ĐỘC LẬP NHƯNG ĐỪNG ĐỂ BỊ CÔ LẬP

Khi đưa bản ngã ra để đối phó với những vấn đề của chính mình nói riêng và cuộc sống nói chung, con người thường dễ rơi vào tình trạng tự cô lập bản thân, đặc biệt là khi hoàn cảnh ấy không đáp ứng mong cầu và ý muốn chủ quan của họ. Thế nhưng, với một người luôn giữ vững thái độ sẵn sàng đón nhận nghịch cảnh, thì họ lại trở nên độc lập và tự do khỏi nghịch cảnh ấy. 

Văn phòng nọ vừa bổ nhiệm một giám đốc marketing mới. Nhân viên A cảm thấy vô cùng vui mừng khi thoát được người sếp cũ khó tính và keo kiệt. Thế nhưng, tránh được vỏ dưa lại trượt phải vỏ chuối, sếp mới lại tỏ ra là một người vô cùng độc đoán và kiêu hãnh quá đà, khiến cơn sân bên trong cậu ta sôi trào sùng sục, đặc biệt là khi đối thoại với sếp. Biết mình là cấp dưới chẳng thể làm gì, cậu ta kìm nén cơn giận dữ sâu bên trong, càng ngày càng trở nên tự cô lập hơn. Đến công ty, cậu chủ yếu hoàn thành cho xong nhiệm vụ, sếp bảo gì thì làm nấy như “buông xuôi theo hoàn cảnh” chứ cũng chẳng có động lực để đóng góp thêm ý kiến hay sự sáng tạo mới mẻ nào. Dần dà, cậu thấy bản thân mình như trở nên vô nghĩa giữa bao người, và không biết rằng mình đã vận hành như một cái máy bấy lâu nay. 

Khi bản ngã không tìm thấy sự sẻ chia và đồng thuận bên ngoài, nó thường có xu hướng tự cô lập, và tự xây dựng nên một “cung điện ẩn náu” khỏi mọi rắc rối và phiền toái. Nó giữ sâu bên trong mình cơn sân hận, và cả sự khinh ghét những kẻ mà nó nghĩ rằng đã đem đến đau khổ cho nó. Những người tự cô lập mình cũng thường tạo ra ranh giới yêu – ghét quá rõ ràng, để từ đó đưa ra những chọn lựa dựa trên cái tôi lớn. Cho đến một lúc, họ mặc kệ mọi thứ diễn ra ra sao thì ra, nhưng bên trong họ lại chẳng có một chút thảnh thơi và tự tại nào. Họ đang tự dằn vặt chính mình. 

Một trong những bài học lớn nhất của con người trong các mối quan hệ là độc lập. Độc lập chứ không phải cô lập. Cô lập là tự thu mình theo tạo tác của bản ngã, độc lập là thái độ biết mình và trong sáng trong các sự tương giao. Chẳng hạn, nếu trường hợp trên, cậu nhân viên không kỳ vọng hay đặt nặng vấn đề sếp mình là một người phải theo hình mẫu như thế nào, thì chắc chắn cậu ta sẽ không cảm thấy thất vọng. Khi có sự sẵn sàng đón nhận, cậu ta biết bản thân chỉ cần sống và làm việc đúng tốt, còn lại mọi thứ cứ để pháp tự vận hành. Nhưng chỉ vì mong cầu một người sếp theo ý mình, và gặp phải một người sếp không như mong muốn, mà cậu ta dễ nổi cơn sân, rồi từ đó tự cô lập bản thân trong sự giận dữ và ghét bỏ đó. 

Nhiều người thường quan niệm rằng sống là phải biết vượt qua chướng ngại, nhưng không hoàn toàn đúng. Chính xác phải là vượt qua được cái bản ngã tự thêu dệt nên chướng ngại ấy. Như câu chuyện trên, vấn đề không nằm ở người sếp, mà nằm ở bản ngã tự tạo ra chướng ngại của cậu nhân viên. Nếu thái độ của cậu ta là hoàn toàn trong sáng tự nhiên, thì đâu có vấn đề gì. Hơn thế nữa, hoàn cảnh khó khăn ấy còn là lửa thử vàng để cậu ta trở nên nhẫn nại hơn, độc lập hơn, biết lắng nghe và thấu hiểu hơn trong môi trường làm việc. 

Trang Ps 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *