Ông Thành vê điếu thuốc lào, nâng lên rồi đặt xuống đến lần thứ ba mà chưa rít hơi nào, khuôn mặt lộ rõ vẻ đăm chiêu, căng thẳng.
– Con không lấy thằng ấy được đâu!
Bà Thành thở dài sườn sượt:
– Không nghề không ngỗng như nó, suốt ngày quần là áo lượt rồi cạp đất mà ăn à con ơi?
Thuỳ vân vê gấu áo, cúi đầu xuống khẽ lúng búng trong miệng :
– Nhưng con và anh Tuấn yêu nhau, con… con trót…
Ông Thành dộng điếu cày vào cái xô đặt canh chân bàn, hai tay giơ lên như hai cái bai chèo, thái dương lấm tấm mồ hôi:
– Giời ơi là giời, đời mày rồi sẽ khổ thôi con ơi!
Nhà trai tổ chức đám cưới linh đình, chẳng gì Tuấn cũng là con trai duy nhất, lại thêm nỗi vui mừng của ông bà Khải vì Thùy vốn được người được nết lại nhanh nhẹn, tháo vát. Chỉ khổ nỗi ông bà Thành, ngày cưới của con gái mà nét mặt lúc nào cũng ra vẻ đăm chiêu.
Công bằng mà nói, ngoài vẻ điển trai và tướng đào hoa công tử thì Tuấn cũng chẳng có lỗi gì. Cậu ta cũng lo học xong lớp học đầu bếp và pha chế đồ uống gì đấy ở Hà Nội chứ chẳng chơi, chỉ là chưa chịu chí thú làm ăn.
Bụng bầu lùm lùm, Thuỳ bàn với chồng mở cái quán ăn để còn lo nuôi vợ con chứ không thể cứ ăn bám mãi vào cái Cửa hàng tạp hóa của bà mẹ chồng. Tuấn gật đầu đồng ý, cha mẹ đôi bên ủng hộ, ba tháng sau nhà hàng mang tên TUẤN THÙY mọc lên khang trang bên cạnh đường Quốc lộ.
Ban đầu khách khứa còn thưa thớt, sau vì quán nấu ăn ngon, giá cả hợp lí nên lượng khách cứ đông dần, Thuỳ liên tục nhận được những đơn đặt cơm hội nghị, họp lớp, họp hội…
Cu Sóc ra đời nhân đôi niềm hạnh phúc của cả gia đình, Thuỳ gần như rất ít khi đến Quán ăn vì phải dành thời gian cho cu Sóc, tất cả mọi việc ở quán đều do Tuấn phu trách cùng mấy người giúp việc mà hai vợ chồng đã thuê. Lượng khách cũng ổn định hay nói đúng hơn là ngày càng tăng. Duy chỉ có điều luôn làm Thuỳ không khỏi buồn là mỗi khi bà nội, bà ngoại cu Sóc nựng cháu vẫn bảo: “…mẹ mày cẩn thận nhé, bố mày miệng cười mắt nói như vậy bà thấy lo lắm đấy.”
Rồi cái lo ấy nó đến thật.
Một buổi sáng, Thuỳ đang vệ sinh cho cu Sóc thì phụ bếp điện thoại về:
-Chị ơi, chị bảo anh Tuấn ra quán đi, muộn rồi mà em điện cho anh không được.
Thuỳ quay số điện cho chồng, đáp lại là “thuê bao quý khách…
“. Thuỳ để con cho mẹ chồng rồi tất tả chạy sang quán, gọi điện hỏi tất cả bạn bè nhưng không ai biết Tuấn đang ở đâu. Chột dạ, Thuỳ chạy về nhà mở két, tất cả số tiền dành dụm chuẩn bị nâng cấp và mở rộng quán đã không cánh mà bay. Mặt Thùy biến sắc cùng lúc ở quán báo về cô Hà bưng bê cũng “thuê bao quý khách….”
Quán ăn đóng cửa, Thuỳ thất thần, Tuấn cắt đứt mọi liên lạc với gia đình, bạn bè, facebook ngừng hoạt động….
Thuỳ không thể cứ ngồi ôm con khóc, cô gượng dậy, vay mượn nâng cấp lại quán ăn, thuê đầu bếp mới . Cũng may, trời thương nên sau một thời gian đóng cửa, quán ăn của cô vẫn tấp nập khách vào ra. Cu Sóc cũng đến lúc tập đi, tập nói bi bô làm Thùy khuây khỏa.
Tuấn trở về cũng đột ngột như cái lúc mà anh ta ra đi.
Cả nhà đang ngồi bên mâm cơm tối thì Tuấn bước vào tự nhiên như chưa hề có việc gì xảy ra. Bà Khải và Thùy há hốc mồm nhìn trong khi Tuấn hồn nhiên bế cu Sóc lên nựng “con trai bố nhanh lớn quá, bố nhớ con lắm”. Ông Khải như sực nhớ ra điều gì, vơ lấy cây chổi dựng ở góc nhà ném về phía Tuấn:
– Thằng khốn nạn, mày còn vác mặt về đây được à? cút ra khỏi nhà ông!…
Bà Khải vội đứng dậy đỡ lấy tay chồng:
– Thôi ông, con nó đã biết lỗi trở về rồi, ông cứ bình tĩnh. có gì từ từ nói chuyện sau.
Chiều hôm sau, bà Khải tự tay làm cơm mời ông bà Thành sang ăn để con trai bà có lời xin lỗi bố mẹ vợ và vợ. Mặc dù rất giận nhưng vì thương con, thương cháu nên ông bà Thành cũng phải bấm bụng khuyên nhủ con gái tha thứ cho chồng.
Vì cu Sóc, nói đúng hơn là vì còn rất yêu chồng nên Thùy cũng dễ dàng bỏ qua cho Tuấn sau những lời xin lỗi và thề thốt, hứa hẹn đường mật của anh ta.
Tuấn không trở lại quán ăn nữa, đây là quyết định của ông bà Khải và Thùy để đề phòng nhỡ lại “ngựa quen đường cũ”,mà Tuấn cũng chẳng muốn trở lại. Sau hai tháng “ngồi chơi, xơi nước”, Tuấn thủ thỉ với bố mẹ và vợ bàn cho anh ta đi học lái xe rồi mua cái xe nho nhỏ về thi thoảng chạy khách. Nghĩ cũng có lí vì ở cái Thị tứ mới nổi này nhu cầu đi lại nhiều mà xe cộ thì chưa nhà nào có, đến nhà cô Ngân ở gần ngã Tư, mở cái cửa hàng Cho thuê váy cưới và trang điểm cô dâu, vậy mà vẫn phải gọi xe trên thị trấn về để chạy xe hoa vả lại chẳng nhẽ cứ để tuấn vô công rỗi nghề mãi nên Thùy cũng đồng ý.
Kế hoạch được thực thi, sau khi Tuấn lấy bằng lái, Thùy dồn hết tiền dành dụm được từ quán ăn để mua xe cho Tuấn. Cái xe của Tuấn có vẻ rất có duyên làm ăn, thi thoảng lắm mới có ngày nằm nhà vì không có khách gọi, những hôm xe không có khách, Tuấn cũng dành thời gian đưa vợ con đi chơi, đi siêu thị mua sắm… Thùy cảm thấy hạnh phúc với ý nghĩ có lẽ Tuấn muốn bù đắp cho vợ vì lỗi lầm mà anh ta đã từng gây ra. Ông bà nội, ngoại cu Sóc cũng thở phào nhẹ nhõm vì thấy vợ chồng Thùy quấn quýt với nhau, bà Khải còn giục Thùy sinh thêm em bé tranh thủ lúc bà còn khỏe mạnh để bà đỡ đần cho.
Vậy nhưng cuộc sống chẳng như những gì người ta mong muốn. Những tháng ngày vui vẻ , hạnh phúc chẳng kéo dài được lâu. Tuấn thường rất hay về khuya, Thùy có hỏi thì Tuấn bảo phải chở khách. Thùy tìm hiểu và biết được thời gian này Tuấn rất hay qua lại với cô Trang làm tóc ở trên thị trấn.
Hôm ấy, Thùy quyết định sẽ đến quán làm tóc xem thế nào. Từ xa, Thùy đã thấy biển số xe quen thuộc của nhà mình đậu ngay trước cửa quán làm tóc HÀ TRANG. Đá chân chống xe máy, bảo cô bạn thân đứng đợi, Thùy bước vào quán. Nhìn quanh không thấy Tuấn đâu. Cô chủ quán mặt hoa da phấn đang quấn tóc cho khách thấy Thùy bước vào thì buông tay, mặt cúi gằm xuống. Con bé phụ việc đang gội đầu cho khách nhìn Thùy, nhìn chị chủ rồi đánh mắt nhìn về cửa phòng ngủ không giấu được sự lúng túng. Thùy không nói không rằng bước thẳng vào phòng ngủ. Trước mặt Thùy, Tuẩn đang thản nhiên nằm trên giường lướt điện thoại như đang ở nhà mình. Một cái tát như trời giáng xuống một bên má Tuấn kèm theo tiếng quát của Thùy: Anh là kẻ khốn nạn.
Cô bạn thân kéo Thùy ra:
– Về thôi, ở đây mày không làm được gì đâu.
Thùy định xông lại phía Trang nhưng cô ta đã nhanh chân chạy biến đi.
Ngồi sau xe, nước mắt Thùy ướt đẫm lưng áo bạn trên đường về nhà.
Ngỡ rằng Tuấn sẽ về với bộ mặt ăn năn và những lời xin lỗi rối rít, nhưng không. Một, hai, ba … ngày trôi qua, bà Khải gọi Tuấn cũng chỉ trả lời ậm ự rồi tắt máy. Một tuần sau khi sự việc xảy ra Tuấn trở về nhà và chìa trước mắt Thùy tờ Đơn ly hôn trong sự giận dữ của ông bà Khải.
Thùy thương con, muốn cho con có cả bố lẫn mẹ nhưng lòng tự trọng của Thùy không cho phép Thùy níu kéo, vả lại Thùy cũng không muốn níu kéo một người đàn ông trăng hoa, bạc tình bạc nghĩa.
Sau ba lần hòa giải không thành, hôn nhân của Tuấn và Thùy chính thức khép lại, Tuấn tình nguyện chỉ lấy cái xe còn quán ăn để lại cho mẹ con Thùy. Anh ta dọn về ở hẳn tại quán làm tóc của Trang vì ông bà Khải tuyên bố không bao giờ cho Trang bước chân vào nhà ông bà. Thùy cơi thêm một phòng ngủ nơi quán ăn để mẹ con dọn về đấy ở mặc cho ông bà Khải ra sức níu giữ, vì cô nghĩ mình không còn là con dâu của ông bà nữa, tuy nhiên mẹ con cô vẫn thường xuyên qua lại với ông bà.
Thấm thoắt đã ba năm kể từ ngày Thùy đặt bút kí vào đơn ly hôn, cu Sóc đã vào Tiểu học, đã biết đọc chuyện cho ông bà nghe, càng lớn cu cậu càng giống bố như một khuôn đúc ra, quán ăn của Thùy vẫn duy trì khách đều đặn. Thùy dành thời gian để đi tập Yoga vào mỗi buổi chiều. Sau những mất mát, cô đã lấy lại được dáng vóc thanh thoát, vẻ mắt tươi tắn. Mỗi lần bà nội cu Sóc sang chơi với cháu lại thở dài: “Thằng bố mày có vàng mười trong tay mà không biết giữ.”
Thời gian gần đây, Tuấn năng về nhà bố mẹ hơn. Mỗi lần về lại mua quà rồi qua chỗ Thùy đón cu Sóc đi chơi, Thùy không ngăn vì dù sao đó cũng là bố của con mình. Nhiều lần sau khi đi chơi cùng bố về, cu Sóc lại thỏ thẻ với mẹ:
– Mẹ ơi, hay là mẹ cho bố về ở với mẹ con mình đi.
Thùy nhìn con cười, không trả lời. Qua bạn bè Thùy biết được sau một thời gian Tuấn sống chung với Trang, hai người thường xuyên xảy ra cãi vã. Gần đây Tuấn mới biết Trang vô sinh do hậu quả của một lần phá thai tại một cơ sở tư nhân.
Thùy chở con lên thị trấn chơi, khi ngang qua nhà Tuấn, cô thấy mấy người đang xúm xít nhìn vào chỉ trỏ. Tuấn từ cửa quán bước ra chui vào trong xe, kéo mạnh cửa, Trang trong bộ quần đùi, áo hai dây hở hang chống nạnh nói với theo:
– Anh là cái thá gì mà dám chửi tôi là đồ mèo mả gà đồng, cút!
Thùy xoay mạnh tay ga chiếc SH phóng đi để cu Sóc khỏi nhìn thấy cái xe của bố nó…
Buổi tối, Thùy kiểm tra lại quán một lần, qua bà nội cu Sóc đón cu Sóc về. Nằm trong lòng nghe mẹ đọc truyện, cu Sóc nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Điện thoại báo có tin nhắn, Thùy mở ra: “ Anh rất nuối tiếc và ân hận, vì con xin em hãy tha thứ cho anh, hãy cho anh thêm một cơ hội để được về với em và con …”. Thùy lướt màn hình điện thoại chuyển qua phần “chặn tin nhắn và cuộc gọi” thực hiện thao tác không một chút đắn đo. Cô chuyển qua soạn tin nhắn chuyển vào nhóm Bạn thân: “16 âm lịch tháng này mẹ con tao chuyển về nhà mới, chúng mày nhớ đến nhé!”
Cô vuốt màn hình điện thoại, tắt dữ liệu Wi- Fi và chìm vào giấc ngủ, ngày mai cô còn nhiều việc phải làm, chẳng còn thời gian cho những điều không đáng để bận tâm.