Trong thời buổi mà chỉ cần một máy tính hay smartphone nối mạng thì mỗi người đã có thể trở thành nguồn tin, làm sao để tự đánh giá thông tin? Ở một số nơi trên thế giới, giới trẻ đang được học kỹ năng sàng lọc này. Bài viết dưới đây của tác giả Lâm Vị Quân, đang theo học ngành public relations (quan hệ công chúng) tại University of Texas at Arlington, bang Texas (Hoa Kỳ).
Một môn học được cho là có ích cho giới trẻ Mỹ trong thời truyền thông xã hội là “media literacy”, có thể tạm dịch thành “thông hiểu truyền thông”, bao gồm các kỹ năng tiếp cận, đánh giá, phân tích và tạo ra các thông điệp. Dẫu từ “literacy” có nghĩa là khả năng đọc và viết, nhưng với truyền thông, “biết đọc” vẫn là chưa đủ. Một đứa trẻ học hết lớp 3 đã có thể đọc nhuần nhuyễn các status trên Facebook.
Nhưng “hiểu” được truyền thông là một việc khó, đòi hỏi sự rèn luyện và tỉnh táo không ngừng. Chỉ cần một giây quên đặt câu hỏi, một người lão luyện với sóng gió của truyền thông cũng có thể trở nên ngờ nghệch như cô bé cấp III tin rằng vắt chanh vào chỗ kín sau khi quan hệ có thể ngừa thai, dựa theo một bài đăng trên diễn đàn nào đó!
Dĩ nhiên những người thành thục “media literacy” còn phải nắm vững cách tạo ra và truyền tải thông điệp một cách hiệu quả. Nhưng trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập việc sử dụng “media literacy” để hiểu hơn về truyền thông, tránh việc bị cuốn theo các luồng thông tin.
NHỮNG NGUỒN ẨN DANH
Những học sinh tham dự các cuộc thi ngữ văn đều biết rõ bí quyết này: nếu không nhớ được bất kỳ câu nói hay nào từ một người nổi tiếng, hãy viết “Ai đó từng nói…”. Cụm từ này khiến bài viết trở nên có trọng lượng hơn, thể hiện sự nghiên cứu, kiến thức của người viết, nhưng không đòi hỏi tính chính xác cao.
Ở một số đại học Mỹ như tại University of Texas at Arlington, môn media literacy chưa có trong chương trình chính thức nhưng được lồng ghép trong hầu hết môn học khác của khoa truyền thông. Thậm chí ở những lớp tiếng Anh đại cương, vốn dành cho sinh viên toàn trường, việc phân tích, “đọc vị” những văn bản, bài phát biểu… dựa trên các kỹ thuật cơ bản cũng thường xuyên xuất hiện trong chương trình.
Trong môn English Composition II (là môn đại cương), giáo viên yêu cầu sinh viên theo dõi những bài phát biểu của các nhân vật nổi tiếng về một vấn đề xã hội. Sau đó sinh viên phải phân tích đâu là yếu tố ethos (các chi tiết tạo độ tin cậy cho diễn giả), pathos (các chi tiết gây đồng cảm nơi người nghe) và logos (các chi tiết lập luận logic). Ba yếu tố này được gọi là những chiến lược tu từ (rhetorical strategies) mà người tạo ra thông điệp truyền thông dùng để thu hút người tiếp nhận.
Đặc biệt, hai giáo viên báo chí của University of Texas at Arlington, Kim Pewitt Jones và Marti Harvey đều là những người từng làm ở các vị trí rất cao liên quan đến public relations, và cả hai rốt cuộc đều bỏ nghiệp public relations để theo đuổi ngành báo chí (hai ngành này có liên quan rất mật thiết, sinh viên của môn này đều phải học những lớp của môn kia). Cô Kim Pewitt Jones còn nói trước cả lớp: “Một vài người không thể chịu được những mánh khóe của PR. Nó tác động đến mọi người, mọi lúc, mọi nơi”.
Trong lớp báo chí, một trong những nguyên tắc tiên quyết chúng tôi được yêu cầu tuân thủ là: khi trích phát biểu của một ai đó, chỉ được dùng từ “nói”. Ví dụ: Ông A. nói rằng: “Chúng tôi sẽ cố gắng”. Kể cả khi phải lặp từ liên tục cũng không được dùng những từ khác như “trần tình”, “hi vọng”, “cho rằng”, “nghĩ”… Việc này giúp người đọc không bị cách dùng từ của người viết ảnh hưởng.
Những thông tin từ nguồn ẩn danh cũng thế. Cách đây không lâu, trò lừa đảo phổ biến trên trang xã hội Facebook nhằm “hack” tiền nạp thẻ Viettel luôn bắt đầu bằng câu: “Mình có ông chú làm Viettel…” trong comment, sau đó là hướng dẫn cách nạp tiền… cho chủ comment. Cách hành văn trẻ trung, tự nhiên cùng với nguồn “đáng tin” – ông chú Viettel – đã khiến nhiều người mắc bẫy.
Khi căn bệnh Ebola bùng phát và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, N.TT (sinh năm 1984) đã đăng lên Facebook của mình việc Hà Nội đã có người nhiễm Ebola đầu tiên. Ngày 11-8, V.H.T. (1991) đã dựa trên status và comment của T. để “xào” thành một status khác với nội dung tương tự, đăng lên Facebook của mình. T. lấy lý do đây là thông tin nội bộ nên chưa tiết lộ ra ngoài. Thông tin này đã gây hoang mang lớn trong cộng đồng mạng. Ngày 13-8, cơ quan an ninh đã mời hai người dùng Facebook này lên làm việc.
Với trò lừa đảo “ông chú Viettel” kể trên, nhiều bạn tỉnh táo vẫn có thể tránh khỏi khi nhìn thấy yếu tố lợi nhuận trong đó. Còn những trường hợp như tin đồn Ebola này, người tiếp nhận thông tin dễ dàng bị lừa khi người phát tán thông tin không có vẻ gì sẽ có lợi từ việc lan truyền. Đặc biệt trong những tình huống nhạy cảm, khẩn cấp, họ càng sốt sắng chia sẻ thông tin với suy nghĩ “cẩn tắc vô áy náy,” không có thật cũng chả sao.
Tin đồn Ebola dễ dàng thu hút các cơ quan chức năng điều tra bởi tính nhạy cảm, nguy hiểm và độ phát tán của nó. Nhưng những thông tin nói xấu, đồn đại khác với quy mô nhỏ hơn, hoặc tinh vi hơn, ai sẽ “giải oan” cho các chủ thể bị đưa tin?
Thậm chí trong những bản tin trên các trang tin tức, người đọc có thể dễ dàng đọc được những dòng như: “bạn M.N. nói…”, “một hàng xóm của hung thủ cho biết…”, hoặc “Facebook Thỏ Con Đáng Yêu khẳng định…”. Dẫu nghe có vẻ đáng tin, nhưng rốt cuộc chẳng ai biết bạn M.N., người hàng xóm hay Thỏ Con Đáng Yêu thật sự là những ai.
NHỮNG TRANG ĐĂNG LẠI THÔNG TIN
Thuật ngữ tiếng Anh gọi những trang này là “news aggregator” – thu thập và đăng tải lại bài viết từ những trang báo khác. Những trang news aggregator luôn không được xem trọng bằng những trang nguyên gốc. Trong những bài luận, nghiên cứu…, người viết thường tránh sử dụng trích dẫn từ những trang như thế, thay vào đó họ sẽ cố gắng tìm bài viết được đăng trên trang gốc. Lý do không có gì lạ: những trang news aggregator thường không có trách nhiệm cao đối với thông tin được đăng. Nếu họ bị kiện vì một nội dung thiếu chính xác, họ chỉ việc đổ tội lên trang báo gốc.
Ở Việt Nam, số lượng các trang news aggregator hoặc sử dụng hình thức của news aggregator ngày càng tăng. Việc chưa có sự phân định, xếp loại rạch ròi giữa hai hình thức này dễ dẫn đến việc người đọc đặt nhầm lòng tin của mình, gây hại cho nhiều đối tượng. Chúng ta đã có những “chuột trong hủ tiếu gõ”, “cấm phụ nữ trên 33 tuổi mang thai”, hay vô đạo đức hơn là chuyện “ba chồng nàng dâu quan hệ mắc lẹo”. Chuyện nào cũng có “nhân chứng”: “chuột trong hủ tiếu gõ” do công an vô tình phát hiện trong lúc bắt cướp, “ba chồng nàng dâu” thì không thiếu những người hàng xóm ẩn danh xác nhận… Có chuyện còn trở thành hẳn một loạt dài kỳ, công phu, chi tiết nào cũng có, ngoại trừ sự thật.
ĐÁNH GIÁ DỰA TRÊN CÁCH ĐƯA TIN
Người đọc đối mặt với quá nhiều thông tin nhưng có quá ít thời gian. Không ít nguồn tin đã tận dụng yếu tố này để tăng lượt pageview, tăng độ “viral” bằng những tiêu đề gây sốc. Họ không đưa thông tin sai. Họ chỉ lợi dụng để những người đọc ngờ nghệch hoặc những người cũng muốn thu hút sự chú ý hăng hái chia sẻ tràn lan các link của mình.
Điển hình nhất là việc đặt tính từ ở đầu tiêu đề, dùng những danh từ mạnh hoặc những từ nhạy cảm nhưng lấp lửng: “Nghi án cầu thủ gian lận tuổi…”, “Đắng lòng nam thanh niên tự vẫn”, “Thảm họa hát nhạc chế”…
Dù nội dung buồn hay vui, tích cực hay tiêu cực, việc đặt tính từ lên đầu một tiêu đề vẫn tạo cảm giác sinh động hơn, gây chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, văn phong báo chí yêu cầu tính chính xác cao, ngắn gọn, súc tích, hạn chế tối thiểu dùng tính từ. Việc dùng tính từ tuy không sai nhưng với mức độ tràn lan, mật độ dày đặc của chúng trên các mặt báo hiện nay, thật khó để tin rằng chẳng có gì sai ở đây.
Một nạn nhân khác của những tiêu đề bị bóp méo là các nhân vật nổi tiếng trong những bài phỏng vấn. Chỉ cần một vài chỗ cắt xén, ghép nối, nội dung phát biểu có thể bị thay đổi rất nhiều. Trong khi đó, nhiều người đọc lại không hề quan tâm. Chỉ cần thấy rằng nhân vật đã “phát biểu” một câu có vẻ “gây sốc”, “ngớ ngẩn”, “kiêu căng” đã đủ cho họ copy link bài và share lại trên trang cá nhân của mình cùng một vài lời chê bai. Họ thậm chí không dành ra 3 phút để đọc lướt qua bài báo.
Những từ nhạy cảm nhưng lấp lửng, chẳng hạn như “nghi án”, lại có khả năng “bao che” cho nguồn tin trong trường hợp thông tin họ đưa thiếu chính xác. Bằng lập luận “chúng tôi không khẳng định gì cả, đây chỉ là nghi ngờ”, họ có thể phủi sạch trách nhiệm.
Khi chia sẻ lại một thông tin giật gân nào đó, hãy dừng một giây để nghĩ về cách mà người đưa tin xử lý thông tin của mình. Kể cả đó là sự thật, nó vẫn không đáng để được phát tán nếu họ đưa tin theo lối giật gân, câu khách. Bởi lẽ sự thật khi đi qua cách xử lý giật gân chắc chắn sẽ bị bóp méo đi nhiều phần.
Những người làm truyền thông hiểu hơn ai hết việc sử dụng ngôn từ có lợi nhất cho mình. Và người đọc nên tìm cách nhìn xa hơn những gì họ đọc được trong câu chữ.
KHÔNG NGỪNG ĐẶT CÂU HỎI
Nghi ngờ, chất vấn là một hoạt động không dễ dàng, thậm chí mệt mỏi. Những nguồn tin thiếu chính xác đã lợi dụng điều này để phát tán khắp nơi. Nhưng chỉ có việc đặt câu hỏi không ngừng mới cải thiện được kỹ năng “hiểu truyền thông” của người đọc.
Nếu việc đặt câu hỏi đòi hỏi quá nhiều thời gian và tâm trí, ít nhất một người đọc cẩn trọng cũng có thể hạn chế tiếp tay cho những nguồn tin vô trách nhiệm. Nếu không quan tâm nhiều thì không nên chia sẻ. Nếu chỉ đọc tiêu đề thì không nên đăng lại trên trang của mình. Một người đọc có hiểu biết là người biết cách đọc nhiều hơn những gì câu chữ nhắc đến, và đơn giản hơn, biết từ chối khi không đủ sức đặt câu hỏi nghi ngờ.