Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học đã quan sát thấy một con đười ươi trưởng thành tên Rakus nhổ và nhai lá của một loại cây thuốc. Tại Đông Nam Á, đây là loại cây thường được sử dụng rộng rãi để điều trị các triệu chứng đau và viêm. Rakus đã nhai lá thuốc, dùng nước bôi lên vết thương, rồi đắp lá lên đó. Đáng chú ý, vết thương này đã lành sau đó một tháng mà không gặp bất kỳ biến chứng nào.
Đười ươi biết tự đắp lá thuốc để trị vết thương
Trước đó, các nghiên cứu đã ghi nhận một số loài vượn lớn có khả năng tìm kiếm các loại cây cỏ trong rừng để chữa lành, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy một con vật hoang dã bôi một loại cây thuốc trực tiếp lên vết thương. Isabelle Laumer, một trong những tác giả của nghiên cứu, đến từ Viện Hành vi Động vật Max Planck ở Đức, đã khẳng định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát thấy một động vật hoang dã sử dụng một loại cây thuốc có hiệu ứng khá mạnh để chữa trị vết thương”.
Hành vi thú vị của Rakus đã được ghi lại vào năm 2022 bởi Ulil Azhari, một nhà nghiên cứu thực địa tại Dự án Suaq ở Indonesia. Những hình ảnh chụp lại cho thấy vết thương của Rakus đã hoàn toàn lành lặn sau một tháng.
Việc quan sát đười ươi tại Vườn Quốc gia Gunung Leuser, Indonesia, đã diễn ra từ năm 1994, nhưng chưa từng có hành vi tương tự nào được ghi nhận. Các nhà khoa học cho rằng, có thể Rakus đã học kỹ thuật này từ những con đười ươi khác sống ngoài khu vực nghiên cứu và nằm ngoài sự giám sát hàng ngày của các nhà khoa học. Rakus sinh ra và sống thời kỳ ấu thơ bên ngoài khu vực này, vết thương của nó tới từ cuộc chiến với một con vật khác.
Trước đây, các nhà khoa học đã ghi nhận nhiều loài linh trưởng khác sử dụng cây cỏ để tự chữa trị. Chẳng hạn, đười ươi Borneo đã tự xoa nước ép từ một loại cây thuốc lên cơ thể để giảm đau hoặc đuổi ký sinh trùng. Tinh tinh thường nhai các mầm cây có vị đắng để chữa trị các bệnh lý liên quan tới dạ dày, các loài khỉ đột thì nuốt nguyên một số loại lá thô để loại bỏ ký sinh trùng trong ruột.
Hành vi của Rakus đặt ra nhiều câu hỏi mới về sự tiến hóa của hành vi tự chữa trị trong thế giới động vật, và có thể cung cấp những hiểu biết mới về cách mà y học đã xuất hiện trong thế giới loài người.