Đức Phật nói rằng sự chấp giữ là nguyên nhân của khổ đau, vậy làm sao để yêu thương ai đó, ví dụ người bạn đời, mà không chấp giữ để rồi buồn khổ?

Đáp bởi sư tỳ khưu Vimala, nghiên cứu sinh tiến sĩ Tâm lý học Phật giáo (đường dẫn ở cuối bài).

________________________________

Bằng việc biết yêu bản thân mình, bạn đời và mọi người khác như nhau. Điều này được gọi là tình yêu buông xả hoặc tình yêu bình thản, chỉ biết cho đi mà không ham muốn được đền trả lại. Chỉ như thế, bạn mới không chấp giữ nửa kia, và sẽ không có khổ đau, ghen tuông, thù hận, tủi hờn,… bám theo tình yêu.

Có bạn sẽ thắc mắc: sao lại thế?

Vì kiểu tình yêu chỉ hướng đến 1 người (hoặc một số người nữa như vợ chồng, con cái, bố mẹ và bản thân) là tình yêu ích kỷ. Và vì là ích kỷ, nó sẽ chỉ đem đến hậu quả xấu: vợ sẽ ghen tức nếu ông chồng ngủ với ai khác, hay sẽ đau buồn nếu anh ấy qua đời; cha mẹ sẽ tức giận hoặc buồn lòng nếu con cái trái lời; các cụ hưu trí sẽ tủi thân nếu con cái bỏ rơi họ, vân vân.

Giờ bạn sẽ hỏi: vậy làm sao ta yêu mọi người như nhau?

Trước tiên, hãy bắt đầu yêu thương bản thân, chấp nhận bản thân và tự tha thứ cho mình. Chừng nào biết cách yêu thương thân mình thì bạn mới nên bắt đầu yêu mọi người một cách bình đẳng. Hãy chắc chắn rằng mình yêu thương và quan tâm một cụ già không biết sang đường như quan tâm cha mẹ mình; yêu thương một đứa trẻ đường phố không nhà như con cái mình. Hãy tỉnh táo, tự nhận thức khi mình yêu quý ai nhiều hơn ai. Đảm bảo bạn không thiên vị giữa các đứa con. Trao tình yêu thương bình đẳng cho những ai không lạm dụng tình yêu ấy, ai may mắn có duyên gặp gỡ và ai đang cần được thương yêu. Bạn không cần ai phải đền đáp lại đâu vì như thế sẽ chỉ gây sự thất vọng thôi. Yêu thương chính mình là đủ cho chính bạn và mọi người. Yêu thương mà đòi hỏi đáp lại thì cũng không khác trao đổi mua bán là bao.

Lòng thương yêu bản thân, nếu được xây dựng đúng sẽ giúp bạn có suy nghĩ như sau: “Tớ yêu bản thân và vui với bản thân, và như thế thì việc cậu đến với đời tớ hay không đến cũng không hề gì. Nếu đến, tớ sẽ đối xử với cậu tử tế nhất có thể như tớ đã tử tế với chính mình. Và nếu rời đi thì thật đáng tiếc cho cậu vì tớ vẫn còn lại đây, yêu thương bản thân như mọi khi.”

Đến đây có thể bạn sẽ cho rằng tôi đang nói vớ vẩn, vì làm gì có ai yêu cái kiểu ấy?

Jesus Christ, bị đóng đinh trên thập giá, đón nhận một kết cục đau đớn và bất công, đã bày tỏ những lời cuối: “Xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết điều họ đang làm…”

Bạn vẫn chưa tin sao?

Martin Luther King Jr, trong buổi diễn thuyết cuối cùng mang tên “Tôi đã đến đỉnh núi cao”, dù bị doạ giết, vẫn gọi kẻ sẽ ám sát mình ngày mai là “người anh em da trắng”. Ngày hôm sau, ông bị hạ sát.

Nhiều nhà hoạt động, bác sĩ, y tá, công nhân, nhà hảo tâm,… đang mạo hiểm mạng sống ngày đêm vì chúng ta giữa đại dịch Covid-19 này.

Nếu bạn thành công tạo ra một tình yêu không ích kỷ, để ý rằng giờ đây tình cảm của bạn có bao hàm lòng Từ, lòng Bi, lòng Hỷ và lòng Xả. Nó vững như núi trước những dính mắc và khổ đau.

Bạn sẽ tự hỏi: sao tôi phải yêu như thế, yêu kiểu ấy thì tôi được lợi gì?

Câu hỏi này đi ngược lại với thứ tình yêu chúng ta nuôi dưỡng, nhưng để tăng thêm kiến thức thì hãy cứ cùng giải đáp.

Đáp án là tình thương bình thản sẽ mang lại cho bạn tâm hồn khoẻ mạnh nhất có thể. Nó ngăn ngừa căng thẳng cùng nhiều bệnh tâm thần, đã được Tâm Lý học hiện đại chứng minh.

Tôi chúc các bạn một tình thương yêu bình thản.

Theo: Viettrung Duong

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *