Đóng vai nạn nhân từ lâu đã trở thành chiêu bài xử lí khủng hoảng truyền thông có vẻ như cực kì hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Từ những người nổi tiếng đổ lỗi cho quản lí, hacker, con nuôi, cho đến những người bình thường như chúng ta cũng sẽ tìm cách để biến mình thành nạn nhân trong một bê bối nào đó, hòng kéo lại sự đồng cảm và từ đó dẫn đến “chiến thắng”. Theo lẽ thông thường, những “nạn nhân” này thường bị tác động bởi các yếu tố hoặc thế lực thù ghét nào đó bên ngoài hãm hại. Và họ sẽ chuyển từ người bị hại/thủ phạm gây ra sự việc, thành người đáng thương trong hoàn cảnh đó. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tránh rơi vào trò dắt mũi của những người này.
1. Vai nạn nhân (Victimhood)
Nếu đã hiểu được khái niệm “đóng vai nạn nhân” – khi một người đổ lỗi cho các hoàn cảnh xung quanh để khiến bản thân trở thành người bị hại, chúng ta cần lưu ý các dấu hiệu mà mình gọi là concept (hoặc trò chơi tâm lý) sau:
Những người đóng vai nạn nhân thường sẽ cố gắng biến mình thành một người rơi vào tình cảnh éo le, ngặt nghèo, bị hại. Từ đó chúng ta có concept được gọi là Poor Me. Poor me xuất hiện khi một người cố tình từ chối các sự giúp đỡ từ những người khác, và chăm chăm vào vấn đề không thể giải quyết của mình, nhằm thu hút sự đồng cảm, thương hại hoặc thông cảm cho những việc họ phải làm.
- Những câu nói điển hình như “mày không là tao sao mày hiểu được”, “có ai muốn phải làm vậy đâu?”, “tao đâu còn cách nào khác?”,… là dấu hiệu cho nạn nhân sử dụng concept poor me.
Concept này sẽ dẫn đến một concept khác, là “Nhưng mà…”. Nhưng mà cũng là concept nhằm từ chối sự giúp đỡ, xuất hiện khi nạn nhân đồng ý với tình huống người giúp đỡ đưa ra, nhưng đồng thời đưa một lí do khác để bác bỏ nó. Các concept về từ chối giúp đỡ có mục đích hoặc là tìm kiếm sự chú ý, đồng cảm, hoặc là để tìm kiếm sự giúp đỡ dài hạn từ những người nỗ lực cứu vãn cho nạn nhân.
Nạn nhân có thể dùng những mánh khác mà mình gọi là concept Tuyệt vọng, vì nạn nhân sẽ đóng vai người rơi vào tình huống tuyệt vọng đồng thời kéo người khác vào cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng theo. Một trong những trò này phổ biến là “No One Cares”, nhằm chỉ ra tình trạng người đó bị bỏ rơi và cô lập trong hoàn cảnh đó như thế nào. Thường thì các trò này sẽ nhắm tới một nhóm đối tượng mới so với những người đã tham gia trực tiếp vào sự việc.
- Ví dụ, anh H bị tố cáo quấy rối và tình dục hóa phụ nữ ở một group D, nhưng khi sang group M, anh H sẽ thu thập, cắt xén, loại bỏ các bằng chứng và bằng cách đó, anh H trở thành một nạn nhân bị group D vu khống mà không một ai quan tâm đến những việc tốt hay sự trong sáng của anh.
Một concept tương tự là “Xin lỗi”, khi nạn nhân tỏ ra yếu đuối và dễ tổn thương nhằm kéo những người khác vào vị trí nạn nhân vì không giúp được họ trong hoàn cảnh đó, buộc những người không liên quan có trách nhiệm “giải cứu” họ.
2. Thiết lập hoàn cảnh
Thiết lập hoàn cảnh sẽ xảy ra khi một người tận dụng các lỗ hổng hoàn cảnh xung quanh để tăng tính thuyết phục cho câu chuyện nạn nhân. Các chiêu trò này thường hoặc là cắt xén bối cảnh, hoặc là thay đổi môi trường/nhóm “đối tượng”, hoặc tìm kiếm bất lợi trong hoàn cảnh có sẵn.
- Ví dụ, anh H có thể đổ lỗi cho việc ở trong một group NSFW (not safe for work) nên mới “buộc” phải nói những chuyện như vậy để hòa nhập. Anh H cũng có thể viện dẫn các cơ như ngày xưa không có bạn nên không muốn bỏ lỡ, hoặc thiếu thốn tình cảm,… Nhìn chung, thiết lập hoàn cảnh sẽ đưa nạn nhân vào một bối cảnh bất lợi nhất định, thúc đẩy động cơ buộc nạn nhân phải thực hiện các sự việc như vậy. Một ví dụ khác là người bạn trai to tiếng và tát vào mặt bạn gái mình, nhưng sau đó anh đổ lỗi do công việc hà khắc khiến anh nông nổi. Hay một sinh viên chịu điểm thua thiệt rồi đổ lỗi do dân quê lên thành phố, không có mối quan hệ sẵn.
Một hoàn cảnh thiết lập khác là khi nạn nhân thay đổi đối tượng mình đang nói. Khi đó, câu chuyện sẽ trở thành “truyện tường thuật” được kể dưới góc nhìn của nạn nhân. Nạn nhân có thể tùy ý lựa chọn từ ngữ, lèo lái câu chuyện sao cho theo hướng có lợi nhất về mình (ví dụ như concept về tuyệt vọng ở trên).
- Ví dụ khác là một anh mình sẽ tạm gọi là Yeolure, luôn than phiền rằng đất nước Việt Nam anh sống quá nghèo đói, lạc hậu, chính phủ thì ngu si, nên dân mới không ủng hộ anh, không donate cho anh. Nếu anh bô bô chuyện đó với những quốc gia khác, có thể họ sẽ tin anh. Nhưng do chúng ta thừa biết toàn bộ vấn đề, chúng ta lại những lỗ hổng trong lời nói của anh.
Và những thiết lập hoàn cảnh có xu hướng dẫn đến “Tẩy trắng”. Tẩy trắng xuất hiện khi nạn nhân gột bỏ hoàn toàn những gì mình đã làm, để bước sang một trang mới. Tẩy trắng sẽ kết hợp với tâm lí “vai trò nạn nhân” và “thiết lập hoàn cảnh” để viết lại quá khứ. Thường thì với những tay to mặt lớn, chiêu bài tẩy trắng phổ biến nhất là dùng tiền bịt hết các nguồn thông tin và xóa đi các chứng cứ, rồi để mọi thứ chìm vào quên lãng. Những dân thường như nhân vật mình ví dụ, anh H, sẽ có xu hướng xóa toàn bộ bài viết, block những người đã tham gia sự việc, hay thậm chí tạo cả một tài khoản khác. Những hành động đó sẽ xóa bỏ dấu tích của nạn nhân, và câu chuyện theo sau đó ngay cả từ những nạn nhân thực sự, cũng sẽ bị thiếu chứng cứ. Do đó, những người đóng vai nạn nhân mặc sức viết lại câu chuyện theo hướng có lợi cho mình (xem ví dụ về xương quai xanh).
3. Xử lí
Hầu hết những người đóng vai nạn nhân luôn vi phạm các lỗi về tư duy ngụy biện.
- Ví dụ, anh L đã chiếm dụng một khoản tiền của công ty gửi để mua hàng, nhằm dùng cho mục đích cá nhân mà không giải trình. Khi bị chất vấn, anh bảo do anh bị bệnh nên không thông báo hay mua sắm gì được, và anh có 30 năm làm tại công ty nên mọi người hãy tin anh. Anh L đã dính phải lỗi ngụy biện cá trích đỏ (ngụy biện khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng, hay làm dừng cuộc tranh luận) khi đề cập lí do anh phải trị bệnh mà không đi mua hàng hay chí ít là giải trình, cũng như ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (khi đề cập đến 30 năm làm cho công ty, vì việc 30 năm làm nghề và chuyện ăn chặn nó không liên quan).
Tương tự, những cách để tránh bị dắt mũi bởi những kẻ đóng vai nạn nhân, mọi người cần chú ý những điểm bất hợp lí trong logic lời nói nhằm không rơi vào các bẫy tâm lí dựng sẵn.
Một lẽ khác, thông thường việc “thần tượng” một ai đó dễ khiến chúng ta mặc nhiên họ là người tốt (Halo effect – Hiệu ứng hào quang, và Confirmation bias – Thiên kiến xác nhận). Từ đó những người này thường có tâm lí bênh vực cho người họ yêu quý. Cùng với những trò tâm lí lôi kéo sự đồng cảm và thao túng hoàn cảnh, rất dễ để các “nạn nhân pha kè” này thu hút sự chú ý từ đám đông và từ đó thay đen đổi trắng.
Hy vọng bài viết dài vl này sẽ giúp các bạn tỉnh táo hơn trước những kẻ thích làm nạn nhân ngoài kia, cũng như tránh bị dắt mũi rồi lại bất ngờ ngỡ ngàng ngơ ngác và bật ngửa trước cái dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu diếm của những kẻ lạ ngoài kia.
Nguồn: RVN