doi-thoai-cung-cap-thong-tin-moi-ve-quan-ly,-cap-phep-lao-dong-nuoc-ngoai-tai-viet-nam

Đối thoại cung cấp thông tin mới về quản lý, cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam

Nhiều điểm mới liên quan tới tuyển dụng cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam

Chiều nay (16/10), lãnh đạo Cục Việc đã đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) để chia sẻ kiến thức chuyên môn về việc thực hiện Nghị định 70 (Nghị định sửa đổi Nghị định 152 về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam).

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Hải Minh – Phó chủ tịch EUROCHAM khẳng định công tác quản lý, cấp giấy phép cho lao động nước ngoài là vấn đề rất quan  trọng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay Việt Nam đang tăng tốc để phát triển, cần thu hút nhiều vốn đầu tư vì thế cũng là thời điểm quan trọng để thu hút nguồn lao động nước ngoài có chuyên môn, kỹ thuật.

lao động nước ngoài tại Việt Nam

Ông Nguyễn Hải Minh – Phó chủ tịch EUROCHAM cho biết vấn đề quản lý lao động nước ngoài được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: N.T

Tháng trước Hiệp hội EUROCHAM đã có buổi thảo luận với Thủ tướng về vấn đề này. Nghị định 70 là thành quả của những buổi làm việc đó. Ông Minh hy vọng, buổi đối thoại hôm nay sẽ góp phần đưa nội dung của nghị định vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp hiểu, có kiến thức khi triển khai các công việc tuyển dụng, xin giấy phép cho lao động… nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm cho biết đây là một hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp. “Bất cứ lúc nào doanh nghiệp hoặc hiệp hội có nhu cầu đối thoại thì chúng tôi luôn sẵn sàng, sắp xếp”, ông Bình khẳng định.

Ông Bình cũng cho biết, vấn đề quản lý lao động nước ngoài là vấn đề Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm. Trong các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, Quốc hội đều xác định lao động nước ngoài là thành phần quan trọng trong thị trường lao động Việt Nam.

Quan điểm xuyên suốt là lao động nước ngoài cũng như lao động trong nước, không có sự phân biệt.

Ông Bình cũng cho biết, ngay thời điểm khi dịch Covid-19 xảy ra, Cục cũng đã tham mưu cho Bộ ban hành Nghị quyết 30, giảm nhiều thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài. Sau này, Bộ LĐTBXH cũng cố gắng tiếp thu nhiều nội dung từ nghị quyết để đưa vào Nghị định 70.

“Tinh thần Nghị định 70, sửa đổi Nghị định 152 về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là mọi thủ tục hành chính được cắt giảm ít nhất có thể. Tất nhiên, cắt giảm nhưng đảm bảo quy định pháp luật và phải minh bạch cho cả lao động trong ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp”, ông Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm với cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, ông Bình mong muốn cộng đồng doanh nghiệp minh bạch, chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước để đưa chính sách vào thực tiễn.

“Hiện nay luật có quy định, ở một số lĩnh vực doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động trong nước. Khi không tuyển được mới tuyển dụng lao động nước ngoài. Để thực hiện điều này cần doanh nghiệp phải minh bạch, đăng tuyển thông tin công khai (tránh trường hợp tuyển kín chỉ để tuyển lao động nước ngoài). Quy định này này nhằm giúp lao động Việt Nam ở mọi vùng miền có thể được tham gia trường lao động. Không phải chỉ Việt Nam có quy định này, nhiều quốc gia trên thế giới cũng thực hiện như vậy”, ông Bình nói.

https://danviet.vn/xuat-khau-lao-dong-phuc-hoi-viet-nam-dua-hon-140000-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-202301070715572.htm

Ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm đối thoại cùng các doanh nghiệp Châu Âu về quản lý, cấp phép lao động ngoài nước làm việc tại Việt Nam. Ảnh: N.T

Ngoài những nội dung trên, ông Bình cho biết thêm, Nghị định 70 có nhiều điểm mới, liên quan tới việc rút ngắn thời gian cấp phép. Thủ tục cấp phép được rút ngắn, minh bạch, công khai. Lao động di chuyển trên địa bàn Việt Nam không phải cấp lại giấy phép, chỉ cần nêu cụ thể địa điểm đó là được. Đồng thời việc quản lý nhà nước cũng được tập trung về Sở LĐTBXH.

Ông Bình chia sẻ, để triển khai nghị định, Cục cũng đã tiến hành tập huấn cho các sở trong cả nước. Ngoài ra cũng tiến hành đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Doanh nghiệp quan tâm tới công việc xin cấp phép cho lao động nước ngoài

Cũng trong buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Thích – Giám đốc công ty luật chuyên tư vấn luật cho các doanh nghiệp nước ngoài đã đặt câu hỏi: “Làm trưởng văn phòng đại diện thì xin cấp phép cho lao động ở vị trí quản lý hay chuyên gia? Lao động nước ngoài làm nhiều địa điểm trong cả nước, mỗi người làm ở mỗi nơi khác nhau, xin cấp giấy phép thế nào? Thay đổi nơi làm việc thì xin cấp phép ở Sở LĐTBXH hay Cục Việc làm?”.

Ông Vũ Trọng Bình cho biết, mọi thay đổi địa điểm làm việc đều phải xin lại giấy phép lao động. Làm nhiều tỉnh, lao động cũng phải xin lại giấy phép. Việc xác nhận giấy phép, thì doanh nghiệp phải làm văn bản đề nghị Sở xác nhận.

Đối thoại thêm với doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Quyên – Phó cục trưởng Cục việc làm khẳng định: Trưởng văn phòng đại diện là vị trí quản lý không phải chuyên gia. Bà Quyên nhấn mạnh thêm, với lao động làm việc ở nhiều nơi, không cố định, chỉ ngắn ngày thì có thể làm đơn cử đi công tác. Trong trường hợp nếu lao động làm nhiều nơi thời gian dài, muốn cập nhật thì phải làm đơn lên Cục Việc làm đề nghị cấp lại giấy phép.

Báo cáo của Cục Việc làm cho biết, tính đến tháng 10/2023 cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10.458 người (chiếm 7,8% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam); Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 121.923 (chiếm 92.2%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 89.004 người và gia hạn cho 15.362 lao động, cấp lại cho 9.753 người số còn lại 7.863 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Theo báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 72% tập trung chủ yếu trong lĩnh vực như khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *