du-kien-sap-nhap-ha-nam:-nguoi-dan-doi-doi-ghi-nho-4-nguoi-con-tai-gioi,-chinh-truc-nay

Dự kiến sáp nhập Hà Nam: Người dân đời đời ghi nhớ 4 người con tài giỏi, chính trực này

Thứ sáu, ngày 11/04/2025 07:51 GMT+7

Dự kiến sáp nhập Hà Nam: Người dân đời đời ghi nhớ 4 người con tài giỏi, chính trực này

Tào Nga Thứ sáu, ngày 11/04/2025 07:51 GMT+7

Thông tin dự kiến sáp nhập Hà Nam đang nhận được quan tâm từ dư luận. Đây là nơi có những người con vanh danh sử sách, có đóng góp rất lớn cho nền chính trị, giáo dục nước nhà.

Dự kiến sáp nhập Hà Nam

Tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km (là cửa ngõ phía Nam của thủ đô), phía Bắc giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp Nam Định và Ninh Bình, phía Tây giáp Hòa Bình.

Hà Nam chính thức được thành lập vào năm 1890, tên của tỉnh có nghĩa là “vùng đất ở phía Nam Hà Nội”, tâm điểm của một vòng tròn khép kín nối các kinh đô, cố đô, đô thị cổ nổi tiếng. Dân số Hà Nam là 892.755 người tính đến ngày 1/4/2024, đứng thứ 48 cả nước, diện tích là 862km2. Thành phố của Hà Nam là Phủ Lý.

Đây là 1 trong 9 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (bao gồm TP.Hải Phòng, các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình) thuộc diện sáp nhập trong thời gian tới. Thông tin đang nhận được quan tâm từ dư luận.

Thành phố Phủ Lý của tỉnh Hà Nam. Ảnh: THHN

Trước đó, Hà Nam đã có một số lần tách – nhập tỉnh. Ngày 21/4/1965, hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành được sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Nam Hà. Ngày 27/12/1975, hợp nhất hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 6/11/1996, tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam.

Với Hà Nam, ngoài ưu thế về vị trí địa lý, kinh tế, tài nguyên, con người… đây cũng được biết đến là một địa phương có truyền thống văn hiến, hiếu học. Nhiều người Hà Nam đã có đóng góp rất lớn cho nền chính trị, giáo dục… Tính từ đời vua Lý Nhân Tông, khoa thi đầu tiên được tổ chức vào năm Ất Mão (1075) đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) là 844 năm với 185 khoa thi, lấy đỗ 2.898 vị Đại khoa, tức các nhà khoa bảng, đã có 94 người Hà Nam đỗ Đại khoa (con số được công bố trước đó là 55 người hoặc 53 người).

Dưới đây là một số người con nổi tiếng sinh ra ở Hà Nam:

Nguyễn Quốc Hiệu (1696 – 1772)

Nguyễn Quốc Hiệu quê thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên (nay là TP. Phủ Lý). Năm 41 tuổi, ông đỗ Thám hoa kỳ thi Đình, năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông. Trước đó, sau khi đỗ Hương cống ở kỳ thi Hương, trường Sơn Nam, ông được chọn vào học ở Quốc Tử Giám làm Giám sinh. Trong kỳ thi Đình trên, đáng chú ý trong bậc Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ không lấy đầy đủ Tam khôi, chỉ lấy Trịnh Tuệ – Trạng nguyên và Nguyễn Quốc Hiệu – Thám hoa, khuyết Bảng nhãn.

Ông được bổ nhậm giữ chức Thị hình Hiến sát sứ trấn Sơn Tây, Hàn lâm thị tước Đông các hiệu thư, tước Ôn Thụ Hầu. Khi mất, ông được truy tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Ngự sử đài kiêm Đô ngự sử, tước Thị phái hầu, hiệu Trúc Hiên Tiên sinh.

Nguyễn Tông Mại (1706-1761)

Nguyễn Tông Mại sinh năm Bính Tuất (1706) tại thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân, nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, là hậu duệ của Quang Lượng Hầu, một võ tướng thời nhà Mạc, quê gốc ở Nghệ An, Được triều đình cử về dẹp loạn cướp, rồi mất tại Cầu Ghéo (Bình Lục).

Tiến sĩ Nguyễn Tông Mại tên thật là Điều, hiệu là Thận Trực, thụy là Phụng Chính. Nhà có 4 anh em, cả là Tôn Hán, thứ hai là Tôn Mại (sau đổi thành Tông Mại) thứ ba là Bá Phấn, út là Nguyễn Thị Hồ. Ông là tổ phụ của thi hào Nguyễn Khuyến.

Đời Lê Ý Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 khoa Bính Thìn (1736) ông đỗ Tiến sĩ, được nhận chức Hàn lâm viện đại chế. Ông vốn tính kiên trực, vì vậy làm quan lâu năm nhưng không thăng tiến, bổng lộc ít ỏi. Về sau ông làm tri phủ Khoái Châu (Hưng Yên) được dân tin yêu, được thăng làm Hiến sát sứ Thanh Hoa (Thanh Hoá). Bấy giờ có em vợ của Chúa Trịnh là Ba Trà, cậy thế chị làm càn, thường đến các thôn ấp đánh người, cướp của, hiếp dâm. Ông đã thẳng tay trừng trị bắt và đánh 30 roi rồi cho về. Trịnh Vương biết chuyện, nhưng hành động của Nguyễn Tông Mại là chính đáng, nên Chúa không có cơ sở nào để bắt tội được. Ông mất ngày 14 tháng 2 năm Tân Tỵ (1761), thọ 55 tuổi.

Nguyễn Tông Mại là người thanh liêm, chính trực, giỏi thơ văn, có tập Nam chân dật ký còn truyền lại. Thi hào Nguyễn Khuyến chịu ảnh hưởng nhiều cốt cách và thơ văn ông.

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)

Nguyễn Khuyến quê thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục. Ngày nhỏ ông rất ham học, được biết đến qua câu chuyện đốt lá đọc sách buổi tối. Sau này ông được vinh danh là Tam nguyên Yên Đổ vì trước đã đỗ đầu kỳ thi Hương, gọi là Giải nguyên hay Hương nguyên, lại đỗ đầu kỳ thi Hội, gọi là Hội nguyên, thi Đình gọi là Đình nguyên vào khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức 24 (1871); thôn Vị Hạ thời ấy là xã Vị Hạ thuộc tổng Yên Đổ.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ảnh tư liệu

Ông là một trong những Tam nguyên không nhiều trong lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam, là người duy nhất ở Hà Nam đạt danh hiệu đó. Sau đó Nguyễn Khuyến ra làm quan ở Nội các Huế, làm Đốc học rồi thăng Án sát tỉnh Thanh Hóa, giữ chức Biện lý Bộ Hộ trong kinh, chức Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1883, Nguyễn Khuyến được đề cử chức Tổng đốc Sơn – Hưng – Tuyên song ông không chịu đến nhận chức. Năm 1884, Nguyễn Khuyến vào kinh sau khi bị ép nhận chức Tổng đốc nhưng ông kiên quyết từ chối và cáo quan trở về làng quê Yên Đổ, lúc đó ông mới 50 tuổi.

Từ năm 1891 đến năm 1893, Nguyễn Khuyến làm nghề dạy học. Ngày 15 tháng giêng năm Kỷ Dậu (5/2/1909), Nguyễn Khuyến qua đời tại quê nội, hưởng thọ 75 tuổi. Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của văn học dân tộc. Sáng tác của Nguyễn Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ. Thơ Nguyễn Khuyến xoay quanh ba nội dung: bộc bạch tâm sự; viết về con người, cảnh vật ở quê hương Bắc Bộ; đả kích, chế giễu bọn người xấu trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến. Thơ văn Nguyễn Khuyến được truyền tụng vì trong những ngày bi thảm nhất của lịch sử dân tộc, Nguyễn Khuyến vẫn giữ được tấm lòng son sắt, trong sạch, yêu nước, gần gũi và cảm thông với nhân dân.

Nguyễn Kỳ (1715-1787)

Nguyễn Kỳ sinh ngày 1/1 năm Ất Mùi (1715) (có sách chép sinh năm 1818) tại xã An Lão, tổng Mai Động, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân. Cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, nhưng Nguyễn Kỳ rất ham học. Năm 31 tuổi (1745) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5, ông đỗ thủ khoa thi Hương. Năm 34 tuổi khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân được bổ nhiệm Án sát Sơn Tây. Vài năm sau, thăng bổ làm Tổng đốc Tuyên Quang. Ngoài 50 tuổi, ông được phong Chánh nhất phẩm Đông các điện đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Mai Phong bá.

Là một học trò nghèo, mồ côi từ nhỏ, Nguyễn Kỳ chăm chỉ kiếm ăn và học lỏm chữ thầy. Thấy Nguyễn Kỳ thông minh, thầy đồ đã bỏ công dạy dỗ. Tương truyền, lúc ngoài 20 tuổi Nguyễn Kỳ vẫn sống độc thân, dùi mài kinh sử trong một căn nhà tranh nhỏ. Đêm 30 tháng Chạp năm Giáp Tý (1744), Nguyễn Kỳ vừa đun bếp vừa đọc sách, chẳng may tàn lửa bay lên làm cho ngôi nhà ù ù bốc cháy, dân làng trống mõ inh ỏi kéo đến cứu chữa, nhưng không kịp. Sáng hôm sau, mồng một Tết thầy đồ đến thăm, thấy giữa đống tro tàn, Nguyễn Kỳ đã đắp một bệ đất để đặt bát hương thờ tổ tiên, bên cạnh đề một bài thơ:

Một phút làm nên rạng tổ tông,

Tàn bay đỏ khắp mái tây đông

Vang lừng trống đánh trong làng nước

Nam bắc nơi nơi biết tiếng ông.

Thầy đồ đứng gật gù: Trò Kỳ ắt làm rạng rỡ tổ tông, ngày tàn lọng đón rước quan tân khoa vinh quy bái tổ không còn xa nữa.

Quả nhiên, khoa thi Hương năm ấy, Nguyễn Kỳ đỗ thủ khoa, 4 năm sau ông đỗ Tiến sĩ. Dân làng An Lão dựng đình để đón quan nghè trên nền nhà Nguyễn Kỳ ở cũ. Sau chính thầy đồ đã đề tặng đôi câu đối:

Đông các danh thân lưu cố tri,

Lê triều Tiến sĩ thụ tiền nha.

(Làm đến chức Đông các đại học sĩ danh lưu sử sách; Là Tiến sĩ triều Lê gieo mầm khoa cử đầu tiên cho quê nhà).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *