Drama sách giáo khoa lịch sử Nga

Dành cho bạn nào hôm qua hỏi “nước mình dạy lịch sử thế này, nước Mỹ dạy ra sao?”. Tớ không có cơ may được biết bên Mỹ dạy thế nào, nhưng xin mở rộng câu hỏi thành “nước khác dạy thế nào?”, ví dụ ở Nga.

Ở Nga trước đây, dù dân số chỉ gấp rưỡi Việt Nam nhưng số đầu sách lịch sử dùng để giảng dạy gấp khoảng… 60 lần! Chính xác thì các lớp khác không rõ, nhưng trong trả lời phỏng vấn trực tuyến toàn dân năm 2013, tổng thống Putin chỉ trích rằng ” Năm ngoái, chúng ta có 41 phiên bản sách giáo khoa cho lớp 10, và bây giờ đã có 65 phiên bản”.

Đó chính mấu chốt vấn đề muốn nói ở đây. Không giống như Việt Nam, sách giáo khoa giảng dạy ở một số nước không cần phải thống nhất. Tùy theo nhu cầu giảng dạy, các trường có thể tự chọn đầu sách giáo khoa mà họ thấy phù hợp nhất. Các đầu sách này chủ yếu về khối lượng sự kiện và cách phân chia nội dung, không khác nhau nhiều về quan điểm, tư tưởng. Tính đa dạng giáo dục này đã được người Nga các phụ huynh, học sinh Nga làm quen, thích nghi và tán thưởng hơn 20 năm.

Thế nhưng vào năm 2013, tổng thống Putin muốn thay đổi điều này. Ông muốn học sinh Nga học một giáo trình lịch sử duy nhất trên toàn quốc gia. Ngoài chuyện sách giáo khoa quá nhiều, người ta cũng nói rằng có nhiều tư tưởng “không phù hợp” do chịu chi phối quá lớn từ ý thức hệ. Ví dụ, một điều mà Putin từng nói qua khi khánh thành tượng đài tưởng niệm Thế chiến thứ nhất: việc đánh giá lệch lạc về Thế chiến thứ Nhất – ảnh hưởng từ thời Xô Viết coi Thế chiến thứ Nhất mà Nga tham gia là “chiến tranh đế quốc phi nghĩa” và coi thường chủ nghĩa anh hùng Nga trong cuộc chiến.

Do vậy năm 2013 Tổng thống yêu cầu thống nhất lại một bộ sách giáo khoa duy nhất. Qua đến giữa năm sau, tức 2014, thì xảy ra vụ Crimea, Tổng thống lại chỉ thị bổ sung thêm phần lịch sử của Crimea vào sách. Nếu hoàn thành, cuốn sách giáo khoa duy nhất của Nga dự tính gọi là “Единый учебник истории” – “Sách giáo khoa Lịch sử Thống nhất”.

Nhưng cuối cùng, mọi chuyện ra sao? Nó thành công lưng lửng. Tổng thống muốn giảm số lượng sách quá lớn từ 70 xuống 1. Có giảm, giảm nhiều, nhưng không thể là 1.

Các sử gia và giáo viên đã liên tục chỉ trích yêu cầu của Tổng thống và coi nó là “bất khả thi”. Những lập luận như “lịch sử luôn mang tính chủ quan”, ““bịa đặt nhưng đúng về mặt ý thức hệ”, “lịch sử biến thành một danh sách các sự kiện huyền thoại dân tộc anh hùng”,… được đưa ra để phản đối ý tưởng Sách giáo khoa Lịch sử Thống nhất.

Do đó, cuối cùng vào năm 2016, sau thời gian 3 năm làm việc, các bộ sách Giáo khoa của Nga vẫn không được thống nhất. Nhưng số dòng sách giảm sâu xuống còn chỉ 3 dòng, của 3 nhà xuất bản:

-Nhà xuất bản Khai sáng (hoặc Giáo dục tùy cách dịch – Просвещение): trước đây là nhà xuất bản sách Lịch sử độc quyền ở Liên Xô. Từ năm 2016 họ xuất bản dòng sách ХОРОШО ЗАБЫТОЕ СТАРОЕ – Những chuyện xưa cũ ngọt ngào!

-Nhà xuất bản Drofa (ДРОФА): từ năm 2016 xuất bản dòng sách ИСТОРИЯ ЛЮДЕЙ – Lịch sử nhân loại!

-Nhà xuất bản Lời Nga (РУССКОЕ СЛОВО): từ năm 2016 xuất bản dòng sách СТАРЫЕ ФАКТЫ НОВЫМИ СЛОВАМИ – sự kiện cũ trong ngôn ngữ mới!

Thêm vào đó, dòng thời gian trong các dòng sách cũng sẽ được thống nhất giữa 3 dòng, để đảm bảo học sinh cùng cấp độ sẽ có kiến thức tương đương nhau. Cụ thể, lịch sử ở Nga được học từ lớp 5 tới 10, chia làm 2 phần: Lịch sử Đại cương và Lịch sử nước Nga.

-Lớp 5: chỉ học lịch sử Đại Cương, về thế giới cổ đại.

-Lớp 6: sử Đại Cương học lịch sử Trung Đại. Sử Nga học tới thời Ivan Đại Đế.

-Lớp 7: sử Đại Cương học tới thời Phục hưng. Sử Nga học tới hết Thời đại Loạn lạc (tức là lúc đánh đuổi được quân Ba Lan khỏi Moscow).

-Lớp 8: sử Đại Cương học thời cận đại châu Âu và Mỹ. Sử Nga học từ Peter Đại Đế tới Pavel I.

-Lớp 9: sử Đại Cương học một phần châu Âu (tập trung vào Napoleon), còn lại học sử châu Á. Sử Nga học 4 vị hoàng đế  Alexander I, Nicholas I, Alexander II và Alexander III.

-Lớp 10: sử Đại Cương học thời hiện đại. Sử Nga học thời Liên Xô và Liên bang Nga.

Tóm lại học sinh Nga học lịch sử thời gian ngắn hơn và không trùng lặp như học sinh Việt Nam. Mấy chuyện bàn luận bản chất lịch sử, kiểu “thế này là xâm lược, thế này là mở cõi, thế này là khai sáng blah….” không biết trên lớp giáo viên có nói không, chứ trong sách thì không thấy.

Ảnh: dòng sách giáo khoa lịch sử của nhà xuất bản Drofa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *