ĐÔI ĐIỀU VỀ CÁI CHẾT CỦA LÊ THÁNH TÔNG

ĐÔI ĐIỀU VỀ CÁI CHẾT CỦA LÊ THÁNH TÔNG

(Tạ Chí Đại Trường)

Sử quan Vũ Quỳnh, người chứng đương thời, nói rõ: “Trường Lạc hoàng hậu (1441-1505) bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn giấu thuốc độc trong tay mà sờ đến chỗ lở, bệnh vua do vậy mới càng thêm nặng”. Nhà nho ít lời nhưng vẫn nhiều ý. Thánh Tông không chết vì vợ bởi vì nếu thật như vậy thì tuyệt dòng Nguyễn Đức Trung, có người cho là tổ ông Bảo Đại nhiều thăng trầm trong tình thế đầy xuôi ngược ngày nay. Nhưng cái ghen của bà hoàng thì đã thấy rõ. Ghen thấy qua sự kiện “bị giam ở cung khác”, ghen thấy qua lời đoán mò của sử quan. Nhưng quan trọng đối với chúng ta hơn, là căn bệnh của nhà vua.

Vua bị thương không phải vì chinh chiến. Đánh Chiêm Thành khải hoàn, vua thấy có mẹ, con đón rước, “thay áo, lên thuyền rồi về hành điện”, lành lặn. Mùa đông, tháng 11âl. (1496), “vua không khỏe”, còn gượng làm thơ khoe rằng “Dù Lý (Bạch), Đỗ (Phủ), Âu (Dương Tu), Tô (Đông Pha) sống lại vị tất đã làm nổi, chỉ có ta làm được”. Thế mà chỉ hơn hai tháng sau, vua ốm nặng một ngày rồi băng, “gươm thần, ấn thần đều biến mất”, chỉ còn lại bài thơ và mối hoài nghi người sau không dám nói. Thái tử lên ngôi, cho biết vua cha bị bệnh phong thũng. “Phong thũng” theo cách hiểu thông thường, và của cả y sinh ngày xưa, là chỉ hiện trạng bệnh lở lói, cùi hủi. Vua không bị chiến thương như đã nói, mà sử quan đã có lời mào đầu là vua mắc bệnh nặng “vì nhiều phi tần quá”, vậy thì Thánh Tông đã mắc “bệnh xã hội”. Vua bị lở lói ở chỗ đó, hay khắp mình mẩy vì giang mai ở thời kỳ cuối?

Cổ Ai Cập đã biết đến bệnh giang mai. Trung Quốc chậm hơn, mãi đến thế kỷ VII, VIII mới bắt đầu biết vài căn “bệnh xã hội” là do giao hợp mà ra. Đầu thế kỷ XVI, y học Minh nhận ra bệnh giang mai và cảnh giác dân chứng về việc giao hợp với gái làng chơi (Sex…, tr. 193). Y giới Tây phương, trước khi biết đến loại kháng sinh, đã chữa bệnh giang mai bằng hợp chất thủy ngân, arsenic; y giới Đông cũng chữa bằng thạch tín (arsenic). Thái y viện đời Lê đã dùng vị mã tiền có chứa thạch tín chữa cho Thánh Tông chăng? Vì thế mới có ghi nhận Trường Lạc hoàng hậu bôi “thuốc độc” (thạch tín) cho vua?

Vấn đề đặt ra là Thánh Tông mắc bệnh (có thể là) giang mai từ đâu? Ông vua không cần đi ra ngoài dân gian tìm thú vui, mà bắt con gái vào cung cho mình hưởng. Mỹ nữ các quan chọn cho vua hẳn phải lành lặn, “tinh khiết”. Nhưng có một nguồn cung cấp gái phức tạp hơn: các tù binh, và hẳn chắc chắn hiện diện nhiều, là tù binh Chàm. Thời Lê sơ thương nghiệp đã rộng như ta nói, nhưng không đến mức phát triển theo đà phồn tạp sôi nổi bên ngoài. Gốc rừng núi của Lê đã khiến họ không theo kịp với tình thế. Và hình như sự co lại của nhà Minh cũng có ảnh hưởng đến cách ứng xử với người ngoại quốc của Lê. Các quan gồng gánh mua bán chỉ những lúc đi sứ Trung Quốc, và Lê bị sứ thần thiên triều ép mua hàng cao giá, còn người hải đảo, người lục địa phía tây vẫn thường bị từ chối. Trong lúc đó thì sự giao tiếp với vùng hải đảo, với bên ngoài của Chiêm Thành có liên hệ từ rất xưa trong khối chung văn hóa Ấn, rồi Hồi giáo. Cơ chế chính quyền lỏng lẻo, rồi qua những hồi tan rã của hệ thống Chiêm Thành khiến việc giao thương với bên ngoài đại dương không gặp trở ngại nhiều. Thủy thủ vẫn là tác nhân chuyển bệnh xã hội của mọi thời đại, nơi chốn. Căn bệnh có tên “giang (dương) mai” qua truyền thuyết ảnh hưởng từ Trung Quốc là do Dương quý phi và Mai Uyển (?) gây tác hại cho đời sau, nhưng tên gọi thông thường ngày nay vẫn là “tim la”. Đó là chứng cớ nguyên gốc Đàng Trong, phát xuất qua giao thương mặt biển vì tim la rõ ràng là từ chữ Tiêm/Xiêm La, Thái Lan ngày nay. Tất nhiên nữ tù binh Chàm của Lê Thánh Tông cũng không phải là thứ đứng-đường, nhưng trong biến động nước mất nhà tan, sao khỏi có người sa sẩy trong buông thả? – và vẫn còn sắc đẹp cho ông vua chú ý tới. Người đẹp lại là tác nhân thu hút bệnh nhiều hơn người xấu. Lớp tù binh Chàm 1471 hai năm sau khi Thánh Tông mất (1497) còn được thấy “thân vương” Lê ưa chuộng thì trong thời gian còn sống, sao không có người lọt vào mắt xanh ông vua? Thời gian từ sau 1471 hay của những chuyến viễn chinh sau đó, đến khi ông mất là đủ dài cho sự ủ bệnh và phát triển đến độ “lở lói” cuối cùng, đưa ông vua sáng giá nhất Đại Việt về nơi yên nghỉ.

Căn bệnh của ông vua thời thịnh trị có tác động gì đến sự tàn tạ của triều đại về sau? Tất nhiên không có cách nào tìm chứng cớ ở sử quan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *