Trước đây, đường gom Đại lộ Thăng Long cho phép xe máy đi hai chiều và ô tô đi một chiều (theo cả hai hướng từ đường Phạm Hùng đến hết huyện Thạch Thất, đoạn tiếp giáp Quốc lộ 21A).
Tuy nhiên, do tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao, đặc biệt vào buổi tối khi lượng xe tăng mạnh, phương án giao thông này đã được điều chỉnh. Việc tổ chức lại phân luồng giao thông là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo nghi nhận của PV Dân Việt, từ khi tổ chức lại giao thông tại đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long, người tham gia giao thông chấp hành khá nghiêm chỉnh. Quãng đường từ nút giao (Lê Trọng Tấn – Đại lộ Thăng Long) vào trung tâm thành phố và ngược lại hiếm thấy người đi ngược chiều.
Từ nút giao thông này trở về hướng Hòa Lạc (đi qua các huyện như Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất) nhiều người tham gia giao thông vẫn vô tư đi ngược chiều bất chấp lệnh cấm.
Ghi nhận cho thấy, phương tiện giao thông đi ngược chiều chủ yếu là xe máy, xe máy kéo và xe đạp. Giao thông đi qua các huyện như Quốc Oai, Thạch Thất luôn phức tạp vì người dân ở đây có làng nghề truyền thống sản xuất nội thất bằng gỗ. Rất nhiều xe máy kéo thường xuyên vận chuyển hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông trên đường gom Đại lộ Thăng Long.
Dọc tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long có rất nhiều hầm chui dân sinh được xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Từ khi Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức lại giao thông, chỉ lưu thông một chiều, các biển cấm, biển cảnh báo được dựng.
Người tham gia giao thông trên trục đường này cho biết, với sự thay đổi này khiến họ chưa quen. Quãng đường và thời gian di chuyển sẽ dài hơn vì phải đi đường vòng sau đó quay đầu quày lại không như trước đây.
Anh Thái Quang (34 tuổi, Hà Nội), thường xuyên đi làm trên cung đường Đại lộ Thăng Long chia sẻ: “Thực sự thì ban đầu tôi cũng cảm thấy hơi bất tiện vì có thể sẽ phải đi đường vòng hơn một chút. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ thì tôi thấy mục tiêu chính của việc này là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tôi hy vọng sau một thời gian, mọi người sẽ quen với quy định mới và tình hình giao thông sẽ được cải thiện. Điều quan trọng là cần có sự hướng dẫn và tuyên truyền đầy đủ để người dân hiểu và tuân thủ”.
“Tôi thường xuyên đi làm về trên quãng đường này bằng ô tô, việc xe máy đi ngược chiều khiến giao thông trở nên nguy hiểm, đặc biệt vào buổi tối. Không những vậy họ còn chở hàng cồng kềnh, lái xe ô tô mà không tập trung rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Việc tổ chức đi một chiều là hoàn toàn hợp lý”, anh Hoàng Anh (Quốc Oai) nói.
Bà D, một người bán nước chè hàng chục năm tại nút giao thông (Đại lộ Thăng Long – Thạch Thất) cho biết: “Quanh khu vực này có rất nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân làm việc rất lớn, giờ cao điểm buổi sáng và chiều, số lượng công nhân tham gia giao thông rất lớn. Trước đây khi còn lưu thông 2 chiều, giao thông rất lộn xộn. Tôi tận mắt chứng kiến nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra”.
Bà D cho biết thêm, hai bên đường gom thường xuyên có xe tải trọng lớn lưu thông, trên xe chở đất, cát, đá sỏi lại còn đi nhanh, rất nguy hiểm cho người đi xe máy. “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc lưu thông một chiều ở đường gom này, như vậy mới bớt nguy hiểm cho người đi đường. Tuy nhiên vì mới đưa vào áp dụng, một số người còn chưa để ý đến nên vẫn vô tư đi ngược chiều”, bà D nói.
Anh Bùi Văn Thanh (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: “Tôi làm việc trong trung tâm Hà Nội nên ngày nào cũng 2 lượt đi về trên đường gom này. Ở phía gần trung tâm, từ khi giao thông được tổ chức lại rất ít người đi ngược chiều. Nhưng đi xa hơn về phía ngoại thành số lượng xe máy đi ngược chiều rất đông. Tôi nghĩ lực lượng chức năng cần cắm chốt xử lý vi phạm, bị phạt nặng người dân chắc chắn sẽ tuân thủ, không đi ngược chiều nữa”.
Khi tổ chức lại giao thông, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Phòng CSGT Công an TP Hà Nội bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường nút giao lân cận.
UBND các quận, huyện như Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất bố trí lực lượng phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, CSGT và các đơn vị có liên quan để điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa và trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long để bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.