Tối qua, mình ngồi lặng lẽ trong phòng, điện thoại phát bản nhạc mới nhất của Đen. Đoạn điệp khúc cứ văng vẳng bên trong mình “Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Mình ấn nút tạm dừng và tự hỏi:
“Bao nhiêu năm nay, mình đã thực sự mang gì về cho mẹ?”
Liệu có phải là những hóa đơn chi trả tiền học phí, là những đòi hỏi mua sắm cái này cái kia, là những vô tâm hững hờ khi mẹ hỏi: “Sao con về muộn thế?”, là những bực dọc khi mẹ luôn càu nhàu chuyện học hành, sự nghiệp…
Đôi khi thứ ba mẹ cần ở chúng ta không phải là kiếm thật nhiều tiền rồi để những đồng tiền câm lặng ấy thay thế tình mẫu tử. Ba mẹ cần chúng ta trân quý những đồng tiền được kết tinh từ mồ hôi lương thiện ấy, sống tốt đời mình và nếu có thể, hãy trở về chăm sóc cho ba mẹ. Dù cho chúng ta không thể làm tròn chữ hiếu, ba mẹ cũng sẽ không một lời trách cứ mà chỉ dịu dàng ôm lấy ta: “Vì con là con của ba mẹ mà”
NHÀ MÌNH CÓ GIÀU LẮM KHÔNG?
Có một số bạn nhìn những bài post của mình trên mạng và đưa ra một số lời lí giải về sự thành công vô cùng hợp lý:
“Nhà nó có điều kiện, không phải lo nghĩ tiền bạc nên rảnh rang có thời gian viết blog, làm video…”, “Nhà nó có người chống lưng, ông này bà kia, không biết bố mẹ nó làm trong ngành à”…
Sự thật là không phải như thế!
Ba mẹ mình chỉ là một công chức bình thường, ở một cơ quan bình thường.
Mình đã từng cố gắng học rất giỏi để có tiền. Tiền học bổng, tiền đạt giải học sinh giỏi các cấp, đi làm đủ thứ vì mình biết đó là cách duy nhất để có tiền mua sách và đồ dùng học tập.
Tủ quần áo sinh viên của mình chỉ có mấy chiếc áo sơ mi: 02 chiếc áo trắng đồng phục, 04 chiếc áo kẻ caro khác màu. Chấm hết!
Mình không có điện thoại di động, không biết dùng facebook cho đến khi nhận tháng lương đầu tiên năm 19 tuổi.
Trong khi các bạn đều đi xe máy, xe đạp điện đi học, mình vẫn đi bộ, chen chúc trên xe buýt và lóc cóc đạp chiếc xe thống nhất cũ của mẹ ngày xưa. Mình còn nhớ hồi năm nhất đại học, có một lần mình ứa nước mắt vì bị các bạn xúm vào mỉa mai “Uầy, thời đại này mà vẫn có người đi xe đạp! Hàng hiếm thật!”.
…
Thì sao?
Đi xe đạp thì có gì sai?
Mặc áo đơn giản thì có gì sai?
Cuộc sống vất vả lắm, mưu sinh ở đất Hà Nội thật đâu dễ dàng gì! Có những khi nhà dột, nước nhỏ xuống giường khiến mình mất ngủ cả đêm. Mình không biết đến khái niệm “phòng riêng” cho đến khi bắt đầu thuê trọ học đại học. Vì nhà chật nên mình chỉ có thể giải chiếu nằm đất.
Mẹ mình bị huyết áp thấp và đau đại tràng kinh niên nên sáng nào mình cũng dậy sớm sắc thuốc Bắc cho mẹ. Mình không được thức khuya học bài vì như thế, mẹ mình sẽ mất ngủ, đó cũng là lí do vì sao mình thường dậy sớm ôn bài thay vì học thâu đêm như các bạn đồng trang lứa. Thú vui duy nhất của hai chị em mình hồi nhỏ chính là ghé thăm tiệm sách cũ gần trường cấp hai, ngồi đó phụ bán sách và đọc ké cả ngày.
Mình biết ba mẹ đều đi làm vất vả nên cuối tuần mình không bao giờ đòi hỏi ba mẹ chở đi chơi. Rạp chiếu phim, trung tâm thương mại hay siêu thị là một ước mơ rất xa vời. Hai chị em mình tự chơi với nhau, có thể ra sân tập thể chơi cầu lông, quét sân, đạp xe đạp…có khi lại giúp bác hàng xóm phơi củ cải khô để làm dưa muối. Mình lớn lên từ những vất vả nhọc nhằn nhưng chưa khi nào mình thất vọng vì những gì gia đình mình đã đang và sẽ trải qua.
GIA ĐÌNH KHÔNG CÓ LỖI, LỖI NẰM Ở BẠN THÔI!
Mình đọc được ở đâu đó rằng: “Bạn không thể lựa chọn cách mà mình sinh ra nhưng bạn có thể lựa chọn cách bạn sống và chết đi như thế nào?”. Mình chưa từng oán trách ba mẹ: “Tại sao ba mẹ không phải là người giàu có, làm một công việc cao sang hơn, quyền lực hơn?”, “Nếu con được sinh ra trong một gia đình đại gia thì con đã không khổ như thế này!”…
Mình hiểu rằng để có cuộc sống ngày hôm nay, dù ngôi nhà gia đình mình đang ở chỉ là một căn tập thể cũ kĩ, dù những bữa cơm vẫn lặp đi lặp lại vài ba món quen thuộc, dù tiền lương của ba mẹ vẫn chẳng xê dịch là bao, nhưng bạn biết không, để duy trì một cuộc sống đơn giản như thế, ba mẹ đã thực sự vất vả rồi!.
Có khi nào bạn tự hỏi: “Nước nóng bạn đang tắm ở đâu mà ra?”, “Điện thoại bạn đang dùng là ai mua cho bạn?”, “Để có điện thắp sáng, ai phải là người đóng tiền hằng tháng?”, “Để bạn được đến lớp tới trường, học phí sẽ do ai trả đây?”…Có những thứ tưởng chừng hiển nhiên, nhưng cái giá phải trả cho sự hiển nhiên ấy là những vất vả không lời.
Mình luôn trân trọng và biết ơn mái nhà nhỏ bé ấy.
Vì ba mẹ đã cho mình tất cả những gì tốt nhất. Trong khả năng của họ.
Mình nhớ Đen đã từng viết trong ca khúc của anh: “Nhà có thể lớn có thể nhỏ, có thể không khang trang. Cha mẹ nào cũng muốn con được sống đàng hoàng”. Lúc nào ba mẹ cũng có thể nhịn ăn, nhịn mặc vì chúng ta, nhưng có khi nào chúng ta thử nghĩ “Liệu những người con có thể làm điều ngược lại: nhịn ăn, nhịn mặc để phụng dưỡng ba mẹ lúc về già?”. Tại sao phải để đến khi ba mẹ già yếu thì chúng ta mới cần báo đáp. Tình yêu thương đâu cần thời gian để thể hiện, chỉ cần ngay lúc này, nếu có thể, bạn hãy nhắn tin cho mẹ, gọi điện cho ba, hãy LÀM GÌ ĐÓ để thể hiện ngay tình yêu ấy. .
BẠN GIÀU CÓ HƠN BẠN TƯỞNG
Khi nhắc đến “giàu sang”, “nghèo khó” chúng ta thường nhớ ngay đến tiềm lực tài chính. “Có nhà to, xe xịn không? Điện thoại hãng gì, đồng hồ Rolex đời mấy?”. Nhưng khái niệm “giàu sang” theo cách hiểu của mình lại là niềm hạnh phúc với những gì mình đang có.
Là khi mình cảm thấy biết đủ và dừng lại. Là khi mình có đủ cơm ăn một ngày ba bữa, có một mái nhà để không bị lạnh và mưa, là khi mình có thể ôm mẹ một cái, là khi mình biết hài lòng với những thứ nhỏ nhặt đời thường….Lòng tham có bao giờ là đủ khi chúng ta đã có được điều này thì lại mở rộng ham muốn của mình sang một điều khác. Ai đó nói: “Tiền nhiều để làm gì?” – bạn có thử nghĩ khi bạn không phải lo lắng về tiền nữa, điều mà bạn thực sự muốn làm nhất là gì không?
Mình không đầu tư tiền để mua quần áo, điện thoại hay những thứ mà người ngoài luôn nghĩ rằng cần phải sở hữu những món đồ ấy mới là đẳng cấp. Mình dành tiền để mua sách và khóa học, tham gia những trải nghiệm khiến bản thân mình trưởng thành hơn. Đồ ăn ăn mấy rồi cũng hết, tiền tiêu đến lúc rồi sẽ cạn nhưng những trải nghiệm quý giá và sự tiến bộ trong nhận thức là những điều chúng ta không thể định giá được. Những giá trị ấy sẽ định hình nên con người ta, cách ta suy nghĩ, cách ta làm việc, cách ta đối xử với mọi người.
Mình có thể nghèo khó trong thời điểm này, nhưng trong tương lai thì chưa chắc. Thu nhập của mình hiện tại chưa bằng ai, cũng chưa nhiều đến mức phải khoe khoang về cuộc sống dư dả. Mình cũng có ước mơ, hoài bão, và luôn nỗ lực hết mình để làm nó. Mình có thể nuôi sống bản thân, được làm những gì mình thích, được ở bên những người mình thương.
Với mình, đó chính là “sự giàu có” đích thực.
Xuất phát điểm của bạn chẳng nói lên rằng bạn là ai? Chỉ cần bạn thực sự chứng minh cho thế giới này biết: Bạn là người duy nhất có thể chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Thay cho lời tạm kết, mình xin gửi đến bạn lời chia sẻ từ Đen Vâu, khi anh được hỏi về thông điệp muốn gửi gắm cho tác phẩm mới của mình:
“Câu chuyện mưu sinh kiếm tiền vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Đôi khi mình mải kiếm tiền ngoài đời mà lơ là với gia đình, hãy dành thời gian cho gia đình. Nếu các bạn trẻ đang chơi vơi, không biết mục đích sống và làm việc của mình là gì, hãy coi Mang tiền về cho Mẹ là một mục đích nhỏ – làm để mang tiền về cho mẹ, sống để mang tiền về cho mẹ, những đồng tiền lương thiện thể hiện sự tự lập của mình để bố mẹ an tâm”. Mình tin rằng đó cũng là nỗi lòng của những người trẻ, dù có đi thật xa, chúng ta sẽ luôn trở về với hai chữ gọi là “gia đình” ấy.
Ghé thăm góc nhỏ của mình tại: Lilytruong