Nếu bạn coi trọng chính sách quốc phòng, bạn sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi nguồn tài chính khan hiếm của đất nước bị lãng phí vào những thương vụ mua sắm vũ khí chẳng giúp ích gì nhiều cho an ninh quốc gia mà chỉ nuôi sống một bộ phận cử tri, một ngành công nghiệp hoặc ve vuốt cái tôi của các sĩ quan quân đội.
Thế thì bạn nên mừng rằng bạn không phải là người Hàn Quốc, vì quốc gia đó hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh kinh thiên động địa: bị quân đội hơn 1 triệu người xâm lược, pháo kích hàng loạt vào thủ đô của mình và thậm chí là tấn công hạt nhân. Thế nhưng mới đây người ta đề xuất mua sắm cái gì? Một tàu sân bay — một hố sâu vô nghĩa mà Hải quân Hàn Quốc hy vọng nước này sẽ rót khoảng 5 tỷ đô la Mỹ vào đó.
Và nếu bạn không phải là người Mỹ, bạn cũng nên mừng vì điều đó, vì Mỹ đã gián tiếp tài trợ cho những chi tiêu lãng phí như vậy, trả hàng tỷ đô la mỗi năm để bảo vệ Hàn Quốc khỏi Triều Tiên trong khi các quan chức và nhà công nghiệp ở Seoul chuyển ngân quỹ trong nước sang các dự án quốc gia với mục đích phù phiếm, chẳng hạn chế tạo máy bay chiến đấu bản địa (về cơ bản, một chiếc Boeing F / A-18E / F Block II Super Hornet được sáng tạo lại sẽ được chế tạo 21 năm sau khi phiên bản gốc ra đời), một bệ phóng không gian sẽ khó được sử dụng và một máy bay trực thăng tấn công với thiết kế cồng kềnh nửa mùa để đáp ứng yêu cầu của dự án là có thể chuyển sang phiên bản dân sự.
Lý do chính của hải quân Hàn Quốc khi đóng tàu sân bay là thực hiện các hoạt động hải quân độc lập, không cần sự hỗ trợ của không quân từ đất liền khi chống lại các mối đe dọa không tên trong hiện tại và trong tương lai. Bộ quốc phòng đang gọi con tàu là ‘CVX’ (trước đây là ‘LPX-II’). Nó sẽ được trang bị các máy bay Lockheed Martin F-35B Lightning, có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Trong trường hợp chiến tranh với Triều Tiên, lời biện minh trên đây là vô nghĩa, bởi vì bán đảo Triều Tiên quá nhỏ nên các máy bay chiến đấu trên bộ thực sự có thể che chắn cho các tàu của hải quân, đặc biệt là với sự hỗ trợ của các phương tiện tiếp nhiên liệu. Ngoài ra, tất cả các mục tiêu của Triều Tiên đều nằm trong phạm vi tấn công của máy bay chiến đấu của các căn cứ không quân Hàn Quốc, do đó, một căn cứ di động tốn kém trên biển là không cần thiết.
Nếu mối đe dọa không tên trong tương lai là Trung Quốc hoặc Nhật Bản, thì việc đóng tàu CVX thậm chí còn ít ý nghĩa hơn, bởi vì nó rất dễ bị tấn công bởi tên lửa, máy bay và tàu ngầm.
Những lý do thực sự ấu trĩ khiến Hàn Quốc mua tàu sân bay đều quá đơn giản:
Một là các sĩ quan hải quân yêu thích tàu lớn và đặc biệt tự hào về hàng không mẫu hạm. Hai là mong muốn sánh ngang hoặc vượt qua Nhật Bản (đây là lý do cố hữu quen thuộc với mọi nhà quan sát các chương trình công nghệ và quốc phòng của Hàn Quốc).
Động lực thúc đẩy đóng con tàu này đã mạnh thêm lên ngay sau khi có các thông tin năm 2017, rằng Nhật Bản sẽ điều chỉnh hai tàu sân bay trực thăng để vận hành máy bay F-35B. (Nhật Bản cũng có rất nhiều chương trình bản địa tốn kém và đáng nghi ngờ về tính hợp lý, nhưng việc điều chỉnh khả năng thích ứng của các tàu sân bay trực thăng – một việc không tốn kém nhiều – không phải là một trong số đó. Và Nhật Bản có lý do để đưa F-35B ra biển: phòng không trên Thái Bình Dương.)
Tàu sân bay của Hàn Quốc cho đến nay vẫn đang đi theo con đường quen thuộc đối với các vụ mua sắm có vấn đề ở nước đó: hàng thập niên tăng cường vận động cuối cùng đã đạt được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng, nhưng cùng với đó là sự chỉ trích gia tăng và vẫn không được quốc hội thông qua. Sau giai đoạn này trong một chương trình như vậy, người ta chứng kiến nhiều bước lùi nhưng vẫn không ngừng vận động cho đến khi, hầu như luôn luôn, một ngân sách về mua sắm lại được phân bổ đầy đủ.
Vì vậy, chương trình tàu sân bay CVX chắn chắn sẽ được thực hiện. Bộ Quốc phòng đang lên kế hoạch tài trợ đầy đủ bắt đầu từ năm 2022 và con tàu đi vào hoạt động vào năm 2030.
Năm ngoái Bộ Quốc phòng đã yêu cầu quốc hội chi 10,1 tỷ won (9 triệu đô la) để thực hiện công việc sơ bộ về dự án này vào năm 2021; thay vào đó, Bộ đã nhận được 100 triệu won (89.000 đô la) để trả cho một nghiên cứu khả thi, sẽ được chuyển giao vào tháng 8. Vì cơ quan mua sắm của Bộ sẽ đưa ra báo cáo, nên rất có khả năng nghiên cứu sẽ kết luận rằng dự án là chính đáng, đáng mong đợi và nhìn chung là một ý tưởng vui vẻ.
Bộ Quốc phòng cho biết con tàu sẽ tiêu tốn khoảng 2,03 nghìn tỷ won (1,8 tỷ đô la). Con số này không bao gồm việc chi trả cho 20 chiếc F-35B cần có để hoạt động trên biển. Con tàu cũng cần máy bay trực thăng, vì vậy tổng chi phí sẽ là khoảng 5 tỷ đô la. (Không quân Hàn Quốc không muốn có F-35B vì họ đã mua 40 chiếc F-35A, được thiết kế cho đường băng bê tông và muốn mua thêm 20 chiếc nữa phiên bản thông thường và mạnh hơn).
Để quốc hội chuẩn thuận, hải quân mô tả CVX là một tàu sân bay hạng nhẹ, mặc dù nó không hề nhẹ. Tại một cuộc hội thảo ngày 4 tháng 2, hải quân cho biết lượng choán nước không tải của nó sẽ thuộc loại 30.000 tấn, có thể hiểu là bất cứ thứ gì lên tới 39.999 tấn. Vì chiều dài sẽ là 265 mét và chiều rộng sẽ là 43 mét, lượng choán nước đầy tải ắt hẳn là 50.000 tấn.
Không đoàn sẽ bao gồm 12 chiếc F-35B và 8 máy bay trực thăng, hoặc 16 chiếc F-35B và 4 máy bay trực thăng — không nhiều, nhưng hải quân có lẽ đang để lại không gian cho nhiều máy bay F-35B hơn mà họ hy vọng chính phủ sẽ mua sau này.
Ý tưởng CVX mới nhất, do Hyundai Heavy Industries chuẩn bị, có hai đảo, theo cấu hình của hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Một trong số những ưu điểm là tách động cơ đẩy với máy móc về điện. Thật vậy, tờ Aviation Week đưa tin rằng tập đoàn chế tạo tàu Queen Elizabeth của Anh đề xuất cung cấp dữ liệu kỹ thuật về thiết kế của họ cho chính phủ Hàn Quốc và các nhà máy đóng tàu.
Ý tưởng của Hàn Quốc cũng bao gồm một radar hoạt động ở dải X và S, một bệ phóng thẳng đứng 32 ô mang tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm xa bản địa, và một khẩu súng bắn nhanh để chống tên lửa giai đoạn cuối. Tất cả các hệ thống này sẽ được phát triển trong nước và tất cả, ở các mức độ khác nhau, sẽ là những phát minh lại của những gì đã có sẵn.
Chủ nghĩa dân tộc giúp thúc đẩy các chương trình công nghệ của Hàn Quốc. Trên thực tế, có một từ để chỉ hiện tượng đó: “chủ nghĩa công nghệ dân tộc”. Đề xuất về tàu sân bay đã đẩy chủ nghĩa công nghệ dân tộc đến những giới hạn mới. Sự phản đối đề xuất tàu sân bay này không chỉ xuất hiện tại quốc hội – chẳng hạn, hai chính trị gia, các tướng lĩnh đã nghỉ hưu của quân đội, nói rằng thay vì đóng tàu sân bay, nên chi tiền cho máy bay F-35A hoặc tàu khu trục phòng không Aegis.
Sự nghi ngờ cũng được bày tỏ khi hải quân đăng một đoạn video về cuộc hội thảo hồi tháng Hai trên YouTube. Trong vòng ba giờ, một loạt các lời chỉ trích đã xuất hiện trong phần bình luận. Lực lượng hải quân đã nhanh chóng xóa video — nhưng video hiện đã được sao lưu lại với chức năng bình luận bị tắt.
Lược dịch từ:
South Korea aims to build aircraft carrier the country doesn’t need
Bradley Perrett