Đời Sông, Đời Người

Truyện ngắn

Út à! Má thề. Má thề là từ đây tới chết má không đặt chân lên mảnh đất của bà ngoại con nửa bước. Đời này kiếp này má con mình sống phiêu dạt lênh đênh, chừng Út lấy chồng thì Út lên bờ mà sống…

Út bưng cây đèn hột vịt ra treo trên cây sào cắm trước mũi ghe làm điểm báo. Dáng Út khom khom y như dáng má. Ở trên ghe, ít khi nào Út đi thong dong như trên bờ. Sợ ghe lắc lư. Sợ sóng to, gió lớn. Gió thổi vù vù trên sông, ngọn đèn chỉ chao đảo chứ không vụt tắt. Út ngồi xõa tóc, chải dài rồi nghiêng đầu nói với má:

– Sau này con không lấy chồng đâu. Con lấy chồng thì lấy ai đi ghe bầu bạn với má?

– Trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên gả chồng. Không chồng không con, nữa già khổ lắm Út ơi, khổ giống má…

Ừ, khổ giống má. Mười chín tuổi, vì lời hứa của người trai làng và tình yêu dài rộng như sông mà má trót trao thân cho người ta. Mấy tháng sau, má ôm bụng bầu chiều chiều ra bến sông đứng ngóng người đi biền biệt chim trời. Cô gái phơi phới thanh xuân trở thành người đàn bà vọng phu, hao mòn xuân sắc.

Má không chồng, thân cò lặn lội nuôi con. Má dặn Út mai mốt lớn lên đừng tin vào những lời đường mật của đàn ông. Út cười vì còn con nít, biết gì đâu. Má ngồi sau lái ghe, tấm lưng còng xuống. Người ta nói thời gian vô hình. Nhưng với Út, thời gian có hình thù rõ nét, có sức nặng kinh khủng. Thời gian đè lên lưng má, bào mòn chiếc ghe hai má con vượt qua sông rộng, kinh dài… Mà thời gian tô điểm cho nhan sắc của Út, y như má Út ngày trước.

Có lần Út hỏi má có ân hận vì sanh Út hay không, bởi Út biết vì sinh Út ra má mới bị người đời coi thường, bị ghẻ lạnh trong căn nhà có những người thân thương. Má vén tóc Út lên vành tai, trìu mến:

– Má chỉ ân hận vì trót tin lời người ta. Chứ Út là tất cả những gì má có. Trên chiếc ghe này nè, có lần người ta về tìm má con mình, nhận mặt Út, má đâu có cho. Người ta đã có tổ ấm, mà lòng má cũng hóa đá rồi còn gì…

Ngày má sinh Út cũng là ngày ông ngoại mất, bà ngoại đau đớn tột cùng. Rồi cậu Út cưới vợ. Vợ cậu nhà giàu nên cậu nể vợ lắm. Thường thì chị chồng ăn hiếp em dâu, nhưng với má thì ngược lại. Mợ luôn điều ra tiếng vào, rắp tâm đẩy má ra khỏi căn nhà. Ông ngoại mất để lại hai miếng đất, một miếng bên này, gọi là đất hương hỏa và căn nhà để cậu lo chuyện khói hương. Còn phần đất bên kia sông, ông ngoại có dặn muốn để làm vườn cũng được, bán đi cũng được. Bà ngoại định bụng cho má miếng đất bên kia sông để dựng nhà, mai này Út lớn, có nhà cửa, ruộng vườn, lấy chồng, bên chồng không khinh khi.

Đời má sẽ không lênh đênh trôi dạt nếu buổi chiều hôm ấy cậu mợ không đem chuyện di chúc của ông ngoại ra mà đuổi má đi khỏi nhà, bởi trong lời dặn của ông ngoại, phần đất bên kia sông tiệt nhiên không thuộc quyền sở hữu của má. Mợ đứng ngoài sân thúc giục, cậu miệt thị má không chồng mà có con, rồi vô thức ném cây dao lụt vào người má. Má không bị thương, nhưng với má, cây dao đó đã cắt đứt tình chị em máu mủ ruột thịt. Má khóc ròng, tóc má xòa ra. Má quỳ xuống trước mặt bà ngoại mà nói rằng:

– Má ơi, con thề… thề là ngày nào con còn sống, con không đặt chân lên mảnh đất mình nửa bước.

– Hai, con đi đâu, đừng bỏ má mà Hai… – Ngoại van xin, mắt ngoại kèm nhem, ròng ròng nước.

– Đi đâu cũng được, đất rộng sông dài, con thương má nhưng con không thể sống cùng má, đời khổ cực, là do con, con tự gánh chịu. Má ơi! Con đi, đừng buồn nghen má.

Đời sông như đời người trên sông, ai đó nói vậy. Ghe là nhà, sông nước đâu đâu cũng là quê hương của má, của Út. Đôi lần nhìn đàn vịt lội sông chiều ngược đường về tổ ấm, má khóc. Má với Út cứ lang thang mãi vậy, biết chừng nào mới được nghỉ chân. Má chọn kiếp sống lang bạt kỳ hồ để không phải tranh giành, bon chen cực nhọc. 

Thương là thương cho Út, mới tí tuổi đầu đã theo má trôi dạt khắp nơi. Về ngang qua làng, má ngó lên mà nhìn bóng ngoại từ xa. Không thấy cậu mợ ở nhà má mới neo ghe lại bến sông rồi biểu Út lên nhà dắt ngoại xuống ghe. Lần nào ngoại cũng khóc. Nước mắt đắng chát.

               * * *

Út đòi ở vậy với má, dẫu sao Út cũng quen sông nước, quen mùi phù sa, quen những cơn mưa trái mùa và những đêm trăng hiền từ rọi xuống mũi ghe vàng chóe. Má ngồi quấn tóc. Tóc má bạc theo thời gian, giờ chỉ còn một lọn chút xíu. Còn tóc Út thì dày, mềm và mượt hẳn ra. Út hay nói với má:

– Không chồng sướng quá má ha. Không phải khổ cực, không sợ người ta hành hạ, đánh đập mình, cũng chẳng phải xa chiếc ghe quen thuộc này, xa sông, xa má.

Má cười cười hiền lành:

– Út nói vậy chứ má biết hết, Út à! Má cũng trải qua thanh xuân, sao má không biết Út đang nghĩ gì cho được?

Út cúi mặt. Là con gái ai chẳng ước ao một lần được yêu thương, được bảo bọc, nâng niu. Tình yêu vốn là khát vọng muôn thuở của loài người, Út cũng không ngoại lệ.

Mới đó đã hơn chục năm kể từ ngày má con Út xuống ghe. Ngoại cũng về với đất, hôm ngoại mất, má không hay. Lần về ngang xóm nghe người ta nói má mới biết, đêm đó, lần đầu tiên má phá vỡ lời thề len lén đặt chân lên mảnh đất quê, ra mộ ngoại quỳ cho đến khi trời sắp sáng, má mới xuống ghe giật máy, chạy đi.

Đêm mưa, dòng sông thênh thang, bóng tối phủ trùm khắp con sông lạ và rộng rãi. Ghe má con Út vừa đến đây thì trời sụp tối, Út quyết định tấp ghe vào tán lá dừa nước đợi hừng đông hẳn đi, đêm sông nguy hiểm trăm bề. Út lúi húi dọn cơm, má ngồi xua muỗi, rồi hai má con cùng ăn trong khoang ghe. Bỗng nghe ai la thất thanh, ngay sau đó là tiếng hỗn độn, sóng dào dạt sóng. Út ghé đầu ra khỏi mui ghe ngóng nhìn, ngoài kia tăm tối quá, Út chẳng thấy gì ngoài ngọn đèn loe hoe trước mũi ghe và ánh đuốc lập lòe cháy rực. Tàn đuốc rớt xuống nước kêu xèo xèo. Đoán biết chuyện chẳng lành, Út gieo mình xuống dòng nước lạnh và đang chảy nhanh, lội dần dần ra cho đến khi tay Út chạm được đến chiếc ghe của người lạ. Út nín thở, cố lấy sức bình sinh nắm một bên ghe lội chiếc ghe lật úp xuống sông. Đám người xấu gây ra vụ việc vẫn ngụp lặn trong dòng nước…

Út dẫn chiếc ghe vừa bị cướp vào đậu cạnh ghe mình, giữa rừng lá dừa nước ven sông. Đời đi ghe tôi luyện cho Út khả năng bơi lội như con cá. Khi chiếc ghe tiến đến gần ghe má, lúc này má mới kịp nhận ra người trên ghe không ai khác mà là vợ chồng cậu mợ. Má không nói gì, bởi lòng dạ má đang bề bộn. Nước mắt má trào ra, má mím môi để tiếng nấc không bật lên thành lời, rồi má nói gọn:

– Út, nhổ sào, đi con!

Má muốn đi, đi như cách đây mấy chục năm má từng dẫn Út rời bỏ. Đi vì lòng giận hờn dâng lên mạnh mẽ như con sóng. Việc má cần làm lúc này chính là đi.

Nhưng, từ bên ghe kia, cậu bước qua quỳ phủ phục trên mũi ghe của má mà nghẹn ngào:

– Chị Hai ơi, chị Hai đừng đi! Đất ruộng mất hết rồi, ở quê chỉ còn lại căn nhà với nền mộ. Chị Hai đánh em đi, chửi em đi, em sai rồi, lỗi là ở em. Chị Hai, đừng đi…

Mợ cũng quỳ xuống, ngọn đèn loe hoe khiến Út nhận ra khuôn mặt thím đã già nua, dáng người còm cõi, xơ xác:

– Chị Hai ơi, tha lỗi cho em.

Má lòng gang dạ sắt đến mấy cũng lần chần.

Đêm hôm đó, những người thân thương trong gia đình đã từng hận thù, ghét bỏ… lại gặp nhau trên dòng sông. Cuộc chuyện trò có sông khuya chứng kiến, có trăng vàng rọi sáng. Dưới ánh trăng, Út nhìn rõ thời gian đã bào mòn từng gương mặt, từng dáng hình. Chưa bao giờ Út thấy lòng mình ấm áp đến vậy, từ lúc Út với má dọn đồ đạc xuống ghe lang bạt kỳ hồ, sống trên sông nước mù khơi.

Đời sông như đời người. Sông đưa người đi và cũng chính sông đã đưa người trở về với những điều bình yên trong cuộc đời.

HOÀNG KHÁNH DUY. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *