Em đề nghị mức LƯƠNG bao nhiêu?

Hôm nay tôi được một người bạn làm trưởng phòng nhân sự mời tới dự buổi phỏng vấn tại một công ty chuyên gia công cơ khí.

Buổi phỏng vấn sẽ không có gì lưu lại trong tôi nếu không có 2 ứng viên, một câu hỏi và 2 câu trả lời.

“Em đề nghị mức LƯƠNG bao nhiêu?”

Người thứ nhất, một anh bạn có 3 năm kinh nghiệm trong nghề. Chuyên môn tốt (Theo nhận xét của bạn tôi, vì tôi cũng không hiểu gì về ngành cơ khí), phong thái khá đĩnh đạc và tự tin. Với câu hỏi trên, cậu ấy trả lời:

“Trước khi ứng tuyển em có tìm hiểu về công ty và được biết mức lương dành cho vị trí của mình là từ 10-12 triệu đồng, đây chưa phải mức lương mong muốn của em, nhưng em nhận thấy lĩnh vực hoạt động và văn hóa công ty phù hợp chuyên môn của mình vì vậy em quyết tâm ứng tuyển với hy vọng tìm được công việc phù hợp. Mức lương em muốn nhận là 10 triệu đồng nhưng kèm theo đó em muốn một cam kết nâng lương cụ thể nếu em hoàn thành tốt công việc”

Người thứ 2, một đồng chí trẻ, chắc tầm 99, vừa mới ra trường, sau một hồi trả lời các câu hỏi về chuyên môn, đánh giá của bạn tôi là tốt dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Bạn tôi đặt câu hỏi trên với cậu ấy , và nhận được câu trả lời:

“Lương đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện và cống hiến cho sự phát triển của công ty blah blah blah…”.

Cuối buổi phỏng vấn bạn tôi có hỏi tôi nhận xét về từng ứng viên.

Tôi đánh giá cao về câu trả lời cuối cùng của anh chàng đầu tiên. Nó thể hiện được 4 điều:

  • Có sự tìm hiểu kỹ càng về nhà tuyển dụng (“Trước khi ứng tuyển em có tìm hiểu về công ty…”)
  • Tham vọng và có trí tiến thủ (“…đây chưa phải mức lương mong muốn của em…”)
  • Khéo léo, sự cầu thị ( “…lĩnh vực hoạt động và văn hóa công ty phù hợp chuyên môn của mình…”)
  • Khôn ngoan và trưởng thành (“…một cam kết nâng lương cụ thể…”)

Anh chàng thứ hai: hình ảnh của đa số anh em KỸ SƯ trẻ.

Cậu này thành thật nhưng hơi khờ. Nhà tuyển dụng sẽ không có thiện cảm với những người không đi làm vì tiền, bởi nó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Nếu tiền đối với bạn không quan trọng, nhà tuyển dụng sẽ suy ra công việc đối với bạn cũng không quan trọng luôn, đơn giản vì mục tiêu lớn nhất của công việc là kiếm tiền.

Cứ so sánh thế này xem. Giữa một ông bố mỗi ngày phải chạy lo miệng ăn cho hai đứa con nhỏ và một anh sinh viên mới tốt nghiệp “tiền chả là cái đinh gì hết”, ai sẽ làm việc chăm chỉ hơn?

Hơn nữa, trong mắt nhà tuyển dụng, những người trả lời theo kiểu trên thường là những người không có năng lực, hoặc không tự tin vào khả năng của họ, hoặc không biết được khả năng của họ đến đâu. Không có một doanh nghiệp nào muốn biến công ty của họ thành nơi thực tập miễn phí cho những người như thế cả.

Bạn tôi muốn nhận người thứ nhất, nhưng sau một hồi thuyết phục cậu ấy cũng đồng ý nhận cả hai.

  1. Người đầu tiên có mức lương 10 triệu đồng, 1 tháng thử việc, kèm 1 cam kết nâng lương nếu hoàn thành KPI của mình.
  2. Người thứ hai sẽ nhận mức lương 7 triệu kèm thời gian thử việc 2 tháng.

Do đó, anh em kỹ sư trẻ ạ, dẫu mục tiêu của anh em là học hỏi, rèn luyện kinh nghiệm (đây là một mục tiêu chính đáng), anh em vẫn phải quan tâm đến lương bổng nếu muốn tìm được việc làm. Anh em phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng, anh em tự tin vào giá trị của mình thông qua mức lương mà anh em đề nghị.

Đôi lời tâm sự cùng anh em. Hơi dài và hơi khuya, nhưng mong là sẽ có ích cho anh em

Chúc anh em trẻ tìm được công việc và mức lương xứng đáng với công việc của mình.

Ngành ta vốn đã bạc lắm rồi…cái nghề mà anh em vẫn kháo nhau ” Ăn phân nhả ngọc”

Theo: Phạm Dũng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *