Tháng 7 đến rồi, nửa năm đã qua, bạn đã làm được những gì? Chắc chắn có người cảm thấy mình đã làm việc chăm chỉ nhưng dường như chẳng đạt được gì cả.
1. Điều gì tồi tệ hơn không nỗ lực? Nỗ lực không hiệu quả.
Đi siêu thị tôi hay gặp một cậu trông cũng sáng sủa làm vị trí cân hoa quả. Cậu tầm 30 tuổi và đã làm vị trí này gần hai năm. Công việc này rõ ràng là đơn giản đến nhàm chán, vai trò mờ nhạt trong hàng trăm nhân viên, và lợi thế gần như bằng 0. Ngay cả khi cậu ta làm việc chăm chỉ, cân và dán nhãn hàng trăm quả một ngày, cậu vẫn không thể thay đổi hiện trạng. Những nỗ lực của cậu ấy không mang lại hiệu quả hay sự phát triển.
Đề đạt được mục tiêu cần sự nỗ lực, nhưng không có nghĩa cứ nỗ lực là sẽ đạt được mục tiêu. Nỗ lực không đúng cách cũng như không biết đã lạc đường mà vẫn kiên trì đi tiếp. Càng đi càng xa, càng cắm đầu làm càng chết sớm.
2. Vất vả không nói lên điều gì, giá trị mà bạn đem lại mới quan trọng
Bao giờ cũng vậy, người ta coi trọng hiệu quả chứ không cần biết bạn đã đổ mồ hôi sôi nước mắt thế nào. Cũng giống như khi bạn mua dưa hấu, bạn chỉ quan tâm dưa hấu có ngon hay không chứ mấy khi bạn hỏi cậu cân dưa đang gặp khó khăn gì.
Nỗ lực khôn ngoan là loại nỗ lực của tư duy phát triển. Ví dụ, nếu cậu cân hoa quả không chỉ chăm cân hoa quả mà còn cố gắng gia tăng năng suất bằng tối ưu hóa thao tác, nhìn ra những điểm gì có thể cải tiến trong quy trình để đề xuất với cấp trên, liên tục đặt câu hỏi với tất cả mọi thứ trong hệ thống vận hành: “Nó đang hoạt động như thế nào, tôi có cách nào để thay đổi cho tốt hơn không?”…thì mới gia tăng giá trị cho siêu thị, khách hàng, và bản thân.
Không làm được điều cốt lõi đó, nỗ lực của bạn chỉ là vô nghĩa.
3. Làm việc ít nhưng hiệu quả > Làm việc nhiều mà không hiệu quả
Bill Gates nói, ““Tôi luôn chọn những người lười biếng làm những việc khó khăn. Bởi vì họ luôn biết cách tìm ra những con đường dễ dàng nhất để thực hiện công việc.” Mọi người không muốn đi cầu thang nên họ đã phát minh ra thang máy. Mọi người lười đi bộ nên họ đã phát minh ra xe máy, ô tô. Hãy làm ít, nhưng hiệu quả hơn.
Bận rộn với nỗ lực vô ích không bằng suy nghĩ về việc sử dụng gì để “lười biếng” nhằm tối đa hóa kết quả của bạn. Sau đó, bạn sẽ thấy rằng không phải mất quá nhiều thời gian và sức lực, bạn có thể đạt được kết quả gấp đôi với một nửa nỗ lực. Đây là sự khác nhau giữa câu cá bằng cần và vớt cá bằng lưới.
4. Muốn đi đường dài, đừng lao đầu chạy, hãy đi từng bước một
Bạn đang “nỗ lực làm giàu”, nhưng cụ thể là làm cái gì mới giàu được?
Khi thiết lập mục tiêu, hãy đề ra những mục tiêu mình có thể làm được thay vì đưa ra những mục tiêu quá sức. Động lực của bạn sẽ tăng vọt nếu bạn nhìn thấy cái đích trước mặt thay vì một điểm xa vời nào đó. Sự nỗ lực có mục tiêu sẽ giúp bạn tìm ra những gì thực sự có giá trị và cách đề đạt được chúng. Đi từng bước một về phía trước, vừa tự nhiên vừa gọn gàng, cuối cùng sẽ đến đích.
Tham khảo Trí thức trẻ