Ẩm thực Hà Nội là một trong những điểm hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài, bởi Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực của ba vùng miền Bắc, Trung, Nam với những món ăn tiến vua, đặc sản tới món bình dân, đường phố, những thức quà sáng, chiều rất đa dạng, phong phú và hấp dẫn.
Đặc biệt Hà Nội còn có những món ăn gia truyền, đặt tên thương hiệu khá ngộ nghĩnh như bún ốc bà Thoa ở Kim Mã Thượng; Bún chả que bà Nga ở ngõ chợ Đồng Xuân; Cháo gà bà Mỹ ở phố Nhà Chung; Quán chè thập cẩm 1976 bà Dung; Bún ốc chả nem bà Bẩy Đang…
Ẩm thực Hà Nội: Bún ốc bà Thoa
Quán bún ốc bà Thoa địa chỉ số 19 Kim Mã Thượng, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là quán bún ốc mang đậm hương vị truyền thống, giữ gìn vị ngon của bún ốc xưa. Tuy nhiên, cũng như nhiều quán bún ốc khác, quán bún ốc bà Thoa có thêm nhiều loại topping từ bò, giò, ốc đến đậu, mỡ hành khiến cho bát bún ốc đầy đặn, nhìn trông bắt mắt.
Ngoài ra, với những người thích ăn mắm tôm thì có thể bỏ thêm mắm tôm vào bát, khiến bát bún ốc dậy mùi thơm hấp dẫn. Vị thơm và đậm đà của mắm, kết hợp cùng nước dùng đủ vị chua, cay, mặn, ngọt thanh thanh, càng ăn càng thấy ngon. Đặc biệt, sự góp mặt của hành phi vàng giòn và tóp mỡ càng giúp cho tô bún thêm ngon chuẩn bị.
Ẩm thực Hà Nội: Bún ốc chả nem bà Bẩy Đang
Một trong những quán bún ốc ngon ở Hà Nội được cả khách Việt lẫn khách quốc tế yêu thích là quán bún ốc bà Bẩy Đang. Đây là một quán bún nhỏ, nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ ở số 31 Võ Chí Công, Nghĩa Đô, Cầu Giấy.
Tuy quán nhỏ nhưng những gì mà thực khách dùng để khen quán bún ốc này. Bởi món bún ốc, bún chả của quán được chế biến với hương vị thơm ngon, đặc trưng mà không phải hàng quán nào cũng có được.
Hai món chính của quán là bún chả và bún ốc. Trong đó, bún ốc nổi tiếng với nước dùng ngọt thanh tự nhiên, ốc tươi ngon và dai sần sật. Món bún chả cũng ngon chẳng kém với thịt nướng trên than hoa dậy mùi cùng bình giấm tỏi thơm lừng, nước trong vắt.
Ẩm thực Hà Nội: Cháo gà bà Mỹ
Cháo gà bà Mỹ được bán hơn 20 năm và đã trở thành thương hiệu, món ăn yêu thích của người dân Hà Nội và du khách. Nhiều du khách khi đến đây ăn đã bị “nghiện” và trở thành khách hàng quen thuộc.
Bát cháo gà bà Mỹ cũng không có gì đặc biệt, ngoài thịt gà, tuy nhiên bát cháo ở đây có độ sánh, vị ngọt tự nhiên. Thịt gà ngọt, thơm.
Bà Mỹ từng chia sẻ, nấu cháo không khó, nhưng để có bát cháo ngon phải chịu khó đầu tư thời gian, từ quy trình chọn gạo đến lúc múc cháo. Gạo nấu cháo phải là gạo ngon, thêm chút gạo nếp cho thơm và có độ sánh, không nên cho nhiều vì cháo dễ vữa nếu không ăn ngay. Cháo được nấu từ hạt gạo nguyên, không giã, nấu đến thật nhừ nên nước cháo lềnh lên vì nhựa, không đặc quánh như dạng cháo bột.
Theo bà Mỹ, để làm nên món cháo gà ngon trước hết là khâu chọn gà, đó phải là những con gà thả vườn. Những con gà bà mua phải được nuôi thả trong vườn hoặc đồi núi. Bà không dùng gà tơ để làm món cháo, gà tơ ăn rất ngon nhưng thịt gà thường nhạt và rất mềm.
Bà chọn loại gà mái vừa đẻ trứng lần đầu, có màu da vàng ươm và giòn. Lựa chọn được gà ngon cũng không phải là chuyện dễ. Bà không giấu giếm cách làm để cho gà ngọt và dai, nhưng chắc không mấy hàng cháo làm được như vậy. Bí quyết nằm trong khâu luộc gà. Có gà ngon rồi phải luộc gà thật kỹ, nhưng không để gà nát, khi sôi vẫn phải đun lửa to tới khi nào hai đùi co lại hở xương, gà săn chắc để nguội là được.
Cháo gà bà Mỹ có ở hai địa chỉ số 7 Nhà Thờ và 47A Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ẩm thực Hà Nội: Bánh tôm bà Lan
Đầu ngõ chợ Đồng Xuân là hàng bánh tôm của bà Nguyễn Thị Lan. Bà Lan cho biết hàng bánh tôm của mình đã mở được 30 năm. Ngoài những con tôm tươi, bà Lan đặc biệt chú trọng tới phần vỏ bánh. Phần vỏ bánh được pha chế theo bí quyết riêng để khi chiên vàng, bánh sẽ không bị quá khô và luôn thơm ngon.
Khi ăn một miếng bánh, thực khách sẽ thấy độ giòn rụm trong miệng mà lại bùi bùi, ngọt ngọt không ngấy mỡ. Để chống ngấy, bánh tôm được ăn kèm bánh là nước chấm chua ngọt kèm đu đủ, rau sống.
Ẩm thực Hà Nội: Bún chả que tre bà Nga
Bún chả que tre ở chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm được bán từ rất lâu và truyền từ đời bà Nga sang con gái.
Bún chả que tre ở đây được làm rất công phu, cầu kỳ. Theo chị Hằng, con gái bà Nga, que tre để kẹp chả là cọc tre được chẻ nhỏ, ngâm nước cho hết mùi mới đem ra kẹp thịt. Mỗi một cặp que tre dùng xong, đều được bỏ đi, thay cặp mới nên không bị dính mùi thịt cũ lưu cữu.
Miếng chả băm ở đây cũng rất đặc trưng. Từng miếng hình chữ nhật được gói trong lá xương sông nhưng lại không hề có mùi hắc mà thơm dịu. Miếng thịt được chín vàng đều, không bị cháy vì khi nướng chủ quán phải lật chả đều tay trên bếp than. Một suất bún chả que tre gồm hai, ba miếng chả băm cuốn lá xương sông, thêm bốn, năm miếng chả miếng.
Ngoài bún chả que tre, quán bún chả chị Hằng còn có cả món bún ốc, ốc rất to, bày la liệt trên mẹt. Nem cua bể cũng được rán bày ngay trên bàn. Phía dưới chảo là bếp than hoa giữ nóng cho nem.
Ẩm thực Hà Nội: Chè thập cẩm 1976 bà Dung
Quán chè thập cẩm 1976 của bà Dung nằm trong con ngõ phố Trần Hưng Đạo, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo bà Dung, quán chè được mở từ năm 1976, truyền hai thế hệ, từ đời mẹ bà đến năm 1996 bà mới được tiếp quản.
Quán chè thập cẩm đúng như tên gọi, khi mỗi cốc chè có khoảng 18 loại nguyên liệu như đậu xanh, cốt dừa, hoa quả, cốm.
Chè được để vào trong những cốc lớn, phần nhân đầy gần miệng cốc, đặc biệt đẫm cốt dừa. Vị chè ngọt thanh, không gắt và hương vị của các nguyên liệu có sự hòa quyện, cân bằng.
Theo bà Dung, quán chè của bà có nét riêng, đặc biệt là những viên trân châu lớn với các hương vị chocolate, nho, đậu xanh, sen, vừng, dừa.
Bà Dung chia sẻ, mẹ bà là người Phú Yên nên các nguyên liệu được dùng trong cốc chè khác đôi chút so với miền bắc. Món chè đậu xanh cốt dừa là món đặc trưng với người miền trung, miền nam.
Ngoài ra, cốc chè ở đây còn có cốm xào cắt miếng, hoa quả theo mùa như xoài, sầu riêng cũng được bà Dung đảm bảo “là hàng tươi và chất lượng tốt” khiến nhiều du khách rất thích.
Quán cũng tặng kèm một cốc trà nhài miễn phí để thực khách không cảm thấy ngấy. Bà Dung nói thời mẹ mình còn quản lý, trà dùng kèm luôn được mẹ tự tay ướp. Sau này, do quá đông khách, bà Dung đổi sang trà mua sẵn để tiện hơn.
Tuy nhiên quán chè thập cẩm 1976 của bà Dung bán khá đắt, một cốc chè của bà Dung bán với giá 90.000 đồng.