Người ta gọi chiếc bánh Macaron là “Nữ hoàng bánh ngọt Pháp”, “Macaron! Hãy yêu nàng, đơn giản vì nàng đẹp và quá ngọt ngào”, nghe thôi cũng thấy quá hấp dẫn, khêu gợi, gọi mời rồi. Cái từ “Nữ hoàng” có vẻ hơi sai sai, theo ngôn ngữ hiện nay là máy bay bà già (MBBG) mới chuẩn, còn khi nhìn thấy tận mắt các loại bánh Macaron ở Paris thì phải dùng từ là bé Đường (sugar baby) mới xứng tầm bắt trend ở Việt Nam.
MBBG thì phải cho vào nồi áp suất, ninh nhừ, cho thêm gia vị thì mới thành súp ngọt được hoặc phải có mấy anh phi công trẻ chế biến mới ngon. Bé Đường thì không như vậy, với một vẻ ngoài xinh xắn, mơn mởn, đầy màu sắc, chỉ nhìn thôi đã muốn “chén” luôn rồi, khỏi cần chờ ninh nhừ. Khi đó ta sẽ cảm nhận được sự giòn tan của lớp vỏ, vị béo ngậy của lớp kem bên trong cùng những mùi hương dịu nhẹ của nhân bánh đã làm mê đắm bao thực khách “hảo ngọt” ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó là đang mô tả về chiếc bánh be bé, xinh xinh Macaron thôi nhé, đừng hiểu lầm.
Những cửa hàng bánh Macaron mang tính biểu tượng của Paris chính là Laduree và Pierre Hermé. Nơi đây là điểm dừng chân kinh điển trong bất kỳ hành trình du lịch nào khi tới Paris và hầu như nằm trong danh sách “10 điều nên làm hàng đầu ở Paris”, hầu như tất cả những ai đến thăm Paris đều muốn nếm thử nó ít nhất một lần. Ăn những chiếc bánh Macaron ở tiệm Laduree trên đại lộ Champs-Élysées thì cảm giác rất là phê như trên bờ đê, còn chụp tấm hình tự sướng ở Pierre Hermé trên đường Bonaparte thì không khác gì đang checkin trong store của Hermes. Nếu may mắn thì không phải xếp hàng, còn trong một ngày xui xẻo thì phải xếp hàng chờ dài dài như người Hà Nội chờ đợi mua bánh trung thu vậy.
Chỉ mấy ngày ở Paris mà hàm lượng đường trong máu tăng lên chóng mặt vì cái tội lần mò, lê la các store của Laduree, Pierre Hermé cho đến các tiệm bánh ngọt nổi tiếng của kinh đô ánh sáng cũng chỉ vì không kiềm chế được với mấy chiếc bánh Macaron này.
Bánh Macaron mang vẻ đẹp yêu kiều, lãng mạn và chút sang chảnh của Paris hoa lệ, từ món bánh bình dân nay đã thành món ăn tao nhã và cao cấp. Trong khi đó, chiếc bánh Alfajores (được gọi là Macaron của Argentina) là món ăn yêu thích của mọi tầng lớp kinh tế xã hội ở Argentina. Bạn sẽ thấy mọi người ăn vội chúng trên tàu điện ngầm, thưởng thức chúng với cà phê tại các quán cà phê sang trọng và ăn các phiên bản siêu sang chảnh tại các nhà hàng cao cấp của Argentina, trong một số trường hợp nó có xuất hiện trong khẩu phần ăn nhẹ trên các chuyến bay ở Nam Mỹ. Alfajores có nguồn gốc từ Ả Rập được người Tây Ban Nha đem đến Argentina từ thửa xa lắc xa lơ, dần dần nó được xem là chiếc bánh tuyệt hảo của đất nước của điệu nhảy Tango, nên nó cũng thuộc tuýp MBBG như chiếc bánh Macaron của Pháp.
Nếu du khách chưa ăn chiếc bánh Macaron ở tiệm Pierre Hermé thì coi như chưa tới Paris thì cũng tương tự như vậy, nếu chưa ăn chiếc bánh Alfajores ở tiệm bánh Havanna Caminito ở khu La Boca thì chưa được xem là đến Buenos Aires. Khách mua bánh ở đây, bước ra ngoài có thể vừa ăn vừa xem các vũ công đường phố nhảy Tango hoặc đứng nghe mấy ca sỹ xinh đẹp hát bài No Llores Por Mi Argentina (Don’t cry for me Argentina) ở lề đường thì bao phê.
Về mặt thẩm mỹ thì nhìn những chiếc bánh Macaron nhỏ nhắn, tinh tế, trang nhã, căng mọng, mềm xốp và đa dạng về màu sắc hơn, đựng trong những chiếc hộp sang trọng và bắt mắt, trong khi đó chiếc bánh Alfajores chủ yếu có 2 màu là socolo và màu sữa, kích thước to hơn, dày hơn, ăn dai hơn, rắn chắc hơn, béo ngậy do lớp kem sữa tươi Dulce de leche kẹp giữa rất to và dày, chúng được đựng trong những hộp giấy bình thường. Nhưng về độ ngọt, ngon thì không biết loại nào hơn, chỉ biết nhìn cả 2 chiếc bánh này đều khiến ta chày nước miếng và khi ăn chúng thì không thể dừng lại được giống như khi bé Đường gọi là phải tìm mọi cách trốn con Ngan già để đi ra khỏi nhà với lý do đối tác cần gặp gấp vậy.
Chiếc bánh Alfajores thơm đến mức khi mua mấy hộp bay từ Buenos Aires về Auckland (NZ), khi làm thủ tục nhập cảnh, chỉ có duy nhất hành khách là ông người Việt bị mời vào phòng riêng ngồi khai báo các kiểu, bị hải quan lấy mẫu balo, túi hành lý để xét nghiệm xem có mang ma túy hay không vì chú chó nghiệp vụ cứ quanh quẩn ngửi đi ngửi lại balo xách tay và hành lý ký gửi, hóa ra chú chó bị nghiện mùi chiếc bánh này, báo hại ngồi lo ngay ngáy sợ bị ai bỏ ma túy vào hành lý.
Thông thường người ta ăn bánh trực tiếp, uống cùng với trà nóng (trà xanh cũng được) hoặc café. Có một số trường hợp chủ quán bánh ngọt còn hướng dẫn khách thả nó vào ly café ăn còn phê hơn do thêm lớp café sữa béo ngậy bám vào chiếc bánh Macaron hay Alfajores.
Macaron phổ biến hơn so với Alfajores ở Việt Nam, tuy vậy hiện cũng có một số tiệm bánh ngọt bán hoặc có những clip trên Youtube hướng dẫn làm chiếc bánh ngọt Nam Mỹ này. Các Store Laduree cùng đã có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, nhưng lại không thấy có ở Việt Nam, chỉ thấy bánh Macaron theo phong cách sang trọng trong tiệm trà TWG ở Sài Gòn nhưng bánh có vẻ như hơi cứng.
PS. Nếu chị vợ nào mà thấy điện thoại của ông chồng có tin nhắn là rủ nhau đi uống trà (xanh) và chén bánh macaron thì cẩn thận nhé, có khi đó lại là mật mã Di Vinci để hẹn gặp với bé Đường cũng nên ahihi.