Nói về việc có nên đi làm thêm khi đang còn là sinh viên, học sinh hay không thì cơ bản có ít nhất hai quan điểm trái chiều.
Một bên cho rằng nên đi làm thêm song song với việc đi học để có thêm những kinh nghiệm thực tiễn sau này có thể vững trãi hơn trong cuộc sống và công việc.
Song một bên khác lại cho rằng nên tập trung học để có thể trở nên xuất sắc trong lĩnh vực, kỹ năng mà mình học, sau đó đi làm mới dễ được thăng tiến.
Thật ra, bên nào cũng có lý, bên nào cũng có những con người bằng chứng sống đã làm được, nên nếu tranh luận thì tới sáng mai cũng chưa chắc xong và cũng chưa biết được bên nào đúng bên nào sai.
Nhưng rõ ràng, nếu nhìn kỹ hơn, quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai thực ra đâu có quan trọng, quan trọng hơn là kết quả cuối cùng mà một người đạt được.
Không cần biết một người theo quan điểm nào, tập trung học hay đi làm thêm song song với việc đi học thì kết quả cuối cùng người đó đạt được trong cuộc sống mới là thứ quan trọng.
Bạn có thể đi theo bất kỳ quan điểm nào, miễn sao tới cuối cùng bạn đạt được những kết quả tốt đẹp, đó mới là điều quan trọng.
Nói về việc đặt mục tiêu, cũng xuất hiện một số quan điểm trái chiều.
Có người cho rằng đặt mục tiêu sẽ giúp họ có thêm động lực và định hướng.
Nhưng cũng lại có người cho rằng, chính vì đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu mà nhiều người chỉ tập trung vào mục tiêu mà quên mất một số giá trị đạo đức hoặc gây nên một số hệ quả không mong muốn như là vì theo đuổi mục tiêu tiến độ sản xuất mà nhiều doanh nghiệp đã vô tình tạo ra những sản phẩm dễ bị lỗi hoặc không thực sự an toàn cho người dùng…
Nhưng lại một lần nữa nhìn kỹ hơn, rõ ràng đặt mục tiêu hay không đặt mục tiêu cũng có gì thực sự quan trọng chứ, kết quả cuối cùng vẫn có ý nghĩa hơn.
Nếu bạn đặt mục tiêu mà không thực hiện được mục tiêu thì cũng có nghĩa lý gì.
Ngược lại, nếu bạn không đặt mục tiêu nhưng cuối cùng vẫn đạt được điều mình muốn thì cũng có gì là không được cơ chứ.
Đôi khi kết quả cuối cùng mới quan trọng, còn quan điểm hay con đường bạn đi đúng bao nhiều phần, sai bao nhiêu phần có gì là quan trọng chứ.
Miễn sao con đường bạn đi, hành động bạn làm không phi pháp hại người và không hổ thẹn thì kết quả cuối cùng đôi khi vẫn luôn quan trọng hơn.
Là một người thường xuyên viết lách chia sẻ những kinh nghiệm, quan điểm, hiểu biết của bản thân cho người khác, tôi thường phải đứng trước những lời bình phẩm, quan điểm, kinh nghiệm và hiểu biết của tôi sai thế này, đúng thế kia…
Nhưng rõ ràng, nếu nhìn kỹ hơn thì quan điểm, kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi sai cỡ nào, đúng bao nhiêu có gì là thực sự quan trọng chứ.
Điều quan trong hơn vẫn là kết quả cuối cùng mà tôi và đồng đội của tôi tạo ra được.
Thật ra, bài này không dùng để biện luận cho câu hỏi có nên đi làm thêm khi còn là sinh viên, học sinh hay không và cũng chẳng dùng để phân tích xem việc đặt mục tiêu có tốt hay không, chỉ đơn giản bài này gửi đến những con người chia sẻ giá trị cho người khác bằng tri thức, bằng hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân.
Đã làm trong nghề liên quan đến chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm…thì chắc chắn sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị người khác bình phẩm tệ thế này, tốt thế nọ…
Vậy nên mỗi lần bị chỉ chích, hãy luôn tự động viên bản thân rằng:
“Quan điểm đúng sai đôi khi không quan trọng, quan trọng hơn là kết quả cuối cùng mà bạn có thể tạo ra”
Dĩ nhiên, đôi khi cũng nên để tâm đến những quan điểm, đóng góp của người khác.
“By Tinsone”
30P_Me