Em gái của trời 4

Tôi gánh trên vai niềm tin của cả gia đình khi lên đường đi thi Đại học, mang theo hy vọng của ba và ngoại “Thằng Bi nhà tôi họcgiỏi lắm, mai mốt nó sẽ làm bác sĩ!” Và đặc biệt là của mẹ kế và Luyến, họ đã gánh cả thằng tôi trên vai để tôi có thể đi học, có thể đến trường.

Chính vì thế tôi không thể cho phép mình thi trượt được, gần hai tháng sau khi đi thi về, tôi nhận được giấy báo nhập học, tôi cũng không bất ngờ vì tôi tự tin rằng mình sẽ đậu. Ngày giấy báo về đến nhà, vẫn là con Luyến biết đầu tiên, nó chạy như bay, mặt đỏ rực và mắt long lanh đi tìm tôi để thông báo như ngày trước. Nó còn mừng hơn cả tôi, tôi thấy nó cười mà sao hai hàng mi ươn ướt. Nó khóc mất rồi.

Ngày tiễn tôi và Luyến lên Sài Gòn, Trâm Anh khóc như mưa, lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Những người yêu đời như nó khi khóc, thường khó có gì ngăn lại được.

Tôi về quê thăm ngoại, ôm ngoại và cũng khóc, khóc như ngày bé bị đứa nào đấy ăn hiếp mà chẳng biết nhờ cậy ai. Ngoại xoa xoa lưng tôi, dỗ dành tôi như dỗ con nít. Đối với ngoại thì tôi lúc nào cũng chỉ là đứa con nít, là “thằng cu Bi của ngoại”. Đấy cũng là lần cuối tôi được nói chuyện với ngoại, được ôm ngoại…

Ngày ấy khóc sao thật dễ dàng quá, chúng tôi đều khóc, ai cũng có lý do để khóc. Những giọt nước mắt trẻ con tuôn trào ra như thế này dễ dàng và thoải mái hơn nhiều khi đã trở thành “người lớn”, muốn mà không thể khóc, chỉ biết nuốt nước mắt vào trong… Ước gì chúng tôi có thể mãi khóc một cách vô tư và thoải mái như thế.

Tôi và Luyến bước chân lên Sài Gòn vào một ngày mưa tầm tã,

chúng tôi xuống xe rồi ngồi ngay trong nhà chờ của bến xe để đợi ông chú đến đón về. Hai đứa ngồi thu lu như hai con chuột nhắt ở mái hiên nhà, không dám vào phía trong vì trong ấy đông người quá, họ nằm la liệt dưới ghế, trên nền nhà. Tay tôi ôm chặt ba lô như thể chỉ cần để hở ra là người ta sẽ giật bay và chạy biến đi mất, tôi đã được nghe kể nhiều lắm về cuộc sống bon chen và nguy hiểm ở Sài Gòn rồi.

Một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua. Luyến đã gục trên vai tôi ngủ từ lúc nào, có lẽ nó quá mệt khi lần đầu phải đi một quãng đường dài như thế, khổ thân con bé.

Trời tối mịt thì chú tôi mới tới, chúng tôi vẫn ngồi im ở chỗ hẹn trước vì không dám và cũng không biết đi đâu.

– Cu Bi phải không?

– Dạ… – Tôi trả lời với vẻ nghi ngờ.

Chú gỡ khẩu trang và nón ra tôi mới nhận ra chú Lâm, mặc dù chú đã già và khắc khổ hơn ngày ở nhà rất nhiều nhưng những đường nét trên khuôn mặt chú thì tôi không thể nào quên được, trước khi chú chuyển lên Sài Gòn kiếm ăn thì chú và ba tôi là anh em kết nghĩa.

Tôi mừng quýnh và mất hẳn vẻ ủ rũ, quay sang lay em gái: “Dậy, dậy đi em, chú Lâm tới rồi!”

Chú đưa chúng tôi hai bịch nước mía và một miếng bánh tét chiên

rồi ngồi chờ chúng tôi ăn hết mới dẫn chúng tôi về. Vừa ăn, chúng tôi vừa nghe chú kể chuyện, hỏi han nhà cửa, làng xóm dưới quê với niềm háo hức kì lạ. Cũng phải thôi, sáu năm rồi chú chưa về quê – nơi chú gắn bó từ khi sinh ra đến khi lấy vợ.

Chú Lâm ngày ở nhà làm thợ mộc, sau bị một tai nạn khi cưa gỗ nên đứt mất một bàn tay. Từ một thợ mộc khéo tay có tiếng, chú đâm chán nản vì trở thành một kẻ vô công rồi nghề ăn bám vợ. Thế là chú kết bạn với rượu, với những người bạn đồng “cảnh ngộ”. Chú lê la khắp xóm làng để ăn nhậu, sáng xỉn chiều say. Tôi hay gặp chú xiêu vẹo đi về nhà

hoặc lang thang đâu đó. Mỗi lần gặp tôi, chú thường tóm tôi lại véo má và nói: “Thằng con bố Cảng dạo này lớn phết rồi nhỉ”, rồi chú cọ râu vào mặt tôi khiến tôi vừa nhột vừa sợ. Có lần tôi thấy chú ngủ ở gốc cây ngoài chợ lúc sáng sớm, người tôi bé tí mà phải dìu chú về vì chạy đi gọi vợ chú thì chỉ nhận được một câu chưng hửng: “Kệ bố nó!” Vợ chú khinh chú ra mặt.

Rồi chú dính vào cờ bạc, cái giống cờ bạc thì càng đánh càng thua, càng thua càng gỡ. Chẳng mấy chốc mà tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi hết, vợ chú gào khóc bao nhiêu chú cũng không từ bỏ được con ma đỏ đen trong người. Cho đến một đêm nọ chú thua nặng ở chiếu bạc, thua cả tiền bán bộ lư hương bằng đồng của gia đình – tài sản có giá

trị cuối cùng trong nhà chú.

Chú Lâm là người thật thà và tốt bụng, dù chú có cờ bạc rượu chè thì tôi vẫn thấy chú là người như vậy. Tôi phải nói trước điều này vì khi kể đến đây, cái đêm mà chú thua bạc ấy, chú đi dắt trộm trâu của chính nhà bố vợ để bán đem đánh bạc. Công an xã bắt được chú.

Nửa năm sau thì chú bỏ lên Sài Gòn vì không chịu được điều tiếng.

Vợ chú ban đầu nhất định không chịu đi theo nhưng cho đến ngày chú đi thì cô cũng ôm con nhắm mắt “thuyền theo lái, gái theo chồng”.

Chuyện của chú là thế, qua lời kể và thái độ của chú, tôi biết chú

cũng nhớ quê hương da diết nhưng chắc vì xấu hổ chuyện cũ nên không muốn quay về.

Chú sắp xếp cho anh em tôi ở trong một căn phòng được ngăn bằng ván ép khá tồi tàn. Nhưng dù sao có được chỗ ở lúc này đối với hai đứa tôi cũng đã là may mắn lắm rồi.

Thấm thoắt đã được một tháng trôi qua kể từ ngày chúng tôi ở nhà chú Lâm. Tôi vừa đi học vừa làm thêm, Luyến học và phụ việc ở tiệm may, dù sao thì nó cũng cần phải có một cái nghề.

Một tối, tôi bảo Luyến:

– Mai mình chuyển ra ngoài ở nhé, anh tìm được phòng trọ rồi.

– Sao vậy anh, em thấy ở đây được mà?

Tôi không biết phải trả lời nó ra sao, tôi không muốn nói cho nó biết cái lý do rằng tôi đang sợ. Tôi sợ ánh mắt rất khó hiểu của chú Lâm nhìn nó, nỗi sợ hãi của tôi không mơ hồ. Em tôi cũng đã lớn rồi, không những thế nó còn xinh xắn và có vẻ chất phác hiền lành mà những đứa con gái thành phố không có được. Mỗi lần thấy ánh mắt của chú Lâm hướng về nó, tôi lại có linh cảm chẳng lành. Chú Lâm dù gì cũng là đàn ông, vợ chú lại đi buôn theo tàu bắc nam một tháng mới về một lần.

Tôi đáp lại vẻ mặt ngơ ngác của nó bằng một thái độ chậm rãi:

– Tại anh thấy ở nhờ như vầy hoài cũng phiền quá, ra ngoài ở cho

thoải mái em ạ.

– Dạ… – Nó thở dài với vẻ tiếc nuối nhưng vẫn đồng ý, em gái tôi lúc

nào cũng ngoan. Tôi biết là nó quá mệt mỏi với những lần chuyển nhà cùng tôi rồi, nhưng biết làm sao được, tôi đã hứa với mẹ là phải chăm sóc và lo lắng cho nó, nó chỉ còn một người thân duy nhất là tôi.

Xóm trọ mới của chúng tôi đa phần là sinh viên tứ xứ từ những vùng quê nghèo lên, vì nếu có tiền thì chẳng ai lại chui vào ở cái chỗ chật chội, ẩm thấp và thường xuyên cúp điện, cúp nước như thế này.

Sự xuất hiện của em gái tôi bỗng nhiên trở thành tâm điểm của sự

chú ý, bằng chứng là cả bọn con trai cứ xuýt xoa huýt sáo mỗi lần em gái tôi đi qua. Thỉnh thoảng tôi còn thấy có cu cậu đứng ngẩn tò te ngắm em tôi qua cửa sổ. Ban đầu tôi cũng có phần ái ngại vì thấy em gái bị để ý nhiều quá nhưng sau một thời gian thì thấy bọn nó đa phần hiền lành và có vẻ trẻ con, ít nhất là so với tôi nên cũng đành thôi không nghĩ ngợi gì nhiều nữa. Thậm chí có lúc tôi còn thấy tự hào về điều này vì từ ngày anh em tôi đến, con trai trong xóm nhất loạt gọi tôi là anh vợ, mặc dù tôi còn nhỏ tuổi hơn vài đứa.

Ngày ấy sinh viên không năng động như bây giờ, suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào học và học, thỉnh thoảng có tham gia hoạt động ở trường

nên cuộc sống khá nhạt nhẽo. Cuộc sống thường ngày chỉ xoay quanh trường lớp, mì tôm, nước lọc và guitar.

Những anh chàng guitar thời nào cũng vậy, luôn là tâm điểm và có

sức hút mãnh liệt đối với con gái. Em gái tôi cũng không ngoại lệ, nó mê như điếu đổ anh sinh viên lầm lì cuối dãy trọ. Anh tên là Huy, cao lớn, gương mặt trắng trẻo thư sinh và đặc biệt là chơi guitar cực giỏi, luôn là

cây văn nghệ của xóm trong những buổi liên hoan sinh nhật, những đêm cúp điện đột ngột hay những buổi văn nghệ bất thình lình. Nó mê anh Huy cũng một phần vì anh ta là tên con trai duy nhất trong xóm không đoái hoài gì đến nó.

Tôi cảm nhận được sự thay đổi của em gái khi mỗi lần thấy nó ngồi may vá sửa đồ trong phòng trọ, có tiếng guitar ở cuối dãy cất lên cùng với giọng hát đầy tâm trạng của Huy là nó lại nhổm dậy hóng tai nghe

ngóng, rồi thở dài thườn thượt mỗi khi Huy ngừng chơi. Nó hóng như thể trẻ con hóng tiếng rao của kem, của kẹo kéo, háo hức và chờ đợi, để rồi hụt hẫng vì không có tiền mua.

Có lần Huy đi đâu đó một tuần không về phòng trọ, tôi thấy nó đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại nhìn ra cửa sổ và cúi đầu buồn bã.

Thật ra là tôi có phần ghen tức với Huy. Trước đây nó chỉ có mình tôi, nó dành toàn bộ thời gian để lo lắng chăm sóc cho tôi mọi thứ. Giờ thì gã trai xa lạ và vô tâm kia đã cướp mất hết cả phần hồn của nó, khiến nó không còn quan tâm đến tôi như trước nữa, thỉnh thoảng tôi bực quá quát mắng nó mặc dù nó chẳng có lỗi gì. Tôi chỉ muốn kiếm cớ để làm

nó tỉnh ra, để nó quay lại là của tôi, của riêng tôi, là đứa em gái bé bỏng ngày nào, chỉ có anh trai, ngoài ra, không có ai khác nữa.

Sang tuần thứ hai thì Huy về, mang theo một cô gái – lý do của sự vô tâm đối với em gái tôi. Điều này khiến tôi mừng vô cùng, còn Luyến thì ngược lại. Tôi thấy mình hơi ác.

Từ dạo đó nó ít nói hẳn, suốt ngày lầm lì cúi gằm mặt may may vá

vá, có lúc kim đâm vào tay đến chảy máu cũng vẫn không chịu đi băng bó, khiến máu ở ngón tay chảy ra, thấm vào cả mảnh vải. Tôi thấy vậy thì chạy lại cầm tay nó bực tức quát: “Luyến, em làm gì vậy, em bị sao vậy, em có thôi ngay cái bộ mặt đó đi không thì bảo?”

Nó sợ hãi rụt tay lại, cúi mặt nhận lỗi mà không nói gì. Tôi điên quá lại quát ầm lên:

– Chuyển nhà, chuyển nhà, không ở đây nữa, anh càng ngày càng

không thể hiểu nổi em Luyến ạ!

Nó nghe thế thì hoảng, ngẩng mặt lên lắp bắp nửa xin lỗi, nửa cầu

khẩn:

– Dạ dạ, không không anh Bi, em không sao hết mà, đừng chuyển

nhà nha anh, em muốn ở đây, em không muốn đi đâu nữa. Đừng

chuyển nhà được không anh?

Tôi bực mình bỏ ra ngoài…

Cuối dãy trọ, phòng của Huy vẫn đóng cửa im ỉm, bên trong có hai

người. Từ ngày cô gái về ở chung, Huy không còn chơi đàn nữa, có lẽ anh ta bận.

Tết năm ấy là cái Tết đầu tiên ở Sài Gòn của chúng tôi, cả dãy trọ về quê gần hết. Anh em tôi mặc dù rất muốn về thăm ngoại nhưng tiền tàu xe cũng là một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Vì thế tôi và Luyến quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết, nó đồng ý ngay có lẽ vì một điều: Tết ấy Huy cũng không về quê. Mà thật ra cả xóm không ai biết Huy quê ở đâu, chỉ biết rằng anh ta vừa học vừa chơi nhạc cổ điển cho một quán cafe nhạc

sống.

Huy biết chúng tôi ở lại thì cũng vui vẻ hỏi han vài câu rồi hứa hẹn

Tết sẽ qua phòng tôi chơi. Còn cô gái kia, chuyển vào dãy trọ đã hai

tháng mà chưa từng nói chuyện với ai, đi làm hay đi học từ sáng đến tối rồi về nhà đóng cửa im ỉm đợi Huy đi chơi nhạc về. Có điều, mặt cô lúc

nào cũng buồn rười rượi.

Có lẽ chúng tôi sẽ vẫn chỉ là những người hàng xóm xa lạ của nhau nếu như không có cái Tết năm ấy.

Chiều mùng ba Tết, Huy gọi tôi ra cửa với vẻ gấp gáp:

– Anh phải đi có việc chiều mai mới về, em bảo Luyến tối nay sang ngủ với Lan một hôm được không? Để nó ở nhà một mình anh không yên tâm, cả dãy trọ còn mỗi phòng em ở lại nên…

– Vâng, có gì lát em bảo nó, anh cứ đi đi cho kịp! – Tôi đáp ngay

không suy nghĩ.

Huy cảm ơn vội vã rồi lên xe đi ngay, tôi cũng không kịp thắc mắc anh ta đi đâu mà vội vã như thế.

Trưa hôm sau, trong lúc đang ăn cơm thì Luyến đột nhiên dừng đũa:

– Chị Lan bị câm anh Bi ạ!

– Sao em biết? – Tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại.

– Thì tối qua em ở bên đấy mà…

Tôi cũng không thắc mắc gì thêm nữa, chỉ lẳng lặng ăn cơm và suy

nghĩ vẩn vơ. Không hiểu sao lúc nào đối với tôi, Lan cũng là một cô gái đáng vứt đi “Mới tí tuổi đầu đã bỏ nhà theo trai”. Nên việc cô ta có bị câm điếc, có xinh đẹp đến dường nào tôi cũng chẳng muốn quan tâm.

Tôi vốn là một thằng nhà quê đặt nặng lễ nghĩa gia giáo nên trong tôi luôn có ác cảm với Lan. Mặc dù cô không hề làm gì tôi và mỗi lần gặp tôi ngoài đường cô đều cúi chào rất lễ phép.

Lan mới mười bảy tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Chỉ cách đây gần hai năm thôi, những đứa con gái cùng lớp cấp ba và cũng “mười bảy tuổi” của tôi sao mà thơ ngây và trong sáng đến thế. Nhớ có lần năm lớp Mười hai, tôi cho một đứa con gái cùng lớp đi nhờ xe vì trời mưa to và sắp muộn giờ kiểm tra. “Ôm chặt vào nhé, còn năm phút nữa

là vào lớp rồi!” Tôi quay ra sau dặn rồi cứ thế phóng như bay đến trường. Khi đến nơi, quay lại vẫn thấy nó nhắm tịt mắt vì sợ và hai ngón tay chỉ dám luồn vào chỗ xỏ dây thắt lưng mà không dám ôm tôi.

Chính vì những thứ trong trẻo như thế mà tôi mặc nhiên xếp Lan

vào loại gái hư và lúc nào cũng căn dặn Luyến không nên tiếp xúc nhiều Tôi cứ mang nặng định kiến ấy với Lan cho đến một buổi chiều nhìn thấy Lan ngồi trước cửa, đã hai ngày Huy chưa về nên tôi đoán là cô đang thấp thỏm lo lắng.

Chẳng hiểu có cái gì đó xui khiến mà tôi bỏ dở cuốn sách đang đọc, lặng lẽ nhìn trộm Lan một lúc rất lâu, chưa bao giờ tôi nhìn cô lâu đến thế. Cô có vẻ đẹp dịu dàng và mong manh quá, tôi cứ nghĩ chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là có thể cuốn cô bay đi mất.

Tôi cứ nhìn cô mãi, nhìn mãi, rồi tôi buồn theo khi thấy cô thở dài,

rồi tôi bật cười khi thấy cô bặm môi thổi mớ tóc dính trên trán như trẻ con, rồi tôi chợt nhận ra rằng mình đang xao xuyến, mình đang bị cuốn theo cảm xúc của một đứa con gái mà mình vốn khinh khi và xem thường. Rồi tự nhiên tôi thấy tức giận vô cớ!

Tôi bỗng căm ghét Huy, căm ghét cả những gì mà tôi đang thấy

trước mắt, tôi căm ghét thời gian sao trôi nhanh quá, để trời tối làm nhòa tầm mắt của tôi.

Huy về, trời tối hẳn và họ đã vào nhà từ lâu, bỏ lại thằng tôi với nỗi

tức giận trên trời rơi xuống. Tôi nhìn sang cánh cửa đã khép chặt ấy từ bao giờ và tưởng tượng đến cảnh họ quấn lấy nhau như trong những bộ phim, rồi thân hình to lớn của Huy sẽ vùi dập tấm thân mỏng manh của Lan không thương tiếc, nó cứ lởn vởn trong đầu một thằng con trai hai

mươi tuổi đầu như tôi. Việc đó đối với tôi thật ghê tởm, nó như một hũ mực đen ngòm đổ vào hình ảnh trong sáng “cô bé ngồi bên cửa” mà tôi vừa kịp mường tượng ra trước đó. Mớ cảm xúc vừa thương vừa giận ấy nó cứ rối bòng bong trong tôi khiến hình ảnh của Lan trở nên mờ mờ ảo

ảo, nó len lỏi và nhòe nhoẹt cả trong những giấc mơ của tôi.

Sau hôm ấy, tôi bỗng nhận ra rằng mình rất hay để ý đến Lan, lúc cô

ra bể nước của xóm trọ nấu cơm, khi thì phơi quần áo, rồi thỉnh thoảng cô còn quét cái sân chung toàn lá cây trứng cá.

“Chị Lan xinh anh nhỉ!”– Tôi giật mình khi thấy Luyến ngồi phía sau từ lúc nào và cũng đang nhìn ra sân.

Tôi không trả lời và cũng thôi không nhìn nữa, tôi biết Luyến lúc nào cũng nghĩ rằng vì nó không xinh xắn và hiền lành như Lan nên Huy không thích nó, vì nó không có vẻ dịu dàng, đằm thắm kiểu “người lớn”nên Huy lúc nào cũng chỉ xem nó như một đứa em gái nhỏ không hơn.

Cứ thế cho đến hè năm ấy, Huy xa nhà nhiều hơn, đồng nghĩa với

việc Luyến thường xuyên sang ngủ cùng Lan và họ trở nên thân nhau từ lúc nào. Mỗi lần đi xa về Huy đều có quà cho Luyến. Khi thì một chiếc mũ, lúc thì chiếc khăn rằn, những chiếc bùa tết bằng dây vải xanh xanh đỏ đỏ.

Còn tôi, tôi cố tạo cho mình vỏ bọc xù xì và khó gần. Tôi cứ đứng xa quan sát họ, tôi vẫn nhìn trộm Lan mỗi khi cô ngồi trước cửa đợi Huy, vẫn ích kỷ cắt ngang lời Luyến mỗi lần nó nhắc đến Huy, vẫn thở dài thườn thượt và bắt đầu tưởng tượng linh tinh mỗi lần thấy bên phòng họ tắt điện đi ngủ… Mặc dù Luyến không hiểu vì sao tôi không ưa Huy, nhưng nó cũng dần nhận ra thái độ của tôi và sau đó ít đề cập đến Huy hẳn.

Cho đến một ngày Huy không về nữa, anh ta đi một tuần, một tháng rồi hai tháng. Lan không phát hoảng lên tìm kiếm, Luyến hỏi cô cũng chỉ lắc đầu không biết, cô bình thản một cách đáng sợ.

Mỗi buổi chiều cô chỉ lặng lẽ ra ngồi trước cửa như để chờ đợi, tìm kiếm một hình ảnh quen thuộc nào đó từ xa. Tôi ngồi xa quá nên không biết cô có khóc hay không, tôi chỉ thấy được vẻ mặt buồn bã đến tê dại của cô mà thấy lòng trĩu nặng. Tôi chỉ muốn chạy lại với cô, cầm tay an

ủi cô và hỏi han cô về mọi chuyện. Nhưng tôi sợ, sợ ánh mắt của cô, sợ cái nhìn như vô hồn ấy sẽ khiến tôi không kiểm soát được bản thân, rồi tôi sẽ chết trong sự đau khổ vì trót yêu một cô gái hư hỏng.

Cho đến tháng thứ tư thì bụng cô bắt đầu lớn dần và cô không thể

giấu nó cho dù có mặc chiếc áo rộng thùng thình đi nữa. Cả xóm trọ bắt đầu xì xào to nhỏ bàn tán việc cô có bầu và việc Huy phủi bỏ trách nhiệm và bỏ đi không một dấu vết.

Lan bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán, cô vẫn hàng ngày đạp xe đi làm, chiều về ngồi ngoài cửa ngóng Huy dù ngày mưa hay ngày nắng.

Tôi nói với Luyến:

– Em sang với Lan đi, chắc nó đang khổ sở lắm.

Từ ngày Huy đi khỏi nhà, Luyến suy sụp và buồn bã hẳn. Việc Lan

“không chồng mà chửa” chắc nó là người biết đầu tiên, nó sợ hãi và trốn biệt ở nhà vì không dám tin người mà nó vốn tôn sùng lại độc ác và vô tình như vậy. Nó trốn trong nhà cắm đầu may vá như để quên đi sự thật phũ phàng ấy, quên đi hình ảnh người con trai mà mắt nó vẫn lấp lánh

mỗi lần nhắc đến anh.

– Em không sang đấy nữa đâu. – Nó ngẩng mặt lên với vẻ buồn chán và thiểu não.

– Nghe anh đi, nó có tội tình gì đâu chứ!

Luyến cúi đầu không nói gì, khẽ liếc nhìn sang phòng Huy rồi tiếp tục công việc đang làm dở. Tôi biết nó đang nghĩ gì, tôi thấy có gì lấp lánh trong mắt nó.

Tôi bỏ ra bờ sông Sài Gòn sau xóm trọ đi lang thang, ngày trước

chưa có quán xá nhiều như bây giờ, chỗ này là bãi tập kết dừa chở từ miền Tây lên bằng những con thuyền gỗ già nua cũ kĩ. Tôi thơ thẩn đến tận chiều tối với những ý nghĩ vẩn vơ, với niềm tiếc nuối, chua xót. Tôi chỉ muốn xuôi theo những con thuyền để về miền Tây, nơi vẫn còn những còn người hồn nhiên chất phác và không biết lừa dối nhau.

Về đến nhà thì tôi phát hiện ra Luyến đã sang nhà Lan từ lúc nào. Từ ngày lên thành phố nó chỉ có Lan là bạn nên nó coi cô như chị em, tôi biết nó cũng khổ tâm và thương Lan lắm. Những ngày sau đó nó ở bên cạnh Lan cả ngày, lo cho cô ăn uống ngủ nghỉ, nó muốn bù đắp sự mất mát cho cô và cả cho nó. Thỉnh thoảng đi làm về mua được hộp sữa hay

bịch trái cây rẻ tiền, tôi vẫn xách sang lẳng lặng để trong phòng Lan rồi bỏ về. Tôi sợ cái ánh nhìn buồn tê tái ấy.

Một tuần sau hôm ấy thì Lan cũng rời bỏ chúng tôi mà đi, Luyến đọc lá thư Lan để lại mà khóc như mưa. Lan bắt xe lên tận cửa khẩu Mộc Bài để tìm Huy, cô gái tội nghiệp bụng mang dạ chửa ấy lo lắng cho gã Sở Khanh còn hơn chính mình, cô vẫn tin rằng Huy không về là có lý do

chứ không phải vì cái thai đang lớn dần và vì anh ta sợ gánh trách nhiệm của một người chồng, một người cha. Không biết đến bây giờ cô ra sao, đang ở đâu và vẫn còn niềm tin???

Giá mà ngày ấy tôi đủ tiền, đủ dũng khí, đủ tình cảm để bắt chuyến xe sớm nhất lên níu kéo cô về thì bao năm qua tôi không phải hối hận vì đã đánh mất một cái gì đó hay chỉ là có được một câu trả lời cho những thứ mà tôi vẫn hồ nghi.

Hơn một năm nữa trôi qua, Huy và Lan cũng đã thành hai gương

mặt vừa quen vừa lạ thỉnh thoảng vô tình ta giật mình ngộ nhận trên phố. Họ cũng trở thành câu chuyện làm quà cho những vị khách mới đến thuê trọ. Có đôi khi vô tình nhắc chuyện cũ, Luyến vẫn tin rằng Lan đã tìm thấy Huy và họ đang sống hạnh phúc ở một nơi nào đó cùng những đứa con xinh xắn. Nó đinh ninh rằng nếu Lan không tìm được thì cô đã quay lại xóm trọ để chờ Huy. Còn tôi thì tôi không lạc quan được như nó, Lan không quay lại thì có thể vì nhiều lý do lắm, mà tôi thì

hay nghĩ đến những lý do tệ nhất, chính vì vậy tôi cũng chỉ mỉm cười gật đầu với nó.

Cuộc sống của anh em tôi đã trở lại những ngày trước đây, không

còn nhớ nhung lưu luyến hay xót xa cho ai nữa. Luyến cũng đủ lớn để bắt đầu thận trọng hơn trong những mối quan hệ. Còn tôi thì mãi vẫn là kẻ chỉ thích nhìn từ xa, thỉnh thoảng có xao xuyến trước cô bạn cùng lớp nào đó cũng chỉ dám ngắm nhìn, dám mỉm cười một mình mỗi khi nhớ tới. Thế cho nên bạn bè xung quanh có đôi có cặp hết rồi mà tôi vẫn chưa tìm được một cô bạn nào cả, cứ đi học, đi làm rồi về nhà với Luyến,

mọi thứ đều đặn như vòng quay của bánh xe.

Cho đến khi tôi học năm thứ ba đại học thì Trâm Anh cũng trở thành sinh viên và bắt đầu lên Sài Gòn trọ học. Gia đình bác Tụ hoàn toàn tin tưởng giao cho tôi trọng trách tìm chỗ trọ cũng như dẫn con bé đi nhập học. Đã gần ba năm tôi không quay lại cái thị xã ấy nên chưa gặp lại nó,

thư từ cũng thưa thớt dần vì bận rộn, vì xa mặt cách lòng. Hôm đi thi đại học, nó đi cùng cô ruột và cũng không báo cho tôi biết.

Hôm ra đón nó ở bến xe, hai chúng tôi bỗng như người xa lạ. Trâm Anh cũng đã lớn quá rồi nên không còn vô tư hồn nhiên như ngày nào nữa, nó chào tôi lễ phép đến mức chai nước trên tay tôi mang cho nó bỗng trở nên nặng trĩu. Ngày xưa mỗi lần gặp tôi nó toàn nhảy cẫng lên rồi cười tíu tít như đứa trẻ con.

Tôi chầm chậm đạp xe chở Trâm Anh về nhà nghỉ ngơi, nó cũng

không hỏi han điều gì mà chỉ ngồi im đằng sau ngắm nghía phố

phường. Những ngày này tân sinh viên đổ về Sài Gòn rất đông, mang theo niềm hy vọng của cả gia đình và cả cái hoài bão to đùng của mọi sinh viên năm nhất.

– Em ăn gì anh mua cho, đi xa chắc đói lắm! – Tôi mở lời trước.

– Dạ lúc lên xe em ăn rồi nên giờ vẫn chưa đói.

– Ừ, khi nào muốn ăn thì nói với anh nhé.

Chúng tôi kết thúc ba mươi phút đạp xe qua một quãng đường khá dài bằng câu chuyện nhạt nhẽo như thế. Trong tâm trí tôi vẫn còn nhớ như in những ngày học cấp ba ở trọ xa nhà chỉ có Trâm Anh làm bạn, sáng nay tôi đã dậy rất sớm vì háo hức, vì sợ cô bé tới nơi mà không có ai ra đón. Tôi cứ mường tượng rằng hai anh em sẽ tíu tít chuyện trò với nhau cả quãng đường về để ôn lại kỷ niệm, hàn huyên lại chuyện cũ. Tôi sẽ vừa mỉm cười vừa nghe nó luyên thuyên về chuyện ở trường, ở lớp.

– Trông anh khác nhỉ? – Gần đến nhà Trâm Anh mở lời khiến tôi

giật mình.

– Anh vẫn vậy mà… – Tôi hơi lúng túng

– Anh đẹp trai hơn!

Tôi không biết tôi có thật sự đẹp trai hơn như lời Trâm Anh nói hay

không, nhưng dường như câu khen nửa đùa nửa thật của cô bé khiến tôi xóa bỏ được cảm giác nặng nề và xa cách.

– Em cũng vậy, em ra dáng thiếu nữ quá rồi, chắc khối anh mê chết

nhỉ? – Tôi bắt đầu khiến cuộc trò chuyện trở nên thoải mái bằng đề tài

muôn thuở.

– Dạ không, em còn bé lắm, hehe.

Trâm Anh ở nhà tôi hai ngày thì tôi dẫn cô bé đi làm thủ tục nhập học và dọn vào ký túc xá, cuối tuần nào cô bé cũng đến nhà tôi chơi, hì hụi nấu ăn với Luyến rồi cả ba đứa ngồi ăn với nhau. Chỉ vì những niềm vui nho nhỏ mỗi chiều thứ Bảy Trâm Anh mang lại như thế, tôi luôn muốn một tuần trôi qua thật nhanh.

Khi đi lạc trong rừng hay sương mù, ta thường hay quay trở lại đoạn đường mình đã từng đi qua. Cuộc đời đôi khi cũng vậy, từ ngày Trâm Anh lên thành phố, tôi như đang sống lại thời cấp ba của mình.Chỉ

khác một điều là chúng tôi đã lớn hơn và không còn vô tư hồn nhiên như trước nữa. Nhất là Luyến, nó không còn thân thiết và thoải mái với Trâm Anh như ngày xưa nữa. Trâm Anh dần nhận ra điều này nên ngày càng ít sang nhà tôi, cách tuần, rồi cách tháng, rồi thì lâu lắm cô không ghé chơi nếu không có việc gì cần. Tôi cũng buồn nhưng không biết phải nói như thế nào cho Trâm Anh hiểu. Thỉnh thoảng muốn gặp thì tôi đạp xe lên trường và chờ Trâm Anh trước cổng ký túc xá, những lúc chỉ có

mình tôi, cô vui vẻ hơn hẳn khi có cả Luyến.Cô thì thào với tôi khi ngồi sau xe:

– Luyến bây giờ khác quá anh nhỉ?

– Ừ! – Tôi hiểu ý cô nên thở dài.

– Em muốn như hồi xưa quá, hồi đó vui ghê anh nhỉ?

– Giờ lớn hết rồi mà, đâu có như ngày trước được nữa.

– Được mà…

Sau câu chuyện ấy chúng tôi ít để cập đến Luyến hẳn, thỉnh thoảng

Trâm Anh mua gì đó và bảo tôi mang về cho Luyến, không quên dặn tôi đừng nói với Luyến rằng cô mua, tôi toàn làm ngược lại vì thật ra, thật ra tôi cũng muốn chúng tôi được như ngày xưa.

Năm đó Luyến mới bước qua tuổi mười tám, cái tuổi đẹp nhất của

đời con gái, nhưng cuộc sống của hai anh em tôi thì không được “đẹp”như thế, gánh nặng kinh tế bắt đầu nặng nề hơn vì giá cả sinh hoạt ngày một đắt đỏ, cộng thêm áp lực khi bắt đầu học các môn chuyên ngành khiến tôi không thể có đủ thời gian để vừa học vừa làm như trước đây.

Tôi cũng vô tâm đến mức sau này mới biết trong suốt gian ấy, Luyến không bao giờ biết đến khái niệm “ăn sáng”, “quần áo mới” hay mua sắm những thứ mà đứa con gái mới lớn nào cũng thích. Có những hôm hai anh em đóng tiền nhà xong thì hết sạch không còn xu nào trong túi, Luyến cười với tôi rồi bảo “Không sao đâu anh, để em lo!” Rồi nó chạy loăng quăng vay mượn đâu đó trong xóm, mua gạo, mắm muối về nấu cho tôi ăn. Nó biết tôi là con trai và hay “sĩ diện” nên không bao giờ để tôi phải chạy vạy những chuyện như thế.

Rồi cứ như thế, tôi bắt đầu ỷ lại vào nó, tôi vùi đầu vào sách vở,

không có thời gian cũng như sức lực để đi kiếm tiền nữa. Điệp khúc“Không sao đâu anh, để em lo” cứ kéo dài mãi đến nỗi nhiều lúc tôi còn nghĩ kiếm tiền không còn là việc của mình nữa, tất cả đã có đứa em gái bé bỏng của tôi lo cho. Có lúc tôi giật mình tỉnh dậy lúc hai giờ sáng vẫn thấy nó thức may may vá vá, khuôn mặt nó cúi gằm vào cái máy may,

bóng nó in lên tường, đôi chân dậm chiếc máy may đều đặn giữa đêm khuya. Tôi nhắm mắt không muốn nhìn nữa, tôi thấy mình bất lực và yếu đuối đến tàn tạ. Tôi như anh chàng Nôbita hậu đậu vô dụng ỷ lại vào chú mèo máy Đôrêmon vậy.

Nhưng em gái tôi không phải là một cỗ máy, nó biết mệt, biết đau

đớn và kiệt sức. Có những hôm tôi dậy sớm thấy nó ngủ gục bên chiếc máy may, bên cạnh là đống quần áo cũ nó sửa cả đêm qua.Tôi lẳng lặng bật chiếc bếp dầu để nấu cơm cho nó, nhưng mùi khói bếp, mùi dầu hôi

khiến nó tỉnh dậy. Nó vội lật đật chạy lại giành lấy chiếc đũa: “Để em nấu cho, anh đi thay quần áo đi, tí nữa còn đi học”.

“Để em lo cho!”

“Để em mua cho!”

“Để em làm cho!”

“Để em…”

Sau này đi làm lâu rồi, tiếp xúc với nhiều cô gái, nhưng cứ mỗi lần có ai đó mở miệng nói “Để em…” là tôi lại thấy bùi ngùi và nhớ lại cái thuở xa xăm đói khổ này, nhớ về cô em gái mười tám tuổi làm việc luôn tay nhưng miệng vẫn tươi cười và nói: “Để em…” mỗi lúc thấy tôi làm việc gì.

Luyến sợ tôi buồn, sợ tôi bỏ bê chuyện học hành nên lúc nào nó

cũng gợi chuyện để nhắc tôi cố gắng học, nó vẽ cho tôi viễn cảnh lúc tôi ra trường, xin vào làm ở một bệnh viện lớn, rồi có thật nhiều tiền, rồi sẽ lo cho nó. Rồi thì còn mua lại cả dãy trọ này để… làm kỷ niệm.

Vẫn biết rằng bánh vẽ thì có bao giờ ăn được nhưng nó cũng khiến

tôi bớt áy náy phần nào, tôi chỉ còn biết tin tưởng và quyết tâm sẽ ra trường, sẽ bù đắp cho những gì nó đã làm cho tôi, dù biết rằng có bù đắp cho nó bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ là đủ cả.

Có hôm tôi vét sạch tiền nhà, tiền công may vá của Luyến để đóng

một khoản tiền học tôi đã trễ ba tháng. Suốt một tháng liền sau đó ba bữa cơm chỉ có chén nước mắm và muối vừng. Tôi thì không sao nhưng làm sao tôi có thể nhìn em gái mình gắp từng hạt cơm, miệng vẫn cười méo xệch trấn an tôi.

Tôi ăn vội chén cơm rồi đi ra ngoài. Mấy ngày nữa hết gạo rồi, đến cơm mắm cũng sắp không có mà ăn nữa. Tôi làm anh mà để em gái mình thế này, không những thế nó còn phải lo ngược lại cho tôi. Tự nhiên tôi trào nước mắt nhớ đến những lời mẹ kế dặn lúc nắm tay tôi, lúc nhìn tôi rồi quay sang Luyến. Mẹ ơi mẹ phó thác em Luyến cho nhầm người rồi, con có lỗi, con vô dụng…

Tôi quyết định nghỉ học vài ngày để đi làm phụ hồ với suy nghĩ

không đi học thì cũng không chết ngay được nhưng không ăn thì sẽ

chết, chết khổ chết sở.

Tôi sợ Luyến biết nên vẫn mặc quần áo đi học, trong cặp là bộ quần áo cũ kỹ để thay lúc làm việc. Suốt một tuần tôi đi làm rồi về nhà ăn uống qua loa rồi lăn ra ngủ như chết vì mệt nhọc, vì sức lực yếu đuối của một đứa sinh viên lâu ngày không làm việc nặng như tôi.

Rồi một tuần, hai tuần, ba tuần tôi không đi học mà toàn nhờ bạn bè

điểm danh hộ. Tôi nóng lòng và háo hức để chờ đến ngày nhận tháng lương đầu tiên, vừa làm việc tôi vừa cười thầm nghĩ đến cảnh cầm tiền lương trên tay, tôi sẽ phi thẳng đến tiệm điện máy mua cho Luyến một cái quạt máy, để nó không bị muỗi cắn đến đỏ chân những lúc làm việc khuya. Rồi tôi sẽ cột chặt cái quạt ấy phía sau xe, tôi sẽ không mua quà, mua bánh nữa, tôi sẽ chạy ngang tiệm gà mà tôi vẫn cố phóng nhanh qua mỗi khi đi làm để mua ngay một con gà quay, một con gà quay thật

to được gói ghém thật kỹ rồi mang về. Hai đứa sẽ vừa ăn vừa cười nói vui vẻ với nhau, tay miệng dính dầu mỡ bóng loáng, nghĩ đến cái cảnh dung tục ấy tôi lại không cầm thể nào cầm lòng và thôi háo hức.

Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mua gà quay, vịt quay về cho vợ

con, nhưng tôi vẫn mong ngày nào đó tôi được ngồi trong căn phòng trọ tồi tàn ăn gà quay với em gái, chúng tôi cười nói với nhau, tay miệng cả hai dính đầy dầu, đầy mỡ…

Hôm ấy tôi nhận được tháng lương đầu tiên. Với tâm trạng phấn chấn lạ thường, tôi lọ mọ chuẩn bị về nhà để thực hiện “kế hoạch” của mình nhưng vừa dắt xe ra thì thì tôi gặp… Luyến.

Nó đứng trước mặt tôi, mặt tím ngắt, hai hàng nước mắt chảy dài từ lúc nào.

Nó đứng đó từ bao giờ?

Nó đi bộ đến đây mất bao lâu mà sao áo ướt đẫm.

Nó khóc đã lâu chưa?

Tôi làm sao biết được.

Tôi đứng chết trân nhìn nó không nói được tiếng nào, không giải

thích được câu nào. Tôi như người mất hồn nhìn cô em gái, sợ sệt hệt như hồi bé trốn học đi đá bóng bị bố phát hiện.

Nhưng em gái tôi chắc chắn không đánh tôi như bố, nó chỉ biết khóc, chỉ khóc mà thôi.

Tôi chở nó về trong tâm trạng nặng nề, bước chân tôi như có ai đó giữ lại không thể nào đạp xe nổi. Nó ngồi phía sau lặng lẽ như một bóng ma.

Chở nó về nhà xong tôi đi mua quạt máy và gà quay thật, tôi đã

chuẩn bị từ rất lâu rồi nên nhất định phải thực hiện, bằng giá nào cũng phải thực hiện được. Tôi chở chúng về nhà như người vô hồn, hoàn toàn khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Không vui, cũng chẳng chờ đợi

điều gì.

Tôi về nhà thấy nó ngồi ngay ngắn trên ghế, vừa thấy tôi đặt đồ đạc

lên bàn thì nó nhẹ nhàng nói:

– Em không cần mấy thứ này đâu anh Bi à.

Giọng nó nhỏ, đáng sợ và hờn trách.

– Buổi chiều tranh thủ được nghỉ anh đi làm thêm, cũng không cực

lắm đâu em à. – Tôi bình tĩnh đáp lại nó.

– Anh nói dối!!! Anh nghỉ học một tháng nay rồi, anh không hề đi

học, anh không hề thương em, thương bố mẹ. Em để anh khổ lắm hay sao mà anh phải làm thế? Anh không thương em, anh nói dối em tất cả!

Nó lớn giọng, nó gào khóc, nó đang thất vọng về thằng anh mà nó đặt quá nhiều kì vọng, những cố gắng của nó để động viên tôi học hành đàng hoàng đã tan thành bọt biển. Nó gục mặt xuống, nước mắt lã chã.

– Đi học thì lấy tiền đâu mà ăn hả em? – Tôi nhẹ nhàng hỏi nó như

để chống chế.

– Em có để anh phải đói ngày nào đâu, em vẫn kiếm ra tiền, em vẫn

lo được, sao anh lại đối xử với em như thế? – Nó tiếp tục khóc.

– Em đừng khóc nữa, anh không muốn nhìn em như thế, anh là anh của em, em có hiểu không? Em có hiểu không? Anh không thể nhìn em ngồi may cả đêm để cho anh lấy tiền đi đóng học, học toàn những thứ vớ vẩn.

Nó im lặng.

– Anh sẽ bảo lưu một năm học để kiếm tiền, khi nào mình khá hơn

anh sẽ đi học tiếp!

– Anh xin thôi học thì em sẽ chết ngay cho anh xem! – Nó bỗng ngửa mặt trừng mắt nhìn tôi, bao giờ khi tôi đề cập đến việc thôi học nó cũng tỏ thái độ như vậy. Ánh mắt nó sáng rực cương quyết như thể nó có thể chết ngay thật nếu tôi làm trái ý nó.

Tôi giật mình, tôi thấy sợ nhìn vào mắt nó, tôi thấy sợ nó…

Tôi nghỉ làm, tiếp tục đến trường học những thứ “vớ vẩn” mà tôi nói.

Từ dạo đó Luyến lại càng hay để ý tôi, nó thường xuyên hỏi han chuyện học hành của tôi hơn, nó sợ tôi lại nghỉ học, lại trốn đi làm, nó sợ tôi phải cực khổ. Thỉnh thoảng nó ngồi nhìn tôi chăm chú làm bài, vẽ những hình nguệch ngoạc, mắt nó mở tròn và tỏ vẻ thích thú.

Nó hỏi:

– Học đại học có khó không anh Bi?

– Khó lắm! – Tôi trả lời, mắt vẫn dán vào cuốn sách.

– Em cũng muốn học…

Nó nói đến đây thì bỗng dưng khựng lại, tôi dừng bút trong vô thức, như nghe tim mình nhói lên một cái. Nếu nó được học hành đầy đủ, nếu nó không phải nghỉ học sớm để lo cho một thằng vô dụng như tôi thì bây giờ nó cũng đã như Trâm Anh, đã vào năm nhất. Nó thông minh và chăm chỉ, chắc chắn sẽ học giỏi hơn tôi…

Luyến thấy tôi như thế thì bối rối nên vội tiếp lời, nó là một đứa con gái rất nhạy cảm:

– Em đùa đấy, mấy ngày nữa em bán cái máy may để đi kiếm gì buôn bán anh Bi ạ, cứ thế này mãi thì em sẽ chết bên đống quần áo rách rưới mất, tiền công thì chẳng kiếm được bao nhiêu…

– Buôn bán ở Sài Gòn không dễ đâu em à.

– Em hỏi kỹ lắm rồi, với lại em đi chung với cô Tâm, chắc sẽ không

sao đâu anh.

– Đi với cô Tâm? Em định đi bán dạo như cô Tâm à, nắng nôi mệt

nhọc lắm, không được đâu! – Tôi phản đối ngay khi nghe nó nhắc đến cô Tâm trọ cùng trong xóm, bởi ngày nào tôi cũng thấy cô đội nón lá đi từ sáng sớm, đến tối khuya mới về. Người cô lúc nào cũng đầy mùi mồ hôi, mùi mệt nhọc.

Thấy tôi phản đối, Luyến ngồi phân tích cho tôi nghe về buôn bán lời lãi thế nào, về địa điểm bán hàng ra sao, về cô Tâm chỉ có một gánh hàng rong mà tháng nào cũng gửi mấy trăm về quê nuôi hai đứa cháu.

Nó “quên” kể rằng mỗi ngày cô Tâm phải đi bộ hơn năm cây số đến công viên trung tâm để bán hàng, tối lại cuốc bộ về nhà. Đã có lần tôi hỏi sao cô không lấy xe đạp mà đi, cô cười và nói bằng giọng miền trung đặc sệt “Gửi xe tốn tiền chứ cậu, với lại tui đi bộ về gặp hàng quán nào

cũng tấp vô, có ngày bán hết cậu à.”

Mặc dù tôi ra sức phản đối nhưng Luyến vẫn không nghe. Nó thể

hiện sự cương quyết bằng việc bán cái máy may cũ đã gắn bó gần ba năm, nuôi sống anh em tôi qua những cơn đói khát để lấy vốn “lận lưng”.

Thế là từ ấy nó tất bật với công việc “kinh doanh” của mình, với xoài, cóc, ổi, bánh tráng, bỏng ngô, kẹo sing-gum, với cái nắng cháy da của Sài Gòn, với những cơn mưa bất chợt đổ xuống, với những công viên chật kín người luôn sẵn sàng xua tay trước những lời mời mọc. Nếu ai

đến Sài Gòn và lang thang ngoài phố có bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đội nón lá, ôm thúng mủng quà vặt trên tay thì đấy là hình ảnh của em gái tôi hơn mười năm về trước.

Mỗi ngày, nó dậy thật sớm để chuẩn bị cơm cho tôi mặc dù ngay hôm trước tôi thậm chí đã quát tháo bảo rằng để tôi tự nấu, sau đó đến xưởng nhận đồ để mang đi bán hàng. Từ tờ mờ sáng đến lúc đêm khuya, khi các quán nhậu đã vãn khách nó mới chịu mò về.

Nó bảo:

– Đúng là phi thương bất phú anh Bi ạ, em đi bán thế này vài ngày

bằng ngồi may cả tháng.

– Đi từ sáng đến tối thế này thì mệt chết hả em, trưa em hẵng đi,

sáng thì có ai mua đâu, đi thế tiền kiếm được có khi không đủ mua

thuốc. – Tôi than thở.

– Sáng em bán ở cổng trường, trưa thì ra công viên, tối ở các hàngquán anh ạ.

Nó ham kiếm tiền, nó giỏi tính toán, chính vì thế mà hầu như chưa ngày nào tôi thấy nó bị ế. Tiền nó mang về nhiều hơn, nó mua cho tôi những thứ cần thiết, luôn hỏi han tôi cần gì, muốn gì, nó sợ tôi thiếu thốn, thua kém bạn bè. Thỉnh thoảng nó còn dúi vào tay tôi ít tiền bảo đi uống nước với bạn bè, với Trâm Anh…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *