Đối với một người phụ nữ nông dân miền núi như bà thì đi khám phụ khoa là việc làm bất khả thi. 

   Bà gầy đi rất nhanh. Vốn dĩ là người phụ nữ bé nhỏ, bây giờ bà lại càng nhỏ bé hơn. Ông quan sát thấy điều đó nhưng không hề nghĩ đó là hệ lụy của bệnh ung thư cổ tử cung ác tính. Đến khi bà yếu sức, ông mới ngỏ ý muốn đưa đi viện nhưng bà khước từ. Con gái nghe tin mẹ ốm nặng, vất vả lắm, nhờ quen biết cô mới mời được một bác sĩ giỏi về nhà khám cho mẹ. Chẳng mấy ai muốn đi xa hơn chục cây số đường núi, vượt cánh đồng đầy bùn để khám cho bệnh nhân khi chỉ ngồi ở phòng mạch của mình giữa trung tâm thị xã cũng kiếm được khối tiền. Bác sĩ khám xong kéo ông ra hiên nhà: “Bà nhà bị ung thư cổ tử cung, giai đoạn cuối rồi ông ạ”. Qua bác sĩ ông được biết sự sống của bà bây giờ tính theo ngày chứ không phải tháng, năm gì nữa. Ông im lặng hồi lâu, không nói được một câu. 

   Những ngày sau đó ông dốc toàn lực, toàn tâm phục vụ bà. Từ một người đàn ông vụng về việc bếp núc, ông tự mầy mò nấu những món ăn bà thích. Ngọn đèn dầu hỏa leo lắt bây giờ chiếu sáng cả đêm, bởi ông không muốn bà nằm trong bóng tối. Nằm bên cạnh bà, ông ngủ rất ít, chỉ một tiếng rên  nhẹ của bà cũng đánh thức ông dậy. Ông không muốn mất bà, không muốn sống lại những năm tháng sau khi vợ trước của ông ra đi. Nghĩ đến điều đó, ông cầu Trời hãy cho ông đi cùng bà cho thanh thản. 

   Đêm tháng giêng lạnh lẽo. Bà mệt lắm rồi, lo bà sẽ khó qua được đêm nay, ông đã nhờ hàng xóm đi báo cho con gái ở thị xã biết để liệu mà về. Ở giữa nhà, ông đốt đống lửa để sưởi ấm cho bà. Ánh lửa bập bùng trên vách đất, thoắt ẩn thoắt hiện những bóng như bóng ma nhưng ông không để ý đến. Tiếng chim đi ăn đêm kêu ngoài rừng xa làm cho phút lâm chung càng thêm đau xót. Ông ngồi im cời lửa, lắng nghe nhịp thở của bà. Đến khoảng ba giờ sáng, ông không nghe thấy tiếng thở nữa, hoảng hốt ông nắm tay bà. Bàn tay đã lạnh ngắt, cái cằm trễ xuống không động đậy. Ông hiểu rằng bà đã bỏ ông lại, cô đơn giữa trần gian. Úp mặt vào tay bà, dòng nước mắt già cỗi đặc quánh từ từ chảy qua khoé mắt. Ở tuổi này để có thể khóc được không phải chuyện đơn giản. Từ trong sâu thẳm của lồng ngực ông bật ra một tiếng thổn thức:

 ⁃ Em ơi!

   Dưới ánh lửa yếu ớt, ông có cảm giác như bà nở nụ cười mãn nguyện. 

   Trong nghĩa địa của làng, ông quyết định chôn cất bà bên cạnh mộ vợ trước. Ở giữa hai nấm mộ có một khoảng trống, ông để dành cho mình. Ông dặn trước con gái bà, mà bây giờ ông coi như con đẻ, rằng sau khi ông chết hãy để ông được nằm với hai người quan trọng nhất trong đời mình. 

   Đêm đêm ông ngồi cời lửa, chờ đến lượt mình, thỉnh thoảng bật lên tiếng gọi:

 ⁃ Em ơi!

Warszawa, còn 3 giờ nữa sẽ là ngày 22.02.2022

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *