Thứ tư, ngày 16/04/2025 11:02 GMT+7
Tào Nga Thứ tư, ngày 16/04/2025 11:02 GMT+7
Bắc Ninh là vùng đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng và nhiều danh nhân lịch sử nổi bật của Việt Nam.
Dự kiến sáp nhập Bắc Ninh, Bắc Giang: Kinh Bắc vang danh “địa linh nhân kiệt”
Bắc Ninh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Đây là tỉnh có tổng diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước 822,7 km2.
Mới đây, theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính của Ban Chấp hành Trung ương, dự kiến sáp nhập Bắc Ninh cùng với Bắc Giang, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang.

Đây là vùng đất được dân gian từng ngợi ca: Bắc Ninh địa linh nhân kiệt “Đi lên gặp tiến sĩ, đi xuống gặp quận công” hay “Một giỏ ông đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng Nhãn”… Theo số liệu thống kê từ bia “Kim bảng lưu phương”, bia “phụ ký” ở Văn Miếu Bắc Ninh thì Bắc Ninh – Kinh Bắc có tới 669 vị đỗ đại khoa (thời kỳ phong kiến). So sánh với các tỉnh trong cả nước, Bắc Ninh – Kinh Bắc có số lượng các vị đỗ đại khoa nhiều nhất nước thời kỳ phong kiến. Theo địa danh, địa giới hành chính hiện nay (8 huyện, thị xã, thành phố), tỉnh Bắc Ninh có tổng số 393 vị đại khoa.
Truyền thống hiếu học khoa bảng Kinh Bắc có nhiều đặc trưng nổi tiếng như: Nhiều dòng họ và làng khoa bảng, vị đỗ thủ khoa đầu tiên, vị đỗ trạng nguyên đầu tiên, vị đỗ đại khoa trẻ tuổi nhất, vị đỗ đại khoa cao tuổi nhất, có dòng họ anh, em, cha, con, bác cháu cùng đỗ đại khoa… Các tên tuổi của những nhân vật lịch sử – văn hóa kiệt xuất có thể kể đến như: Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh, Nguyễn Quán Quang, Hàn Thuyên, Lý Đạo Tái, 18 vị đỗ Tiến sĩ làng Kim Đôi, danh thần Đàm Thận Huy, lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo…
Dự kiến sáp nhập Bắc Ninh: Nơi những người con lưu danh sử sách, được đời đời nhớ đến:
Lý Thái Tổ (974 – 1028)
Lý Thái Tổ húy là Công Uẩn, sinh ngày 8/3/974, người làng Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thuở nhỏ, Lý Công Uẩn được nhà sư Vạn Hạnh nuôi dạy ở chùa, nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn. Ông làm quan dưới triều Tiền Lê, giữ chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.
Tháng 10/1009, Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn được triều đình suy tôn lên làm vua, lập nên vương triều Lý, lấy vương hiệu là Lý Thái Tổ, niên hiệu là Thuận Thiên.

Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi là thành Thăng Long. Sự tiện lợi mọi mặt của đất Thăng Long cùng với thực thi nhiều chính sách bảo vệ và phát triển đất nước, thực hiện giao hảo tốt với các nước láng giếng đã giúp triều Lý vững vàng về chính trị, hùng mạnh về quân sự, phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, đạt đến mức độ phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Đặc biệt, nhân việc dời đô, ông có bài “Chiếu dời đô” thể hiện tầm nhìn xuyên thế kỷ của nhà lãnh đạo đất nước tài ba, có ý thức về sự trường tồn và phát triển và của dân tộc, xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam.
Lý Thái Tổ qua đời ngày 3/3 năm Mậu Thìn (tức ngày 31/3/1028), thọ 55 tuổi. Lăng mộ ông đặt tại lăng Thiên Đức (Đình Bảng). Triều đình và nhân dân thờ ông tại Đền Đô (Đình Bảng).
Đàm Thận Huy (1463 – 1525)
Đàm Thận Huy, tự Mặc Hiên, thụy Trung Hiến, sinh năm Quý Mùi (1463), người làng Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 28 tuổi, ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1440) đời Lê Thánh Tông, là thành viên Hội Tao đàn và từng được cử đi sứ nhà Minh.

Đàm Thận Huy làm quan cho 6 đời vua Lê: từ Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Ông làm quan đến chức Đại thần, từng được giao nắm giữ các chức vụ quan trọng: Thượng Thư bộ Hình, Thượng Thư bộ Lễ, tước Lâm Xuyên hầu, rồi cầm đầu phái bộ nhà Lê đi sứ nhà Minh. Ở nhiệm vụ nào, Đàm Thận Huy cũng thể hiện tài năng mẫn cán, hoàn thành xuất sắc công việc được giao, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng cho nhà vua và triều đình.
Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Đàm Thận Huy khởi binh ở vùng Bắc Giang chống lại nhà Mạc, nhưng vì thế lực yếu nên ông đã cùng hai học trò là Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Hữu Nghiêm uống thuốc độc tự tử. Người đời ca ngợi cho là tiết nghĩa tụ họp ở cả một cửa.
Nguyễn Nghiêu Tư (1383 – ?)
Nguyễn Nghiêu Tư tên hiệu là Tùng Khê, tên tự là Quân Trù, người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Hiền Lương, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Ông đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông.
Xuất thân nhà nghèo nhưng từ nhỏ Nguyễn Nghiêu Tư đã rất chăm học và nổi tiếng thông minh. Năm lên 4 tuổi nghe người lớn ngâm thơ một vài lần là ông đã thuộc lòng. Lúc lên 8 tuổi ông được cha mẹ cho đi học, mặc dù học muộn hơn chúng bạn nhưng tiếp thu bài nhanh, học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép chuyên cần.

Năm 66 tuổi, Nguyễn Nghiêu Tư đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời Lê Nhân Tông, trở thành vị Trạng nguyên cao tuổi nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Nguyễn Nghiêu Tư làm quan đến chức Hàn Lâm Trực học sĩ, rồi làm An phủ sứ Tân Hưng. Khi Lê Nghị Dân chiếm ngôi, ông được cử đi sứ nhà Minh, về nước được thăng chức Thượng thư, chương Hàn lâm viện. Tác phẩm để lại của hai bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”. Cuộc đời làm quan của Nguyễn Nghiêu Tư đã để lại nhiều giai thoại về tài ứng đối trong ngoại giao với quan lại nhà Minh và sứ thần các nước.
Đền thờ Nguyễn Nghiêu Tư ở thôn Hiền Lương (đền quan Trạng) đã được nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa.
Huyền Quang (1254 – 1334)
Huyền Quang tên là Lý Đạo Tái, trong một gia đình quan lại thời Lý, quê thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (thời Trần thuộc hương Vạn Tải, đến thời Lê thuộc xã Vạn Tư).
Lý Đạo Tái sinh năm Giáp Dần (1254), thuở nhỏ nổi tiếng thông minh hiếu học. Năm 20 tuổi đỗ Hương cử; năm 21 tuổi đỗ đầu khoa Đại tỷ thủ sỹ, niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), tức Trạng nguyên. Ông được cử vào làm việc ở Viện Hàn lâm. Vua Trần thấy ông là người tài năng đức độ, đỗ đạt cao, muốn gả công chúa Liễu cho nhưng ông không nhận.

Khi còn làm quan, trong một lần Lý Đạo Tái theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, ông thấy có nhiều điểm tâm đắc, liền xin triều đình cho xuất gia tu hành.
Huyền Quang không chỉ là “Trúc Lâm đệ tam cổ”, ông còn là một nhà thơ lớn thời Trần. Theo “Việt Âm thi tập” và “Toàn Việt thi lục”, Huyền Quang có tập thơ “Ngọc Tiên”, bài phú “Vinh chùa Hoa Yên” cùng 24 bài thơ chữ Hán đã phản ánh những xúc cảm sâu sắc, lòng yêu thiên nhiên, đất nước tha thiết cùng những triết lý nhân sinh giàu chất nhân văn
Vũ Ngọc Phan – Danh nhân văn hóa Bắc Ninh được đặt tên đường ở ba thành phố lớn Việt Nam
Danh nhân văn hóa Vũ Ngọc Phan (1902 – 1987) là một nhà văn hóa lớn, một trí thức yêu nước. Nhà văn đã để lại khối lượng đồ sộ, hơn 10.000 trang tác phẩm. Tiêu biểu là các tập” Nhà văn Việt Nam hiện đại”, “Tục ngữ ca dao Việt Nam”… Vũ Ngọc Phan được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng đã có đường mang tên Vũ Ngọc Phan. Gia đình ông là gia đình văn hóa lớn có những đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Được biết, ông nội của nhà văn là cụ Vũ Cẩn, đỗ cử nhân triều Nguyễn, làm chức Thị lang triều Nguyễn, Đốc học Bắc Ninh. Khi cụ mất hàng ngàn học trò đưa tang, áo tang trắng cả một vùng đồi Nác, nay thuộc phường Đại Phúc thành phố Bắc Ninh. Mộ cụ Vũ Cẩn vẫn còn địa điểm cũ, tại sân trường Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Người cha của nhà văn là cụ Vũ Kì Sâm (1009 -1028), đỗ tú tài làm đến huấn đạo Phủ Cừ, Hưng Yên.
Vũ Ngọc Phan, thuở nhỏ theo học chữ Hán sau chuyển sang học chữ Pháp. Năm 1929, Vũ Ngọc Phan đỗ Tú tài toàn phần, được Toàn quyền Pháp bổ làm quan, nhưng ông không nhận mà chọn nghề viết văn, làm báo, dạy học để nuôi gia đình, một gia đình đông đúc gần 20 thành viên. Năm 1930, ông là dịch giả đầu tiên dịch bộ Tư bản của Karl Mark ra tiếng Việt. Ông cùng Phan Bôi, Hoàng Hữu Nam viết hai tập sách “Những trận đánh Pháp”.
Vũ Ngọc Phan kết hôn với nữ thi sỹ Hằng Phương, đều tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa trong Mặt trận dân chủ Đông Dương và hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (1936 -1939) cùng với Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp. Bà Hằng Phương là 1 trong 5 người thành lập hội Phụ nữ cứu quốc, tiền thân của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.