du-kien-sap-nhap-hai-duong,-4-nhan-vat-duoc-dat-ten-duong-pho

Dự kiến sáp nhập Hải Dương, 4 nhân vật được đặt tên đường phố

Thứ tư, ngày 09/04/2025 15:15 GMT+7

Dự kiến sáp nhập Hải Dương, nơi 4 nhân vật xuất chúng, được đặt tên đường, phố, trường học khắp nước

Tào Nga Thứ tư, ngày 09/04/2025 15:15 GMT+7

Hải Dương nằm trong danh sách cách tỉnh thành dự kiến sáp nhập, nơi đây được biết đến là vùng đất đã sinh dưỡng và hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng.

Dự kiến sáp nhập Hải Dương: Hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng

​​Hải Dương là tỉnh thuộc trung tâm Ðồng bằng sông Hồng, thuộc địa bàn trọng điểm kinh tế của các tỉnh phía Bắc. Phía đông của Hải Dương giáp thành phố Hải Phòng; phía tây giáp tỉnh Hưng Yên; phía bắc giáp 3 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh; phía nam giáp tỉnh Thái Bình. ​

Tên gọi “Hải Dương” chính thức có từ năm 1469. Hải Dương có nghĩa là “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”. Sắp tới đây sẽ sáp nhập Hải Dương, vì địa phương này nằm trong 48 tỉnh, thành dự kiến sáp nhập của cả nước và đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận.

Một góc TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương) hôm nay. Ảnh: chinhphu.vn

Hải Dương được biết đến là vùng đất đã sinh dưỡng và hội tụ nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Ðó là những nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, những nhà văn hoá, nhà khoa học, những vị tổ nghề được nhân dân cả nước ca tụng, tôn thờ.

Trong gần 1.000 năm đào tạo, tuyển chọn nhân tài, từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), theo chương trình Nho giáo, cả nước có 2.898 tiến sĩ và học vị tương đương. Trong đó, tỉnh Hải Dương có nhiều tiến sĩ nhất (488 tiến sĩ, nếu tính theo địa giới năm 1888 thì có 638 tiến sĩ). Huyện Nam Sách là huyện có nhiều tiến sĩ nhất nước (125), làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang) là làng có nhiều tiến sĩ nhất nước (37), được gọi là “Lò Tiến sĩ xứ Đông”. Lĩnh vực nào, Hải Dương cũng có những nhân tài nổi danh khắp đất nước.

Dự kiến sáp nhập Hải Dương: 4 nhân vật lịch sử nào là niềm tự hào của người dân địa phương?

Nguyễn Trãi (1380 – 1442)

Nguyễn Trãi hiệu là ức Trai. Tổ tiên ông vốn ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn, nay là xã Cộng Hoà, Chí Linh, Hải Dương. Lúc trẻ, tài văn chương của Nguyễn Trãi đã nức tiếng gần xa, kinh, sử, bách gia, bình thư thao lược đều am hiểu. Năm 20 tuổi, ông đỗ Thái Học sinh. Hai cha con cùng làm quan, ông giữ chức Chính trưởng đài ngự sử.

Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Hải Dương. 

Năm 1418, ông tìm gặp Lê Lợi dâng “Bình Ngô sách” cùng bàn kế diệt giặc Minh. Sau 10 năm, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thắng lợi, ông được Lê Lợi giao trọng trách viết “Đại cáo bình Ngô”, tổng kết thắng lợi và tuyên bố chủ quyền độc lập của dân tộc. Ngày 16/8 năm Nhâm Tuất (1442), gia đình Nguyễn Trãi bị xử phạt tru di tam tộc, một vụ án oan khiên và thảm khốc nhất trong lịch sử. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan cho ông, truy phong ông là Tế Văn Hầu, các con cháu còn sống sót đều được trọng dụng.

Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, là thiên tài trên nhiều lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học,… Ông để lại nhiều tác phẩm như ức Trai Dư địa chí, ức Trai Thi tập, Văn bia Vĩnh Lăng, Lam Sơn Thực lục,… Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của Nguyễn Trãi đối với sự phát triển của dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị nhân văn nhân loại, năm 1980, tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phong ông là danh nhân văn hoá thế giới.

Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi

Nổi tiếng tài cao học rộng đến mức Hoàng đế nhà Nguyên khen ngợi là Lưỡng quốc Trạng Nguyên, Mạc Đĩnh Chi còn được lưu lại trong sử sách nhiều câu chuyện về văn tài của ông.

Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, tên tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động (Chí Linh). Tương truyền ông mồ côi cha từ nhỏ, hằng ngày phải vào rừng chặt củi kiếm sống, nuôi mẹ. Vì dáng người thấp bé, dung mạo xấu xí nên ông thường bị trêu chọc, khinh rẻ.

Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: Truyện xưa tích cũ

Ngay từ khi còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã ra sức học tập vì ông biết chỉ có học vấn mới giúp ông thoát khỏi cảnh sống nghèo hèn. Với tài văn chương của mình, ông được Chiêu Quốc Vương nhận là môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học thành tài.

Năm 1304, khi mới 24 tuổi, Mạc Đĩnh Chi dự khoa thi Đình. Ông ra làm quan, trải qua ba triều vua, gồm Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Ông được vua Trần tin dùng, thăng đến chức Đại liêu ban tả Bộc xạ (Tể tướng). Ông hai lần được cử sang phương Bắc vào các năm 1308 và 1322. Ngay trong chuyến đi đầu tiên, ông đã chứng minh tài năng, cốt cách của người Việt, buộc vua Nguyên phải phong mình làm trạng nguyên Bắc triều (lưỡng quốc trạng nguyên). Bên cạnh đức hiếu học, nét đáng quý ở Mạc Đĩnh Chi là ông luôn giữ được bản tính thật thà, cương trực, thẳng thắn, hết lòng vì nước, vì dân.

Mạc Đĩnh Chi mất năm 1346, thọ 74 tuổi. Điện thờ và phần mộ ông đặt tại quê nhà. Ngày nay, nhiều tỉnh, thành ở nước ta có những con đường và ngôi trường mang tên ông.

Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654)

Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, là người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là xã Văn An, thị xã Chí Linh). Bà đỗ Tiến sĩ đời Mạc và từng làm Chánh vương phủ, Thị nội cung tần thời Lê – Trịnh, tham gia ban giám khảo kỳ thi Tiến sĩ khoa Tân Mùi, năm Đức Long thứ 3 (1631).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ thời đó đã nghĩ ra một cách học mới: tự ra đề cho các quan và sĩ tử hàng huyện học, cho họ làm bài gửi về cung để tự tay bà chấm. Với cách học này, có lẽ bà là người đầu tiên nghĩ và áp dụng cách học từ xa cho ngày nay. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có học vị cao nhất trong lịch sử giáo dục thời phong kiến.

Chu Văn An (1292 – 1370)

Mặc dù không phải sinh ra ở Hải Dương nhưng nơi đây gắn bó những năm cuối đời của Chu Văn An.

Chu Văn An hiệu là Tiều ẩn, tên chữ là Linh Triệt, người thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông thi đậu Thái Học sinh (Tiến sĩ), từng làm Tư nghiệp Quốc tử giám. Ðời Trần Dụ Tông, ông dâng sớ xin vua chém 7 tên nịnh thần (người đời gọi là Thất trảm sớ) song không được chấp thuận nên ông đã từ quan. Noi gương thầy, các học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao song vẫn giữ đức thanh liêm mẫu mực.

Thầy giáo Chu Văn An.

Sau khi rời bỏ chốn quan trường, Chu Văn An đến núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Ðặc (nay là xã Văn An, huyện Chí Linh) dựng nhà dạy học, làm thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách và tự đặt tên là Tiều ẩn. Tuy vậy, mỗi khi triều đình có đại sự đều mời ông tham dự. Sau khi mất, ông được truy tặng tước Văn Trình Công và được thờ tại Văn Miếu – Quốc tử giám. Ông còn để lại nhiều thi tập có giá trị như: Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước,…

Chu Văn An là nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông được coi là người thầy của mọi thời đại, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.

Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay. Tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử dân tộc là một tấm gương sáng về đạo làm người, đạo làm thầy với danh xưng “Vạn Thế Sư Biểu” – “Người Thầy của muôn đời”.

Tháng 11/2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh Danh nhân Chu Văn An và ra Nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 ngày mất của ông vào năm 2020. Quyết định này không chỉ khẳng định sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những giá trị văn hóa, giáo dục của Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá cho các mục tiêu bình đẳng trong giáo dục và tinh thần học tập suốt đời mà UNESCO thúc đẩy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *